Đề thi vào 10 môn Văn An Giang năm 2020
Tải vềĐọc kĩ văn bản và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Đề bài
I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Đọc kĩ văn bản và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Việt Nam đã trải qua những ngày khó khăn. Trong khoảng thời gian hai tuần qua, số ca nhiễm đã tăng vọt lên gấp 4 lần. Nỗ lực và niềm tự hào khi dừng ở con số 16 bệnh nhân trước đó đã không còn, dịch Covid-19 đã có mặt ở hầu hết các thành phố lớn. Mọi người đều lo sợ và chuẩn bị tinh thần cho một bức tranh xấu có thể xảy ra.
Trong hoàn cảnh khó khăn và thời điểm tưởng chừng như xám xịt ấy, người ta lại thấy những điều cảm động và ấm áp của lòng nhân ái. Đó là hình ảnh doanh nghiệp hay cô ca sĩ nọ quyên góp một số tiền lớn cho đất nước chống địa dịch. Đó là hình ảnh những thùng mì tôm, những chai nước suối được trao đi vào khu cách ly. Đó là hình ảnh những chiếc máy ATM phát gạo miễn phí cho người khó khăn. Đó là hình ảnh những em nhỏ đóng góp tất cả tiền mừng tuổi của mình để quyên tặng khẩu trang cho người chưa có. Đó là chuyến bay đi thẳng vào tâm dịch ở Vũ Hán – Trung Quốc, Daegu – Hàn Quốc, London – Vương quốc Anh, … để đón những người chung dòng máu với chúng ta trở về. Và hơn cả, đó là hình ảnh những vị bác sĩ, y tá, điều dưỡng in hằn vết đồ bảo hộ, mồ hôi ướt sũng, kính nhòe đi, cả ngày không dám đi vệ sinh, kiên cường giúp bệnh nhân chống chọi với dịch bệnh.
Những chiến sĩ áo trắng ấy hiện lên đầy xúc động trong những câu thơ của bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy:
Thương lắm đồng nghiệp tôi miệt mài trong tâm dịch
Chẳng kịp tội thân mình, chẳng kịp nghĩ xa xôi
Thương lắm những giọt mồ hôi trong lớp áo
Ai đã thử rồi… đã biết khổ cùng nhau
Ngày Tết đã trôi mau, nỗi đau thì còn đó
Cuộc chiến vẫn xoay vòng, mong mỗi sự bình an
Người người còn lầm than… sao lo riêng thân mình được nữa
Hôn con rồi đi với trái tim rực lửa
Mai chị có về sau trận chiến vinh quang?
(Theo Youmed.vn, Dược sĩ Tạ Hoàn Thiện Quân, Bầu ơi thương lấy bí cùng )
Câu 1: Các từ khó khăn, kiên cường, xám xịt, chống chọi, từ nào là từ ghép, từ nào là từ láy? (1 điểm)
Câu 2: Tìm các từ thuộc một trường từ vựng và đặt tên cho trường từ vựng đó trong câu: “Và hơn cả, đó là hình ảnh những vị bác sĩ, y tá, điều dưỡng in hằn vết đồ bảo hộ, mồ hôi ướt sũng, kính nhòe đi, cả ngày không dám đi vệ sinh, kiên cường giúp bệnh nhân chống chọi với dịch bệnh”. (0.5 điểm)
Câu 3: Theo tác giả, trong những điều cảm động và ấm áp của lòng nhân ái, cao hơn hết là hình ảnh gì? (0.5 điểm)
Câu 4: Em hiểu như thế nào về nội dung hai câu thơ cuối: (1 điểm)
Hôn con rồi đi với trái tim rực lửa
Mai chị có về sau trận chiến vinh quang?
II. PHẦN LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Từ nội dung của văn bản Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về những chiến sĩ áo trắng đã dũng cảm đi xung phong tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid 19 vừa qua.
Câu 2: (5,0 điểm)
Phân tích diễn biến tâm lí qua hành động của bé Thu (từ lúc ông Sáu nghỉ phép về nhà đến lúc ông từ giá gia đình, bà con trở lại đơn vị) trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu 1:
Các từ khó khăn, kiên cường, xám xịt, chống chọi, từ nào là từ ghép, từ nào là từ láy? |
Phương pháp: Căn cứ vào bài học “Từ ghép, từ láy”
Cách giải:
- Từ ghép: kiên cường
- Từ láy: khó khăn, xám xịt, chống chọi.
Câu 2:
Tìm các từ thuộc một trường từ vựng và đặt tên cho trường từ vựng đó trong câu: “Và hơn cả, đó là hình ảnh những vị bác sĩ, y tá, điều dưỡng in hằn vết đồ bảo hộ, mồ hôi ướt sũng, kính nhòe đi, cả ngày không dám đi vệ sinh, kiên cường giúp bệnh nhân chống chọi với dịch bệnh”. |
Phương pháp: Căn cứ nội dung đoạn trích và tìm ý
Cách giải:
- Trường từ vựng chỉ con người: bác sĩ, y tá, điều dưỡng, bệnh nhân, …
Câu 3:
Theo tác giả, trong những điều cảm động và ấm áp của lòng nhân ái, cao hơn hết là hình ảnh gì? |
Phương pháp: Căn cứ vào nội dung đoạn trích và tìm ý
Cách giải:
Những điều cảm động và ấm áp của lòng nhân ái, cao hơn hết đó là hình ảnh những vị bác sĩ, ý tá, điều dưỡng in hằn vết đồ bảo hộ, mồ hôi ướt sũng, kíng nhòe đi, cả ngày không dám đi vệ sinh, kiên cường giúp bệnh nhân chống chọi với dịch bệnh.
Câu 4:
Em hiểu như thế nào về nội dung hai câu thơ cuối: Hôn con rồi đi với trái tim rực lửa Mai chị có về sau trận chiến vinh quang? |
Phương pháp: Căn cứ vào nội dung đoạn trích và tìm ý
Cách giải:
Hôn con rồi đi với trái tim rực lửa
Mai chị có về sau trận chiến vinh quang?
Nội dung:
Hình ảnh người mẹ - người bác sĩ từ biệt người con của mình lên đường chống chọi với dịch bệnh. Dẫu họ biết sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, thậm chí là “không thể trở về”. Nhưng họ vẫn lên đường, vì họ biết rằng Tổ quốc đang cần họ, người bệnh đang cần họ, họ thấy mình cần phải có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân.
Phần II
Câu 1.
Từ nội dung của văn bản Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về những chiến sĩ áo trắng đã dũng cảm đi xung phong tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid 19 vừa qua. |
Phương pháp: phân tích, lí giải
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: những chiến sĩ áo trắng đã dũng cảm đi xung phong tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid 19 vừa qua.
2. Giải thích vấn đề
- Các chiến sĩ áo trắng: chính là những vị bác sĩ, y tá, điều dưỡng kiên cường giúp bệnh nhân chống chọi với dịch bệnh trong cơn đại dịch vừa qua. Việc làm ấy đã khiến tất thảy mọi người ngưỡng mộ, biết ơn về sự hi sinh và nhiệt huyết trong công việc.
=> Những việc làm của những con người vĩ đại ấy chính là hiện thân của nghĩa cử cao đẹp của toàn nhân loại trước đại dịch của loài người.
3. Phân tích, bàn luận vấn đề
- Hành động cao đẹp của các chiến sĩ áo trắng trong đại dịch:
+ Các y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế gác lại cuộc sống thường nhật và túc trực ở bệnh viện.
+ Họ phải tạm rời xa gia đình, người thân yêu để chiến đấu với đại dịch.
+ Nhiều y bác sĩ không thể có một "nụ hôn" với đứa con thơ hay ở bên cạnh chăm sóc cha mẹ già đang trọng bệnh.
=> Nguy hiểm là vậy, gian khó là vậy nhưng những “chiến sĩ mặc áo trắng” của dân tộc Việt Nam anh hùng, những chiến sĩ ở tuyến đầu của trận chiến chống đại dịch vẫn luôn nêu cao ý trí, bản lĩnh, kiên cường, ngày đêm động viên, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân và đồng bào cả nước, có cả những người mang quốc tịch nước ngoài…
- Ý nghĩa của những hành động cao đẹp của các y bác sĩ:
+ Các y bác sĩ đang cùng chung tay giúp cho cộng đồng hạn chế và tránh sự lây lan của dịch bệnh.
+ Các y bác sĩ không tiếc thanh xuân, tuổi trẻ, không sợ dịch bệnh mà hy sinh hạnh phúc cá nhân, làm công việc hiểm nguy với tử thần.
=> Trong hoàn cảnh khó khăn, các y bác sĩ đã quên cả thân mình, gác lại hạnh phúc cá nhân để đem lại những điều đẹp đẽ nhất cho xã hội.
- Phê phán những người không chịu thay đổi để thích nghi, vẫn thích tiệc tùng, thích giao lưu và làm cho công cuộc chống dịch trở nên khó khăn, khiến các chiến sĩ áo trăng vất vả hơn trong bệnh viện.
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Biến ơn và yêu kính những chiến sĩ đang giúp cho xã hội tốt đẹp hơn đặc biệt là những chiến sĩ áo trắng trong dịch bệnh vừa qua.
+ Rèn luyện ý chí, bản lĩnh… để vượt qua gian truân, thử thách và có thể giúp ích cho đất nước khi đất nước gọi tên.
4. Liên hệ bản thân và tổng kết
Câu 2.
Phân tích diễn biến tâm lí qua hành động của bé Thu (từ lúc ông Sáu nghỉ phép về nhà đến lúc ông từ giá gia đình, bà con trở lại đơn vị) trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng. |
Phương pháp: phân tích, cảm nhận, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Quang Sáng và truyện ngắn Chiếc lược ngà : Tác phẩm được sáng tác vào năm 1966 khi miền Bắc đang trong thời kỳ hòa bình còn miền Nam vẫn đang trong ách thống trị của đế quốc Mỹ. Nhiều người con đất Bắc phải lên đường vào Nam để tham gia cuộc kháng chiến ác liệt.
- Dẫn dắt vấn đề: Phân tích nhân vật bé Thu để thấy được tình cảm cha con sâu nặng không chiến tranh nào có thể tàn phá.
2. Phân tích, cảm nhận
* Khái quát cảnh ngộ của bé Thu : Ba đi chiến đấu từ khi bé còn rất nhỏ, nên hình ảnh người ba trong bé vô cùng ít ỏi. Gia đình chỉ cho bé xem hình ba mà thôi. Chính điều này đã gây ra những bi kịch giằng xé khi ba cô bé trở về thăm nhà mấy ngày sau tám năm xa cách.
1. Bé Thu là đứa bé bướng bỉnh, ương ngạnh
- Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, khi nghe tiếng ông Sáu ở bến xuồng, Thu “giật mình tròn mắt nhìn”. Nó ngơ ngác lạ lùng nhìn rồi bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên “má, má”.
- Trong 3 ngày ông Sáu nghỉ phép bé Thu bướng bỉnh không nhận cha:
+ Thu xa lánh ông Sáu trong khi ông Sáu luôn tìm cách vỗ về, Thu nhất quyết không chịu gọi tiếng ba
+ Má dọa đánh, Thu buộc phải gọi ông Sáu vô ăn cơm, nhờ ông chắt nước cơm nhưng lại nói trổng
+ Bị dồn vào thế bí nó nhăn nhó muốn khóc nhưng tự lấy rá chắt nước cơm chứ không chịu gọi ba
+ Thu hất tung cái trứng cá ra mâm, cơm văng tung tóe, bị ba đánh đòn nhưng cô không khóc mà chạy sang nhà ngoại
→ Bé Thu “cứng đầu” ương ngạnh nhưng giàu tình yêu thương cha
2. Bé Thu có tình yêu thương cha tha thiết, mãnh liệt
- Trước lúc ông Sáu lên đường
+ Tình cha con trở lại vào khoảnh khắc ly biệt ngắn ngủi đem lại cho người đọc xúc động nghẹn ngào
+ Trước khi ông Sáu vào chiến khu, bé Thu được bà giải thích vết thẹo trên má ông Sáu, con bé lăn lọn suốt đêm không ngủ được, nó ân hận rồi căm thù giặc và thương ba nó vô hạn
- Cuộc chia tay cảm động giữa ông Sáu và bé Thu
+ Bé Thu chia tay ba nhưng tâm trạng khác trước, nó không bướng bỉnh nhăn mày cau có nữa
+ Tiếng gọi ba cất lên trong sâu thẳm tâm hồn bé bỏng của con bé, sự khao khát tình cha con bị kìm nén bỗng bật lên, tiếng gọi suốt 8 năm chờ đợi
+ “Nó vừa kêu vừa chạy xô tới dang hai chân ôm lấy cổ ba nó”. Nó hôn khắp người ông Sáu và hôn cả vết sẹo dài trên má ông
+ Hai tay Thu ôm chặt cổ ba, chân quắp chặt lấy ba không muốn ông Sáu rời đi
→ Bé Thu có tình yêu thương cha mãnh liệt, vô bờ
3. Tổng kết vấn đề
- Tác giả thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc biệt tâm lý nhân vật trẻ em rất tinh tế, điều này thể hiện tấm lòng yêu thương của nhà văn với con người.
- Bé Thu là nhân vật được khắc họa với nhiều biến chuyển về tâm lý, ở em là đứa trẻ hồn nhiên, bướng bỉnh và giàu tình yêu thương vô bờ bến dành cho cha.