Đề số 64 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 64 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề bài
Câu 1: (3.0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
SỨC MẠNH CỦA MỘT BỨC THƯ CẢM ƠN
Giáo sư William L.Stidger ngồi xuống và viết một bức thư cảm ơn cho một giáo viên vì sự động viên lớn lao mà bà dành cho ông khi ông còn là học sinh của bà ba mươi năm về trước. Một tuần sau, ông nhận được thư hồi âm với nét chữ viết tay run rẩy, rằng:
Willie yêu quý của ta! Ta muốn em biết rằng lời nhắn của em vô cùng ý nghĩa với ta. Một cụ già cô đơn tam mươi tư tuổi như ta, sống đơn độc trong căn phòng nhỏ, lủi thủi nấu ăn một mình, dường như chỉ còn lay lắt như chiếc lá cuối cùng trên cây. Có lẽ, em sẽ bất ngờ, Willie ạ, khi biết rằng ra đã dạy học năm mươi năm và trong khoảng thời gian dài đằng đẵng đó, bức thư của em là bức thư cám ơn đầu tiên ta nhận được. Ta nhận được nó trong một buổi sáng lạnh lẽo và hiu hắt buồn. Chính bức thư ấy đã sưởi ấm trái tim già nua cô đơn của ta bằng niềm vui mà trước nay ta chưa từng một lần được cảm nhận”.
( http://songtrongtinhyeu.blogsport.com )
a. Nhận biết
Xác định thành phần tình thái trong câu văn sau: Có lẽ, em sẽ bất ngờ, Willie ạ, khi biết rằng ra đã dạy học năm mươi năm và trong khoảng thời gian dài đằng đẵng đó, bức thư của em là bức thư cám ơn đầu tiên ta nhận được.
b. Nhận biết
Lí do nào khiến giáo sư William L.Stidger viết thư cảm ơn cô giáo cũ.
c. Thông hiểu
Vì sao bức thư cảm ơn của giáo sư William L.Stidger vô cùng ý nghĩa với cô giáo cũ của ông.
d. Thổng hiểu
Hãy rút ra bài học mà em tâm đắc nhất từ văn bản trên
Câu 2: (2.0 điểm) Vận dụng cao
Từ văn bản ở câu 1, em hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 150 – 200 chữ) về chủ đề lời cảm ơn.
Câu 3: (5.0 điểm) Vận dụng cao
Cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương (SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, 2016)
Lời giải chi tiết
Câu 1.
a.
Phương pháp: căn cứ bài Thành phần biệt lập
Cách giải:
- Thành phần biệt lập: Có lẽ (thành phần tình thái)
b.
Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích
Cách giải:
- Ông viết thư cảm ơn vì: ba mươi năm trước cô giáo cũ đã có sự động viên lớn lao, ý nghĩa đối với giáo sư.
c.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Bức thư cảm ơn của giáo sư vô cùng ý nghĩa với cô giáo của ông vì: Đó là bức thư cảm ơn đầu tiên cô nhận được trong thời gian 50 năm dạy học. Bức thư ấy sưởi ấm trái tim già nua cô đơn của cô bằng niềm vui mà trước nay cô chưa một lần cảm nhận được.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Học sinh có thể có các bài học tâm đắc khác nhau rút ra từ câu chuyện.
- Bài học tâm đắc nhất từ văn bản: Bài học về lòng biết ơn.
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
*Nêu vấn đề.
*Giải thích vấn đề:
- Lời cảm ơn là lời nói lịch sự, bày tỏ sự cảm kích với người đã làm việc gì đó cho mình, giúp đỡ mình.
- Lời cảm ơn có sức mạnh vô cùng to lớn, mỗi người trong cuộc sống hãy biết nói lời cảm ơn.
*Phân tích, bàn luận vấn đề:
- Ý nghĩa của lời cảm ơn trong cuộc sống:
+ Bày tỏ sự biết ơn, ghi nhận sự giúp đỡ người khác.
+ Thể hiện thái độ lịch sự, người biết nói lời cảm ơn là người có tấm lòng trân trọng những gì người khác làm cho mình.
+ Giúp cho các mối quan hệ trở nên tốt đẹp đẹp hơn.
+ Thể hiện truyền thống đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc Việt Nam.
- Phê phán những kẻ không biết nói lời cảm ơn, qua cầu rút ván,…
- Liên hệ bản thân.
Câu 3.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
Tác giả:
- Là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam.
- Thơ Viễn Phương tập trung khám phá ngợi ca vẻ đẹp của nhân dân, đất nước trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.
- Lối viết của ông nhỏ nhẹ, trong sáng, giàu cảm xúc và lãng mạn.
Tác phẩm:
- Năm 1976, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa được khánh thành, Viễn Phương là một trong số những chiến sĩ, đồng bào miền Nam sớm được ra viếng Bác. Bài thơ ghi lại những ấn tượng, cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ trong cuộc viếng lăng.
- In trong tập “Như mây mùa xuân” – 1978.
2. Cảm nhận
a. Cảm xúc của nhà thơ khi đến thăm lăng Bác:
- Bồi hồi, xúc động “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
+ Cặp đại từ xưng hô “con – Bác” là cách xưng hô gần gũi, thân thiết của người miền Nam, vừa thể hiện sự tôn kính với Bác vừa bộc lộ tình cảm yêu thương.
+ Cách nói giảm nói tránh “thăm” làm giảm bớt nỗi đau thương, mất mát, đồng thời khẳng định sự bất tử của Người trong lòng những người con nước Việt.
- Ấn tượng đậm nét hiện lên trước mắt nhà thơ: “hàng tre bát ngát”:
+ Đây là hình ảnh thực làm nên quang cảnh đẹp cho lăng Bác, mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi của làng quê, đất nước Việt.
+ Đấy cũng là hình ảnh chứa nhiều sức gợi: “hàng tre xanh xanh” gợi vẻ đẹp của con người, đất nước Việt Nam với sức sống tràn trề; “bão táp…thẳng hàng” là vẻ đẹp cứng cỏi, kiên cường, bền bỉ, hiên ngang, bất khuất của con người Việt Nam.
ð Khổ 1 là niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ khi đứng trước lăng Người.
b. Những cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác:
- Là nỗi tiếc thương, lòng biết ơn sâu nặng dành cho công lao của Bác.
+ Sáng tạo hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: mặt trời trên lăng – mặt trời tự nhiên, mặt trời trong lăng - ẩn dụ cho Bác. Bác đã mang lại ánh sáng chân lí, giúp dân tộc thoát khỏi kiếp sống nô lệ, khổ đau.
+ Hình ảnh “dòng người” đi liền với điệp từ “ngày ngày” gợi dòng thời gian vô tận và sự sống vĩnh cửu; mang giá trị tạo hình, vẽ lên quang cảnh những đoàn người nối tiếp nhau không dứt, lặng lẽ và thành kính vào viếng Bác.
+ “Tràng hoa dâng 79 mùa xuân”: 79 năm cuộc đời Người đã hiến dâng trọn vẹn cho quê hương, đất nước. Nó được kết từ hàng ngàn, hàng vạn trái tim để bày tỏ niềm tiếc thương, kính yêu vị cha già dân tộc.
c. Những cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác:
- Là niềm thương nhớ, nỗi xót xa khi đứng trước di hài Người:
+ Tái hiện chân thực khung cảnh yên tĩnh, trang nghiêm trong lăng và dáng vẻ thư thái của Người.
+ Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh”: khẳng định sự bất tử của Bác trong tâm hồn dân tộc.
=> Đoạn thơ đã nói được nỗi lòng sâu kín của biết bao thế hệ con người Việt Nam dành cho Bác: lòng biết ơn, sùng kính, niềm thương nhớ, xót xa…
d. Cảm xúc của nhà thơ khi từ biệt:
- Lưu luyến, nhớ thương khi nghĩ về phút giây từ biệt: “Mai về … nước mắt”
- Ước muốn hóa thân để ở lại bên Người:
+ Điệp từ “muốn làm” tô đậm mức độ thiết tha, mãnh liệt của niềm mong ước.
+ Chuỗi hình ảnh liệt kê “con chim” “đóa hoa” “cây tre”: có nghĩa thực là cảnh đẹp bên lăng Người; nghĩa ẩn dụ: thể hiện ước muốn góp cuộc đời mình để canh giấc ngủ cho người, bày tỏ lòng biết ơn với vị cha già dân tộc, làm nên vẻ đẹp bất khuất, hiên ngang của tâm hồn Việt Nam.
3. Tổng kết
- Nội dung:
+ Thể hiện tình cảm chân thành, tha thiết của cả dân tộc Việt Nam dành cho Bác.
+ Qua đó, khám phá, ngợi ca truyền thống ân nghĩa, thủy chung của dân tộc ta.
- Nghệ thuật:
+ Ngôn ngữ giản dị, gần gũi, giàu sức gợi.
+ Giọng điệu vừa chân thành, trang nghiêm, vừa sâu lắng vừa tha thiết, đau xót tự hào.
+ Hình ảnh thơ vừa mang nghĩa thực vừa giàu giá trị tượng trưng.
Nguồn: Sưu tầm