Đề thi minh hoạ vào 10 môn Văn TP Hồ Chí Minh năm 2025
Tải vềLogic đưa chúng ta từ điểm A đến điểm B, còn trí tưởng tượng sẽ đưa chúng ta đến mọi nơi.
Đề bài
Chủ đề: TƯỞNG TƯỢNG...
Logic đưa chúng ta từ điểm A đến điểm B, còn trí tưởng tượng sẽ đưa chúng ta đến mọi nơi.
(Albert Einstein)
I. Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn nghị luận văn học (5,0 điểm) (ID: 726182)
Từ “Khóc”
Câu chuyện này vẫn còn chưa xảy ra nhưng chắc chắn mai đây nó sẽ xảy ra. Chuyện thế này...
Ở tương lai xa xăm, có một bà giáo già đưa đám học trò của mình đi thăm Bảo tàng của Thời Xa Xưa, nơi trưng bày tất cả những đồ vật của một thời và giờ không còn dùng tới nữa, như vương miện của nhà vua, đuôi áo của hoàng hậu, tàu điện ở Monza, ...
Trong một chiếc tủ kính nhỏ phủ một lớp bụi mờ có từ “Khóc”.
Đám học trò thời tương lai đọc biển giải thích mà vẫn không hiểu.
- Thưa cô, từ đó nghĩa là gì ạ?
- Đó là đồ trang sức cổ ạ?
- Nó thuộc về thời người Etrusca phải không ạ?
Bà giáo già liền giải thích rằng một thời đó là từ được dùng rất thường xuyên và gây ra rất nhiều đau khổ. Bà chỉ một chiếc bình bên trong có chứa những giọt nước mắt: có lẽ đó là nước mắt của một nô lệ bị chủ đánh đập, cũng có thể đó là của một đứa bé không nhà.
- Trông như nước ấy nhỉ! – một cậu học trò nói.
- Nhưng lại nóng hổi đấy! – bà giáo đáp.
- Chắc tại người ta đem đun lên trước khi dùng chăng?
Đám học trò vẫn không thể tưởng tượng ra được “khóc” là gì, “nước mắt” là gì. Chúng thực sự không hiểu và bắt đầu thấy chán. Vì vậy bà giáo đành đưa chúng đi thăm những khu khác của Bảo tàng, nơi có những thứ dễ hiểu hơn như song sắt nhà tù, một chú chó giữ nhà, tàu điện ở Monza,... Tất cả đều là những thứ mà ở thế giới hạnh phúc của tương lai đều không tồn tại.
(Theo Gianni Rodari, Chuyện kể trên điện thoại, Bùi Thị Thái Dương dịch, NXB Kim Đồng, 2021)
Câu 1
a. Xác định lời người kể chuyện và lời nhân vật trong đoạn sau (0,5 điểm):
“Đám học trò thời tương lai đọc biển giải thích mà vẫn không hiểu.
- Thưa cô, từ đó nghĩa là gì ạ?”
b. Chi tiết đám học trò đọc biển giải thích về từ “Khóc” mà vẫn không hiểu và chi tiết sau khi bà giáo già giải thích, đám học trò vẫn không thể tưởng tượng ra được “khóc” là gì có vai trò như thế nào đối với cốt truyện? (0,75 điểm)
c. Chuyển một lời dẫn trực tiếp trong văn bản trên thành lời dẫn gián tiếp. (0,75 điểm)
d. Trong tưởng tượng của em, điều gì không nên tồn tại trong thế giới hạnh phúc của tương lai? Vì sao? (1,0 điểm)
Câu 2 : Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm Từ “Khóc” (Gianni Rodari).
II. Đọc hiểu văn bản nghị luận và viết bài văn nghị luận xã hội (5,0 điểm) (ID: 726185)
Khi Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng (năm 1969) thì chúng ta đã hiểu rằng nó là kết quả của một khát vọng ngàn năm, bắt đầu từ những tưởng tượng về cung Trăng với những câu chuyện khác nhau của từng dân tộc, mà gần gũi nhất với chúng ta là câu chuyện chị Hằng – chú Cuội. Khi anh em nhà Wright làm nên một động cơ có thể bay cách mặt đất dẫu chỉ vài trăm mét (năm 1903) thì chúng ta hiểu những tưởng tượng về một ngày con người có thể bay lên không trung rốt cuộc đã thành sự thật. Những tưởng tượng ấy có từ thuở xa xưa với hình ảnh những vị thần được lắp vào đôi cánh trong thần thoại phương Tây hay một Tề Thiên Đại Thánh với khả năng bay lộn trên mây (cân đẩu vân) trong văn hóa phương Đông. Và khi những chiếc tàu ngầm hiện đại nhất với những tính năng ưu việt nhất chính thức xuất hiện thì chúng ta trầm trồ: sao nó có nhiều nét giống với con tàu Nautilus của thuyền trưởng Nemo trong những trang văn viễn tưởng cuối thế kỉ 19 của Jules Verne đến vậy? Có rất nhiều phát minh khoa học vĩ đại được chắp cánh từ sự tưởng tượng. Cho nên có rất nhiều nhà khoa học lỗi lạc coi tưởng tượng là điều quan trọng bậc nhất giúp nhân loại có thể vững vàng tiến về phía trước.
(Theo Phan Đăng, 39 câu hỏi cho người trẻ, NXB Kim Đồng, 2023, trang 63-65)
Câu 1 : Hãy phân tích tác dụng của lí lẽ và bằng chứng đối với luận điểm trong văn bản trên.
Câu 2 : Trong thời đại công nghệ, một số bạn trẻ cho rằng chỉ có kiến thức khoa học và trải nghiệm thực tế mới dẫn đến thành công. Vì thế, các bạn ấy coi nhẹ vai trò của trí tưởng tượng. Liệu đây có phải là một suy nghĩ đúng đắn?
Từ văn bản trên và từ những suy nghĩ riêng, em hãy viết bài văn đối thoại với các bạn ấy
về vai trò của trí tưởng tượng.
Lời giải chi tiết
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1
a.
Phương pháp: Vận dụng kiến thức về lời người kể chuyện, lời nhân vật.
Cách giải:
Lời người kể chuyện: Đám học trò thời tương lai đọc biển giải thích mà vẫn không hiểu
Lời nhân vật: Thưa cô, từ đó nghĩa là gì ạ?
b.
Phương pháp: Vận dụng kiến thức về truyện
Cách giải:
- Chi tiết này góp phần thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, từ đó để người viết thể hiện chủ đề, tư tưởng mà văn bản muốn gửi gắm ạ.
c.
Phương pháp: Vận dụng kiến thức về lời dẫn trực tiếp, gián tiếp
Cách giải:
HS lựa chọn một lời dẫn trực tiếp và chuyển thành lời dẫn gián tiếp sao cho phù hợp.
Gợi ý:
- Câu chứa lời dẫn trực tiếp: “- Trông như nước ấy nhỉ! – một cậu học trò nói”.”
- Chuyển thành lời dẫn gián tiếp: Cậu học trò nói rằng chúng trông giống như nước.
d.
Phương pháp: Phân tích, cảm nhận.
Cách giải:
HS đưa ra quan điểm cá nhân và có lí giải phù hợp.
Gợi ý:
Theo em, những điều không nên tồn tại trong thế giới hạnh phúc của tương lai là: sự giam cầm, kìm hãm, bi thương, khổ đau, nước mắt... Vì đó là những điều tiêu cực ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hạnh phúc của con người, ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.
…
Câu 2
Phương pháp: Đọc kĩ văn bản, phân tích, cảm nhận.
Cách giải:
Yêu cầu: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ, đủ bố cục ba phần: Mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Phân tích được nội dung chủ đề của đoạn trích.
Bài làm có thể thực hiện theo nhiều cách, sau đây là gợi ý của Ban chuyên môn Tuyensisnh247.com
- Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
- Thân đoạn:
+ Tóm tắt ngắn gọn nội dung tác phẩm.
+ Nội dung chủ đề của văn bản: Mơ ước về một thế giới trong tương lai hạnh phúc, không có nước mắt, chiến tranh và khổ đau…
HS phân tích để làm rõ nội dung chủ đề của văn bản.
+ Đánh giá về đặc sắc nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của văn bản.
- Kết đoạn: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của nội dung, chủ đề.
II. LÀM VĂN
Câu 1
Phương pháp: Vận dụng kiến thức đã học về lý lẽ, dẫn chứng trong văn nghị luận.
Cách giải:
- Lý lẽ: Nhiều phát minh khoa học vĩ đại được chắp cánh từ sự tưởng tượng.
- Bằng chứng:
+ Tưởng tượng về chị Hằng – chú Cuội trên cung trăng -> Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.
+ Tưởng tượng về việc con người bay lên không trung, các vị thần được lắp thêm đôi cánh, Tề Thiên Đại Thánh với cân đẩu vân -> Anh em nhà Wright làm nên động cơ có thể bay cách đất dẫu chỉ vài trăm mét (năm 1903).
+ Con tàu Nautilus của thuyền trưởng Nemo trong những trang văn viễn tưởng của thế kỉ 19 của Jules Verne -> Tàu ngầm hiện đại được phát minh.
- Tác dụng:
+ Lí lẽ và bằng chứng giúp làm sáng rõ luận điểm.
+ Các dẫn chứng cho thấy vai trò của trí tưởng tượng. Con người có thể tưởng tượng ra từ những điều đơn giản đến những thứ có thể coi là “phi lí”, “viển vông”. Tuy nhiên dù thế nào con người cũng dần dần tìm cách để hiện thực hóa trí tưởng tượng của mình. Biến những điều không thể thành có thể. Điều này minh chứng cho luận điểm “tưởng tượng là điều quan trọng bậc nhất giúp nhân loại có thể vững vàng tiến về phía trước”.
+ Mỗi dẫn chứng giúp cho luận điểm trở nên dễ hiểu, dễ hình dung và thuyết phục người đọc, người nghe hơn.
Câu 2
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
Yêu cầu: Viết bài văn nghị luận xã hội, đủ bố cục ba phần: Mở bài, thân bài và kết bài. Phân tích được nội dung chủ đề của đoạn trích.
Bài làm có thể thực hiện theo nhiều cách, sau đây là gợi ý của Ban chuyên môn Tuyensisnh247.com
Học sinh trình bày bài văn đối thoại theo quan điểm của mình. Đảm bảo đầy đủ bố cục, diễn đạt lưu loát. Dưới đây là gợi ý:
1. Mở bài:
Nêu vấn đề đối thoại: Vai trò của trí tưởng tượng trong thời đại công nghệ ngày nay.
2. Thân bài:
- Trí tưởng tượng được hiểu là: Tưởng tượng là khả năng hình thành các hình ảnh, cảm giác, khái niệm trong tâm trí khi không nhận thức đối tượng đó thông qua thị giác, thính giác hoặc các giác quan khác.
- Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ cho rằng chỉ có kiến thức thực khoa học và trải nghiệm thực tế mới có thể thành công. Có thật sự là như vậy hay không?
- Rèn luyện tư duy, trải nghiệm thực tế rất cần thiết tuy nhiên việc xem vấn đề rèn luyện tư duy trải nghiệm thực tế hơn là rèn luyện trí tưởng tượng có phần hơi phiến diện.
+ Trí tưởng tượng giúp con người làm cho đời sống tinh thần trở nên phong phú nhiều màu sắc -> Cuộc sống đẹp đẽ, có ý nghĩa hơn.
+ Trí tưởng tượng khơi nguồn sáng tạo, hoài bão trong hành trình trưởng thành của tuổi trẻ,
+ Trí tưởng tưởng tượng tạo ra sự phân biệt giữa con người và máy móc. Trí tưởng tượng giúp con người tạo ra máy móc và làm chủ máy móc.
=> Như vậy, có thể khẳng định trí tưởng tượng luôn có một vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong mọi thời điểm, mọi không gian, thời gian.
- Rèn luyện năng lực tưởng tượng không đồng nghĩa với ảo tưởng, xa rời thực tại; tưởng tượng cần được định hướng bằng tư duy đúng đắn, cần được hiện thực hóa bằng trải nghiệm thực tế, dũng khí hành động,…
- Bài học nhận thức và hành động.
3. Kết bài: Tổng kết vấn đề nghị luận.