Giải Bài tập Tiếng Việt trang 45 sách bài tập Ngữ văn 12 - Chân trời sáng tạo
Phân tích biện pháp tu từ nói mỉa trong các trường hợp sau và nêu tác dụng của các biện pháp này
Câu 1
Phân tích biện pháp tu từ nói mỉa trong các trường hợp sau và nêu tác dụng của các biện pháp này:
a. Và đó cũng là lần đầu tiên trong đời mình, hai con mắt của ông Va-ren được thấy hiển hiện cái huyền diệu của một thành phố Đông Dương, dưới lòng đường, trên vỉa hè, trong cửa tiệm. Những cu-li xe kéo xe tay phóng cật lực, đôi bàn chân dẫm đất lạch bạch trên mặt đường nóng bỏng; những quả dưa hấu bổ phanh đỏ lòm lòm; những xâu lạp xưởng lủng lẳng dưới mái hiên các hiệu cơm; cái rốn một chú khách trưng ra giữa trời; một viên quan uể oải bước qua, tay phe phẩy cái quạt, ngực đeo tấm Bắc Đẩu bội tinh hình chữ thập. Thật là lộn xộn! Thật là nhốn nháo!
(Nguyễn Ái Quốc, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu)
b. Cái vui nhất là ngay đến Chính phủ cũng chẳng nhận ra được khách thật của mình nữa, và để chắc chắn khỏi thất thố trong nhiệm vụ tiếp tân, Chính phủ bèn đối đãi với tất cả mọi người An Nam vào hàng vua chúa và phái tuỳ tùng đi hộ giá tuốt! Đó là những người phục vụ thầm kín, rụt rè, vô tư và hết sức tận tụy. Các vị chẳng nề hà chút công sức nào để bảo vệ bọn tôi, và giá cô được trông thấy các vị ân cần theo dõi tôi chẳng khác bà mẹ hiền rình con thơ chập chững bước đi thứ nhất, thì hẳn cô phải phát ghen lên được về nỗi niềm âu yếm của các vị đối với tôi. Có thể nói là các vị bám lấy đế giày tôi, dính chặt với tôi như hình với bóng. Và thật tình là các vị cuống cuồng cả lên nếu mất hút tôi chỉ trong dǎm phút! Cô thử nghĩ, làm sao mà không xúc động sâu xa được, khi được đối đãi như thế?
(Nguyễn Ái Quốc, Vi hành)
Phương pháp giải:
Đọc lý thuyết về biện pháp tu từ nói mỉa và vận dụng vào bài này.
Lời giải chi tiết:
Biện pháp tu từ nói mỉa được thể hiện trong các đoạn trích trên:
a.
- Qua cách sử dụng cụm từ: “cái huyền diệu của một thành phố Đông Dương” kết hợp cùng các hình ảnh, chi tiết nhốn nháo, hỗn loạn: “cu-li xe kéo xe tay phóng cật lực”, “quả dưa hấu bổ phanh đỏ lòm lòm”, “xâu lạp xưởng lủng lẳng”, “cái rốn một chú khách trưng ra giữa trời”, và “viên quan uể oải bước qua”...
—> Những hình ảnh này làm nổi bật sự lộn xộn, nhốn nháo và thiếu trật tự của xã hội dưới chế độ thực dân, qua đó phê phán sự bất công và lố bịch của chế độ này. Đồng thời khơi gợi sự tò mò, tạo ra những tiếng cười, những hình ảnh mới cho câu chuyện.
b.
- “Chính phủ cũng chẳng nhận ra được khách thật của mình”, “Chính phủ bèn đối đãi với tất cả mọi người An Nam vào hàng vua chúa và phái tuỳ tùng đi hộ giá tuốt! Đó là những người phục vụ thầm kín, rụt rè, vô tư và hết sức tận tụy”, “ làm sao mà không xúc động sâu xa được“”
—> Những câu văn trên đều mang tính chất mỉa mai, châm biếm, vạch trần sự giả dối, sự tận tụy giả tạo của chế độ
Câu 2
Trong văn bản Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (SGK Ngữ văn 12, tập hai), tác giả đã viết nhiều câu thể hiện rõ ý Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù:
- Như vậy có nghĩa là trong bốn tuần lễ đó, Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù. (phần 1, tr.74)
- Trong khi đó thì Phan Bội Châu vẫn nằm tù (phần 2, tr.75)
- Trong khi đó thì Phan Bội Châu vẫn nằm tù (phần 3, tr.76)
Phân tích tác dụng của việc sử dụng các câu này.
Phương pháp giải:
Đọc lại văn bản và tìm các câu thể hiện rõ ý Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù
Lời giải chi tiết:
Trong văn bản, tác giả liên tiếp lặp lại gần như hoàn toàn câu (Trong khi đó thì Phan Bội Châu vẫn nằm tù) có tác dụng:
+ Tăng thêm tính biểu đạt, biểu cảm cho văn bản
+ Nhấn mạnh vào thông tin Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù nhằm: gợi lên sự đồng cảm đối với nhân vật từ độc giả, tạo ra sự châm biếm, mỉa mai đối với những trò lố bịch và vô nghĩa mà Va-ren đã làm.
+ Việc nhấn mạnh lại thông tin này còn giúp tác giả liên kết các đoạn văn trong văn bản lại với nhau để tạo mạch cho văn bản….
Câu 3
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu bên dưới
Tôi không được rõ ý đồ nhà “vi hành” của chúng ta ra sao. Phải chǎng là ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là Alếchxǎng đệ nhất có được sung sướng, có được uống nhiều rượu, và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài, hay không? Phải chǎng ngài muốn học sử dụng (theo kiểu Pháp) cái liềm của nhà nông cùng cái búa của thầy thợ để sau cuộc ngao du, đem về chút ấm no mà đám “dân” bất hạnh của ngài tới nay hoàn toàn chẳng biết đến? Hay là, chán cảnh làm một ông vua to, bây giờ ngài lại muốn nếm thử cuộc đời của các cậu công tử bé?
(Nguyễn Ái Quốc, Vi hành)
a. Nêu tác dụng của các câu hỏi được sử dụng trong đoạn trích trên.
b. Phân tích biện pháp tu từ nói mỉa trong đoạn trích trên và nêu tác dụng của biện pháp này
Phương pháp giải:
Đọc đoạn trích, chú ý đến các câu hỏi, các câu văn có sử dụng biện pháp tu từ nói mỉa.
Lời giải chi tiết:
a. Các câu hỏi được sử dụng trong đoạn trích trên:
- “ Phải chǎng là ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là Alếchxǎng đệ nhất có được sung sướng, có được uống nhiều rượu, và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài, hay khôn”
- “ Phải chǎng ngài muốn học sử dụng (theo kiểu Pháp) cái liềm của nhà nông cùng cái búa của thầy thợ để sau cuộc ngao du, đem về chút ấm no mà đám “dân” bất hạnh của ngài tới nay hoàn toàn chẳng biết đến?”
- “Hay là, chán cảnh làm một ông vua to, bây giờ ngài lại muốn nếm thử cuộc đời của các cậu công tử bé?”
→ Đoạn văn trên có 4 câu nhưng lại có đến 3 câu hỏi. Các câu hỏi được tác giả sự dụng ở đây không nhằm mục đích hỏi để tìm kiếm câu trả lời. Các câu hỏi này được sử dụng nhằm mục đích nhấn mạnh vào sự mỉa mai, châm biếm của tác giả đối với nhân vật.
b.
Biện pháp nói mỉa được tác giả sử dụng chủ yếu được thể hiện qua ba câu hỏi mà tác giả tự đặt ra trong đoạn trích:
- “ Phải chǎng là ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là Alếchxǎng đệ nhất có được sung sướng, có được uống nhiều rượu, và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài, hay khôn”
—> Mỉa mai, châm biếm sự vô trách nhiệm của vua Khải Định đối với dân chúng. Từ đó lên án cái lối sống xa hoa, hưởng thụ mặc đời sống nhân dân khổ cực của giai cấp thống trị.
- “ Phải chǎng ngài muốn học sử dụng (theo kiểu Pháp) cái liềm của nhà nông cùng cái búa của thầy thợ để sau cuộc ngao du, đem về chút ấm no mà đám “dân” bất hạnh của ngài tới nay hoàn toàn chẳng biết đến?”
—> Mỉa mai sự bất lực, rời xa thực tế và thiếu hiểu biết, không quan tâm đến đời sống nhân dân của vua Khải Định: ông ta có thể học để về dạy lại cho nhân dân nhưng ông ta đã không làm điều đó
- “Hay là, chán cảnh làm một ông vua to, bây giờ ngài lại muốn nếm thử cuộc đời của các cậu công tử bé?”
→ Mỉa mai, châm biếm lối sống xa hoa, hưởng thụ, của “những tay ăn chơi bừa bãi”. Ở đây tác giả không chỉ sử dụng biện pháp nói mỉa mà có một số ý kiến cho rằng tác giả còn sử dụng biện pháp chơi chữ (trong tiếng Pháp “đại công tước” cũng có nghĩa là “những tay ăn chơi bừa bãi” —> “công tử bé”- “”tiểu công tước” có thể có ý hiểu là một tay tập tành ăn chơi bừa bãi)