Giải bài Viết và nói - nghe trang 34 sách bài tập Ngữ văn 12 - Cánh diều
Để viết bài phát biểu trong lễ phát động một phong trào hoặc hoạt động xã hội, em cần chú ý những gì?
Câu 1
Trả lời Câu hỏi 1 trang 34 SBT Văn 12 Cánh diều
Để viết bài phát biểu trong lễ phát động một phong trào hoặc hoạt động xã hội, em cần chú ý những gì?
Phương pháp giải:
Đọc phần Định hướng
Lời giải chi tiết:
Để viết bài phát biểu trong lễ phát động một phong trào hoặc hoạt động xã hội, em cần chú ý:
- Tìm hiểu về thời gian, địa điểm, mục đích, nội dung chính của buổi lễ ấy.
- Xác định và tìm hiểu về người nghe (lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ,...).
- Xác định bố cục của bài phát biểu (có mở đầu, nội dung chính và kết thúc); lựa chọn và sắp xếp nội dung phát biểu theo bố cục đã lựa chọn. Nội dung phát biểu đúng trọng tâm, rõ ràng, mạch lạc.
- Lựa chọn từ ngữ, các phương tiện hỗ trợ (tranh, ảnh, đoạn phim ngắn,...) để làm nổi bật thông điệp mà em muốn truyền đạt.
Câu 2
Trả lời Câu hỏi 2 trang 34 SBT Văn 12 Cánh diều
Cho đề bài sau:
Em được tham gia một chương trình từ thiện, tặng quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương nhân dịp năm học mới. Em được đề nghị phát biểu trong buổi tặng quà đó. Hãy viết bài phát biểu của em.
a, Dựa vào mục 2. Thực hành trong SGK (trang 103-105), em hãy tìm ý và lập dàn ý cho đề bài phát biểu.
b, Viết bài phát biểu theo dàn ý đã lập.
Phương pháp giải:
Đọc đề bài, đọc mục 2. Thực hành trong SGK (trang 103-105)
Lời giải chi tiết:
a,
- Tìm ý:
+ Lí do tham gia chương trình là gì?
+ Cảm xúc của em khi tham gia chương trình? (vui, vinh dự, hạnh phúc, xúc động, khó nói thành lời,...)
+ Tại sao phải làm từ thiện, tặng quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương nhân dịp năm học mới?
+ Việc làm đó có ý nghĩa như thế nào? (tạo cơ hội bình đẳng, khích lệ tinh thần học tập cho các em, giảm bớt áp lực tài chính,giáo dục về lòng nhân ái...)
+ Mọi người có thể làm từ thiện, tặng quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương nhân dịp năm học mới bằng những cách nào?
+ Em và các bạn học sinh trường em sẽ làm gì để góp phần làm cho buổi từ thiện, tặng quà thành công?
- Lập dàn ý:
1. Mở bài: Lời chào và giới thiệu
2. Thân bài:
+ Lí do tham gia chương trình
+ Cảm xúc của em khi tham gia chương trình
+ Tại sao phải làm từ thiện,
+ Ý nghĩa của chương trình
+ Cách thức để mọi người có thể làm từ thiện.
+ Cách em và các bạn học sinh trong trường sẽ làm để góp phần cho buổi từ thiện, tặng quà thành công.
b,
Kính thưa các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh thân mến,
Lời đầu tiên, em xin gửi lời chào trân trọng và lời chúc sức khỏe đến tất cả mọi người có mặt trong buổi lễ hôm nay. Em rất vinh dự được đứng đây để chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình khi được tham gia chương trình từ thiện, tặng quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương nhân dịp năm học mới. Đây là một cơ hội quý báu để em cũng như tất cả mọi người có thể cùng nhau chia sẻ và lan tỏa tình yêu thương, sự quan tâm đến những bạn học sinh kém may mắn hơn.
Lí do em tham gia chương trình này không chỉ vì niềm vui cá nhân mà còn vì em tin rằng việc làm từ thiện, tặng quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn là một hành động vô cùng ý nghĩa. Nó không chỉ giúp các bạn có thêm điều kiện học tập tốt hơn mà còn tạo ra cơ hội bình đẳng, khích lệ tinh thần học tập và giảm bớt áp lực tài chính cho gia đình các bạn. Hơn thế nữa, việc làm này còn giáo dục chúng ta về lòng nhân ái, sự sẻ chia và trách nhiệm với cộng đồng.
Để có được ngày hôm nay, chúng em đã tổ chức các hoạt động gây quỹ, quyên góp. Cùng với tấm lòng tương thân tương ái của mọi người, chúng em đã nhận được những hiện vật như: sách vở, đồ dùng học tập, quần áo,... và một khoản tiền nhỏ được gửi đến để hỗ trợ các bạn học sinh. Ngoài ra, chúng em sẽ tổ chức các buổi giao lưu cũng như là các buổi chia sẻ kinh nghiệm học tập để giúp các bạn có thêm hiểu rõ hơn về con đường mà mình đang bước đi, đồng thời tiếp thêm động lực và niềm tin về tương lai của các bạn trên con đường giáo dục.
Để góp phần làm cho buổi từ thiện, tặng quà thành công, em và các bạn học sinh trường em sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động chuẩn bị, từ việc gói quà, trang trí sân khấu đến việc tổ chức các tiết mục văn nghệ. Chúng em cũng sẽ cố gắng tạo ra một không khí vui tươi, ấm áp để các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương từ mọi người.
Nhưng để buổi từ thiện ngày hôm nay được thành công thì cũng không thể không có các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh thân mến. Vì vậy, ngày hôm nay, em mong rằng chúng ta đều có thể dành một chút thời gian để chia sẻ, động viên và giúp đỡ lẫn nhau để ngày hôm nay mọi thứ sẽ trở nên ấm áp và thành công.
Em cũng mong rằng sau buổi ngày hôm nay các em học sinh sẽ tiếp tục cố gắng để bước tiếp con đường và thực hiện ước mơ của mình. Xin cảm ơn các bạn nhỏ đã luôn nỗ lực, phấn đấu, không từ bỏ tương lai của mình. Hãy cứ vững tin vào bản thân các bạn nhé! Hãy biến những món quà, sự ấm áp của ngày hôm nay trở thành hành trang, trở thành động lực để có thể bước tiếp. Và các bạn hãy nhớ rằng, chúng mình luôn ở đây để có thể giúp đỡ các bạn. Vậy nên, đừng ngần ngại mà hãy bước về phía trước!
Cuối cùng, em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý thầy cô, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh đã cùng nhau chung tay góp sức để chương trình này được diễn ra thành công. Em hy vọng rằng, những món quà nhỏ bé này sẽ mang lại niềm vui và hy vọng cho các bạn học sinh, giúp các bạn có một năm học mới đầy hứng khởi và thành công.
Xin chân thành cảm ơn!
Câu 3
Trả lời Câu hỏi 3 trang 34 SBT Văn 12 Cánh diều
Em hãy viết một đoạn văn khoảng (10 - 15 dòng) bình luận về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay
Phương pháp giải:
Tham khảo các ý sau:
Vai trò của người phụ nữ:
- Người mẹ, người nội trợ trong gia đình
- Có thể làm nội trợ, cũng có khả năng tham gia vào các công việc tài chính, chính trị
- Là người dẫn đầu, tiên phong trong các phong trào nữ quyền,...
Lời giải chi tiết:
Trước khi con người bước vào thời kỳ phụ hệ, họ đã từng sống trong giai đoạn có tên “mẫu hệ”. Có thể nói từ xa xưa, người phụ nữ luôn có vai trò quan trọng trong đời sống, kể cả khi trong thời kỳ phụ hệ. Và điều này đúng đối với cả xã hội hiện nay. Ngoài vai trò nội trợ trong gia đình, những người phụ nữ đã bước ra khỏi vùng an toàn của mình, đóng góp cho xã hội, cho gia đình nhiều hơn. Họ có thể trở thành những người nội trợ chăm sóc gia đình, cũng có thể trở thành những doanh nhân, trở thành những người có địa vị cao trong xã hội. Trước đây, hầu hết đến 99% hoc sinh, sinh viên hay những người làm các nghề như bác sĩ, luật sư… Đều là con trai. Nhưng hiện nay, nếu nhìn vào các trường đại học ta có thể thấy, thời thế đã xoay đổi, không có sự phân biệt giữa nam và nữ, điều đó đồng nghĩa những người phụ nữ sẽ có cơ hội bước chân vào một thế giới mới. Họ sẽ có thể gánh vác trọng trách về tài chính, cũng có thể tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội. Hơn nữa, họ còn là những thủ lĩnh, những người lãnh đạo những phong trào đòi bình đẳng giới, đòi nữ quyền,... Họ đang dần trở nên quan trọng hơn trong thế giới hiện nay. Và với những gì họ đóng góp, họ xứng đáng có được điều đó.
Câu 4
Trả lời Câu hỏi 4 trang 34 SBT Văn 12 Cánh diều
Về việc đàn ông chọn làm nội trợ, có người đồng tình, có người phản đối. Các em hãy đóng vai trò người đồng tình và người phản đối để tranh luận về vấn đề này
Phương pháp giải:
Trả lời câu hỏi theo những hiểu biết và quan điểm cá nhân.
Lời giải chi tiết:
Đề bài: việc đàn ông chọn làm nội trợ
(Ý cơ bản và chưa có sự tương tác hay tranh luận chéo giữa hai bên về một thang đo nhất định.)
Ủng hộ |
Phản đối |
1. Liên quan đến vấn đề bình đẳng giới: - Thể hiện sự bình đẳng giới: phụ nữ làm được thì đàn ông cũng làm được. - Từ đó, thúc đẩy sự bình đẳng giới trong gia đình. Mà gia đình là tế bào của xã hội→ thúc đẩy sự bình đẳng giới đối với một hoặc một nhóm cộng đồng. Nhiều gia đình đều vậy thì sẽ là sự thúc đẩy bình đẳng giới của xã hội. 2. Gia đình ấm áp, yêu thương nhau hơn - Bên cạnh các công việc nội trợ của người phụ nữ như bình thường thì hầu hết họ cũng có một công việc riêng khác. Điều đó khó có thể tránh trường hợp họ trở nên mệt mỏi, cáu gắt→ Việc làm này giống như một sự đồng cảm, yêu thương của người chồng, người con trai trong gia đình đối với những người phụ nữ- những người vốn được gắn liền với công việc nội trợ. - Xét trong trường hợp người phụ nữ là người có nguồn thu nhập cao hơn nhưng vì tai tiếng xã hội làm cô ấy căng thẳng, mệt mỏi trong chính ngôi nhà của mình→ Việc này sẽ làm cho họ trở nên thoải mái hơn, cảm giác được chia sẻ, đồng cảm. Đồng thời cũng giúp giảm áp lực về tài chính gia đình. 3. Đàn ông chọn làm nội trợ không có nghĩa họ không thể làm được những công việc khác. Và điều đó cũng không có nghĩa phụ nữ sẽ không làm gì để giúp họ trong công việc nội trợ ấy |
1. Người phụ nữ làm công việc này tốt hơn: - Từ xa xưa, họ đã là người đảm nhận vai trò nội trợ 2. Nếu để người đàn ông làm việc này thì: - Họ sẽ vấp phải định kiến xã hội + Vẫn có những định kiến cho rằng đàn ông là người gánh trọng trách, là phải làm những chuyện lớn + Họ sẽ có cảm giác mình không bằng bạn bè, gia đình,... + Họ sẽ cảm thấy bản thân không đóng góp được gì cho xã hội. —> áp lực tâm lý - Những người đàn ông sẽ vấp phải khó khăn nếu quay lại thị trường lao động. - Thị trường lao động luôn luôn biến đổi - Những người đàn ông thì chỉ vẫn quanh quanh quẩn quẩn làm những công việc nội trợ trong nhà. Kể cả rằng có làm những công việc online ở nhà hay truy cập tin tức thì thứ nhất, họ hoàn toàn có thể nắm bắt các thông tin sai về thị trường lao động, thậm chí họ cũng có thể bị các bên khác “lôi kéo, dắt mũi”. Thứ hai, khi vừa làm nội trợ, vừa làm các công vệc khác thì họ có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe, họ sẽ chẳng thể tập tủng vào công việc của mình dẫn đến hiệu quả làm việc kém, không quản lý được thời gian… —> Cuộc sống của họ và những người xung quanh hoàn toàn có thể trở nên tồi tệ hơn. Vì chẳng ai muốn khi về nhà mà ăn được một bữa cơm không ngon, và cũng chẳng có ông sếp hay ai muốn người lao động của mình tiếp tục làm việc mặc dù anh ta có hiệu quả thấp cả. 3. Chúng tôi phản đối việc đàn ông chọn làm nội trợ nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng tôi gạt ỏ đi sở thích, đam mê hay tình yêu thương của họ đối với những người làm nội trợ trong gia đình. Bởi chúng tôi phản đối sự chọn làm nội trợ của họ chứ không phản đối việc họ tham gia và giúp đỡ những người làm nội trợ trong gia đình của mình. |