Đề số 1 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 8
Tải vềĐáp án và lời giải chi tiết Đề số 1 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 8
Đề bài
Câu 1 ( 1.0 điểm)
Em hãy đọc đoạn trích sau và trả lời yêu cầu dưới đây:
... “ Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường”.
( Trong lòng mẹ – Nguyên Hồng, Ngữ văn 8 , T1, NXB GD Việt Nam, 2011, tr.18)
a. Tìm các từ cùng thuộc một trường từ vựng và gọi tên trường từ vựng đó.
b. Tác dụng của các trường từ vựng đó.
Câu 2 ( 1.0 điểm):
Những thay đổi trong nhận thức và hành động của em sau khi học xong các văn bản nhật dụng ở lớp 8.
Câu 3 ( 3.0 điểm):
Viết đoạn văn khoảng 8 đến 10 câu nêu cảm nhận của em về cuộc đời, số phận của lão Hạc, trong đó có sử dụng: các loại dấu câu đã học, một câu ghép, trợ từ, thán từ và trình bày theo cách diễn dịch với câu chủ đề: “Cuộc đời của lão Hạc đầy nước mắt, nhiều đau khổ và bất hạnh vô cùng”.
Câu 4 ( 5.0 điểm):
Giới thiệu về mái trường em đang học.
Lời giải chi tiết
Câu 1:
a. Tìm các từ cùng thuộc một trường từ vựng và gọi tên trường từ vựng đó. b. Tác dụng của các trường từ vựng đó. |
Phương pháp:
Vận dụng kiến thức về trường từ vựng
Lời giải chi tiết:
a.
+ Các từ: “ mặt”, “mắt”, “da”, “gò má”, “đùi”, “đầu”, “cánh tay”, “miệng” cùng một trường chỉ bộ phận cơ thể người.
+ Các từ: “ trông nhìn”, “ôm ấp”, “ngồi”, “áp”, “ngả”, “thấy”, “thở”, “nhai” cùng một trường chỉ hoạt động của con người.
+ Các từ: “ sung sướng”, “ấm áp” cùng một trường chỉ trạng thái của con người.
b. Tác dụng:
Tác giả sử dụng các từ thuộc các trường từ vựng đó nhằm diễn tả những cảm nhận, hành động và niềm sung sướng, hạnh phúc tột cùng của bé Hồng khi được ngồi trong lòng mẹ và cảm nhận sự ấm áp của tình mẫu tử.
Câu 2:
Những thay đổi trong nhận thức và hành động của em sau khi học xong các văn bản nhật dụng ở lớp 8. |
Phương pháp:
Nêu suy nghĩ của em
Lời giải chi tiết:
- Văn bản: “Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000”: đã cho em hiểu về tác hại ghê gớm của bao bì ni lông và vai trò của môi trường đối với con người. Từ đó, thay đổi thói quen sử dụng bao bì ni lông; tuyên truyền cho người thân và bạn bè nhận thức về tác hại của bao bì ni lông...
- Văn bản: “Ôn dịch, thuốc lá” đã giúp em nhận ra những tác hại cũng như những nguy cơ của thuốc lá đối với người hút và những người xung quanh. Từ đó, khuyên bảo, vận động mọi người tránh xa thuốc lá.
- Văn bản: “Bài toán dân số” giúp em nhận ra nguy cơ của việc bùng nổ dân số và vấn đề dân số đối với tương lai của dân tộc cũng như toàn nhân loại....
Câu 3:
Viết đoạn văn khoảng 8 đến 10 câu nêu cảm nhận của em về cuộc đời, số phận của lão Hạc, trong đó có sử dụng: các loại dấu câu đã học, một câu ghép, trợ từ, thán từ và trình bày theo cách diễn dịch với câu chủ đề: “Cuộc đời của lão Hạc đầy nước mắt, nhiều đau khổ và bất hạnh vô cùng”. |
Phương pháp:
Nhớ lại nội dung truyện nêu cảm nhận với câu chủ đề được cho.
Chú ý hình thức đoạn văn diễn dịch khoảng 8 đến 10 câu, sử dụng các loại dấu câu đã học, một câu ghép, trợ từ, thán từ
Lời giải chi tiết:
Cuộc đời của lão Hạc đầy nước mắt, nhiều đau khổ và bất hạnh. Khi còn sống thì lão sống âm thầm, nghèo đói, cô đơn và đến khi lão chết thì lão quằn quại, đau đớn vô cùng đáng thương. Tuy thế, lão Hạc lại có bao phẩm chất tốt đẹp như hiền lành, chất phác, nhân hậu, trong sạch và tự trọng... Lão Hạc là một điển hình về người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ được Nam Cao miêu tả chân thực, với bao trân trọng, xót thương, thấm đượm một tinh thần nhân đạo thống thiết. (Câu in đậm là câu ghép).
Câu 4:
Giới thiệu về mái trường em đang học. |
Phương pháp:
Hình dung lại khung cảnh mái trường em đang học và giới thiệu
Lời giải chi tiết:
1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về ngôi trường: Tên trường, địa điểm......
2. Thân bài:
- Nguồn gốc của ngôi trường, tên trường có từ bao giờ, mang ý nghĩa gì?
- Vị trí:
+ Phong cảnh ngôi trường có gì đặc biệt, gây ấn tượng.
+ Kiến trúc, quy mô, bề thế của ngôi trường: (Số lượng phòng học, phòng chức năng, phòng thực hành, phòng hành chính, số lượng học sinh, số lớp…
- Hoạt động dạy và học như thế nào? Bề dày thành tích trong những năm qua: về hoạt động dạy và học, hoạt động Đội, hoạt động thể dục thể thao, các câu lạc bộ (nếu có) ...
- Cảm nhận của em về ngôi trường, thầy cô, bè bạn:
3. Kết bài: Khẳng định vị trí vai trò của mái trường THCS đối với việc học tập của em; là nơi ươm mầm, chắp cánh cho em biến ước mơ thành hiện thực trong tương lai; là sự nghiệp giáo của địa phương nói riêng và ngành giáo dục huyện Triệu Phong nói chung.