Đề kiểm tra giữa kì 1 Ngữ văn 10 - Đề số 18 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa kì 1 Ngữ văn 10 - Đề số 18 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề bài
I. Phần Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
- Con yêu mẹ bằng ông trời
Rộng lắm không bao giờ hết
- Thế thì làm sao con biết
Là trời có những đâu đâu
Trời rất rộng lại rất cao
Mẹ mong, bao giờ con tới!
- Con yêu mẹ bằng Hà Nội
Để nhớ mẹ con đi tìm
Từ phố này đến phố kia
Con sẽ gặp ngay được mẹ
- Hà Nội còn là rộng quá
Các đường như nhện giăng tơ
Nào những phố này phố kia
Gặp mẹ làm sao gặp hết […]
Tính mẹ cứ hay là nhớ
Lúc nào cũng muốn bên con
Nếu có cái gì gần hơn
Con yêu mẹ bằng cái đó
- À mẹ ơi có con dế
Luôn trong bao diêm con đây
Mở ra là con thấy ngay
Con yêu mẹ bằng con dế!
( Con yêu mẹ - Xuân Quỳnh)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản
Câu 2: Đoạn thơ thể hiện những so sánh hồn nhiên của đứa trẻ. Chỉ ra những so sánh đó.
Câu 3: Anh/chị nhận thấy những vẻ đẹp gì của người con trong văn bản?
Câu 4: Viết đoạn văn (khoảng 10 dòng) về giá trị của tình mẫu tử trong đời sống của mỗi con người.
II. Phần làm văn (7,0 điểm)
Bằng sự tưởng tượng của mình, anh/chị hãy hóa thân thành nhân vật Rùa Vàng kể lại theo ngôi thứ nhất hai lần gặp An Dương Vương trên đất Âu Lạc. Từ đó, nhận xét về vai trò của những yếu tố tưởng tượng, hư cấu trong truyền thuyết.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU |
Câu 1: - PTBĐ: biểu cảm Câu 2: Những so sánh hồn nhiên của đứa trẻ: tình yêu mẹ bằng/(như) "ông trời"… "Hà Nội"… "con dế" . Câu 3: Người con trong đoạn thơ đã thể hiện vẻ đẹp trong suy nghĩ và tình cảm: + Suy nghĩ đặc biệt khi thể hiện tình cảm dành cho mẹ: chọn những điều to lớn nhất để so sánh vì những thứ nhỏ bé (trong suy nghĩ của con) không thể bao chứa hết tình cảm dành cho mẹ, song những điều đó lớn quá thì cũng khó đạt tới vì thế cậu bé chỉ muốn lúc nào cũng ở bên mẹ nên so sánh ngộ nghĩnh cuối bài “con yêu mẹ bằng con dế”. + Tình cảm cao quý, trong sáng, hồn nhiên qua cái nhìn trẻ thơ, qua cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu mà đi sâu vào lòng người. Câu 4: Học sinh có thể có những suy nghĩ riêng song cần kiến giải hợp lý. Có thể tham khảo các ý sau: - Tình mẫu tử (cùng tình phụ tử) là tình cảm đẹp, thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi con người - Là tình cảm đầu tiên con người được tiếp xúc, đi cùng đến hết cuộc đời, giúp con người vượt qua những trở ngại cuộc sống,khơi dậy những giá trị cao cả, giúp con người trưởng thành. - Biết và thấu hiểu tình mẫu tử giúp con người sống tốt, có ý nghĩa. |
II. LÀM VĂN |
1. Yêu cầu về kĩ năng: - Biết vận dụng kĩ năng viết văn tự sự, kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm trong văn tự sự. - Đảm bảo một văn bản tự sự hòan chỉnh có kết cấu chặt chẽ, bố cục 3 phần - Ngôn ngữ chọn lọc, trong sáng, diễn đạt lưu loát, các ý rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. - Bài viết được trình bày rõ ràng, cẩn thận. 2. Yêu cầu về kiến thức: - Bài viết đảm bảo đúng trọng tâm yêu cầu đề, xác định đúng ngôi tự sự (ngôi thứ nhất, nhân vật Rùa Vàng tự kể). - Nhận xét ngắn gọn vai trò của những yếu tố tưởng tượng, hư cấu trong truyền thuyết, kết cấu ba phần đúng theo yêu cầu về bài viết làm văn. 3. Hướng dẫn làm bài 1. Mở bài - Giới thiệu câu chuyện, nhân vật kể chuyện. 2. Thân bài - Hình dung khung cảnh diễn ra sự việc, thời gian và không gian của cuộc gặp gỡ giữa Rùa Vàng và An Dương Vương. - Tái hiện diễn biến các sự việc và các chi tiết tiêu biểu: + Rùa Vàng xuất hiện từ phương đông như lời báo của cụ già, được An Dương Vương đón vào thành, giúp nhà vua xây thành, cho vuốt làm lẫy nỏ thần. + Rùa Vàng hiện ra sau lời cầu cứu của An Dương Vương, chỉ Mị Châu là giặc, đưa nhà vua đi xuống biển - Chọn cách kể phù hợp nhất: + Nhập thân vào Rùa Vàng, kể ở ngôi thứ nhất, xưng “tôi” hoặc “ta”. + Tưởng tượng những yếu tố hư cấu phù hợp với câu chuyện và chủ đề của truyện. + Lời kể phải tự nhiên, có yếu tố biểu cảm, được thể hiện qua cách miêu tả nhân vật, cảnh vật qua cách lồng cảm xúc, ý nghĩ của người kể (như suy nghĩ của Rùa Vàng khi thét lớn kết tội Mị Châu… 3. Kết bài - Nhận xét vai trò của những yếu tố tưởng tượng, hư cấu trong truyền thuyết: + Thiêng hóa sự kiện và nhân vật lịch sử. + Khiến truyền thuyết sinh động, hấp dẫn. + Góp phần lý giải, tô đậm lịch sử theo mong muốn của nhân dân. (Có thể sáng tạo khi kể nhưng vẫn phải đảm bảo cốt truyện và ngôn ngữ văn học; biết vận dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm, liên tưởng,.. để làm bài) |