Đề số 1 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Ngữ văn 7
Đề thi học kì 2 (Đề kiểm tra học kì 2 - Đề thi cuối năm) – Ngữ văn 7 – Đề số 1 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề bài
I. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản “Đức tính giản dị của Bác Hồ” là gì?
A. Tự sự. B. Thuyết minh.
C. Biểu cảm. D. Nghị luận.
Câu 2 : Câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” nêu lên bài học gì?
A. Cách ăn nói lễ độ văn minh lịch sự.
B. Cách ứng xử lịch thiệp, đúng đắn.
C. Cách sống chu đáo, khôn ngoan, đúng đắn.
D. Cách học làm người có nhân cách, có văn hoá.
E. Gồm A, B, C, D.
Câu 3: Theo em, bốn chữ “Sống chết mặc bay” trong nhan đề của truyện ngắn này được Phạm Duy Tốn dùng với nghĩa gì?
A. Dùng để chỉ thái độ của tên quan phủ trước cuộc sống của những người dân quê.
B. Dùng để chỉ thái độ của giai cấp thống trị từ trước tới nay trước cuộc sống của những người dân quê.
C. Dùng để chỉ thái độ của tên quan phủ trước cuộc sống của bọn chánh tổng và nha lại.
D. Là một vế của câu tục ngữ “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Câu 4: Trong đoạn văn “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng...”, tác giả đã sử dụng thao tác nghị luận nào để nói về sức mạnh của lòng yêu nước qua nước các trang sử vẻ vang do ông cha ta làm nên?
A. Giải thích.
B. Bình luận.
C. Chứng minh.
D. Giải thích và chứng minh.
Câu 5: Bác viết truyện ngắn “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” nhằm mục đích chủ yếu nào?
A. Chỉ để ca ngợi phẩm chất, khí phách của Phan Bội Châu.
B. Chỉ để xây dựng hai nhân vật có tính cách đại diện cho hai lực lượng xã hội hoàn toàn đối lập nhau.
C. Vạch rõ chủ trương bịp bợm của thực dân Pháp và phơi bày những trò lừa đảo, lố bịch của Va-ren.
D. Chỉ để cho người Việt Nam thấy được thực chất của quá trình “khai hoá văn minh” của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Câu 6: Nếu viết “Bước xuống một con thuyền rồng, có lẽ thuyền này xưa kia chỉ dành cho vua chúa” thì câu văn sẽ thiếu thành phần nào?
A. Chủ ngữ. B. Vị ngữ.
C. Trạng ngữ. D. Bổ ngữ.
II. TỰ LUẬN (7 điểm)
Giải thích câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”.
Lời giải chi tiết
I. TRẮC NGHIỆM
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
D | E | A | C | B | A |
II. TỰ LUẬN
Dàn bài:
1. Mở bài
- Giáo dục đạo lí làm người cho con cháu là việc làm thường xuyên, rất được coi trọng của ông cha ta từ trước đến nay. Những bài học sâu sắc ấy được chứa đựng trong ca dao tục ngữ.
- Câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn là bài học về lòng biết ơn, thái độ trân trọng đối với người đã tạo ra thành quả cho xã hội mà bản thân mỗi chúng ta được hưởng thụ.
2. Thân bài
a/ Giải thích ý nghĩa câu: Uống nước nhớ nguồn
- Nghĩa đen (nghĩa hiến ngôn): Uống nước nhớ đến nguồn (nơi khởi đầu của dòng nước).
- Nghĩa bóng (nghĩa hàm ngôn)
+ Người được hưởng thụ thành quả lao động pháả nhớ ơn người đã tạo ra thành quả đó.
+ Mở rộng: thế hệ sau phải ghi nhớ công ơn của thế hệ trước.
b/ Tại sao uống nước phải nhớ nguồn:
Vì: Tất cả mọi thành quả lao động (vật chất và tinh thần) mà chúng ta hưởng ngày nay là do công sức của bao thế hệ tạo nên, nhiều thành quả phải đổi bằng xương máu (thành quả cách mạng).
c/ Thái độ của người uống nước đối với nguồn
- Là thái độ trân trọng, biết ơn.
- Là ý thức vun đắp, bảo vệ và góp phần phát triển những thành quả đạt được, góp công sức của mình làm cho gia đình ấm no, đất nước giàu mạnh.
- Là thái độ phê phán những biểu hiện sai trái với đạo lí dân tộc: thái độ bạc bẽo, vô ơn, phủ nhận, quên lãng quá khứ.
3. Kết bài
- Lòng biết ơn là một tình cảm mang tính truyền thống của dân tộc ta. Mỗi học sinh phải có ý thức thường xuyên trau dồi thái độ quý trọng cha mẹ, thầy cô và những người làm ra của cải, vật chất, tinh thần cho xã hội.
Nguồn: Sưu tầm