Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 6 - Đề số 1 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 6 - Đề số 1 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề bài
Câu 1.
Nghĩa của từ là gì? Có mấy cách giải thích nghĩa của từ?
Câu 2.
Trong các từ xuân sau, từ xuân nào được dùng với nghĩa gốc, từ xuân nào được dùng với nghĩa chuyển?
Mùa xuân là tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
(Hồ Chí Minh)
Câu 3.
Kể tên 2 truyện truyền thuyết và 2 truyện cổ tích mà em đã học ở lớp 6.
Câu 4.
Em hãy nêu ý nghĩa của niêu cơm thần kì trong truyện cổ tích Thạch Sanh.
Câu 5.
Trong vai sứ giả, hãy kể lại truyền thuyết Thánh Gióng. Là học sinh hiện đang được học dưới mái trường tươi đẹp, được sống trong hòa bình, em làm gì để xây dựng và bảo vệ tổ quốc?
Lời giải chi tiết
Câu |
Nội dung |
1 |
Phương pháp: căn cứ nội dung bài Nghĩa của từ Cách giải: Nghĩa của từ là nội dung ( sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ...) mà từ biểu thị. Có 2 cách giải thích nghĩa của từ: - Trình bày khái niệm mà từ biểu thị. - Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích. |
2 |
Phương pháp: căn cứ nội dung bài Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ Cách giải: - Từ xuân trong câu Mùa xuân là tết trồng cây được dùng với nghĩa gốc, dùng để nói về một mùa trong năm. - Từ xuân trong câu Làm cho đất nước càng ngày càng xuân được dùng với nghĩa chuyển, dùng để nói về sức sống, sự phát triển của đất nước. |
3 |
Phương pháp: căn cứ nội dung các văn bản truyền thuyết, truyện cổ tích đã học trong chương trình Ngữ Văn 6 Cách giải: Kể tên đúng 2 truyện truyền thuyết. (VD Con rồng cháu tiên, Thánh Gióng) Kể tên đúng 2 truyện cổ tích. ( VD Thạch Sanh, Em bé thông minh) |
4 |
Phương pháp: căn cứ nội dung các văn bản Thạch Sanh, phân tích ý nghĩa chi tiết niêu cơm thần. Cách giải: Niêu cơm của Thạch Sanh thiết đãi quân 18 nước chư hầu ăn hết lại đầy, mang nhiều giá trị, ý nghĩa: - Khẳng định sự tài giỏi phi thường của Thạch Sanh khiến các nước chư hầu phải thán phục. - Tượng trưng cho tấm lòng nhân đạo, tư tưởng yêu hòa bình của nhân dân ta. - Thể hiện ước mơ của người dân lao động về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. - Chi tiết niêu cơm thần kì làm tăng sự li kì hấp dẫn cho câu chuyện. |
5 |
Phương pháp: căn cứ phương pháp làm bài văn tự sự, có sự kết hợp linh hoạt với các phương thức biểu đạt khác. Cách giải: Yêu cầu chung: - Học sinh kể theo ngôi thứ nhất trong vai sứ giả.. - Người kể được thay đổi thứ tự sự việc vì sứ giả xuất hiện sau và người kể đan xen bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. - Bài viết có bố cục rõ ràng Yêu cầu cụ thể: 1. Mở bài - Xây dựng tình huống để giới thiệu vai người kể (sứ giả) và giới thiệu câu chuyện Thánh Gióng. 2. Thân bài: Kể diễn biến câu chuyện trong vai người sứ giả: - Sứ giả được vua sai đi tìm người tài giỏi, đã đi nhiều nơi mà vẫn chưa tìm được. Lòng sứ giả vô cùng lo lắng. - Sứ giả đến làng Gióng, gặp mẹ Gióng, gặp Gióng. - Biết được câu chuyện Gióng sinh ra và nghe được yêu cầu của Thánh Gióng, ông mừng rỡ, chắc chắn rằng mình đã gặp được một con người phi thường, một vị tướng tài. - Sứ giả về tâu vua sắm cho Gióng những thứ Gióng cần. - Khi mang ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến, sứ giả còn biết được câu chuyện Gióng lớn lên, dân làng góp gạo nuôi Gióng. - Gióng vươn vai thành tráng sĩ, Gióng ra trận đánh giặc. - Đánh thắng giặc, Thánh Gióng và ngựa bay về trời. 3. Kết bài: - Vua nhớ công phong là Phù Đổng Thiên Vương dựng đền thờ ở quê nhà. - Liên hệ bản thân: + Là học sinh được học dưới mái trường tươi đẹp chúng em phải biết ơn công lao của các vị anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh bảo vệ hòa bình cho đất nước. + Chúng em phải tích cực học tập nâng cao trình độ văn hóa để xây dựng đất nước sánh vai với các nước tiến bộ trên thế giới. + Chúng em phải rèn luyện đạo đức trở thành con ngoan, đội viên tốt, cháu ngoan bác Hồ xứng đáng với sự hi sinh của các anh hùng... |