Đề kiểm tra giữa kì 1 Ngữ văn 10 - Đề số 17 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa kì 1 Ngữ văn 10 - Đề số 17 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề bài
I . Đ ỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Tôi luôn ngưỡng mộ những học sinh không chỉ học xuất sắc mà còn dành được nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Họ thường nắm giữ những vị trí quan trọng ở các câu lạc bộ trong trường và ngoài xã hội. Họ đạt điểm cao trong học tập, đi thi đấu thể thao cho trường, giữ chức chủ nhiệm trong các câu lạc bộ, và trên hết, họ là những thành viên tích cực trong Đoàn, Đội. Tôi luôn tự hỏi “làm thế nào mà họ có nhiều thời gian đến thế?”. Mặt khác, những học sinh kém đưa ra lí do họ nhận kết quả thi không tốt là do họ không có thời gian để ôn bài. Tuy nhiên, thực tế, những học sinh này lại thường không tích cực trong các hoạt động tập thể và ngoại khóa như những học sinh giỏi. Tại sao lại như vậy? Tất cả mọi người đều có 24 giờ một ngày. Thời gian là thứ tài sản mà ai cũng được chia đều. Cho dù bạn là một học sinh giỏi, một học sinh kém, tổng thống hay một người gác cổng, bạn cũng chỉ có cùng một lượng thời gian như nhau. Thời gian là thứ duy nhất mà chúng ta không thể mua được. Tuy nhiên, tại sao một người như tổng thống Mỹ lại có thời gian quản lí cả một quốc gia rộng lớn trong khi đó người gác cổng lại than phiền rằng ông ta không có thời gian để học? Sự khác biệt là do những người thành công trong cuộc sống biết cách quản lí thời gian. Chúng ta không thể thay đổi được thời gian nhưng có thể kiểm soát được cách chúng ta sử dụng nó. Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống.
( Tôi tài giỏi, bạn cũng thế , Adam Khoo, NXB Phụ nữ, 2013)
1. Nội dung chính của văn bản là gì?
2. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
3. Vì sao tác giả cho rằng: Thời gian là thứ duy nhất không thể mua được?
4. Hãy đề xuất hai giải pháp giúp mỗi người quản lí thời gian một cách hiệu quả.
5. Viết đoạn văn (từ 12 đến 15 dòng) với câu chủ đề: Lãng phí thời gian là lãng phí cuộc đời .
II. LÀM VĂN
Ở một bãi biển (tỉnh Thanh Hóa), người ta tìm thấy một phiến đá hình người cụt đầu. Nhân dân cho rằng đó là ngọc thạch do xác Mị Châu hóa thành nên đã “rước nàng” về đặt trong am thờ Mị Châu ở khu di tích Cổ Loa (Hà Nội ngày nay). Liên quan đến câu chuyện này, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết:
…Người dân nào xưa đưa em về đây
Như muốn nhắc một điều gì…
( Trước đá Mị Châu , Trần Đăng Khoa)
Theo anh/chị, qua kết cục bi thảm của Mị Châu trong truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy, tác giả dân gian muốn nhắc một điều gì với hậu thế?
-HẾT-
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU: |
Câu 1: Khi bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống. Câu 2: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận. Câu 3: - Thời gian là thứ tài sản mà tạo hóa đã chia đều cho mỗi người. - Không có thứ gì có thể khiến thời gian thay đổi. Một ngày không thể dài hơn 24 tiếng, một năm không thể nhiều hơn 365 ngày… Câu 4: Dự kiến một số tình huống trả lời: - Xác định rõ mục tiêu cuộc sống (ngắn hạn và dài hạn). - Lập kế hoạch cá nhân (thời gian biểu ngày, tuần, tháng…). - Hình thành thói quen ghi chép công việc cần làm theo thứ tự ưu tiên… Câu 5: * Yêu cầu về kĩ năng: - Biết cách viết đoạn văn; đoạn văn phải trích dẫn nguyên văn câu chủ đề; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả. - Đảm bảo dung lượng như yêu cầu đề. * Yêu cầu về kiến thức: - Giải thích: Câu nói nêu lên hậu quả của việc lãng phí thời gian. - Bàn luận: + Nếu biết tận dụng thời gian, con người sẽ tạo ra nhiều giá trị quan trọng, từ vật chất đến tinh thần, phục vụ cho cuộc sống của mình và cho xã hội. + Nếu lãng phí thời gian, nghĩa là ta đang lãng phí tất cả các giá trị vật chất lẫn tinh thần: tiền bạc, sức khỏe, thành công, hạnh phúc… + Hơn nữa, cuộc đời hữu hạn nên mỗi giây phút trôi qua là ta đang mất đi một phần đời của chính mình. - Bài học: Cần biết quý trọng thời gian và sử dụng thời gian một cách hiệu quả. |
II. LÀM VĂN: |
1 - Yêu cầu về kĩ năng: - Biết vận dụng kĩ năng viết văn bàn luận về một vấn đề - Đảm bảo một văn bản tự sự hoàn chỉnh có kết cấu chặt chẽ, bố cục 3 phần - Ngôn ngữ chọc lọc, trong sáng, diễn đạt lưu loát, các ý rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. - Bài viết được trình bày rõ ràng, cẩn thận. 2 - Yêu cầu về kiến thức: - Xác định đúng vấn đề nghị luận: Bài học nhân dân gửi gắm qua kết cục bi thảm của Mị Châu trong truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy . - Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. 3 - Hướng dẫn làm bài: 1. Mở bài - Giới thiệu ý thơ, tác phẩm, vấn đề cần bàn luận 2. Thân bài – Giới thiệu khái quát về nhân vật Mị Châu – Sự sai lầm của Mị Châu: + Mị Châu không chỉ là một người dân của đất nước Âu Lạc mà còn là một nàng công chúa, có vai trò quan trọng đối với cả quốc gia, nhưng nàng đã ngây thơ không cảnh giác, coi bí mật quốc gia như tài sản riêng của gia đình. Nàng cho Trọng Thuỷ xem nỏ thần, lại còn giảng giải cho y cách sử dụng nỏ. Hành động đó đã vô tình tiếp tay cho kẻ thù có thêm cơ hội thôn tính nước Âu Lạc. + Khi chiến tranh xảy ra, Mị Châu vẫn rắc lông ngỗng dọc đường chạy loạn. Một lần nữa Mị Châu đã vô tình chỉ dẫn cho quân giặc chạy theo, đưa hai cha con đến chỗ cùng đường tuyệt lộ. Nàng chỉ kịp nhận ra sự thật đau lòng trước lúc rơi đầu. – Nguyên nhân của sự sai lầm: sự thiếu cảnh giác của bản thân nàng. – Hậu quả của sự sai lầm: Dân tộc rơi vào chiến tranh, loạn lạc, nước mất, nhà tan. Nàng chết dưới lưỡi kiếm oan nghiệt của cha. – Thái độ của tác giả dân gian với sai lầm đó của Mị Châu: + Tác giả dân gian đã để thần Kim Quy hiện lên quát lớn “Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó”. Câu nói ấy cũng đồng thời là lời kết tội đanh thép của công lí, của nhân dân cho hành động vô tình mà phản quốc của Mị Châu. Đó cũng là bài học đắt giá về mối quan hệ giữa tình cảm cá nhân với trách nhiệm công dân. + Hình ảnh máu Mị Châu chảy xuống biển thành ngọc, xác của nàng biến thành ngọc thành là những yếu tố kì ảo, minh chứng cho tấm lòng trong trắng mà bị lừa dối của nàng. Hình ảnh đó phần nào thanh minh cho sự vô tình gây tội của Mị Châu và thể hiện thái độ cảm thông, thương xót, bao dung của nhân dân đối với nàng. - Mị Châu đã phải nhận một kết cục bi thảm: + Đất nước rơi vào tay giặc. + Tình yêu trở thành mối nhục thù. + Bản thân bị coi là giặc, phải chịu tội chết. - Qua kết cục bi thảm ấy, tác giả dân gian nhắn gửi hậu thế nhiều điều: + Bài học cảnh giác giữ nước. + Bài học về việc xử lí mối quan hệ riêng – chung. + Bài học về sự tỉnh táo, lí trí trong tình yêu. 3. Kết bài - Đánh giá: Những bài học được rút ra qua sai lầm của Mị Châu có ý nghĩa cho muôn đời. |