Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Archimedes 2024 có đáp án - Đề mẫu — Không quảng cáo

Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt có đáp án - 9 năm gần nhất Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Archimedes


Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Archimedes năm 2024 - Đề mẫu

Tải về

Câu 1. Câu chuyện diễn ra ở đâu? A. trên đường phố Nhật Bản B. ở một khu dân cư Nhật Bản C. ở một trường tiểu học tại Nhật Bản D. ở một ga xe điện ngầm tại Nhật Bản

Đề bài

HỆ THỐNG GIÁO DỤC ARCHIMEDES SCHOOL

Bài rà soát kiến thức

Khối Tiểu học | Môn Tiếng Việt | Thời gian 45’ | Demo

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM: Chọn đáp án đúng A, B, C hoặc D cho các câu hỏi dưới đây.

A. Đọc hiểu

Đọc đoạn trích sau rồi trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 5:

Sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản (ngày 11/3/2011), tại một trường tiểu học, người ta tổ chức phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong những người xếp hàng, tôi chú ý đến một em nhỏ chừng chín tuổi, trên người chỉ mặc một bộ quần áo mỏng manh. Trời rất lạnh mà em lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến lượt em thì chắc chẳng còn thức ăn nên đến gần và trò chuyện với em. Em kể, thảm họa đã cướp đi những người thân yêu trong gia đình: cha, mẹ và đứa em nhỏ. Em bé quay người lau vội dòng nước mắt. Thấy em lạnh, tôi cởi chiếc áo khoác choàng lên người em và đưa khẩu phần ăn tối của mình cho em: “Đợi tới lượt cháu chắc hết thức ăn rồi, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, cháu ăn đi cho đỡ đói”. Cậu bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn. Tôi tưởng em sẽ ăn ngấu nghiên ngay lúc đó, nhưng thật bất ngờ, em mang khẩu phần ít ỏi ấy đi thẳng đến chỗ những người đang phân phát thực phẩm, để túi thức ăn vào thùng rồi quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi cậu bé tại sao lại không ăn mà đem để vào đó. Cậu bé trả lời: “Bởi chắc còn có nhiều người bị đói hơn cháu. Cháu bỏ vào đó để cô chú phát chung cho công bằng ạ!”.

(Dẫn theo báo Dân trí điện tử)

Câu 1. Câu chuyện diễn ra ở đâu?

A. trên đường phố Nhật Bản

B. ở một khu dân cư Nhật Bản

C. ở một trường tiểu học tại Nhật Bản

D. ở một ga xe điện ngầm tại Nhật Bản

Câu 2 . Em nhỏ gặp phải hoàn cảnh đáng thương như thế nào?

A. bị bỏ rơi

B. mất đi những người thân yêu trong gia đình

C. bị thương nặng sau trận động đất

D. không được đến trường vì nhà quá nghèo

Câu 3. Nhân vật “tôi” đã làm gì để giúp cậu bé?

A. cởi chiếc áo khoác choàng lên người em và đưa khẩu phần ăn tối của mình cho em

B. cởi chiếc áo khoác choàng lên người em và đưa khẩu phần ăn trưa của mình cho em

C. cởi chiếc áo khoác choàng lên người em và đưa khẩu phần ăn sáng của mình cho em

D. cởi chiếc áo khoác choàng lên người em và phân phát thực phẩm cho em đầu tiên

Câu 4. Cậu bé có hành động gì ngay khi nhận được túi lương khô từ nhân vật “tôi”?

A. khom người cảm ơn

B. ăn ngấu nghiến ngay lúc đó

C. cho túi lương khô vào ba lô của mình

D. tặng lại túi lương khô cho người đứng cạnh mình

Câu 5. Bài học lớn nhất mà nhân vật “tôi” muốn gửi gắm qua câu chuyện là gì?

A. bài học về lòng biết ơn và tính trung thực

B. bài học về lòng tự trọng và tinh thần nhân ái

C. bài học về tính trung thực và lòng tự trọng

D. bài học về tinh thần dũng cảm và lòng tự trọng

B. Luyện từ và câu – Tập làm văn

Câu 6. Nhóm nào sau đây chỉ gồm các từ viết đúng chính tả?

A. xuất sắc, vững trãi, che chở

B. xuất xắc, vững chãi, che trở

C. xuất sắc, vững trãi, che trở

D. xuất sắc, vững chãi, che chở

Câu 7 . Cụm từ nào sau đây viết đúng quy tắc viết hoa?

A. Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

C. Bảo Tàng Dân tộc học Việt Nam

B. Bảo tàng Dân Tộc Học Việt Nam

D. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Câu 8. Từ nào dưới đây là từ láy?

A. râu ria

B. gầy gò

C. dũng mãnh

D. bình minh

Câu 9 . Từ nào dưới đây là từ ghép?

A. mỏng manh

B. vùng vẫy

C. đung đưa

D. lao xao

Câu 10. Từ nào dưới đây không phải là từ ghép tổng hợp?

A. học hành

B. học tập

C. học hỏi

D. học lỏm

Câu 11. Phát biểu nào dưới đây đúng với hai câu sau?

“Đầu tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư?”

A. Hai câu có 4 từ ghép, 1 từ láy.

B. Hai câu có 3 từ ghép, 1 từ láy.

C. Hai câu có 2 từ ghép, 2 từ láy.

D. Hai câu có 3 từ ghép, 2 từ láy.

Câu 12. Câu dưới đây có mấy danh từ, đó là những từ nào?

“Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông.”

A. 5 danh từ: hôm, hồ ao, bãi, mặt, nước

B. 6 danh từ: hôm, mưa, hồ ao, bãi, mặt, nước

C. 5 danh từ: trời, hồ ao, bãi, mặt, nước

D. 6 danh từ: hôm, trời, hồ ao, bãi, mặt, nước

Câu 13. Từ nào dưới đây không cùng nhóm với 3 từ còn lại trong câu “Vầng dương vừa mới hiện ra hối hả trút xuống mặt đất nguồn ánh sáng và sức nóng đến vô tận của mình.”?

A. vầng dương

B. hối hả

C. ánh sáng

D. sức nóng

Câu 14. Có mấy quan hệ từ trong câu sau?

“Sơn và chị Lan vẫn thân mật chơi đùa với chúng; không kiêu kì, khinh khỉnh như các em họ của Sơn.”

A. 3 quan hệ từ

B. 4 quan hệ từ

C. 5 quan hệ từ

D. 6 quan hệ từ

Câu 15. Đại từ xưng hô có trong câu “Chú mày hội như cú mèo thế này, ta nào chịu được.” là:

A. chú, ta

B. mày, ta

C. chú, mày

D. chú mày, ta

Câu 16. Từ nào dưới đây có nghĩa là “dành dụm, chăm chút, nâng niu cẩn thận từng tí một”?

A. chắt lọc

B. tiết kiệm

C. chắt chiu

D. kiên trì

Câu 17 . Yếu tố nào trong câu “Rào rào trận lá tuôn / Rải vàng đầy mặt đất” được dùng với nghĩa chuyển?

A. lá

B. rải

C. mặt

D. đất

Câu 18. Hai yếu tố in đậm trong trường hợp nào sau đây không phải là hiện tượng nhiều nghĩa?

A. “Mùa xuân là Tết trồng cây / Làm cho đất nước càng ngày càng xuân .”

B. “Sau trận mưa đêm rả rích / Cát càng mịn, biển càng trong ” và “Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận / Cha gặp lại mình trong những ước mơ con.”

C. “Ông lành như hạt gạo / Bà hiền như suối trong” và “Tiếng lành đồn xa.”

D. “Dù giáp mặt cùng biển rộng / Cửa sông chẳng dứt cội nguồn” và “ Cửa sổ là mắt của nhà / Nhìn lên trời rộng, nhìn ra sông dài.”

Câu 19. Xác định trạng ngữ của câu dưới đây:

“Trong những ngày hội lồng tồng cầu mùa, vui xuân, dân làng mang cỗ đến cúng thần nông.”

A. Trong những ngày

B. Trong những ngày hội lồng tồng cầu mùa

C. Trong những ngày hội lồng tồng

D. Trong những ngày hội lồng tồng cầu mùa, vui xuân

Câu 20. Xác định thành phần chủ ngữ của câu sau: “Khi đêm xuống, mảnh trăng nhẹ tênh, mỏng manh trôi bồng bềnh trên nền trời chi chít ánh sao.”.

A. Khi đêm xuống, mảnh trắng

B. mảnh trăng

C. mảnh trăng nhẹ tênh, mỏng manh

D. mảnh trăng nhẹ tênh, mỏng manh trôi bồng bềnh trên nền trời

Câu 21 . Xác định thành phần vị ngữ của câu sau: “Mỗi sớm đến trường, bước chân chợt ngập ngừng khi đánh thức những bụi cây non vẫn còn đang ngái ngủ.”

A. chợt ngập ngừng khi đánh thức những bụi cây non vẫn còn đang ngái ngủ

B. đánh thức những bụi cây non vẫn còn đang ngái ngủ

C. vẫn còn đang ngái ngủ

D. đang ngái ngủ

Câu 22. Câu “Chiều chiều, hoa thiên lí cứ thoảng nhẹ đâu đây, lọc qua không khí rồi bay nhẹ đến, rồi thoáng cái lại bay đi.” có mấy vị ngữ nhỏ?

A. 2 vị ngữ nhỏ

B. 3 vị ngữ nhỏ

C. 4 vị ngữ nhỏ

D. 5 vị ngữ nhỏ

Câu 23 . Câu nào là câu ghép có các vế được nối bằng cặp quan hệ từ biểu thị mối quan hệ tương phản?

A. “Tuy bốn mùa là vậy nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người.

B. “Tuy rét đậm rét hại nhưng cả đám mạ non vẫn gắng gượng vươn lên.”

C. “Tuy rét vẫn kéo dài, mùa xuân đã đến bên bờ sông Lương.”

D. “Mặt trời đã ngoi lên cao mặc dù sương mù vẫn bao phủ khắp nơi.”

Câu 24. Câu nào dưới đây là câu ghép?

A. “Tia nắng ban mai nghịch ngợm xuyên qua kẽ lá, soi vào chiếc tổ xinh xắn làm cho chú chim non bừng tỉnh giấc, bay vút lên trời rồi cất tiếng hót líu lo.”

B. ”Đám sẻ non tíu tít nhảy nhót nhặt những hạt thóc còn vương lại trên mảnh sân vuông.”

C. “Mỗi lần nghĩ vậy, đò ngang lại cảm thấy như đôi bờ của mình quả chật hẹp, muốn vứt bỏ tất cả để được đến một nơi nào đó mới và rộng lớn hơn.”

D. “Chúng tôi đi đến đâu, rừng rào rào chuyển động đến đấy.”

Câu 25. Câu “Không gian đầy tiếng chim ngân nga, dường như gió thổi cũng dịu đi, những chiếc lá rơi cũng nhẹ hơn, lơ lửng lâu hơn.” là câu ghép có mấy vế câu?

A. 2 vế câu

B. 3 về câu

C. 4 về câu

D. 5 vế câu

Câu 26. Câu nào dưới đây không phải là câu kể?

A. “Một vài câu hỏi của tôi từ thuở nhỏ cho đến tận bây giờ vẫn chưa có câu trả lời.”

B. “Con ruồi lấy làm khó hiểu, tìm đến hỏi ong mật rốt cuộc là nguyên nhân tại vì sao.”

C. “Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng mờ sương, bạn vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì.”

D. “Giờ đây cá chuồn con đã biết thế nào là bầu trời bao la.”

Câu 27. Phát biểu nào dưới đây đúng với câu văn “Nỗi buồn lo của mẹ tan không thành tiếng, tan mau như sương"?

A. Câu kể “Ai làm gì?” có vị ngữ được cấu tạo bởi hai cụm tính từ.

B. Câu kể “Ai làm gì?” có vị ngữ được cấu tạo bởi hai cụm động từ.

C. Câu kể “Ai thế nào?" có vị ngữ được cấu tạo bởi hai cụm tính từ.

D. Câu kể “Ai thế nào?” có vị ngữ được cấu tạo bởi hai cụm động từ.

Câu 28. Câu “Bây giờ, bầu trời cao hơn và có những con chim én bay liệng.” thuộc kiểu câu kể nào?

A. Ai là gì?

B. Ai làm gì?

C. Ai thế nào?

D. Như thế nào?

Câu 29. Nêu tác dụng của dấu phẩy trong câu sau:

“Thuyền mành vạm vỡ, to lớn, giương cao cánh buồm lộng gió, lướt sóng ào ào, giống như con chim khổng lồ cất cánh tung bay đến những bến bờ xa.”

A. ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu

B. nối các vế trong câu ghép

C. ngăn cách các tính từ và động từ cùng làm vị ngữ trong câu

D. đánh dấu phần chú thích trong câu

Câu 30. Chỉ ra tác dụng của dấu hai chấm trong câu sau:

“Ảnh nắng lướt đi rất nhanh, đổi màu thoăn thoắt: vàng ruộm trên cánh đồng thơm nồng mùa gặt, nâu sẫm trên luống đất vừa gieo hạt, đỏ rực trên mái ngói, xanh mướt trên những vườn cây.”

A. báo hiệu lời nói trực tiếp của nhân vật

B. báo hiệu phần giải thích cho bộ phận đứng trước.

C. giải thích cho bộ phận đứng trước

D. nối các vế trong câu ghép

Câu 31. Hai câu văn dưới đây được liên kết với nhau bằng cách nào?

“(1) Những ngày đẹp trời, buổi sáng bồ câu bay ra từng đàn. (2) Sau một hồi lượn vòng trên không trung trong lành, chúng đậu xuống mặt đất rồi tha thần đi đi lại lại với cái đầu cứ lắc lư, lắc lư”

A. thay thế từ ngữ

B. thay thế từ ngữ và lặp lại từ ngữ

C. lặp lại từ ngữ

D. không sử dụng cách liên kết cầu nào

Câu 32. Câu nào không sử dụng một trong hai biện pháp nghệ thuật so sánh hoặc nhân hóa?

A. “Cậu bé vừa mỉm cười thích thú, vừa chạy theo cánh chim bay xập xòe phía trước.”

B. “Đâu đó vắng lại tiếng hót thơ dại của chú chim non, cao lắm, xa lắm nhưng tôi vẫn nghe rõ.”

C. “Bức tranh đẹp tựa thiên đường / Hồn thơ trỗi dậy nhẹ vương nghĩa tình.”

D. “Rừng cọ ơi, rừng cọ / Lá đẹp, lá ngời ngời.”

Câu 33. Có mấy hình ảnh so sánh trong đoạn thơ dưới đây của tác giả Nguyễn Đình Huân?

“Tình của cha biết lấy gì so sánh

Sáng như mặt trời, như ánh sao Khuê

Như đại dương mênh mông nước tràn trề

Như dòng sông, như con đê chắn lũ”

A. 3 hình ảnh

B. 4 hình ảnh

C. 5 hình ảnh

D. 6 hình ảnh

Câu 34. Từ ngữ nào không dùng để nhân hóa sự vật trong đoạn thơ sau của tác giả Nguyễn Tiến Bình?

“Nắng đùa với cỏ ngây thơ

Quấn quanh bên võng, nắng chờ bà ru.

Bốn mùa đông, hạ, xuân, thu

Nắng cùng với gió hát ru quê mình.”

A. đùa

B. ngây thơ

C. ru

D. hát ru

Câu 35. Nêu tác dụng của hình ảnh so sánh trong hai dòng thơ sau của tác giả Vũ Duy Thông:

“Sông La, ơi sông La

Trong veo như ánh mắt”.

A. Gợi tả sự thân thiết và tình cảm gắn bó sâu nặng của tác giả với dòng sông La.

B. Gợi tả vẻ đẹp của ánh mắt trong veo như dòng sông, không có chút vẩn đục nào.

C. Gợi tả vẻ đẹp trong trẻo, hữu tình của dòng sông La.

D. Gợi tả vẻ đẹp của dòng sông và sự thân tình của tác giả khi gọi sông như gọi một người bạn.

PHẦN II – TỰ LUẬN

Viết đoạn văn khoảng 7 câu trình bày cảm nhận của em về khung cảnh thiên nhiên chiều thu trong khổ thơ sau:

“Nắng chiều mỏng manh sợi chỉ

Chuồn kim khâu lá trong vườn

Hoa chuối rơi như tàn lửa

Đất trời được ướp bằng hương.”

(Trích “Chiều thu quê em” – Trương Nam Hương)

--------- Hết ----------

Đáp án

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Câu 1. Câu chuyện diễn ra ở đâu?

A. trên đường phố Nhật Bản

B. ở một khu dân cư Nhật Bản

C. ở một trường tiểu học tại Nhật Bản

D. ở một ga xe điện ngầm tại Nhật Bản

Lời giải chi tiết:

Thông tin có ở câu văn đầu tiên của đoạn văn: “Sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản (ngày 11/3/2011), tại một trường tiểu học, người ta tổ chức phân phát thực phẩm cho những người bị nạn.”

Đáp án: C. ở một trường tiểu học tại Nhật Bản

Câu 2 . Em nhỏ gặp phải hoàn cảnh đáng thương như thế nào?

A. bị bỏ rơi

B. mất đi những người thân yêu trong gia đình

C. bị thương nặng sau trận động đất

D. không được đến trường vì nhà quá nghèo

Lời giải chi tiết:

Thông tin có trong câu văn sau: “Em kể, thảm họa đã cướp đi những người thân yêu trong gia đình: cha, mẹ và đứa em nhỏ.”

Đáp án B. mất đi những người thân yêu trong gia đình

Câu 3. Nhân vật “tôi” đã làm gì để giúp cậu bé?

A. cởi chiếc áo khoác choàng lên người em và đưa khẩu phần ăn tối của mình cho em

B. cởi chiếc áo khoác choàng lên người em và đưa khẩu phần ăn trưa của mình cho em

C. cởi chiếc áo khoác choàng lên người em và đưa khẩu phần ăn sáng của mình cho em

D. cởi chiếc áo khoác choàng lên người em và phân phát thực phẩm cho em đầu tiên

Lời giải chi tiết:

Thông tin có trong câu văn sau: “Thấy em lạnh, tôi cởi chiếc áo khoác choàng lên người em và đưa khẩu phần ăn tối của mình cho em”

Đáp án A. cởi chiếc áo khoác choàng lên người em và đưa khẩu phần ăn tối của mình cho em

Câu 4. Cậu bé có hành động gì ngay khi nhận được túi lương khô từ nhân vật “tôi”?

A. khom người cảm ơn

B. ăn ngấu nghiến ngay lúc đó

C. cho túi lương khô vào ba lô của mình

D. tặng lại túi lương khô cho người đứng cạnh mình

Lời giải chi tiết:

Thông tin có trong câu văn sau: “Cậu bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn”

Đáp án A. khom người cảm ơn

Câu 5. Bài học lớn nhất mà nhân vật “tôi” muốn gửi gắm qua câu chuyện là gì?

A. bài học về lòng biết ơn và tính trung thực

B. bài học về lòng tự trọng và tinh thần nhân ái

C. bài học về tính trung thực và lòng tự trọng

D. bài học về tinh thần dũng cảm và lòng tự trọng

Lời giải chi tiết:

Dựa vào nội dung câu chuyện, có thể rút ra được một số điểm như sau:

- Nhân vật “tôi” có tinh thần nhân ái vì đã nhường phần ăn cho em nhỏ

- Em nhỏ có lòng tự trọng khi để lại túi lương khô để mọi người phân phát thay vì mang về ăn một mình

Đáp án: B. Bài học về lòng tự trọng và tinh thần nhân ái

Câu 6. Nhóm nào sau đây chỉ gồm các từ viết đúng chính tả?

A. xuất sắc, vững trãi, che chở

B. xuất xắc, vững chãi, che trở

C. xuất sắc, vững trãi, che trở

D. xuất sắc, vững chãi, che chở

Lời giải chi tiết:

A. Từ viết sai chính tả: vững trãi

B. Từ viết sai chính tả: xuất xắc, che trở

C. Từ viết sai chính tả: vững trãi

Đáp án D. xuất sắc, vững chãi, che chở

Câu 7 . Cụm từ nào sau đây viết đúng quy tắc viết hoa?

A. Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

C. Bảo Tàng Dân tộc học Việt Nam

B. Bảo tàng Dân Tộc Học Việt Nam

D. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Lời giải chi tiết:

Quy tắc: Khi viết hoa tên cơ quan, tổ chức, ta viết hoa chữ cái đứng đầu mỗi bộ phận trong tên đó.

Cụm từ trên có 3 bộ phận là: Bảo tàng – Dân tộc học – Việt Nam (Việt Nam là danh từ riêng nên cần viết hoa cả 2 tiếng)

Đáp án D. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Câu 8. Từ nào dưới đây là từ láy?

A. râu ria

B. gầy gò

C. dũng mãnh

D. bình minh

Lời giải chi tiết:

Từ láy là từ được tạo thành bởi hai tiếng trở lên, trong đó kết hợp những tiếng có âm đầu, vần hoặc cả âm đầu và vấn giống nhau.

Từ láy có thể chỉ có một tiếng có nghĩa hoặc không tiếng nào có nghĩa khi đứng một mình.

A. râu ria – tiếng râu ria có âm đầu giống nhau nhưng khi đứng một mình thì cả hai tiếng đều có nghĩa => đây là từ ghép

C. dũng mãnh – từ ghép

D. bình minh – tiếng bình minh có vần giống nhau nhưng khi đứng một mình thì cả 2 tiếng đều có nghĩa => từ ghép

Đáp án B. gầy gò

Câu 9 . Từ nào dưới đây là từ ghép?

A. mỏng manh

B. vùng vẫy

C. đung đưa

D. lao xao

Lời giải chi tiết:

Các từ mỏng manh, đung đưa, lao xao đều là từ láy vì có âm đầu của các tiếng giống nhau và chứa ít nhất 1 tiếng không có nghĩa khi đứng một mình.

Đáp án B. vùng vẫy

Câu 10. Từ nào dưới đây không phải là từ ghép tổng hợp?

A. học hành

B. học tập

C. học hỏi

D. học lỏm

Lời giải chi tiết:

Từ ghép tổng hợp là những từ được ghép bởi hai hoặc nhiều tiếng có nghĩa tổng quát, chung cho một danh từ, địa điểm hay hành động cụ thể nào đó

Các từ học hành, học tập, học hỏi đều chỉ học nói chung. Từ học lỏm chỉ một cách học

Đáp án D. học lỏm

Câu 11. Phát biểu nào dưới đây đúng với hai câu sau?

“Đầu tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư?”

A. Hai câu có 4 từ ghép, 1 từ láy.

B. Hai câu có 3 từ ghép, 1 từ láy.

C. Hai câu có 2 từ ghép, 2 từ láy.

D. Hai câu có 3 từ ghép, 2 từ láy.

Lời giải chi tiết:

- Các từ ghép trong câu: đầu tiên, hãnh diện, xấu hổ, hoàn hảo

- Các từ láy trong câu: ngỡ ngàng

Đáp án A. Hai câu có 4 từ ghép, 1 từ láy

Câu 12. Câu dưới đây có mấy danh từ, đó là những từ nào?

“Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông.”

A. 5 danh từ: hôm, hồ ao, bãi, mặt, nước

B. 6 danh từ: hôm, mưa, hồ ao, bãi, mặt, nước

C. 5 danh từ: trời, hồ ao, bãi, mặt, nước

D. 6 danh từ: hôm, trời, hồ ao, bãi, mặt, nước

Lời giải chi tiết:

Các danh từ trong câu: hôm, trời, hồ ao, mặt, nước

Đáp án D. 6 danh từ: hôm, trời, hồ ao, mặt, nước

Câu 13. Từ nào dưới đây không cùng nhóm với 3 từ còn lại trong câu “Vầng dương vừa mới hiện ra hối hả trút xuống mặt đất nguồn ánh sáng và sức nóng đến vô tận của mình.”?

A. vầng dương

B. hối hả

C. ánh sáng

D. sức nóng

Lời giải chi tiết:

Các từ vầng dương, ánh sáng, sức nóng là danh từ

Từ hối hả là tính từ

Đáp án B. hối hả

Câu 14. Có mấy quan hệ từ trong câu sau?

“Sơn và chị Lan vẫn thân mật chơi đùa với chúng; không kiêu kì, khinh khỉnh như các em họ của Sơn.”

A. 3 quan hệ từ

B. 4 quan hệ từ

C. 5 quan hệ từ

D. 6 quan hệ từ

Lời giải chi tiết:

Các quan hệ từ trong câu: và, với, như, của

Đáp án B. 4 quan hệ từ

Câu 15. Đại từ xưng hô có trong câu “Chú mày hội như cú mèo thế này, ta nào chịu được.” là:

A. chú, ta

B. mày, ta

C. chú, mày

D. chú mày, ta

Lời giải chi tiết:

Đại từ xưng hô là từ được người nói dùng để tự chỉ mình hay chỉ người khác khi giao tiếp

Các đại từ xưng hô trong câu là: chú mày, ta

Đáp án D. chú mày, ta

Câu 16. Từ nào dưới đây có nghĩa là “dành dụm, chăm chút, nâng niu cẩn thận từng tí một”?

A. chắt lọc

B. tiết kiệm

C. chắt chiu

D. kiên trì

Lời giải chi tiết:

- Chắt lọc: chọn lấy cái tinh túy nhất, có giá trị và cần thiết nhất

- Tiết kiệm: sử dụng đúng mức, không phí phạm sức lực, của cải, thời gian

- Chắt chiu: dành dụm, chăm chút, nâng niu cẩn thận từng tí một

- Kiên trì: không thay đổi ý định, ý chí để làm việc gì đó đến cùng, mặc dù gặp khó khăn

Đáp án C. chắt chiu

Câu 17 . Yếu tố nào trong câu “Rào rào trận lá tuôn / Rải vàng đầy mặt đất” được dùng với nghĩa chuyển?

A. lá

B. rải

C. mặt

D. đất

Lời giải chi tiết:

Từ ngữ được dùng với nghĩa chuyển trong câu là mặt

- Nghĩa gốc: phần phía trước, từ trán đến cằm của người, hay phần phía trước của đầu con thú, nơi có các bộ phận như mắt, mũi, mồm

- Nghĩa được sử dụng trong câu: phần phẳng ở phía trên của đất

Đáp án C. mặt

Câu 18. Hai yếu tố in đậm trong trường hợp nào sau đây không phải là hiện tượng nhiều nghĩa?

A. “Mùa xuân là Tết trồng cây / Làm cho đất nước càng ngày càng xuân .”

B. “Sau trận mưa đêm rả rích / Cát càng mịn, biển càng trong ” và “Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận / Cha gặp lại mình trong những ước mơ con.”

C. “Ông lành như hạt gạo / Bà hiền như suối trong” và “Tiếng lành đồn xa.”

D. “Dù giáp mặt cùng biển rộng / Cửa sông chẳng dứt cội nguồn” và “ Cửa sổ là mắt của nhà / Nhìn lên trời rộng, nhìn ra sông dài.”

Lời giải chi tiết:

Hai từ trong trong trường hợp B là từ đồng âm

Đáp án B. “Sau trận mưa đêm rả rích / Cát càng mịn, biển càng trong” và “Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận / Cha gặp lại mình trong những ước mơ con.”

Câu 19. Xác định trạng ngữ của câu dưới đây:

“Trong những ngày hội lồng tồng cầu mùa, vui xuân, dân làng mang cỗ đến cúng thần nông.”

A. Trong những ngày

B. Trong những ngày hội lồng tồng cầu mùa

C. Trong những ngày hội lồng tồng

D. Trong những ngày hội lồng tồng cầu mùa, vui xuân

Lời giải chi tiết:

Trong những ngày hội lồng tồng cầu mùa, vui xuân, // dân làng // mang cỗ đến

TN                                                  CN                 VN

cúng thần nông.

Đáp án D. Trong những ngày hội lồng tồng cầu mùa, vui xuân

Câu 20. Xác định thành phần chủ ngữ của câu sau: “Khi đêm xuống, mảnh trăng nhẹ tênh, mỏng manh trôi bồng bềnh trên nền trời chi chít ánh sao.”.

A. Khi đêm xuống, mảnh trắng

B. mảnh trăng

C. mảnh trăng nhẹ tênh, mỏng manh

D. mảnh trăng nhẹ tênh, mỏng manh trôi bồng bềnh trên nền trời

Lời giải chi tiết:

Khi đêm xuống, //mảnh trăng nhẹ tênh, mỏng manh // trôi bồng bềnh trên nền trời

TN                                    CN                                                    VN

chi chít ánh sao.

Đáp án C. mảnh trăng, nhẹ tênh, mỏng manh

Câu 21 . Xác định thành phần vị ngữ của câu sau: “Mỗi sớm đến trường, bước chân chợt ngập ngừng khi đánh thức những bụi cây non vẫn còn đang ngái ngủ.”

A. chợt ngập ngừng khi đánh thức những bụi cây non vẫn còn đang ngái ngủ

B. đánh thức những bụi cây non vẫn còn đang ngái ngủ

C. vẫn còn đang ngái ngủ

D. đang ngái ngủ

Lời giải chi tiết:

Mỗi sớm đến trường , bước chân // chợt ngập ngừng khi đánh thức những bụi cây

TN                        CN                                  VN

non vẫn còn đang ngái ngủ”.

Đáp án A. chợt ngập ngừng khi đánh thức những bụi cây non vẫn còn đang ngái ngủ

Câu 22. Câu “Chiều chiều, hoa thiên lí cứ thoảng nhẹ đâu đây, lọc qua không khí rồi bay nhẹ đến, rồi thoáng cái lại bay đi.” có mấy vị ngữ nhỏ?

A. 2 vị ngữ nhỏ

B. 3 vị ngữ nhỏ

C. 4 vị ngữ nhỏ

D. 5 vị ngữ nhỏ

Lời giải chi tiết:

Chiều chiều , hoa thiên lí // cứ thoảng nhẹ đâu đây , / lọc qua không khí / rồi bay

TN               CN                            VN1                            VN2              VN3

nhẹ đến , / rồi thoáng cái lại bay đi.

VN4

Đáp án C. 4 vị ngữ nhỏ

Câu 23 . Câu nào là câu ghép có các vế được nối bằng cặp quan hệ từ biểu thị mối quan hệ tương phản?

A. “Tuy bốn mùa là vậy nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người.

B. “Tuy rét đậm rét hại nhưng cả đám mạ non vẫn gắng gượng vươn lên.”

C. “Tuy rét vẫn kéo dài, mùa xuân đã đến bên bờ sông Lương.”

D. “Mặt trời đã ngoi lên cao mặc dù sương mù vẫn bao phủ khắp nơi.”

Lời giải chi tiết:

Đáp án A. Tuy bốn mùa là vậy nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người.

Giải thích:

Câu B. Không phải câu ghép (vế 1 chưa hoàn chỉnh) Câu C. Chỉ có 1 quan hệ từ đơn “Tuy”

Câu D. Chỉ có 1 quan hệ từ đơn “Mặc dù”

Câu 24. Câu nào dưới đây là câu ghép?

A. “Tia nắng ban mai nghịch ngợm xuyên qua kẽ lá, soi vào chiếc tổ xinh xắn làm cho chú chim non bừng tỉnh giấc, bay vút lên trời rồi cất tiếng hót líu lo.”

B. ”Đám sẻ non tíu tít nhảy nhót nhặt những hạt thóc còn vương lại trên mảnh sân vuông.”

C. “Mỗi lần nghĩ vậy, đò ngang lại cảm thấy như đôi bờ của mình quả chật hẹp, muốn vứt bỏ tất cả để được đến một nơi nào đó mới và rộng lớn hơn.”

D. “Chúng tôi đi đến đâu, rừng rào rào chuyển động đến đấy.”

Lời giải chi tiết:

Chúng tôi // đi đến đâu , rừng // rào rào chuyển động đến đấy .

CN1                VN1           CN2                    VN2

Đáp án D. “Chúng tôi đi đến đâu, rừng rào rào chuyển động đến đấy.”

Câu 25. Câu “Không gian đầy tiếng chim ngân nga, dường như gió thổi cũng dịu đi, những chiếc lá rơi cũng nhẹ hơn, lơ lửng lâu hơn.” là câu ghép có mấy vế câu?

A. 2 vế câu

B. 3 về câu

C. 4 về câu

D. 5 vế câu

Lời giải chi tiết:

Không gian // đầy tiếng chim ngân nga , dường như gió // thổi cũng dịu đi , những

CN1                      VN1                                                     CN2                  VN2

chiếc lá // rơi cũng nhẹ hơn, lơ lửng lâu hơn .

CN3                VN3

Đáp án B. 3 vế câu

Câu 26. Câu nào dưới đây không phải là câu kể?

A. “Một vài câu hỏi của tôi từ thuở nhỏ cho đến tận bây giờ vẫn chưa có câu trả lời.”

B. “Con ruồi lấy làm khó hiểu, tìm đến hỏi ong mật rốt cuộc là nguyên nhân tại vì sao.”

C. “Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng mờ sương, bạn vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì.”

D. “Giờ đây cá chuồn con đã biết thế nào là bầu trời bao la.”

Lời giải chi tiết:

Câu C là câu cầu khiến – đưa ra mệnh lệnh, đề nghị người khác

Đáp án C. “Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng mờ sương, bạn vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì.”

Câu 27. Phát biểu nào dưới đây đúng với câu văn “Nỗi buồn lo của mẹ tan không thành tiếng, tan mau như sương”?

A. Câu kể “Ai làm gì?” có vị ngữ được cấu tạo bởi hai cụm tính từ.

B. Câu kể “Ai làm gì?” có vị ngữ được cấu tạo bởi hai cụm động từ.

C. Câu kể “Ai thế nào?" có vị ngữ được cấu tạo bởi hai cụm tính từ.

D. Câu kể “Ai thế nào?” có vị ngữ được cấu tạo bởi hai cụm động từ.

Lời giải chi tiết:

Nỗi buồn lo của mẹ // tan không thành tiếng , tan mau như sương

Cụm động từ 1            Cụm động từ 2

Đáp án D. Câu kể “Ai thế nào?” có vị ngữ được cấu tạo bởi hai cụm động từ.

Câu 28. Câu “Bây giờ, bầu trời cao hơn và có những con chim én bay liệng.” thuộc kiểu câu kể nào?

A. Ai là gì?

B. Ai làm gì?

C. Ai thế nào?

D. Như thế nào?

Lời giải chi tiết:

Đây là câu văn miêu tả đặc điểm của bầu trời, trả lời cho câu hỏi Ai thế nào?

Đáp án C. Ai thế nào?

Câu 29. Nêu tác dụng của dấu phẩy trong câu sau:

“Thuyền mành vạm vỡ, to lớn, giương cao cánh buồm lộng gió, lướt sóng ào ào, giống như con chim khổng lồ cất cánh tung bay đến những bến bờ xa.”

A. ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu

B. nối các vế trong câu ghép

C. ngăn cách các tính từ và động từ cùng làm vị ngữ trong câu

D. đánh dấu phần chú thích trong câu

Lời giải chi tiết:

Dấu phẩy ngăn cách các bộ phận vị ngữ trong câu

Đáp án A. ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu

Câu 30. Chỉ ra tác dụng của dấu hai chấm trong câu sau:

“Ánh nắng lướt đi rất nhanh, đổi màu thoăn thoắt: vàng ruộm trên cánh đồng thơm nồng mùa gặt, nâu sẫm trên luống đất vừa gieo hạt, đỏ rực trên mái ngói, xanh mướt trên những vườn cây.”

A. báo hiệu lời nói trực tiếp của nhân vật

B. báo hiệu phần giải thích cho bộ phận đứng trước.

C. giải thích cho bộ phận đứng trước

D. nối các vế trong câu ghép

Lời giải chi tiết:

Nội dung “vàng ruộm trên cánh đồng thơm nồng mùa gặt, nâu sẫm trên luống đất vừa gieo hạt, đỏ rực trên mái ngói, xanh mướt trên những vườn cây” giải thích cho hình ảnh “ánh nắng lướt đi rất nhanh, đổi màu thoăn thoắt”

Đáp án B. báo hiệu phần giải thích cho bộ phận đứng trước.

Câu 31. Hai câu văn dưới đây được liên kết với nhau bằng cách nào?

“(1) Những ngày đẹp trời, buổi sáng bồ câu bay ra từng đàn. (2) Sau một hồi lượn vòng trên không trung trong lành, chúng đậu xuống mặt đất rồi tha thần đi đi lại lại với cái đầu cứ lắc lư, lắc lư”

A. thay thế từ ngữ

B. thay thế từ ngữ và lặp lại từ ngữ

C. lặp lại từ ngữ

D. không sử dụng cách liên kết cầu nào

Lời giải chi tiết:

Từ “chúng” ở câu (2) được dùng để thay thế cho từ “bồ câu” ở câu (1)

Đáp án A. thay thế từ ngữ

Câu 32. Câu nào không sử dụng một trong hai biện pháp nghệ thuật so sánh hoặc nhân hóa?

A. “Cậu bé vừa mỉm cười thích thú, vừa chạy theo cánh chim bay xập xòe phía trước.”

B. “Đâu đó vắng lại tiếng hót thơ dại của chú chim non, cao lắm, xa lắm nhưng tôi vẫn nghe rõ.”

C. “Bức tranh đẹp tựa thiên đường / Hồn thơ trỗi dậy nhẹ vương nghĩa tình.”

D. “Rừng cọ ơi, rừng cọ / Lá đẹp, lá ngời ngời.”

Lời giải chi tiết:

Đáp án A. “Cậu bé vừa mỉm cười thích thú, vừa chạy theo cánh chim bay xập xoè phía trước.”

Giải thích:

Câu B. Biện pháp nhân hoá “tiếng hót thơ dại của chú chim non”

Câu C. Biện pháp so sánh “Bức tranh đẹp tựa thiên đường”; biện pháp nhân hoá “Hồn thơ trỗi dậy nhẹ vương nghĩa tình”

Câu D. Biện pháp nhân hoá

Câu 33. Có mấy hình ảnh so sánh trong đoạn thơ dưới đây của tác giả Nguyễn Đình Huân?

“Tình của cha biết lấy gì so sánh

Sáng như mặt trời, như ánh sao Khuê

Như đại dương mênh mông nước tràn trề

Như dòng sông, như con đê chắn lũ”

A. 3 hình ảnh

B. 4 hình ảnh

C. 5 hình ảnh

D. 6 hình ảnh

Lời giải chi tiết:

Các hình ảnh so sánh trong đoạn thơ trên là: như mặt trời / như ánh sao Khuê / như đại dương mênh mông nước tràn về / như dòng sông / như con đê chắn lũ

Đáp án C. 5 hình ảnh

Câu 34. Từ ngữ nào không dùng để nhân hóa sự vật trong đoạn thơ sau của tác giả Nguyễn Tiến Bình?

“Nắng đùa với cỏ ngây thơ

Quấn quanh bên võng, nắng chờ bà ru.

Bốn mùa đông, hạ, xuân, thu

Nắng cùng với gió hát ru quê mình.”

A. đùa

B. ngây thơ

C. ru

D. hát ru

Lời giải chi tiết:

Từ “ru” không dùng để nhân hóa sự vật vì từ này được gắn với hình ảnh người bà trong câu thơ thứ 2

Đáp án C. ru

Câu 35. Nêu tác dụng của hình ảnh so sánh trong hai dòng thơ sau của tác giả Vũ Duy Thông:

“Sông La, ơi sông La

Trong veo như ánh mắt”.

A. Gợi tả sự thân thiết và tình cảm gắn bó sâu nặng của tác giả với dòng sông La.

B. Gợi tả vẻ đẹp của ánh mắt trong veo như dòng sông, không có chút vẩn đục nào.

C. Gợi tả vẻ đẹp trong trẻo, hữu tình của dòng sông La.

D. Gợi tả vẻ đẹp của dòng sông và sự thân tình của tác giả khi gọi sông như gọi một người bạn.

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh so sánh sông La trong veo như ánh mắt nhằm gợi tả vẻ đẹp trong trẻo và hữu tình của dòng sông La

Đáp án C. Gợi tả vẻ đẹp trong trẻo, hữu tình của dòng sông La

PHẦN II – TỰ LUẬN

Viết đoạn văn khoảng 7 câu trình bày cảm nhận của em về khung cảnh thiên nhiên chiều thu trong khổ thơ sau:

“Nắng chiều mỏng manh sợi chỉ

Chuồn kim khâu lá trong vườn

Hoa chuối rơi như tàn lửa

Đất trời được ướp bằng hương.”

(Trích “Chiều thu quê em” – Trương Nam Hương)

Lời giải chi tiết:

- Dạng đề: Cảm thụ văn học

- Hình thức: viết đoạn văn ngắn

- Dung lượng/Độ dài: khoảng 7 câu văn

- Nội dung cảm thụ: khung cảnh thiên nhiên chiều thu trong khổ thơ trích từ bài Chiều thu quê em của tác giả Đinh Nam Hương

Gợi ý:

1. Mở đoạn (viết 1 câu): Giới thiệu các thông tin sau:

- Tên tác giả: Đinh Nam Hương

- Tên bài thơ: “Chiều thu quê em”

- Nội dung chính cần cảm nhận: Khung cảnh thiên nhiên chiều thu

- Trích dẫn lại khổ thơ đề bài cho

2. Thân đoạn (viết 5-6 câu): Cần cảm nhận nét nổi bật trong nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ:

* Nội dung

- Tín hiệu mùa thu được cảm nhận qua nhiều sự vật khác nhau nhưng rất đặc trưng: Sợi nắng chiều mong manh, chuồn kim khẽ khàng “khâu lá trong vườn”, hoa chuối rơi một vệt đỏ như tàn lửa --> Bức tranh chiều thu đẹp, dịu dàng, yên tĩnh, thanh bình.

- Tất cả trở nên thơm tho như thể đất trời được ướp bằng một làn hương quyến rũ, mê ly: “Đất trời được ướp bằng hương”.

- Bức tranh chiều thu qua cảm nhận từ mảnh vườn gần gũi nên hết sức thân thuộc, đáng yêu.

* Nghệ thuật:

- Nhân hoá: “Chuồn kim khâu lá trong vườn”

- So sánh: “Hoa chuối rơi như tàn lửa”

- Dùng từ ngữ độc đáo: “sợi nắng”, “ướp”…

3. Kết đoạn (viết 1 câu): Nhận xét khái quát chung/Nêu cảm nghĩ: Khổ thơ đã cho người đọc cảm nhận về một bức tranh thiên nhiên chiều thu tuyệt đẹp và dịu dàng, thể hiện sự quan sát tinh tế của nhà thơ Đinh Nam Hương.


Cùng chủ đề:

Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Amsterdam 2019 có đáp án
Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Amsterdam 2020 có đáp án
Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Amsterdam 2023 có đáp án
Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Amsterdam có đáp án
Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Amsterdam có đáp án
Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Archimedes 2024 có đáp án - Đề mẫu
Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Cầu Giấy 2019 có đáp án
Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Cầu Giấy 2020 - 2021 có đáp án
Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Cầu Giấy 2021 có đáp án
Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Cầu Giấy có đáp án
Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Cầu Giấy có đáp án