Đề số 12 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 10
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 12 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 10
Đề bài
PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Mới đây, các giáo sư tâm lý học ở Trường Đại học York ở Toronto (Canada) đã tìm ra những bằng chứng để chứng minh rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh và tốt tính hơn.
Những nghiên cứu của các giáo sư đã cho thấy những người thường xuyên đọc sách văn học thường có khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Ngược lại, những cá nhân có khả năng thấu cảm tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc.
Sau khi đã tìm thấy mối liên hệ hai chiều ở đối tượng độc giả là người lớn, các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành với trẻ nhỏ và nhận thấy những điều thú vị, rằng những trẻ được đọc nhiều sách truyện thường có cách ứng xử ôn hoà, thân thiện hơn, thậm chí trở thành đứa trẻ được yêu mến nhất trong nhóm bạn. Đọc một “nội dung sâu sắc” khác với cách đọc “mì ăn liền” của chúng ta khi lướt qua các trang mạng. Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại. Theo các nhà tâm lý học, việc chú tâm đọc một nội dung sâu sắc có tầm quan trọng đối với mỗi cá nhân giống như việc người ta cần bảo tồn những công trình lịch sử hay những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng”.
(Trích Đọc sách văn học giúp chúng ta thông minh hơn? theo http://mvw. dantri.com.vn, ngày 12 /08 /2015)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên (0.5 điểm)
Câu 2: Theo kết quả nghiên cứu của các giáo sư của trường Đại học York ở Toronto (Canada), người lớn thường xuyên đọc sách văn học sẽ có những khả năng gì?(0.5 điểm)
Câu 3: Anh/ Chị hiểu như thế nào về ý kiến của tác giả bài viết: "Đọc một "nội dung sâu sắc" khác với cách đọc "mì ăn liền" của chúng ta khi lướt qua các trang mạng"? (1.0 điểm)
Câu 4: Từ đoạn trích, anh/ chị hãy rút ra 02 bài học cho bản thân. (1.0 điểm)
PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: Nghị luận xã hội (2 điểm)
Anh/chị có đồng ý với ý kiến được nêu trong văn bản ở phần Đọc hiểu: “Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.” không? Tại sao? (trả lời trong một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ)
Câu 2: Nghị luận văn học (5.0 điểm)
Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của Nguyễn Trãi qua bài thơ Cảnh ngày hè.
Lời giải chi tiết
PHẦN I. ĐỌC - HIỂU ( 3 điểm)
Câu 1: Phương thức biểu đạt của văn bản: Nghị luận (0.5 điểm)
Câu 2: Theo kết quả nghiên cứu của các giáo sư của trường Đại học York ở Toronto (Canada), người lớn thường xuyên đọc sách văn học sẽ có những khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ.
Trả lời đầy đủ các ý trên hoặc hai ý: 0.5 điểm; trả lời được một ý: 0,25 điểm
Câu 3: "Đọc một "nội dung sâu sắc" khác với cách đọc "mì ăn liền" của chúng ta khi lướt qua các trang mạng" có thể hiểu là:
- Cách đọc một "nội dung sâu sắc": Thái độ đọc nghiêm túc, thật sự chìm lắng vào thế giới văn học, chú ý nhập tâm để thấu cảm và rút ra bài học sâu sắc cho bản thân. (0.25 điểm)
- Cách đọc "mì ăn liền": Thái độ đọc lướt nhanh, sơ sài, qua loa, không hiểu đúng và sâu sắc giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, không thấy được ý nghĩa nhân văn tác phẩm đó đem lại. (0.25 điểm)
→ Câu nói mang tính định hướng về một cách đọc sách văn học đúng đắn, tích cực. (0.5 điểm)
Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau
Câu 4: Các bài học rút ra từ văn bản:
- Tầm quan trọng của việc đọc sách văn học trong việc bồi dưỡng tri thức và tâm hồn vì vậy cần dành nhiều thời gian để đọc sách
- Đọc sách cần có phương pháp, biết chọn lọc sách phù hợp và thực sự chú tâm mới đạt được hiệu quả.
Trả lời mỗi ý được 0.5 điểm
Học sinh có thể rút ra các bài học khác nhau nhưng phải gắn với thông điệp của văn bản.
PHẦN II. LÀM VĂN (7 ĐIỂM)
Câu 1. Nghị luận xã hội: (2 điểm)
a) Yêu cầu về kỹ năng:
Học sinh biết cách viết đoạn văn nghị luận xã hội, kết cấu bài viết chặt chẽ, biết dùng từ, đặt câu, diễn đạt lưu loát, mạch lạc, trình bày bài viết rõ ràng, tôn trọng người đọc.
b) Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải nêu lên được quan điểm của bản thân (có thể là đồng ý, có thể là không đồng ý hoặc ý kiến khác…) và lý giải được vì sao lại có quan điểm như vậy:
1) Đưa ra quan điểm của bản thân:
- Đồng ý vì trong cuộc sống hiện nay, khi các thiết bị điện tử xuất hiện ngày càng nhiều thì việc đọc sách, đặc biệt là đọc sách văn học ngày càng hiếm, vì mọi người dành thời gian lên mạng nhiều hơn do tin tức được cập nhật nhanh chóng; xuất hiện nhiều loại hình giải trí lôi cuốn hấp dẫn như nhạc Kpop, phim thần tượng, truyền hình thực tế …; do cuộc sống bận rộn, áp lực học tập thi cử nặng nề nên không còn thời gian đọc sách; v.v…
- Không đồng ý vì vẫn còn nhiều người đam mê với sách, đặc biệt là sách văn học vì ý thức được giá trị và ý nghĩa của việc đọc sách; các buổi ra mắt sách của những nhà văn nổi tiếng hoặc những hội chợ sách vẫn thu hút được bạn đọc; các hoạt động sáng tác vẫn có đông các bạn trẻ tham gia; v.v…
2) Đưa ra các giải pháp, bài học theo quan điểm lựa chọn
Câu 2: Nghị luận văn học (5 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng:
Học sinh biết cách làm một bài NLVH phân tích đoạn thơ. Văn viết có cảm xúc, ít nhiều thể hiện khả năng cảm thụ văn học, hiểu biết cuộc sống; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp; bố cục rõ ràng, lập luận tốt.
- Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể khám phá, phân tích và trình bày theo nhiều cách khác nhau. Song trên cơ sở phải nắm được một số nét chính về bài thơ Cảnh ngày hè . Cảm nhận bài thơ cần làm nổi bật luận điểm, tránh phân tích chung chung:
* Khái quát: Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Trãi, bài thơ Cảnh ngày hè , vấn đề nghị luận (0.5 điểm)
* Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của tác giả thể hiện qua những khía cạnh sau:
– Luận điểm 1: Tình yêu thiên nhiên (4 câu đầu) (2.5 điểm)
+ Tâm thế thảnh thơi, thư thái trước thiên nhiên (câu 1): nhịp thơ 1/2/3 + câu lục ngôn -> Đây là một trong những ngày nhàn rỗi hiếm hoi trong suốt cuộc đời bộn bề công việc của ông. Chính trong khoảnh khắc nhàn tản ấy ông dành cho thiên nhiên, hòa mình vào vạn vật.
+ Cảm nhận thiên nhiên hết sức tinh tế (câu 2,3,4).
Hình ảnh thiên nhiên: cây hòe, cây thạch lựu, sen hồng,… đi vào thơ Nguyễn Trãi một cách chân thực, tự nhiên, bình dị.
Hình ảnh thiên nhiên được tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác…) thông qua các động từ mạnh ("phun", "giương", "đùn đùn"), cách ngắt nhịp lạ (3/4) gợi sự chú ý, làm nổi bật bức tranh ngày hè
=> Tình yêu thiên nhiên và tâm hồn tinh tế, nhạy cảm cùng nhiều cung bậc cảm xúc của nhà thơ.
– Luận điểm 2: Tấm lòng yêu cuộc sống (câu 5+6) (1.5 điểm)
+ Cuộc sống sinh hoạt của người dân được nhà thơ cảm nhận thông qua hình ảnh quen thuộc: hình ảnh chợ là âm vang của đời sống. Từ láy "lao xao" + đảo ngữ “lao xao chợ cá” đã nói lên vẻ sầm uất của cuộc sống xung quanh (câu 5)
+ Không khí quạnh hiu, cô tịch của "lầu tịch dương" bị xua tan bởi tiếng nhạc ve. Từ láy "dắng dỏi" + đảo ngữ “dắng dỏi cầm ve” -> một bản đàn khiến hoàng hôn cũng trở nên náo nhiệt (câu 6)
=> Âm vang cuộc sống thực tạo thành mối dây liên hệ giữa nhà thơ với nhân dân, mang lại niềm vui xôn xao trong một buổi chiều tạo nên sự hòa điệu giữa con người với cuộc sống.
* Đánh giá chung: (0.5 điểm)
- Nội dung: Bức tranh thiên nhiên ngày hè sống động ấy đã hàm chứa một nội dung ý nghĩa: thiên nhiên ấy chính là tấm lòng của nhà thơ cũng đang náo nức muốn hòa cùng niềm vui sự sống. Cuộc sống của ông không phải của ẩn sĩ lánh đời mà chính là phản chiếu của tâm hồn yêu đời thiết tha, đón nhận thưởng thức được niềm vui cuộc sống thanh bình. Đó chính là vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Trãi.
- Nghệ thuật:
+ Nghệ thuật Việt hóa thơ Đường, câu thất ngôn xen với câu lục ngôn, các biện pháp nghệ thuật cách tân độc đáo: đặc tả thiên nhiên bằng các động từ giàu sức gợi, tạo nên cảnh sinh động.
+ Nghệ thuật đảo ngữ làm bật âm thanh, không khí náo nhiệt, vui tươi.
+ Nhịp thơ biến hóa phù hợp, kết hợp tinh tế cách ngắt nhịp 3/4 và 4/3, nhịp lạ ở câu lục ngôn -> cảm xúc dồn nén.
* Kết luận
- Khái quát lại vấn đề.
Nguồn: Sưu tầm