Đề kiểm tra giữa học kì 2 Ngữ văn 12 - Đề số 16 có lời giải chi tiết — Không quảng cáo

Đề kiểm tra giữa học kì 2 - Lớp 12


Đề kiểm tra giữa học kì 2 Ngữ văn 12 - Đề số 16 có lời giải chi tiết

Tải về

Tải về đề thi và đáp án Tải về đề thi Tải về đáp án

Đề kiểm tra giữa học kì 2 Ngữ văn 12 - Đề số 16 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU:

Đọc kĩ văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Đa phần con người cho rằng chúng ta thường chỉ rơi lệ khi buồn bã. Khóc vì mất mát người thân hay vì những điều kỳ diệu đã qua đi là chuyện thường tình. Nhưng nước mắt còn được tìm thấy ở những giây phút hạnh phúc thuần khiết nhất. Giống như thời khắc xúc động của một người lính muốn làm người thân ngạc nhiên khi trở về nhà sau thời gian dài xa cách. Người ta thường nói rằng “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Nếu đúng vậy, thì nước mắt là tình yêu của tâm hồn ta. Có những giọt nước mắt chảy lặng lẽ, có những giọt nước mắt tuôn trào dữ dội. Nhưng dù chúng rơi theo cách nào, ta biết rằng chúng đang diễn tả những gì trái tim ta cảm nhận, để ta sống thật với lòng mình và sống thật với những người khác.

(Theo www.dkn.tv/doi-song/10-dieu-chan-thuc-dang-quy-nhat-trong-cuoc-doi)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: Theo tác giả, Chúng ta thường rơi lệ khi nào?

Câu 3: Anh chị hiểu như thế nào về nhận xét: nước mắt là tình yêu của tâm hồn?

Câu 4: Anh chị có đồng tình với ý kiến: Nhưng dù chúng rơi theo cách nào, ta biết rằng chúng đang diễn tả những gì trái tim ta cảm nhận, để ta sống thật với lòng mình và sống thật với những người khác không? Vì sao?

II. LÀM VĂN

Câu 1: Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của giọt nước mắt trong cuộc sống của mỗi người.

Câu 2:

Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị .

Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết. Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường. Mị từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường. Anh ném pao, em không bắt Em không yêu, quả pao rơi rồi...

(Trích Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, Nxb GD,2008, tr 7,8)

Phân tích sự hồi sinh của nhân vật Mị qua đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

Đáp án

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Phương pháp:

Vận dụng những kiến thức đã học về phương thức biểu đạt.

Lời giải chi tiết:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2: Theo tác giả, Chúng ta thường rơi lệ khi nào?

Phương pháp:

Đọc, tìm ý.

Lời giải chi tiết:

Theo tác giả, chúng ta thường khóc khi:

- Khi buồn bã, mất mát người thân.

- Khi những điều kỳ diệu qua đi.

- Khóc ở những giây phút hạnh phúc thuần khiết nhất.

Câu 3: Anh chị hiểu như thế nào về nhận xét: nước mắt là tình yêu của tâm hồn?

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Lời giải chi tiết:

Nhận xét: nước mắt là tình yêu của tâm hồn có thể hiểu:

- Giọt nước mắt chúng ta nhìn thấu tâm hồn của mình. (Biểu hiện của sự thấu hiểu và thương yêu bản thân)

- Khóc cũng là một cách để chia sẻ, kết nối những cảm xúc, tâm hồn trong cuộc sống. (Biểu hiện của sự thấu hiểu và thương yêu người khác).

Câu 4: Anh chị có đồng tình với ý kiến: Nhưng dù chúng rơi theo cách nào, ta biết rằng chúng đang diễn tả những gì trái tim ta cảm nhận, để ta sống thật với lòng mình và sống thật với những người khác không? Vì sao?

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Lời giải chi tiết:

* Đồng tình vì:

- Khi giọt nước mắt rơi chúng ta được là chính mình (không cần che giấu cảm xúc).

- Và cũng chính khi ấy, bản thân ta và mọi người có sự đồng cảm và xích lại gần nhau hơn.

* Không đồng tình vì: Nước mắt giả tạo, vì trục lợi, để đạt được mục đích cá nhân...

PHẦN II – LÀM VĂN ( 4 điểm)

Câu 1: Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của giọt nước mắt trong cuộc sống của mỗi người.

Phương pháp

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,...) để tạo lập một văn bản nghị luận xã hội.

Lời giải chi tiết

* Nêu vấn đề nghị luận: ý nghĩa giọt nước mắt trong cuộc sống của mỗi người.

* Phân tích, bàn luận:

- Giải thích: Giọt nước mắt là biểu hiện của một trạng thái xúc động trong tâm hồn mà con người bộc lộ ra bên ngoài.

- Bàn luận:

+ Ý nghĩa của giọt nước mắt: giúp con người bộc lộ những tâm tư cảm xúc còn đang ẩn giấu; cuốn trôi đi những ưu tư, muộn phiền; chia sẻ niềm vui hạnh phúc giúp người với người lại gần nhau hơn; là động lực giúp con người có thêm sức mạnh để vượt qua thử thách...

+ Phê phán: những giọt nước mắt giả tạo, hình thức; những con người yếu đuối chỉ biết khóc lóc, bất lực trước nghịch cảnh; những kẻ vô cảm không biết chia sẻ với nỗi đau của người khác...

* Bài học: Đừng cố gắng kìm nén, che giấu giọt nước mắt, hãy sống thật với con người của mình để mạnh mẽ hơn; biết rơi nước mắt vì những điều chính đáng, ý nghĩa; đừng để giọt nước mắt làm cho bản thân trở nên yếu đuối bi lụy...

Câu 2. Phân tích sự hồi sinh của nhân vật Mị qua đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.

Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập văn bản.

Lời giải chi tiết:

(*)Yêu cầu về hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không

mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

(*) Yêu cầu về nội dung:

a) Mở bài

- Giới thiệu tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

- Nêu vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp của nhân vật Mị trong đoạn trích, nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô

Hoài.

b) Thân bài:

* Về nội dung:

- Giới thiệu về nhân vật Mị và cuộc sống của Mị khi làm dâu trong nhà thống lí Pá Tra.

+ Cô gái có nhan sắc và phẩm chất tốt đẹp để xứng đáng được hưởng tình yêu hạnh phúc.

+ Mị bị bắt về làm dâu nhà Pá Tra vì món nợ truyền kiếp và bị đày đọa cả thể xác lẫn tinh thần.

+ Sự trỗi dậy sức sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân bởi sự tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan, nó biểu hiện ra thành những suy nghĩ nhận thức và hành động.

-Vẻ đẹp của nhân vật Mị trong đoạn trích.

+ Những yếu tố ngoại cảnh tác động tới sự hồi sinh của Mị: Cảnh Hồng Ngài bắt đầu vào xuân- cỏ gianh vàng ửng, gió rét dữ dội...; Cảnh các làng Mèo đỏ với những chiếc váy hoa đem phơi ở các mỏm đá, tiếng trẻ con nô đùa trước sân. Đặc biệt là âm thanh tiếng sáo ở đầu núi rủ bạn đi chơi...

+Tiếng sáo đã dẫn đến hành động Mị “nổi loạn”. Mị lén lấy hủ rượu uống ực từng bát một, uống như nuốt cay đắng, phẩn uất vào lòng. Cách uống rượu của Mị chứa đựng sự phản kháng.

+ Men rượu và hơi xuân khiến người đàn bà không còn liên hệ gì với cuộc sống, không còn liên hệ gì với quá khứ nay bỗng “lịm mặt ngồi đấy... nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước”.

+ Tiếng sáo đã đưa Mị từ thực tại trở về quá khứ: “Tai Mị vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Tiếng sáo đã làm thức tỉnh con người tâm linh trong Mị. Mị nhớ lại kỉ niệm đẹp ngày xưa, uống rượu bên bếp và thổi sáo, Mị thấy phơi phới trở lại, đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị ý thức được Mị vẫn trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi. Tiếng sáo đã đưa Mị từ cõi quên về cõi nhớ, đã dìu hồn Mị trở về với nỗi khao khát, yêu thương.

+ Thế nhưng, vẫn theo quán tính, Mị bước vào buồng, ngồi xuống giường, trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trắng trắng. Hình ảnh cái buồng kín chỉ có một cửa sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay cứ trở đi trở lại trong tác phẩm. Nó trở thành một nỗi ám ảnh, day dứt người đọc.

+ Ý thức về thực tại bi kịch, Mị đau đớn ê chề, tủi nhục: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa”. Mị muốn phản kháng lại hoàn cảnh, không chấp nhận cuộc sống trâu ngựa này nữa. Đó là khi sức sống tiềm tàng đã được đánh thức.

+ Khi đó, tiếng sáo lại xuất hiện đầy da diết, khắc khoải: tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường....Tiếng sáo của tình yêu tuổi trẻ lại thôi thúc Mị, dìu hồn Mị theo những đám chơi. Khát vọng sống mãnh liệt được đẩy lên đến cao độ bởi sự trỗi dậy của sức sống tiềm tàng. Mị đang sống trong nghịch lí giữa thân phận con dâu gạt nợ và khát vọng tình yêu mãnh liệt.

- Đánh giá: Đoạn văn miêu tả tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân thể hiện sức sống tiềm ẩn trong Mị và tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của Tô Hoài.

* Về nghệ thuật: Diễn biến tâm lí và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân của Mị được nhà văn khéo léo thể hiện bằng nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, tự nhiên, ngôn ngữ biểu cảm, đặc biệt; là nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật...Tất cả đã làm nổi bật vẻ đẹp của sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị.

* Nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.

- Khám phá, trân trọng, ngợi ca những khao khát tình yêu, hạnh phúc của con người, thể hiện niềm tin vào sức sống của con người không bị hủy diệt.

- Đồng thời lên án những thế lực tàn bạo chà đạp lên cuộc sống con người. Chính điều đó đã đem đến cho Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài những giá trị nhân đạo sâu sắc.

c. Kết bài:

Khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.


Cùng chủ đề:

Đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Văn lớp 12 - Đề số 1 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Văn lớp 12 - Đề số 2 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Văn lớp 12 - Đề số 3 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Văn lớp 12 - Đề số 4 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Văn lớp 12 - Đề số 5 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì 2 Ngữ văn 12 - Đề số 16 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì 2 Ngữ văn 12 - Đề số 17 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì 2 Ngữ văn 12 - Đề số 18 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì 2 Ngữ văn 12 - Đề số 19 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì 2 Ngữ văn 12 - Đề số 20 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì 2 Ngữ văn 12 có lời giải chi tiết