Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Cầu Giấy năm 2021
Tải vềDãy từ nào sau đây chưa tạo thành câu hoàn chỉnh? Dòng nào dưới đây nêu đúng nhất nghĩa của thành ngữ “Cây nhà lá vườn”?
Đề thi
ĐỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 6 TRƯỜNG THCS CẦU GIẤY
Thời gian làm bài: 40 phút
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Trả lời câu hỏi bằng cách khoanh vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng nhất.
Câu 1. Dãy từ nào sau đây chưa tạo thành câu hoàn chỉnh?
A. Những viên bi tròn xoe, long lanh ấy.
B. Cuốn sách ở ngăn bàn.
C. Bút để viết.
D. Hoa nở.
Câu 2. Từ “tay” trong câu nào dưới đây có cùng nghĩa với từ “tay” trong câu thơ: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
A. Đó là một tay đua xuất sắc.
B. Chúng ta cùng chung tay bảo vệ trái đất mãi xanh tươi.
C. Mình cùng nắm tay nhau đi khắp thế gian.
D. Cai lệ là tên tay sai của bọn thống trị ở làng quê xưa.
Câu 3. Dòng nào dưới đây nêu đúng nhất nghĩa của thành ngữ “Cây nhà lá vườn”?
A. Cây cối trồng trong vườn nhà.
B. Khu vườn xanh tốt quanh năm.
C. Những thứ tự mình làm ra, hoặc có sẵn quanh mình.
D. Cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.
Câu 4. Dãy từ nào sau đây chỉ gồm các từ láy?
A. Nho nhỏ, nhỏ nhắn, nhỏ nhẹ, nhỏ nhẻ.
B. Mập mạp, mũm mĩm, mong manh, mềm mại.
C. Ngộ nghĩnh, ngúc ngắc, ngang ngược, ngó nghiêng.
D. Long lanh, lung linh, lú lẫn, lạ lẫm.
PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Bài 1. (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“ Cũng vào khoảng cuối tháng ba, các cây sầu đâu mọc ở các vùng quê Bắc Bộ đâm hoa và người ta thấy hoa sầu đâu nở như cười . Hoa nhỏ bé, lấm tấm mấy chấm đen, nở từng chùm, đu đưa như đưa võng mỗi khi có gió. Có người cho hoa đó là một thứ hoa không vương giả như hoa đào, phong lan, mai mận... Nhưng các cụ thực biết thưởng hoa lại quả quyết không có một loài hoa nào thơm một cách chân thật, quê mùa như thế.”
a) Giải nghĩa từ “vương giả” được dùng trong đoạn văn trên và cho biết từ “vương giả” thuộc từ loại gì? Tìm trong đoạn văn trên một từ trái nghĩa với từ “vương giả”.
b) Phân tích thành phần câu của câu văn được in đậm trong đoạn văn trên và cho
biết theo cấu tạo, câu văn đó thuộc kiểu câu gì?
c) Các câu văn trong đoạn văn trên được liên kết với nhau bằng những phép liên kết nào? Chỉ ra từ ngữ thể hiện phép liên kết đó.
Bài 2. (2,0 điểm) Cho câu thơ:
“Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.”
(Trích Chợ Tết , Đoàn Văn Cừ,
Tiếng Việt 4, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
a) Từ “gội” trong câu thơ trên được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?
b) Em cảm nhận được điều gì độc đáo, thú vị trong câu thơ “Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”?
Bài 3. (3,0 điểm)
Con đường đến trường đã vô cùng thân thuộc với em mỗi ngày đi học. Hãy viết đoạn văn (7–10 câu) tả lại con đường đến trường của em.
------- Hết -------
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.
Câu 1. A |
Câu 2. C |
Câu 3. C |
Câu 4. B |
Câu 1. Dãy từ nào sau đây chưa tạo thành câu hoàn chỉnh?
A. Những viên bi tròn xoe, long lanh ấy.
B. Cuốn sách ở ngăn bàn.
C. Bút để viết.
D. Hoa nở.
Lời giải chi tiết:
- Dãy từ “Những viên bi tròn xoe, long lanh ấy” là cụm danh từ, chưa thành câu hoàn chỉnh với đầy đủ các thành phần chủ ngữ, vị ngữ.
- Các phương án còn lại đều là câu vì có đủ CN – VN.
Chọn A.
Câu 2. Từ “tay” trong câu nào dưới đây có cùng nghĩa với từ “tay” trong câu thơ: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
A. Đó là một tay đua xuất sắc.
B. Chúng ta cùng chung tay bảo vệ trái đất mãi xanh tươi.
C. Mình cùng nắm tay nhau đi khắp thế gian.
D. Cai lệ là tên tay sai của bọn thống trị ở làng quê xưa.
Lời giải chi tiết:
- Từ “tay” trong câu thơ “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” được dùng với nghĩa gốc chỉ một bộ phận của cơ thể, dùng để cầm, nắm đồ vật.
- Từ “tay” trong câu “Mình cùng nắm tay nhau đi khắp thế gian” cũng có nghĩa gốc tương tự.
- Các từ “tay“ trong những câu khác được dùng với nghĩa chuyển.
Chọn C.
Câu 3. Dòng nào dưới đây nêu đúng nhất nghĩa của thành ngữ “Cây nhà lá vườn”?
A. Cây cối trồng trong vườn nhà.
B. Khu vườn xanh tốt quanh năm.
C. Những thứ tự mình làm ra, hoặc có sẵn quanh mình.
D. Cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.
Lời giải chi tiết:
Thành ngữ “Cây nhà lá vườn” dùng để chỉ những thứ tự mình làm ra, hoặc có sẵn quanh mình.
Chọn C.
Câu 4. Dãy từ nào sau đây chỉ gồm các từ láy?
A. Nho nhỏ, nhỏ nhắn, nhỏ nhẹ, nhỏ nhẻ.
B. Mập mạp, mũm mĩm, mong manh, mềm mại.
C. Ngộ nghĩnh, ngúc ngắc, ngang ngược, ngó nghiêng.
D. Long lanh, lung linh, lú lẫn, lạ lẫm.
Lời giải chi tiết:
- Dãy từ trong phương án B là các từ láy.
- Các dãy từ khác có chứa từ ghép: nhỏ nhẹ, ngang ngược, ngó nghiêng, lú lẫn
PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Bài 1. (3,0 điểm)
a) (1,0 điểm)
- “Vương giả”: cao sang, quý phái.
- “Vương giả” là tính từ.
- Từ trái nghĩa với từ “vương giả” là từ “quê mùa”.
b) (1,0 điểm)
- Phân tích thành phần câu.
“ Cũng vào khoảng cuối tháng ba, các cây sầu đâu mọc ở các vùng quê Bắc Bộ //
TN CN 1
đâm hoa và người ta // thấy hoa sầu đâu nở như cười .”
VN 1 CN 2 VN 2
- Câu văn trên là câu ghép.
c) (1,0 điểm)
- Phép lặp: từ “hoa”
- Phép thế: “hoa đó” thay thế cho “hoa sầu đâu”
- Phép nối: từ “nhưng”
Bài 2. (2,0 điểm)
a) (0,5 điểm)
Từ “gội” được dùng theo nghĩa chuyển, mang nghĩa là trôi qua, trải qua.
b) (1,5 điểm)
Câu thơ “Nước thời gian gội tóc trắng phau phau” gợi lên những liên tưởng thú vị: Thời gian vốn chảy trôi không ngừng nhưng nó là thứ trừu tượng, vô hình, khó nắm bắt và cảm nhận. Qua cách dùng từ và diễn đạt của nhà thơ, ta thấy thời gian hiện lên thật sống động tựa như một dòng nước gội lên đầu bà cụ, khiến mái tóc đã trắng phau phau. Mái tóc ấy là minh chứng cho tuổi tác, cho sức mạnh của thời gian.
Bài 3. (3,0 điểm)
* Yêu cầu về hình thức: (1,0 điểm)
- Học sinh viết đoạn văn ngắn, từ 7–10 câu.
- Diễn đạt ngắn gọn, mạch lạc, sinh động. CHO NH
- Không mắc các lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.
* Yêu cầu về nội dung: (2,0 điểm)
- Giới thiệu chung về con đường đến trường: Đó là con đường nào? Ấn tượng nổi bật của em về con đường ấy như thế nào?
- Tả đặc điểm cụ thể của con đường: Có thể miêu tả con đường theo trình tự không gian (từ bao quát đến chi tiết: lòng đường, vỉa hè, hoạt động của con người trên đường và bên đường); theo trình tự thời gian (mỗi ngày khi đến tin trường và khi về nhà, qua các mùa trong năm ...).
- Tình cảm của em dành cho con đường.