Đề thi học kì 1 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 12
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (4đ)
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới
CÂY TRE TRĂM ĐỐT
Ngày xưa, có một anh nông phu rất nghèo, phải đi ở đợ cho một phú ông. Phú ông tính rất keo kiệt. Đối với kẻ ăn người ở, hắn có rất nhiều mánh khóe để bòn công mà không phải trả thêm tiền. Hắn có một cô con gái chưa gả chồng. Thấy đầy tớ tuổi đã lớn mà chưa có vợ, hắn vờ vịt:
- Cứ cố làm việc đi con ạ. Lão sẽ gả con gái cho!
Vốn tính thật thà nên khi nghe lời đường mật của chủ, anh chàng bỗng nuôi hi vọng làm rể phú ông. Từ đó, anh đổ sức làm việc không biết mệt. Bao nhiêu công việc chủ giao, dù khó khăn nặng nhọc thế nào, anh cũng không hề từ chối. Phú ông thấy mưu mình đắt thì mừng lắm. Thế nhưng, lão không muốn gả con gái cho kẻ ăn người ở như anh nên đã nhận lời gả con cho một nhà giàu ở làng bên. Việc này, lão bắt mọi người trong nhà giữ kín. Anh nông phu vẫn không hề nghi ngờ gì cả, vẫn quần quật làm việc và gửi gắm hi vọng vào ông chủ.
Ngày cưới của con gái phú ông đã đến. Nhà phú ông bày biện bàn ghế, giết lợn mổ gà tấp nập. Để anh đầy tớ khỏi sinh sự lôi thôi làm lỡ việc của gia đình mình, phú ông gọi anh đến bảo:
- Con làm việc khá lắm, ta rất ưng ý. Hôm nay, ta đã sửa sọan cỗ bàn rồi đấy.
Nhưng mà con cũng phải có gì làm sính lễ mới được. Ta không đòi ruộng vườn, tiền bạc gì cả. Cứ lên rừng chọn cây tre nào có một trăm đốt, chặt mang về đây, ta sẽ cho làm lễ thành hôn với con gái ta. Nếu không có thì ta gả con gái cho người khác đấy!
Anh chàng tin lời, cầm rựa cắm cúi ra đi. Lên rừng, anh tìm những bụi tre dày, cây cao rồi lách vào mà chặt. Nhưng mỗi lần chặt tre là một lần anh thất vọng vì cây cao nhất cũng chỉ có vài chục đốt. Tuy vậy, anh vẫn không nản, có đi vào rừng sâu hơn, luồn vào những nơi hiểm hóc có tre già, mặc cho gai tre tua tủa cào rách da thịt, tìm cây tre trăm đốt mang về dâng lên phú ông để được cưới vợ. Thế nhưng, chặt mãi vẫn không có cây tre nào trăm đốt. Buồn quá đi, anh quăng rựa xuống đất, ngôi khóc nức nở. Tiếng khóc của anh vang động cả núi rừng.
Bụt hiện lên hỏi:
- Con là ai ? Cớ sao lại ngồi đây mà khóc?
Anh gạt nước mắt, kể lể sự tình cho Bụt nghe. Nghe xong, Bụt bảo:
- Con dừng khóc nữa. Hãy đi chặt một trăm đốt tre về đây cho ta!
Anh lập tức làm theo lời Bụt. Nhưng khi có đủ trăm đốt tre, anh lại khóc. Bụt lại hỏi vì sao khóc thì anh trả lời:
- Phú ông bảo con chặt cây tre có một trăm đốt chứ không phải chặt một trăm đốt tre.
Bụt an ủi rồi bày cho anh sắp một trăm đốt tre lại thành một hàng và hô “khắc nhập”. Anh làm theo thì lạ thay, trăm đốt tre dính vào nhau thành cây tre trăm đốt. Mừng quá, anh ghé vai, định vác tre về. Nhưng loay hoay mãi không sao quay trở được. Anh buông tre ra và lại ngồi khóc. Bụt lại hỏi:
- Làm sao con lại khóc nữa đây?
-Cây tre dài quá, con không làm sao mang về nổi - Anh đáp.
Bụt cười, bảo anh hô “ khắc xuất ” Anh vừa hô xong thì những đốt tre rời nhau ra. Anh cảm ơn Bụt rồi bó trăm đốt tre gánh về nhà.
Anh về đến nhà khi hai họ ăn uống linh đình và lễ cưới sắp diễn ra. Anh lẳng lặng đặt gánh tre giữa sân rồi gọi phú ông ra nhận sính lễ. Phú ông chạy ra, quát:
- Tao bảo mày chặt được cây tre trăm đốt chứ có bảo chặt trăm đốt tre đâu.
Anh nông dân luôn miệng hổ “ khắc nhập ”. Thế là trăm đốt tre dính nối vào nhau thành cây tre trăm đốt cao ngất. Thấy lạ, phú ông chạm tay vào cây tre thì bị dính vào cây tre, sợ quá, kêu la hoảng hốt. Chàng rể thấy vậy chạy ra gỡ nhưng cũng bị dính vào bố vợ. Ông thông gia chạy đến định gỡ cho con thì cũng bị dính vào nốt.
Cứ thế, cả hai họ, ai xông vào cứu cũng dính vào nhau. Cuối cùng, sợ hãi quá, phú ông đành lạy van xin thả và hứa gả con gái cho anh nông dân, không dám nuốt lời.
Bấy giờ, anh mới hô “ khắc xuất ”. Mọi người được rời khỏi cây tre. Chàng rể hụt và cả họ kéo nhau về. Còn anh nông dân được vợ như mong ước.
(Nguyễn Đổng Chi - Kho tàng cổ tích Việt Nam. NXB Khoa học – Xã hội 1976)
Câu hỏi
Câu 1. Truyện Cây tre trăm đốt thuộc loại truyện cổ tích nào?
A. Cổ tích thần kì.
B. Cổ tích về loài vật.
C. Cổ tích thế tục.
D. Kết hợp các loại cổ tích trên.
Câu 2. Nhân vật chính của truyện là ai?
A. Nhân vật chính là phú ông.
B. Nhân vật chính là cô gái con phú ông.
C. Nhân vật chính là anh nông dân nghèo.
D. Nhân vật chính là ông Bụt.
Câu 3. Nhân vật chính của truyện thuộc loại nhân vật nào trong cổ tích?
A. Nhân vật bất hạnh.
B. Nhân vật dũng sĩ.
C. Nhân vật ngốc nghếch.
D. Nhân vật có khả năng kì lạ.
Câu 4. Dòng nào nêu đúng nhất lí do khiến nhân vật chính của truyện bị xếp vào loại nhân vật đó?
A. Tin vào lời hứa của phú ông: cổ làm việc đi, lão sẽ gả con gái cho.
B. Tin rằng chặt được cây tre trăm đốt mang về sẽ được cưới con gái phú ông.
C. Tin rằng có cây tre trăm đốt và sẽ chặt được cây tre trăm đốt mang về.
D. Tin nếu mình chăm chỉ làm việc và chặt được cây tre trăm đốt mang về thì phú ông sẽ gả con gái.
Câu 5. Nhận xét nào đúng với nhân vật chính trong truyện Cây tre trăm đốt?
A. Nhân vật thật thà, cả tin chứ không quá ngốc nghếch vì biết dùng câu thần chú để trừng phạt kẻ ác, giành lấy thắng lợi
B. Nhân vật thật thà, cả tin đến mức ngốc nghếch vì phú ông nói gì cũng tin nên bị lừa
C. Nhân vật thật thà nhưng cũng tham vì không biết thân phận mình mà muốn lấy con gái nhà giàu.
D. Nhân vật ngốc nghếch, phú ông nói gì cũng tin và làm theo một cách máy móc.
Câu 6. Truyện cổ tích Cây tre trăm đốt có mấy tuyến nhân vật? Mỗi tuyến có những nhân vật nào?
A. Hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện là anh nông dân và ông Bụt; ác là lão phú ông.
B. Hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện là anh nông dân; ác là lão phú ông.
C. Hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện là anh nông dân và ông Bụt. Ác là lão phú ông và thông gia.
D. Hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện là anh nông dân; ác là lão thông gia và con trai.
Câu 7. Truyện Cây tre trăm đốt được kể theo trình tự nào là chính?
A. Trình tự không gian.
B. Trình tự thời gian.
C. Quan hệ nhân quả.
D. Kết hợp không gian và thời gian.
Câu 8. Trong truyện Cây tre trăm đốt, đâu KHÔNG PHẢI là yếu tố kì lạ, hoang đường?
A. Ông Bụt xuất hiện khi thấy anh nông dân khóc và cho anh hai câu thần chú,
B. Đọc “khắc nhập ” là trăm đốt tre dính thẳng với nhau thành cây tre trăm đốt.
C. Anh nông dân loay hoay không mang được cây tre trăm đốt ra khỏi rừng.
D. Anh nông dân đọc “khắc nhập” là phú ông dính vào cây tre trăm đốt.
Câu 9. Theo em, nhân vật phú ông là người như thế nào? Nhân vật này có vai trò như thế nào trong tác phẩm (0.5 điểm).
Câu 10. Nếu là nhân vật anh nông dân trong truyện cổ tích trên, em sẽ ứng xử như thế nào với gia đình phú ông? Lí do nào khiến em lựa chọn cách ứng xử đó?(0.5 điểm).
PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (6đ)
1. Quan sát 2 bức hình và đọc kĩ các dòng chữ trong đó để trả lời câu hỏi a,b (1đ)
Chú thích:
- Dòng chữ trong hình 1: Thời điểm bạn yêu cầu đối phương hứa hẹn điều gì đó cũng là khoảnh khắc mà bạn muốn họ lừa dối bạn
- Dòng chữ trong hình 2: Những kẻ dối trá thường thề thốt rất hay
a. Những dòng chữ trong 2 bức hình cùng nói về điều gì? Mỗi dòng chữ trong đó mang tới cho em nhận thức quý giá nào?
b. Hình minh họa ở mỗi bức hình trên nói lên điều gì? Phân tích sự liên quan từ 2 bức hình tới văn bản đọc Cây tre trăm đốt
2. Viết bài văn (học sinh chọn 1 trong 2 đề sau) (3đ)
Đề 1: Em hãy hóa thân vào anh nông dân trong cổ tích Cây tre trăm đốt kể lại sinh động việc anh đi tìm cây tre trăm đốt và trừng phạt tên phú ông gian tham
Đề 2: Suy nghĩ của em về hiện tượng nói dối, không giữ lời hứa ở đối tượng học sinh THCS ngày nay (dùng một tục ngữ hoặc thành ngữ để minh họa)
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 |
Câu 2 |
Câu 3 |
Câu 4 |
Câu 5 |
Câu 6 |
Câu 7 |
Câu 8 |
A |
C |
C |
D |
A |
B |
B |
C |
Câu 1. Truyện Cây tre trăm đốt thuộc loại truyện cổ tích nào? A. Cổ tích thần kì. B. Cổ tích về loài vật. C. Cổ tích thế tục. D. Kết hợp các loại cổ tích trên. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Nhớ lại đặc điểm các loại truyện cổ tích
Lời giải chi tiết:
Truyện trên thuộc loại: cổ tích thần kì (tập hợp những các câu chuyện hoàn toàn dựa vào trí tưởng tượng, có sự xuất hiện của phép màu nhằm dựng nên ước mơ của con người vào một xã hội công bằng.)
→ Đáp án A
Câu 2. Nhân vật chính của truyện là ai? A. Nhân vật chính là phú ông. B. Nhân vật chính là cô gái con phú ông. C. Nhân vật chính là anh nông dân nghèo. D. Nhân vật chính là ông Bụt. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ truyện
Lời giải chi tiết:
Nhân vật chính của truyện là anh nông dân nghèo
→ Đáp án C
Câu 3. Nhân vật chính của truyện thuộc loại nhân vật nào trong cổ tích? A. Nhân vật bất hạnh. B. Nhân vật dũng sĩ. C. Nhân vật ngốc nghếch. D. Nhân vật có khả năng kì lạ. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ truyện
Chỉ ra đặc điểm tính cách nhân vật chính trong truyện
Lời giải chi tiết:
Nhân vật chính của truyện thuộc loại nhân vật ngốc nghếch
→ Đáp án C
Câu 4. Dòng nào nêu đúng nhất lí do khiến nhân vật chính của truyện bị xếp vào loại nhân vật đó? A. Tin vào lời hứa của phú ông: cổ làm việc đi, lão sẽ gả con gái cho. B. Tin rằng chặt được cây tre trăm đốt mang về sẽ được cưới con gái phú ông. C. Tin rằng có cây tre trăm đốt và sẽ chặt được cây tre trăm đốt mang về. D. Tin nếu mình chăm chỉ làm việc và chặt được cây tre trăm đốt mang về thì phú ông sẽ gả con gái. |
Phương pháp giải
Đọc kĩ truyện
Chú ý các chi tiết miêu tả nhân vật
Lời giải chi tiết
Lí do khiến nhân vật chính của truyện bị xếp vào loại nhân vật ngốc nghếch: Tin nếu mình chăm chỉ làm việc và chặt được cây tre trăm đốt mang về thì phú ông sẽ gả con gái.
→ Đáp án D
Câu 5. Nhận xét nào đúng với nhân vật chính trong truyện Cây tre trăm đốt? A. Nhân vật thật thà, cả tin chứ không quá ngốc nghếch vì biết dùng câu thần chú để trừng phạt kẻ ác, giành lấy thắng lợi B. Nhân vật thật thà, cả tin đến mức ngốc nghếch vì phú ông nói gì cũng tin nên bị lừa C. Nhân vật thật thà nhưng cũng tham vì không biết thân phận mình mà muốn lấy con gái nhà giàu. D. Nhân vật ngốc nghếch, phú ông nói gì cũng tin và làm theo một cách máy móc. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ câu chuyện và đáp án
Phương pháp loại trừ
Lời giải chi tiết:
Nhận xét đúng: Nhân vật thật thà, cả tin chứ không quá ngốc nghếch vì biết dùng câu thần chú để trừng phạt kẻ ác, giành lấy thắng lợi
→ Đáp án A
Câu 6. Truyện cổ tích Cây tre trăm đốt có mấy tuyến nhân vật? Mỗi tuyến có những nhân vật nào? A. Hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện là anh nông dân và ông Bụt; ác là lão phú ông. B. Hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện là anh nông dân; ác là lão phú ông. C. Hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện là anh nông dân và ông Bụt. Ác là lão phú ông và thông gia. D. Hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện là anh nông dân; ác là lão thông gia và con trai. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ câu chuyện
Nhớ lại đặc điểm của truyện cổ tích
Lời giải chi tiết:
Câu chuyện có hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện là anh nông dân; ác là lão phú ông.
→ Đáp án B
Câu 7. Truyện Cây tre trăm đốt được kể theo trình tự nào là chính? A. Trình tự không gian. B. Trình tự thời gian. C. Quan hệ nhân quả. D. Kết hợp không gian và thời gian. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ câu chuyện
Lời giải chi tiết:
Truyện Cây tre trăm đốt được kể theo trình tự quan hệ thời gian
→ Đáp án B
Câu 8. Trong truyện Cây tre trăm đốt, đâu KHÔNG PHẢI là yếu tố kì lạ, hoang đường? A. Ông Bụt xuất hiện khi thấy anh nông dân khóc và cho anh hai câu thần chú B. Đọc “khắc nhập ” là trăm đốt tre dính thẳng với nhau thành cây tre trăm đốt. C. Anh nông dân loay hoay không mang được cây tre trăm đốt ra khỏi rừng. D. Anh nông dân đọc “khắc nhập” là phú ông dính vào cây tre trăm đốt. |
Phương pháp giải
Đọc kĩ đáp án
Nhớ lại khái niệm yếu tố kì lạ, hoang đường
Lời giải chi tiết
Đáp án: Anh nông dân loay hoay không mang được cây tre trăm đốt ra khỏi rừng không phải yếu tố hoang đường
→ Đáp án C
Câu 9. Theo em, nhân vật phú ông là người như thế nào? Nhân vật này có vai trò như thế nào trong tác phẩm (0.5 điểm).
Phương pháp giải:
Nêu quan điểm của bản thân
Xác định vị trí của nhân vật trong quá trình phát triển câu chuyện
Lời giải chi tiết:
- Phú ông: là kẻ ích kỉ, tham lam, dối trá, lật lọng; có thể làm mọi điều vì lợi lộc cho bản thân
- Phú ông là một trong hai nhân vật chính của tác phẩm, góp phần quan trọng trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm (sự tham lam của nhân vật này là mấu chốt phát triển các sự việc)
Câu 10. Nếu là nhân vật anh nông dân trong truyện cổ tích trên, em sẽ ứng xử như thế nào với gia đình phú ông? Lí do nào khiến em lựa chọn cách ứng xử đó?(0.5 điểm).
Phương pháp giải:
Học sinh trả lời theo quan điểm cá nhân
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
- Có thể xử phạt nặng hơn so với kết thúc của câu chuyện (bởi con người không thể sử chữa bản tính xấu của mình khi được tha thứ dễ dàng)
- Có thể chọn cách trừng phạt khác để họ tự nói lên sai lầm của mình, tự từ chối các đặc ân được hưởng hoặc trả lại những gì mình không xứng đáng được hưởng
PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (6đ)
1. Quan sát 2 bức hình và đọc kĩ các dòng chữ trong đó để trả lời câu hỏi a,b (1đ)
a. Những dòng chữ trong 2 bức hình cùng nói về điều gì? Mỗi dòng chữ trong đó mang tới cho em nhận thức quý giá nào?
b. Hình minh họa ở mỗi bức hình trên nói lên điều gì? Phân tích sự liên quan từ 2 bức hình tới văn bản đọc Cây tre trăm đốt
Phương pháp giải:
Quan sát kĩ 2 bức hình và đọc kĩ câu hỏi để trả lời
Lời giải chi tiết:
a. Những dòng chữ trong 2 bức hình cùng nói về đề tài: nói dối, không giữ lời hứa
- Mỗi dòng chữ trong đó mang tới nhận thức:
+ Bức 1: Không nên ép đối phương hứa hẹn với mình (những điều buộc phải làm hoặc không thích, không có khả năng thực hiện)
+ Bức 2: Những lời nói thật thường khó nghe, không êm tai bằng những lời nói dối (hãy cảnh giác với những lời nói quá hay, quá êm ái về tương lai…)
b. Gợi ý:
+Bức 1: Cuộc đối thoại và hứa hẹn – dối trá
+Bức 2: Hình màu đen – chân thực chỉ có một; dối trá muôn hình dạng
- Sự liên quan từ 2 bức ảnh với văn bản đọc Cây tre trăm đốt: đều nói tới sự hứa hẹn, dối trá, thất hứa… (nhân vật phú ông)
2. Viết bài văn (học sinh chọn 1 trong 2 đề sau) (3đ)
Đề 1: Em hãy hóa thân vào anh nông dân trong cổ tích Cây tre trăm đốt kể lại sinh động việc anh đi tìm cây tre trăm đốt và trừng phạt tên phú ông gian tham
Đề 2: Suy nghĩ của em về hiện tượng nói dối, không giữ lời hứa ở đối tượng học sinh THCS ngày nay (dùng một tục ngữ hoặc thành ngữ để minh họa)
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn
Lời giải chi tiết:
Dàn ý đề 1
Phần chính |
Điểm |
Nội dung cụ thể |
Mở bài |
0,5 |
Giới thiệu câu chuyện |
Thân bài |
2,5 |
- Kể lại câu chuyện từ bắt đầu đến kết thúc - Thay đổi ngôi kể: Từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất là anh nông dân - Tách đoạn văn: mỗi sự việc được kể trong một đoạn văn - Lời kể mạch lạc, rõ ràng, phù hợp vai kể - Thêm chi tiết tả nhân vật và hành động, tả cảnh, … để sự việc sinh động, ý nghĩa được toát ra |
Kết bài |
0,5 |
Nêu ý nghĩa câu chuyện và cảm xúc về câu chuyện |
Yêu cầu khác |
0,5 |
Kể sinh động đúng với vai kể |
Dàn ý cho đề 2
Phần chính |
Điểm |
Nội dung cụ thể |
Mở bài |
0,5 |
- Nêu vấn đề : hiện tượng nói dối, không giữ lời hứa - Thái độ của người viết đối với hiện tượng |
Thân bài |
2,5 |
- Làm rõ cách hiểu, biểu hiện của nói dối, không giữ lời hứa - Tác hại của nói dối, không giữ lời hứa - Đề xuất cách sửa chữa với người nói dối, không giữ lời hứa (dùng lí lẽ, dẫn chứng làm rõ từng ý kiến) |
Kết bài |
0,5 |
- Quan điểm của cá nhân về hiện tượng: nói dối, không giữ lời hứa - Nhận thức và hành động của bản thân |
Yêu cầu khác |
0,5 |
- Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại nghị luận xã hội - Thể hiện rõ quan điểm cá nhân - Dẫn chứng đa dạng phù hợp với lí lẽ, ý kiến - Dùng một thành ngữ hoặc tục ngữ để minh họa |