Đề số 11 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10 — Không quảng cáo

Soạn văn 10 tất cả các bài, Ngữ văn 10 , tổng hợp văn mẫu hay nhất


Đề số 11 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 11 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 10

Đề bài

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4

Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tăm hồ sen, hạ tắm ao.

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

( Nhàn , Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Câu 1 (0,25 đ): Văn bản trên được viết theo thể thơ gì? (nhận biết)

Câu 2 (0,25 đ): Nêu nội dung chính của hai câu thơ đầu? (thông hiểu)

Câu 3 (0,5 đ): Xác định và nêu tác dụng của BPTT chủ yếu trong hai câu 3-4? (thông hiểu)

Câu 4 (1,0 đ): Anh (chị) thích quan niệm “nhàn” ở những câu thơ nào? Viết một đoạn văn (khoảng 5–7 dòng) trình bày cảm nhận của anh chị về những câu thơ đó. (vận dụng)

Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8

Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy chân rơi xuống một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả.

Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. Họ xúc đất và đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt. Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.

( Những bài học về cuộc sống – Trích Internet)

Câu 5 (0,25 đ): Anh (chị) hãy đặt tên cho văn bản.

Câu 6 (0,25 đ): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 7 (0,5 đ): Theo anh (chị), những “xẻng đất” trong văn bản tượng trưng cho điều gì?

Câu 8 (1,0 đ): Anh (chị) hãy rút ra ít nhất 2 bài học từ văn bản trên.

II.PHẦN LÀM VĂN (6,0 ĐIỂM) (ID: 283939)

Anh (chị) hãy đóng vai Mị Châu, kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy bằng một kết thúc khác (có thể kết hợp miêu tả và biểu cảm).

Lời giải chi tiết

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

* Phương pháp: Căn cứ vào các thể thơ đã học.

* Cách giải:

- Thể thơ: thất ngôn bát cú Đường luật.

Câu 2:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

* Cách giải:

- Nội dung chính: Vẻ đẹp cuộc sống thuần hậu, giản dị ở thôn quê của nhà thơ.

Câu 3:

* Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp tu từ đã học.

* Cách giải:

- BPTT: đối: "ta" >< "người", "dại" >< "khôn", "nơi vắng vẻ" >< "chốn lao xao"

- Tác dụng: khẳng định lối sống xa lánh nơi quyền quý, giữ gìn nhân cách; mỉa mai cách sống tham danh lợi, phú quý.

Câu 4:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

* Cách giải:

Học sinh trình bày theo cảm nhận riêng của mình.

Ví dụ: Quan niệm sống “nhàn” là sống hòa hợp với thiên nhiên.

+ Cuộc sống của người lao động bình dị thôn quê

+ Cuộc sống không tư lợi, bon chen, chỉ cần những nhu cầu tối thiểu, đơn sơ, giản dị.

+ Nhịp sống rất thong thả, tâm thế sống ung dung, tự tại, khoan thai.

Câu 5:

* Phương pháp: Đọc, phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Đặt nhan đề: Con lừa, Bài học ý nghĩa từ con lừa,…

Câu 6:

* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.

* Cách giải:

- Phương thức biểu đạt chính: tự sự

Câu 7:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

* Cách giải:

- Những “xẻng đất” trong văn bản tượng trưng cho những thử thách, khó khăn trong cuộc sống.

Câu 8:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Học sinh có thể rút ra hai trong số các bài học như: Dũng cảm đương đầu với khó khăn; Bình tĩnh trước mọi tình huống; Nhạy bén, sáng tạo, thông minh để có thể vượt qua thử thách...

(Học sinh có câu trả lời khác miễn là hợp lý, sáng tạo thì có thể cho điểm tối đa)

II. LÀM VĂN

* Phương pháp:

- Phân tích (phân tích yêu cầu của đề…)

- Sử dụng kĩ năng xây dựng một văn bản tự sự.

* Cách giải:

1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện

- Tôi là Mị Châu, con gái vua An Dương Vương của nước Âu Lạc

- Câu chuyện của tôi là một bài học đắt giá về tinh thần cảnh giác, xử lý đúng đắn các mối quan hệ giữa riêng – chung, nhà – nước.

2. Thân bài:

- Cha tôi xây thành ở đất Việt Thường, xây đến đâu lở đến đó.

- Nhờ sự giúp đỡ của Rùa Vàng, thành xây nửa tháng là xong. Cha tôi và toàn thể người dân Âu Lạc vui mừng khôn xiết.

- Rùa Vàng ở lại 3 năm rồi ra về. Trước khi về Rùa Vàng đã cho cha tôi móng vuốt để làm nỏ thần.

- Quân Triệu Đà đưa quân sang xâm lược. Nhờ có thành cao, hào sâu, vũ khi lợi hại, cha tôi đã đánh bại quân Triệu Đà.

- Ít lâu sau, Triệu Đà sang cầu hòa, hỏi cưới tôi cho con trai là Trọng Thủy, xin cho chàng được ở rể trong Loa Thành. Cha tôi đồng ý.

- Khi gặp Trọng Thủy, tôi đã có cảm tình với chàng. Chúng tôi chung sống hạnh phúc.

- Một lần, chàng ngỏ ý muốn xem nỏ thần. Tôi không ngần ngại dẫn chàng đi xem.

- Ít lâu sau, chàng xin phép về thăm cha. Trong buổi chia tay, chúng tôi quyến luyến, bịn rịn, không nỡ xa rời. Chàng hỏi tôi “sau này hai nước thất hòa, lấy gì làm dấu?”. Tôi nhớ là mình có cái áo lông ngỗng, tôi bèn trả lời chàng ngay “Thiếp có áo gấm lông ngỗng, đi tới đâu sẽ rắc ở ngã ba đường làm dấu”. Tôi buồn bã chia tay chồng.

- Những tưởng hai nước yên ấm, hòa bình. Ai ngờ, không lâu sau Trọng Thủy và cha chàng đưa quân sang đánh Âu Lạc của chúng tôi.

- Cha tôi vẫn điềm nhiên ngồi đánh cờ. Quân Đà đã tiến sát, tôi ngỡ ngàng, bàng hoàng, cùng với cha chạy về phương Nam.

- Trên đường đi, tôi rắc áo lông ngỗng ở ngã ba đường. Tôi và cha chạy đến gần bờ biển thì thấy bóng một đội quân đuổi theo phía sau. Cha tôi cầu cứu Rùa Vàng. Rùa Vàng hiện lên bảo tôi là giặc. Tôi đau khổ khôn xiết. Tôi phân trần, nguyện chết để chuộc lại lỗi lầm và mong trời đất minh chứng cho sự trong sáng của mình. Tôi biết lúc này cha tôi còn đau khổ hơn gấp ngàn lần.

* Gợi ý phần kết:

- Đột nhiên cha tôi vung kiếm hướng về phía tôi, tôi nhắm mắt chấp nhận cái chết. Nhưng, bỗng một luồng sáng lóe lên, thanh kiếm của cha tôi rơi xuống cát. Trọng Thủy từ xa phi ngựa tới. Chàng quỳ thụp trước mặt cha và tôi, nước mắt đầm đìa.

- Chàng xin được tha thứ. Thì ra đã có kẻ gây hiểu nhầm giữa hai nước chúng tôi, bảo cha tôi có âm mưu cướp nước Triệu. Vì quá tức giận, cha Triệu mới đưa quân đánh Âu Lạc.

- Chúng tôi trở về Loa Thành. Kể từ đó, hai nước sống trong hòa bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

3. Kết bài :

- Kết thúc câu chuyện, nêu cảm nghĩ.


Cùng chủ đề:

Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 2 - Ngữ văn 10
Đề số 8 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10
Đề số 8 - Đề kiểm tra học kì 2 - Ngữ văn 10
Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10
Đề số 10 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10
Đề số 11 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10
Đề số 12 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10
Đề số 13 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10
Đề số 14 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10
Đề số 15 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10
Đề số 16 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10