Đề thi học kì 1 Văn 8 Kết nối tri thức - Đề số 5
Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Tháng 6, ngày 24, sao sa.
Hưng Đạo Vương ốm. Vua ngự tới nhà thăm, hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”
Hưng Đạo Vương trả lời:
- Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.
Quốc Tuấn là con An Sinh Vương, lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: “Người này ngày sau có thể giúp nước cứu đời”. Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ. An Sinh Vương trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng, mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, An Sinh cầm tay Quốc Tuấn giối giăng rằng:
- Con mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.
Quốc Tuấn ghi để điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.
Đến khi vận nước ở trong tay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Hai người gia nô can ông:
- Làm kế ấy tuy được phú quý một thời mà để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay đại vương há chẳng đủ phú quý hay sao? Chúng tôi xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người ta làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi!
Quốc Tuấn cảm phục đển khóc, khen ngợi hai người.
Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương:
- Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?
Hưng Vũ Vương trả lời:
- Dẫu khác họ cũng còn không nên, huống chi là cùng một họ!
Quốc Tuấn ngẫm cho là phải.
Lại một hôm Quốc Tuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa:
- Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.
Quốc Tuấn rút gươm kể tội:
- Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra.
Định giết Quốc Tảng. Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Đến đây, ông dặn Hưng Vũ Vương:
- Sau khi ta chết, đậy nắp quân tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng.
Mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng thái sư Thương phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
Thánh Tông có soạn bài văn bia ở sinh từ của Quốc Tuấn, ví ông với Thượng phụ ngày xưa. Lại vì ông có công lao lớn, gia phong là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, từ Minh tự trở xuống, chỉ có tước Hầu thì phong trước rồi tâu sau. Nhưng Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi giặc Hồ vào cướp, Quốc Tuấn lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không dám cho họ tước lang tướng thực, ông kính cẩn giữ tiết làm tôi như vậy đấy.
Quốc Tuấn lại từng soạn sách để khích lệ tướng sĩ dưới quyền, dẫn chuyện Kỉ Tín chết thay để thoát Hán Cao, Do Vu giơ lưng chịu giáo để cứu Sở Tử. Thế là dạy đạo trung đó.
Khi sắp mất, ông dặn con rằng:
- Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau mục.
Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, người Nguyên hai lần vào cướp, ông liên tiếp đánh bại chúng, sợ sau này có thể xảy ra tai họa đào mả chăng. Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất như thế đấy.
Ông lại khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu là gia thần của ông, có dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô. Bọn Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự, bởi vì ông có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn trung nghĩa vậy. Xem như khi Thánh Tông vờ bảo Quốc Tuấn rằng: “Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi”, Quốc Tuấn trả lời: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”. Vì thế, đời Trùng Hưng lập nên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến giặc Bắc, chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên. Sau khi mất rồi, các châu huyện ở Lạng Giang hễ có tai nạn, dịch bệnh, nhiều người cầu đảo ông. Đến nay, mỗi khi đất nước có giặc vào cướp, đến lễ ở đền ông, hễ tráp dựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn.
(Trích Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là?
A. Miêu tả
B. Tự sự
C. Biểu cảm
D. Nghị luận
Câu 2. Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn: Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được
A. So sánh, điệp ngữ, nhân hoá
B. So sánh, liệt kê, ẩn dụ
C. Điệp từ, liệt kê, so sánh
D. So sánh
Câu 3. Vì sao Quốc Tuấn khi nghe những lời “giối giăng” của cha thì dấu kín trong lòng, chỉ đến khi vận nước ở trong tay, quyền quân, quyền nước đều do ở mình ông mới đem lời cha dặn nói với gia nô Dã Tượng, Yết Kiêu?
A. Vì muốn thử lòng các gia nô dưới quyền mình.
B. Vì muốn thử lòng mình, và muốn làm vơi đi một chuyện không vui.
C. Vì muốn nghiệm lại chủ kiến của mình và tìm thêm người chia sẻ.
D. Vì muốn vững tin hơn vào điều mình không cho là phải.
Câu 4. Khi vua hỏi về kế đánh quân Nguyên, ngoài kế thanh dã, dùng đoản (binh) chế trường (trận),… không dưới bốn lần, Hưng Đạo Đại Vương đặc biệt nhấn mạnh vào một điều mà ông luôn xem là “thượng sách”. “Thượng sách” đó, nói một cách đầy đủ mà khái quát nhất, là gì?
A. Phải thấy được sức mạnh đoàn kết toàn dân trong cả nước.
B. Vua tôi, tướng sĩ trong cả nước phải đồng tâm hiệp lực với nhau.
C. Vua tôi, tướng sĩ, binh lính phải thực lòng yêu thương nhau.
D. Phải thu phục lòng dân, tập hợp, phát huy bằng được sức mạnh, ý chí đoàn kết toàn dân.
Câu 5. Trong văn bản có nói đến binh pháp. Binh pháp được hiểu là:
A. Binh thư, pháp luật
B. Binh lính, pháp thuật
C. Phương pháp đào tạo binh lính
D. Binh thư, phương pháp
Câu 6. Nhận xét nào sau đây không đúng với Trần Quốc Tuấn:
A. Là một vị tướng anh hùng, đầy tài năng mưu lược.
B. Là một người cha nghiêm khắc giáo dục con cái.
C. Là một vị vua đặt tình nhà trên nợ nước.
D. Là một người cống hiến cho đời sau nhiều tác phẩm quân sự có giá trị.
Câu 7. Dòng nào sau đây diễn đạt không đúng mối quan hệ giữa trung và hiếu toát ra từ lời “kể tội” con của Quốc Tuấn: Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra ?
A. Trung là gốc là rễ, hiếu là ngọn là cành.
B. Trung là ngọn là cành, hiếu là gốc là rễ.
C. Trung, hiếu đều là gốc là rễ, tuy hai mà chỉ là một.
D. Trung, hiếu đều từ một gốc rễ mà ra
Câu 8. Câu “ Chúng tôi xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người ta làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi!” chứng tỏ Yết Kiêu, Dã Tượng luôn ghi nhớ quan niệm gì?
A. Làm việc tốt không phải để chờ ân thưởng.
B. Người trung hiếu không tính toán thiệt hơn.
C. Hễ thấy việc trung nghĩa thì phải làm.
D. Đất nước thái bình thì ai ai cũng được hưởng hạnh phúc
Câu 9. Em có nhận xét gì về nghệ thuật kể chuyện trong văn bản?
Câu 10. Em rút ra được điều gì qua lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua về kế sách giữ nước?
Phần II. Viết (4,0 điểm)
Viết một bài văn kể lại một hoạt động xã hội để lại cho em ấn tượng sâu sắc.
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0.5đ) |
Câu 2 (0.5đ) |
Câu 3 (0.5đ) |
Câu 4 (0.5đ) |
Câu 5 (0.5đ) |
Câu 6 (0.5đ) |
Câu 7 (0.5đ) |
Câu 8 (0.5đ) |
B |
C |
C |
D |
D |
C |
B |
D |
Câu 1 (0.5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là? A. Miêu tả B. Tự sự C. Biểu cảm D. Nghị luận |
Phương pháp:
Đọc kĩ đoạn trích
Xác định phương thức biểu đạt chính
Lời giải chi tiết:
Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là tự sự
→ Đáp án: B
Câu 2 (0.5 điểm)
Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn: Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được A. So sánh, điệp ngữ, nhân hoá B. So sánh, liệt kê, ẩn dụ C. Điệp từ, liệt kê, so sánh D. So sánh |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Xác định biện pháp tu từ
Lời giải chi tiết:
các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn: Điệp từ, liệt kê, so sánh
→ Đáp án: C
Câu 3 (0.5 điểm)
Vì sao Quốc Tuấn khi nghe những lời “giối giăng” của cha thì dấu kín trong lòng, chỉ đến khi vận nước ở trong tay, quyền quân, quyền nước đều do ở mình ông mới đem lời cha dặn nói với gia nô Dã Tượng, Yết Kiêu? A. Vì muốn thử lòng các gia nô dưới quyền mình. B. Vì muốn thử lòng mình, và muốn làm vơi đi một chuyện không vui. C. Vì muốn nghiệm lại chủ kiến của mình và tìm thêm người chia sẻ. D. Vì muốn vững tin hơn vào điều mình không cho là phải. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Quốc Tuấn khi nghe những lời “giối giăng” của cha thì dấu kín trong lòng, chỉ đến khi vận nước ở trong tay, quyền quân, quyền nước đều do ở mình ông mới đem lời cha dặn nói với gia nô Dã Tượng, Yết Kiêu vì: Vì muốn nghiệm lại chủ kiến của mình và tìm thêm người chia sẻ.
→ Đáp án: C
Câu 4 (0.5 điểm)
Khi vua hỏi về kế đánh quân Nguyên, ngoài kế thanh dã, dùng đoản (binh) chế trường (trận),… không dưới bốn lần, Hưng Đạo Đại Vương đặc biệt nhấn mạnh vào một điều mà ông luôn xem là “thượng sách”. “Thượng sách” đó, nói một cách đầy đủ mà khái quát nhất, là gì? A. Phải thấy được sức mạnh đoàn kết toàn dân trong cả nước. B. Vua tôi, tướng sĩ trong cả nước phải đồng tâm hiệp lực với nhau. C. Vua tôi, tướng sĩ, binh lính phải thực lòng yêu thương nhau. D. Phải thu phục lòng dân, tập hợp, phát huy bằng được sức mạnh, ý chí đoàn kết toàn dân. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời
Lời giải chi tiết:
“Thượng sách” đó, nói một cách đầy đủ mà khái quát nhất, là: Phải thu phục lòng dân, tập hợp, phát huy bằng được sức mạnh, ý chí đoàn kết toàn dân.
→ Đáp án: D
Câu 5 (0.5 điểm)
Trong văn bản có nói đến binh pháp. Binh pháp được hiểu là: A. Binh thư, pháp luật B. Binh lính, pháp thuật C. Phương pháp đào tạo binh lính D. Binh thư, phương pháp |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Giải nghĩa của từ
Lời giải chi tiết:
Binh pháp được hiểu là: Binh thư, phương pháp
→ Đáp án: D
Câu 6 (0.5 điểm)
Nhận xét nào sau đây không đúng với Trần Quốc Tuấn: A. Là một vị tướng anh hùng, đầy tài năng mưu lược. B. Là một người cha nghiêm khắc giáo dục con cái. C. Là một vị vua đặt tình nhà trên nợ nước. D. Là một người cống hiến cho đời sau nhiều tác phẩm quân sự có giá trị. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Nhận xét không đúng với Trần Quốc Tuấn: Là một vị vua đặt tình nhà trên nợ nước.
→ Đáp án: C
Câu 7 (0.5 điểm)
Dòng nào sau đây diễn đạt không đúng mối quan hệ giữa trung và hiếu toát ra từ lời “kể tội” con của Quốc Tuấn: Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra ? A. Trung là gốc là rễ, hiếu là ngọn là cành. B. Trung là ngọn là cành, hiếu là gốc là rễ. C. Trung, hiếu đều là gốc là rễ, tuy hai mà chỉ là một. D. Trung, hiếu đều từ một gốc rễ mà ra |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Dòng diễn đạt không đúng mối quan hệ giữa trung và hiếu toát ra từ lời “kể tội” con của Quốc Tuấn: Trung là ngọn là cành, hiếu là gốc là rễ.
→ Đáp án: B
Câu 8 (0.5 điểm)
Câu “ Chúng tôi xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người ta làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi!” chứng tỏ Yết Kiêu, Dã Tượng luôn ghi nhớ quan niệm gì? A. Làm việc tốt không phải để chờ ân thưởng. B. Người trung hiếu không tính toán thiệt hơn. C. Hễ thấy việc trung nghĩa thì phải làm. D. Đất nước thái bình thì ai ai cũng được hưởng hạnh phúc. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng cách hiểu của bản thân để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Câu “ Chúng tôi xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người ta làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi!” chứng tỏ Yết Kiêu, Dã Tượng luôn ghi nhớ quan niệm: Đất nước thái bình thì ai ai cũng được hưởng hạnh phúc.
→ Đáp án: D
Câu 9 (1.0 điểm)
Em có nhận xét gì về nghệ thuật kể chuyện trong văn bản? |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi
Lời giải chi tiết:
Nghệ thuật kể chuyện:
- Cách kể về các nhân vật lịch sử không đơn điệu theo trình tự thời gian.
- Nhà viết sử không chỉ kể chuyện một cách phức hợp, với nhiều chiều thời gian, mà còn khéo léo lồng vào câu chuyện những nhận xét sâu sắc nhằm định hướng cho người đọc có những nhận xét, đánh giá thoả đáng.
- Cách kể chuyện trong đoạn trích vừa mạch lạc, khúc chiết vừa giải quyết được những vấn đề then chốt về nhân vật đồng thời vẫn giữ được mạch truyện tiếp nối logic. Chuyện vì thế trở nên sinh động, hấp dẫn. Nhân vật lịch sử cũng vì thế mà được nổi bật chân dung.
Câu 10 (1.0 điểm)
Em rút ra được điều gì qua lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua về kế sách giữ nước? |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Nội dung lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua:
- Nên tuỳ thời thế mà có sách lược phù hợp, binh pháp cần vận dụng linh hoạt, không có khuôn mẫu nhất định.
- Điều kiện quan trọng nhất để thắng giặc là toàn dân đoàn kết một lòng
Do đó phải giảm thuế khoá, bớt hình phạt, không phiền nhiễu dân, chăm lo cho dân có đời sống sung túc,... đó chính là "thượng sách giữ nước".
=> Qua nội dung lời trình bày, người đọc nhận thấy Trần Quốc Tuấn không những là vị tướng tài năng, mưu lược, có lòng trung quân mà còn biết thương dân, trọng dân và biết lo cho dân.
PHẦN II –LÀM VĂN (4 điểm)
Câu 1 (4 điểm):
Viết một bài văn kể lại một hoạt động xã hội để lại cho em ấn tượng sâu sắc. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn
Lời giải chi tiết:
Viết một bài văn kể lại một hoạt động xã hội để lại cho em ấn tượng sâu sắc. |
||
Phần chính |
Điểm |
Nội dung cụ thể |
Mở bài |
0,5 |
- Giới thiệu về một hoạt động xã hội để lại trong em ấn tượng sâu sắc. |
Thân bài |
2,5 |
HS triển khai vấn đề theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng k ết hợp với các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận để kể lại. Lần lượt kể lại hoạt động theo trình tự nhất định: - Nêu mục đích của hoạt động, lí do em tham gia hoạt động đó. - Kể về hình thức tổ chức hoạt động (thành phần tham gia, thời gian, địa điểm,…). - Kể về quá trình tiến hành hoạt động (bắt đầu, hoạt động chính, kết thúc). - Nêu kết quả, ý nghĩa của hoạt động (về vật chất và về tinh thần) (tham khảo bài viết mẫu) |
Kết bài |
0,5 |
Khẳng định ý nghĩa và bài học sau khi tham gia hoặc hoạt động xã hội. |
Yêu cầu khác |
0,5 |
- Đảm bảo cấu trúc bài vài văn - Diễn đạt rõ ràng, gãy gọn, có yếu tố biểu cảm. Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. - Sử dụng từ ngữ, câu văn có sự liên kết các luận điểm, giữa bằng chứng và lí lẽ đảm bảo sự mạch lạc. |
Bài viết mẫu
(Nguồn: Sưu tầm)
Vào ngày mùng một tháng sáu hàng năm, trường chúng tôi thường có những buổi từ thiện quyên góp cho học sinh vùng lũ lụt như quyên góp sách vở quần áo hay những vật dụng cũ. Những buổi quyên góp như thế để lại trong chúng tôi rất nhiều ấn tượng khó quên. Đối với riêng tôi thì buổi quyên góp hay hoạt động từ thiện của chúng tôi vào năm ngoái đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng khó quên bởi lần đó chúng tôi đã được trực tiếp xuống vùng núi Cao Bằng để quyên góp ủng hộ cho các bạn học sinh nơi đây.
Hôm trước buổi từ thiện chúng tôi đã họp rất nhiều lần để xem nên làm từ thiện gì cho các bạn nơi đây. Được sự góp ý của các thầy cô giáo và bố mẹ chúng tôi biết được các bạn trên đó thiếu thốn rất nhiều thứ như sách vở quần áo nhưng thiếu nhất đó là thức ăn do địa điểm mà chúng tôi ghé thăm là một điểm trường vùng cao, nơi đây các bạn ở lại tạm trú nên cuộc sống rất khó khăn. Biết được tình trạng của các bạn nơi đây chúng tôi quyết định thu gom tất cả những đồ dùng cũ để đem cho các bạn. Đó là những quyển sách hay cái bút và cả cặp sách cũ nữa. Bên cạnh đó chúng tôi cũng góp thêm một ít tiền để mua một số lương thực và cả thuốc men cho các bạn do sống xa nhà nên hầu như những bữa cơm của các bạn rất đạm bạc.
Đúng sáu giờ sáng ngày hôm sau chúng tôi đã có mặt đông đủ để chuẩn bị cho buổi từ thiện vùng cao. Chúng tôi vui lắm đứa nào đứa đấy vui vẻ rạng rỡ khác hẳn mọi khi. Đúng giờ chúng tôi đã có mặt tại điểm trường vùng cao Cao Bằng. Đến nơi ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tô là chúng tôi được các bạn và các thầy cô giáo nơi đây chào đón rất nhiệt tình khiến chúng tôi cảm thấy rất thân thiện và có thiện cảm với nơi đây. Các thầy cô giáo bắt tay từng đứa một khiến chúng tôi cảm nhận được tuy ở đây rất khó khăn nhưng cái tình nơi đây thật khiến cho chúng ta cảm thấy cần học hỏi. Những giáo viên bám trụ nơi đây không ngại những khó khăn vất vả cũng khiến chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng. Dường như những học sinh siêng học nơi đây chính là động lực để các thầy cô bám trụ đến ngày nay.
Bắt đầu buổi từ thiện chúng tôi đưa những vật dụng mà chúng tôi đã thu hoạch được sau khi kêu gọi tất cả những người thân chung tay ủng hộ cho các bạn nơi đây. Các bạn nơi đây nhận được những phần quà này ai nấy đều rất xúc động và cảm ơn chúng tôi rất nhiều. Các thầy cô giáo nơi đây còn bật khóc, các thầy cô chia sẻ “các thầy cô và các bạn ở đây lâu lắm rồi mới được đón những đoàn ủng hộ như các em đến nên mọi người vui lắm. Biết được hôm nay các em đến ai nấy đều chuẩn bị tươm tất thậm chí các em ở đây còn bận những quần áo đẹp nhất để đón các em đấy. Có các em đến mọi người đều cảm thấy mình không bị lãng quên bởi sống xa nhà sống xa quê hương không được tiếp thu những tri thức mới nên các em đến như đem lại một nguồn sáng mới cho nơi đây vậy”. Chúng tôi cũng tặng rất nhiều những bao gạo những thùng mì tôm và cả những cân thịt được đem đến từ đồng bằng. Các bạn thích lắm ai nấy đều phấn khởi. Chúng tôi cũng đưa cho các bạn thêm một ít tiền để có thể chuẩn bị cho những bữa ăn được tươm tất hơn. Các bạn lúc đầu không nhận nhưng khi chúng tôi nói đây là tiền bố mẹ chúng tôi gửi cho các bạn thì các bạn mới chịu nhận. Hôm nay dự định của chúng tôi là sẽ nấu cho các bạn một bữa cơm thế nên khi trao quà cho các bạn xong chúng tôi gấp rút chuẩn bị, đứa thì nấu cơm đứa thì nhặt rau và không thể thiếu những món ăn làm từ thịt để bổ sung chất dinh dưỡng cho các bạn. Các thầy cô giáo và các bạn mỗi người xúm vào một tay giúp chúng tôi chuẩn bị cho bữa cơm được tươm tất. Sau khi hoàn thiện cũng là lúc đã quá trưa chúng tôi nhanh chóng dọn cơm. Lúc này ai cũng đã đói, nhìn mọi người ăn ngon lành chúng tôi vui lắm ai nấy đều phấn khởi.
Sau khi thu dọn xong cũng là lúc chúng tôi sắp phải ra về để chuẩn bị cho ngày mai đi học. Nhìn tất cả mọi người lưu luyến chẳng ai muốn về khiến chúng tôi đều cảm thấy buổi tham quan rất có ý nghĩa và nhất định chúng tôi sẽ quay lại nơi đây một lần sớm nhất
Buổi từ thiện đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng khó quên. Nó cho tôi rất nhiều bài học đáng nhớ rằng hãy biết quý trọng những gì chúng ta đang có bởi với rất nhiều người đó lại là những thứ rất xa vời.