Đề thi minh hoạ vào 10 môn Văn Ninh Bình năm 2025 - Đề số 2
Tải vềCâu 1. Trong văn bản trên, nhân vật ông ngoại đã có những hành động nào thể hiện sự yêu thương, quý mến Minh? Câu 2. Trong các câu văn sau câu nào là câu rút gọn?
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc văn bản sau:
ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI
(Lược một đoạn: Minh sống với bố mẹ và ông nội ở Hà Nội. Minh rất gần gũi và yêu ông nội, không hề biết gì về ông ngoại vì ông ngoại đi từ ngày mẹ Minh còn rất bé. Ông vào Nam làm ăn, rồi đất nước chia cắt, ông ngoại không về nữa. Bao nhiêu năm bặt tin, mãi tới khi Sài Gòn giải phóng, có người từ Nam ra, cầm thư của ông ngoại đến cho mẹ, mẹ mới biết là ông còn ở Sài Gòn. Hai mẹ con Minh sửa soạn lên đường vào Sài Gòn gặp ông ngoại. Vào đến nơi, Minh thấy ông ngoại đã già yếu và sống rất nghèo khổ. Ông rất yêu thương Minh nhưng Minh vẫn thấy xa cách với ông).
Lại nói đến cái món đồ chơi của ông ngoại cho nữa chứ! Đó là cái xe gíp bằng sắt, có hai súng máy lắp đá lửa ở trên xe, khi vặn khóa rồi thả cho xe chạy, thì hai khẩu súng bắn ra những tia lửa nhỏ xíu. Minh cũng thích chiếc xe này đấy, nhưng giả thử nó mới thì thích hơn nhiều.
Đằng này xe lại cũ quá rồi, lắm chỗ đã bong lớp mạ trắng và bắt đầu gỉ.
- Sao ông bảo yêu con mà lại cho con một cái xe cũ như thế nhỉ? - Có lần Minh hỏi mẹ như vậy với một giọng trách móc ông ngoại.
- Này, con đừng có nói thế, ông không yêu con sao ông toàn nhường thịt, cá cho con ăn thôi.
- Ông chả bảo với mẹ là ông thích ăn cà. Với lại ông bảo ông thích ăn đầu cá vì bao nhiêu mắm muối nó ngấm cả vào đó là gì.
- Con chả hiểu gì về ông cả.
(Lược một đoạn: Thấy mẹ mắng và mắt mẹ đỏ hoe, Minh dần hiểu và không dám gây chuyện nữa)
Ban đêm ông bảo Minh nằm với ông cho vui. Giường ông rộng, nhưng miếng đệm mút lại hẹp và mỏng chỉ trải vừa một người nằm. Ông gối một bọc quần áo rách. Chăn màn ông vàng khè và hôi hám. Ông để Minh nằm lên miếng đệm, còn ông nằm ra ngoài chiếu, sát trong tường.
- Sao ông không nằm đệm? - Minh rụt rè hỏi.
- À, vì ông thích nằm chiếu cho mát. Khí hậu trong này nóng bức lắm. Cháu ngủ đi.
Ông nói vậy rồi hai ông cháu im lặng. Hình như ông cũng không ngủ được…
Đã sắp hết một tháng kể từ ngày mẹ con Minh vào thăm ông ngoại. Mẹ bảo sắp hết phép, phải về, Minh cũng thấy nhơ nhớ ông ngoại.
Ông ngoại tiễn mẹ con Minh ra bến xe, trước khi mẹ con Minh lên xe, ông rút cái bút máy trong túi áo ra đưa cho Minh và nói:
- Ông chỉ còn cái bút này quý nhất ông cho cháu, cháu giữ lấy để viết thư cho ông. Ông già rồi, chả biết chết lúc nào, dùng cái bút này nó phí đi!
Đó là cái bút Pi-lôt nắp mạ vàng, bút đã cũ lắm rồi, màu nắp đã bạc và sây sát cả.
- Cái xe gíp ông cho cháu ấy, ông cũng đã để dành từ lâu rồi, từ khi nghe tin mẹ cháu đẻ con trai, ông đã mua cái xe ấy, nhưng chả biết nhờ ai gửi cho cháu được, ông vẫn để chờ cháu đấy.
Bây giờ Minh mới hiểu ra là tại sao cái xe gíp ấy nó lại cũ. Minh còn hiểu thêm là ông rất nghèo. Trước kia ông làm người giữ sách ở thư viện Sài Gòn, nhưng rồi sau ông bị ho lao, ba năm trời nằm trong bệnh viện làm phúc, chả có ai chăm sóc. Bây giờ ông già yếu quá rồi, chỉ quanh quẩn bán dần đồ đạc trong nhà để sống tạm. Ông sống có một mình, bà trẻ của ông đã bỏ khi ông ốm đau…
Khi xe sắp chạy, cả mẹ và ông đều rân rấn nước mắt. Mẹ bảo:
- Thôi ông về, trời sắp mưa rồi kìa. Sang năm con lại cho cháu vào thăm ông. Nhưng ông ngoại vẫn đứng đó. Xe bắt đầu chuyển bánh, trời đổ cơn mưa. Minh thấy ông giương cái ô đen. Ông đứng lẫn giữa bao nhiêu người và xe cộ. Xe chạy xa dần, rồi quặt vào một góc phố. Minh chỉ còn thấy chiếc ô đen giơ lên cao rồi khuất hẳn. Minh quay sang nhìn mẹ. Mẹ im lặng, nước mắt giàn dụa. Minh cũng nghẹn ngào muốn khóc. Thương ông ngoại quá đi mất! Bây giờ ông lại về một mình với căn phòng hẹp, với chăn màn cũ.
Minh thấy thương cả cái ô đen vừa khuất sau góc phố.
- Mẹ ơi, thế bây giờ ai nuôi ông?
- Bác con, bác con sắp chuyển công tác vào trong này để nuôi ông ngoại.
- Bao giờ con lớn con cũng nuôi ông ngoại. - Minh nói đến đấy rồi rúc đầu vào lòng mẹ khóc thút thít.
(Những truyện hay viết cho thiếu nhi, Xuân Quỳnh, NXB Kim Đồng, 2023, tr.35-45)
Chú thích: Xuân Quỳnh (1942 - 1988), tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, không chỉ là một nhà thơ nữ trữ tình nổi tiếng của thơ ca Việt Nam hiện đại, Xuân Quỳnh còn là cây bút có duyên trong những truyện ngắn cho thiếu nhi. Truyện viết cho thiếu nhi của chị vừa giản dị, gần gũi với cuộc sống, vừa sâu sắc, chan chứa tình người, vô cùng trong trẻo, thuần khiết, giàu chất nhân văn.
Truyện ngắn “Ông nội và ông ngoại” là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Xuân Quỳnh viết cho thiếu nhi.
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1. Trong văn bản trên, nhân vật ông ngoại đã có những hành động nào thể hiện sự yêu thương, quý mến Minh?
Câu 2. Trong các câu văn sau câu nào là câu rút gọn?
Minh quay sang nhìn mẹ. Mẹ im lặng, nước mắt giàn dụa. Minh cũng nghẹn ngào muốn khóc. Thương ông ngoại quá đi mất!
Câu 3. Trong văn bản trên, tại sao mẹ lại nói với Minh rằng: Con chả hiểu gì về ông cả?
Câu 4. Trong cuộc sống, có lúc em sẽ nhận được món quà từ người khác nhưng bản thân không thực sự thích thú giống như Minh nhận chiếc xe gíp, chiếc bút Pi-lôt nắp mạ vàng từ ông ngoại. Em sẽ ứng xử như thế nào trong những tình huống ấy? Vì sao?
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tình cảm của Minh đối với ông ngoại trong truyện Ông nội và ông ngoại (Xuân Quỳnh).
Câu 2. (4,0 điểm)
Bức hình trên cho thấy hiện tượng nở rộ các trang mạng xã hội hiện nay. Làm thế nào để sử dụng những mạng xã hội này một cách hiệu quả? Em hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề trên
----------HẾT----------
Lời giải chi tiết
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN
Phần I. Đọc hiểu
Câu 1.
Phương pháp:
Căn cứ bài đọc hiểu, phân tích.
Cách giải:
- Hành động thể hiện tình yêu thương của ông với Minh:
+ Mua cho Minh một chiếc xe ngay từ khi biết Minh mới chào đời, vẫn giữ dù không gửi được cho Minh.
+ Nhường thịt, cá ngon cho Minh.
+ Nhường tấm nệm cho Minh.
+ Đưa cho Minh chiếc bút mà ông quý nhất.
Câu 2.
Phương pháp:
Căn cứ bài câu rút gọn.
Cách giải:
- Câu rút gọn: Thương ông ngoại quá đi mất! => Rút gọn chủ ngữ.
Câu 3.
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
- “Mẹ lại nói với Minh rằng: Con chả hiểu gì về ông cả?” vì Minh tin những lời ông nói là thật “ông không thích ăn cá, ăn thịt”, ông chỉ thích ăn cà, ăn đầu cá. Ông nói vậy không phải ông không thích ăn thịt mà ông yêu quý Minh nên muốn nhường hết đồ ăn ngon cho Minh. Nhưng Minh còn nhỏ, chưa tinh tế để nhận ra tình yêu thương ông dành cho mình.
Câu 4.
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
HS đưa ra ứng xử và có lí giải phù hợp.
Phần II. Làm văn
Câu 1.
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
Yêu cầu chung:
- Đoạn văn nghị luận văn học khoảng 200 chữ, đầy đủ ba phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
- Nội dung: tình cảm của Minh đối với ông ngoại.
Yêu cầu cụ thể:
1. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề: tình cảm của Minh đối với ông ngoại.
2. Thân đoạn:
- Ban đầu: Không thân thiết, gần gũi với ông vì thấy ông sống rất nghèo khổ, nhà của nhỏ, chăn ố vàng, hôi hám, đệm nhỏ xíu chỉ vừa một người nằm.
- Sau đó có sự thay đổi khi hiểu ra tình yêu của ông dành cho mình:
+ Ông để dành cho Minh chiếc ô tô.
+ Để lại những món ngon nhất.
+ Nhường cho Minh chiếc nệm.
+ Tặng Minh chiếc bút ông yêu quý nhất.
=> Minh dần hiểu ra cuộc sống ông cô độc, vất vả; Ông cũng rất yêu thương mình, bởi vậy trong minh đã có sự chuyển biến: từ thờ ơ đến yêu quý, thương ông sống một mình vất vả. Thậm chí Minh còn nói với mẹ sau này Minh lớn lên sẽ nuôi ông.
=> Sự chuyển biến đó cho thấy Minh là một cậu bé giàu tình cảm, có trách nhiệm.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu; …
3. Kết đoạn: Tổng kết vấn đề.
Câu 2.
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Mở bài: Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận: Làm thế nào để sử dụng những mạng xã hội này một cách hiệu quả?
2. Thân bài:
- Thực trạng:
+ Mạng xã hội mang đến điều tích cực: kết nối bạn bè, học tập, giải trí, …
+ Tuy nhiên mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi, có không ít nguy hiểm: lừa đảo, tốn thời gian, khiến con người khép kín, ngại giao tiếp, …
- Làm thế nào để sử dụng mạng xã hội hiệu quả:
+ Bảo mật thông tin cá nhân.
+ Suy nghĩ kĩ trước khi đăng bài, bình luận, … bất cứ điều gì.
+ Ứng xử văn minh, lịch sử.
+ Cẩn thận trước các chiêu trò lừa đảo.
+ …
HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.
- Liên hệ bản thân.
3. Kết bài: Tổng kết vấn đề.