Chú ý khi viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động
Để viết bài văn thuyết minh về quy tắc, luật lệ của một hoạt động hay trò chơi, các em cần chú ý:
1. Chú ý khi viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động
Để viết bài văn thuyết minh về quy tắc, luật lệ của một hoạt động hay trò chơi, các em cần chú ý:
- Xác định hoạt động hay trò chơi cần thuyết minh
- Tìm thông tin về hoạt động hay trò chơi đó ở các nguồn khác nhau; chọn lọc những thông tin quan trọng, tập trung vào các thông tin liên quan đến quy tắc, luật lệ của hoạt động hay trò chơi đã xác định
- Xác định bố cục của bài văn; lựa chọn trật tự sắp xếp các thông tin chính, chú ý làm nổi bật các thông tin về quy tắc, luật lệ của hoạt động hay trò chơi
- Xác định hình thức trình bày: chữ viết kèm theo hình vẽ hoặc tranh, ảnh để giới thiệu, minh học về quy tắc, luật lệ của hoạt động hay trò chơi
- Có thể trình bày bài văn bằng cách viết tay hoặc thiết kế trên máy vi tính
2. Ví dụ minh họa
Đề bài: Thuyết minh về trò chơi chuyền dân gian
Trong các trò chơi dân gian Việt Nam, trò chơi chuyền được rất nhiều bạn gái yêu thích. Ở đầu ngõ nhỏ, dưới bóng tre hay ở góc sân nhà, người ta thường thấy cảnh các bạn gái túm năm tụm ba, tóc buộc đuôi gà, cùng nhau đánh chuyền thoăn thoắt.
Tham gia trò chơi này thường có từ 2 đến 6 người, chơi theo cặp, cũng có khi chơi luân phiên từng người trong nhóm, hoặc chia các đội. Đồ chơi gồm có 10 que nhỏ gọi là que chuyền và một quả tròn nặng (Trước kia, quả chuyền thường là một thứ quả cây như quả bưởi nhỏ rụn lúc còn non, quả xà cừ, quả cà,… Ngày nay thường là quả bóng ten-nít). Người chơi tay cầm quả tung lên không trung, đồng thời nhặt que chuyền đã được rải sẵn dưới đất, kịp để bắt quả khi quả rơi xuống. Chơi từ bàn 1 đến bàn 10, người chơi vừa tung quả, nhặt tre chuyền vừa đọc những câu đồng dao phù hợp hợp với từng bàn.
Bàn 1 (mỗi lần tung quả lấy 1 que):
Cái mốt
Cái mai
Con trai
Con hến
Chăng tơ
Quả mơ
Quả mận
Con rận
Lên đôi
Bàn 2 (thường gọi là bàn đôi, mỗi lần tung quả lấy 2 que):
Đôi bánh trôi
Đôi bánh chay
Đôi bánh dày
Đôi bánh đa
Lên bàn đa
Bàn 3 (mỗi lần tung quả lấy 3 que, lần cuối lấy 1 que dư):
Ba lá đa
Ba lá đề
Ba thằng hề
Lên bàn tư
Bàn 4 (thường gọi là bàn tư, mỗi lần tung quả lấy 4 que, lần cuối lấy 2 que dư):
Tư củ từ
Tư củ khoai
Hai lên năm
Bàn 5 (mỗi lần tung quả lấy 5 que):
Năm em nằm
Năm lên sáu
Bàn 6 (lần đầu tung quả lấy 6 que, lần thứ hai tung quả lấy 4 que còn lại):
Sáu lẻ bốn
Bốn lên bảy
Các bàn 7,8,9 tương tự như bàn 6. Bàn 10 tung quả lấy cả 10 que. Hết bàn 10 thì tung quả và quay que chuyền bằng hai tay, chuyền một vòng, hai vòng hoặc ba vòng,… vừa chuyền vừa đọc: “Đầu quạ, quá giang, sang sông, trồng cây, ăn quả, nhả hột,…” khoảng 10 lần là hết một bàn chuyền vòng. Hết 10 bàn và chuyền vòng tính là một ván.
Khi đến lượt chuyền, nếu bạn nào không bắt được quả hay bắt que chuyền không đúng sẽ mất lượt. Đối phương sẽ được chơi. Có bạn chơi giỏi có thể chơi một lúc nhiều ván. Tính thắng thua bằng tỉ số hoàn thành các ván.
Chơi chuyền luyện sự khéo léo, nhanh tay, nhanh mắt, luyện cả khả năng tính toán trong phạm vi 10. Chơi chuyền còn gắn kết người chơi, củng cố tinh thần đồng đội. Trò chơi này đem đến cho các bạn sự vui vẻ, hòa động.
Hiện nay, chơi chuyền không còn phổ biến như trước. Các bạn nhỏ có thêm nhiều trò chơi khác, nhất là trò chơi công nghệ. Song, với tư cách là trò chơi thể hiện đậm nét một vẻ đẹp của văn hóa dân gian người Việt, chơi chuyền vẫn là “trò” thường có mặt trong các lễ hội và trong các hoạt động phát triển thể chất hoặc hướng tới mục đích lưu giữ bản sắc truyền thống.