Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 1 — Không quảng cáo

Đề thi văn 6, đề kiểm tra văn 6 kết nối tri thức có đáp án và lời giải chi tiết Đề thi giữa kì 1 Văn 6 - Kết nối tri thức


Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 1

Tải về

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

Đề thi

Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

Mình về với Bác đường xuôi,

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời,

Áo nâu, túi vải đẹp tươi lạ thường!

Nhớ Người những sáng tinh sương,

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.

Nhớ chân Người bước lên đèo,

Người đi rừng núi trông theo bóng Người…

(Tố Hữu, Việt Bắc, theo https://www.thivien.net/)

Câu 1 (1 điểm): Khoanh tròn vào chữ cái đứng đầu đáp án đúng cho mỗi câu hỏi sau:

1. Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Lục bát

B. Lục bát biến thể

C. Thơ tự do

D. Thơ tám chữ

2. Các từ Bác, Người, Ông Cụ trong đoạn thơ dùng để chỉ ai?

A. Tác giả

B. Đồng bào Việt Bắc

C. Chủ tịch Hồ Chí Minh

D. Chỉ các đối tượng khác nhau

3. Từ nào sau đây là từ láy?

A. Sáng ngời

B. Rừng núi

C. Đẹp tươi

D. Ung dung

4. Đoạn thơ trên thể hiện tình cảm của ai đối với ai?

A. Tình cảm của đồng bào Việt Bắc đối với Bác Hồ, với cách mạng

B. Tình cảm của đồng bào Việt Bắc đối với tác giả

C. Tình cảm của Bác Hồ đối với nhân dân

D. Tình cảm của Bác Hồ đối với tác giả

Câu 2 (0,5 điểm): Chỉ ra các tiếng mang vần trong hai câu thơ:

Mình về với Bác đường xuôi,

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người.

Câu 3 (0,5 điểm): Hình ảnh Bác Hồ hiện lên trong đoạn thơ có đặc điểm gì nổi bật?

Câu 4 (1 điểm): Tìm và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.

Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Viết đoạn văn nêu cảm nhận về một nhân vật đã học, trong đó có sử dụng 2 từ láy, 2 từ ghép

Câu 2 (5 điểm): Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Thế nên mẹ sinh ra

Để bế bồng, chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống, cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng…”

(Xuân Quỳnh, Chuyện cổ tích về loài người )

Đáp án

Phần I:

Câu 1 (1 điểm):

1. Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Lục bát

B. Lục bát biến thể

C. Thơ tự do

D. Thơ tám chữ

Phương pháp giải:

Đọc kĩ bài thơ, chú ý số chữ, số dòng của đoạn thơ

Lời giải chi tiết:

Đoạn thơ được viết theo thể thơ lục bát

=> Đáp án: A

2. Các từ Bác, Người, Ông Cụ trong đoạn thơ dùng để chỉ ai?

A. Tác giả

B. Đồng bào Việt Bắc

C. Chủ tịch Hồ Chí Minh

D. Chỉ các đối tượng khác nhau

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn thơ

Lời giải chi tiết:

Các từ Bác, Người, Ông Cụ trong đoạn thơ dùng để chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh

=> Đáp án: C

3. Từ nào sau đây là từ láy?

A. Sáng ngời

B. Rừng núi

C. Đẹp tươi

D. Ung dung

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về từ láy

Lời giải chi tiết:

Từ “ung dung” là từ láy

=> Đáp án: D

4. Đoạn thơ trên thể hiện tình cảm của ai đối với ai?

A. Tình cảm của đồng bào Việt Bắc đối với Bác Hồ, với cách mạng

B. Tình cảm của đồng bào Việt Bắc đối với tác giả

C. Tình cảm của Bác Hồ đối với nhân dân

D. Tình cảm của Bác Hồ đối với tác giả

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn thơ

Lời giải chi tiết:

Đoạn thơ trên thể hiện tình cảm của đồng bào Việt Bắc đối với Bác Hồ, với cách mạng

=> Đáp án: A

Câu 2 (0,5 điểm):

Chỉ ra các tiếng mang vần trong hai câu thơ:

Mình về với Bác đường xuôi,

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn thơ, chỉ ra các tiếng có cùng vần

Lời giải chi tiết:

Các tiếng mang vần trong hai câu thơ đầu: xuôi - nguôi

Câu 3 (0,5 điểm):

Hình ảnh Bác Hồ hiện lên trong đoạn thơ có đặc điểm gì nổi bật?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh Bác Hồ trong đoạn thơ: Là một Ông Cụ quắc thước, tinh anh, giản dị, có phong thái ung dung, lạc quan

Câu 4 (1 điểm):

Tìm và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ và chỉ ra một biện pháp tu từ

Lời giải chi tiết:

Có nhiều biện pháp tu từ, có thể chỉ ra một trong các biện pháp sau:

- Điệp ngữ Nhớ để nhấn mạnh và khẳng định tình cảm yêu mến của đồng bào Việt Bắc đối với Bác Hồ

- Điệp ngữ Người để duy trì đối tượng biểu cảm trong đoạn thơ

- Hoán dụ Việt Bắc không nguôi nhớ Người để diễn tả tình cảm nhớ thương, quyến luyến của đồng bào Việt Bắc dành cho Bác

- Hoán dụ rừng núi trông theo bóng Người để diễn tả sự yêu quý, lưu luyến, không nỡ xa Bác của đồng bào Việt Bắc

Phần II (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm):

Viết đoạn văn nêu cảm nhận về một nhân vật đã học, trong đó có sử dụng 2 từ láy, 2 từ ghép

Phương pháp giải:

Xác định đề bào: cảm nghĩ về một nhân vật

Lựa chọn một nhân vật đã học mà em yêu thích

Chú ý yêu cầu phụ: 2 từ láy, 2 từ ghép

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo:

Nhân vật Dế Mèn là nhân vật mà nhà văn Tô Hoài tưởng tượng ra. Và thông qua nhân vật này, nhà văn đã gửi đến cho chúng ta những bài học bổ ích. Trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên , Dế Mèn là một chàng dế thanh niên mới lớn, thông minh, cường tráng, khỏe mạnh, đẹp đẽ. Trong cái thế giới nhỏ bé ấy, chú Dế Mèn thực sự tự mãn với khả năng của mình. Và để vẽ lên chân dung một chú Dế oai phong, lẫm liệt, nhà văn Tô Hoài không tiếc lời khi mô tả cái càng khỏe khoắn, bộ răng trên miệng, bộ vuốt ở chân… tất cả đều toát lên vẻ đẹp, sức hấp dẫn của một chú Dế Mèn mới lớn. Vì một lúc bốc đồng, xốc nổi, Dế Mèn đã gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt. Sau khi chôn cất Dế Choắt, Mèn đứng lặng rất lâu và nghĩ về bài học, nghĩ về những gì mà mình đã gây ra cho mọi nguời, Dế Mèn đã dần nhận ra những sai lầm của mình… Sau bài học đầu đời đến với mình ấy, Dế Mèn đã thấm thía nhiều bài học cho mình. Như vậy, mượn câu chuyện của chú Dế Mèn, tác giả Tô Hoài muốn nói tới câu chuyện của con người, đó là sự khiêm tốn, nhường nhịn, không được kiêu ngạo như chú Dế Mèn. Nhưng khi gây ra lỗi lầm thì phải biết phục thiện, phải yêu thương cuộc sống, yêu thương những người xung quanh như chú Dế Mèn trong đoạn trích.

Chú thích:

- Từ ghép: nhân vật, bài học, thanh niên, thông minh…

- Từ láy: đẹp đẽ, khỏe khoắn, thấm thía…

Câu 2 (5 điểm):

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Thế nên mẹ sinh ra

Để bế bồng, chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống, cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng…”

(Xuân Quỳnh, Chuyện cổ tích về loài người )

Phương pháp giải:

Nêu cảm nhận của bản thân em

Lời giải chi tiết:

Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài

- Giới thiệu về nhà thơ Xuân Quỳnh với những trang thơ rất nhân hậu, âu yếm dành cho thiếu nhi.

- Giới thiệu bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh, khái quát nội dung, nghệ thuật và trích dẫn đoạn thơ.

2. Thân bài

a. Cảm nhận về nội dung của đoạn thơ

- Trên Trái Đất, những đứa trẻ sinh ra trước tiên; để cho trẻ em được vui chơi, được yêu thương… nên mới sinh ra bầu trời, sông biển, cỏ cây, hoa lá, ông bà…

- Đoạn thơ đã dần tiếp nối mạch thơ ấy: để cho trẻ có tình yêu và lời ru nên mẹ được sinh ra.

- Mẹ mang đến cho trẻ lời ru bất tận được mang về từ mọi nơi: cái bống cái bang, cái hoa, cánh cò, vị gừng, vết lấm chưa khô, bờ sông bãi vắng…

=> Lời ru của mẹ thấm những nhọc nhằn, đắng cay bởi mẹ nuôi con bao vất vả khó nhọc. Nhưng lời ru của mẹ cũng chứa chan hạnh phúc, niềm vui (cái hoa rất thơm, cánh cò rất trắng).

=> Con sinh ra được hưởng tất cả những điều tốt đẹp, những tình cảm yêu thương nhất; cả thế giới là để dành cho con trong đó có mẹ.

b. Cảm nhận về nghệ thuật

- Cách lí giải tường tận nguồn gốc vạn vật tưởng như phi lí của nhà thơ rất phù hợp với cái nhìn ngây thơ, non nớt của trẻ nhỏ

- Điệp ngữ “từ” và những hình ảnh thơ phong phú, sinh động đã gợi dậy hình ảnh thế giới qua mắt trẻ nhỏ rất xinh xắn, ngây thơ đồng thời thể hiện được tình yêu thương bao la của mẹ (muốn mang cả thế giới đến cho con), lột tả được những nhọc nhằn, vất vả mà mẹ đã trải qua để nuôi dạy con.

- Thể thơ năm chữ phù hợp với nội dung kể chuyện cho thiếu nhi

3. Kết bài

- Giá trị nội dung và nghệ thuật hài hòa với nhau đã tạo nên những giá trị đậm tính nhân văn và nhân đạo cho tác phẩm

- Cả nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ đều đã hướng đến thể hiện tình yêu thương bao la của mẹ dành cho con

- Khẳng định đóng góp của nhà thơ Xuân Quỳnh khi viết thơ cho thiếu nhi


Cùng chủ đề:

Đề thi giữa kì 1 Văn 6 - Đề số 12
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 - Đề số 13
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 - Đề số 13
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 - Đề số 13
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 1
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 1
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 2
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 2
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 3
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 3
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 4