Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường PTDT nội trú tỉnh Trà Vinh — Không quảng cáo

Soạn văn 10 tất cả các bài, Ngữ văn 10 , tổng hợp văn mẫu hay nhất


Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường PTDT nội trú tỉnh Trà Vinh

Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường PTDT nội trú tỉnh Trà Vinh với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

TRƯỜNG PTDT NỘI TRÚ THPT

TỈNH TRÀ VINH

TỔ VĂN - ANH VĂN

KỲ THI HỌC KÌ I NĂM 2019 - 2020

Môn thi: Ngữ Văn K10

Thời gian làm bài: 120 phút

(Không kể giao phát đề)

PHẦN I. ĐỌC - HIỂU (3.0 ĐIỂM)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi ở bên dưới:

Điều gì là quan trọng?

Chuyện xảy ra tại một trường trung học:

Thầy giáo giơ cao một tờ giấy trắng, trên đó có một vệt đen dài và đặt câu hỏi với học sinh:

- Các em có thấy gì không?

Cả phòng học vang lên câu trả lời:

- Đó là một vệt đen.

Thầy giáo nhận xét:

- Các em trả lời không sai. Nhưng không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng ư?

Và thầy kết luận:

- Có người thường chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ. Khi phải đánh giá một sự việc hay một con người, thầy mong các em đừng quá chú trọng vào vệt đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời.

(Trích Quà tặng cuộc sống - Dẫn theo http://gacsach.com )

Câu 1: Xác định hai phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên? (0.5 điểm)

Câu 2: Trong lời khuyên của thầy giáo, hình ảnh “vệt đen” tượng trưng cho điều gì? (0.5 điểm)

Câu 3: Nội dung chính mà văn bản trên muốn đề cập đến là gì? (0.5 điểm). Dựa vào nội dung đó hãy đặt cho văn bản một nhan đề khác?

Câu 4: Theo anh/chị việc chỉ chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ thể hiện một cách đánh giá con người như thế nào? (1.0 điểm).

PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)

Câu 1: (2.0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 15 - 20 câu) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời khuyên của thầy giáo trong văn bản ở phần Đọc hiểu: “Khi phải đánh giá một sự việc hay một con người, thầy mong các em đừng quá chú trọng vào vết đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời.”

Câu 2: (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của người tráng sĩ đời Trần qua bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão.

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

(Phiên âm)

Múa giáo giang sơn trải mấy thu

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

(Dịch thơ)

...............................HẾT..................................

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính công vụ

* Cách giải:

- Phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm, nghị luận

Câu 2:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

- Ý nghĩa ẩn dụ của hình ảnh “vết đen”: chỉ những sai lầm, thiếu sót, hạn chế… mà mỗi chúng ta đều có thể mắc phải.

Câu 3:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

- Nội dung chính được đề cập đến trong văn bản: Cách nhìn nhận, đánh giá một sự việc, một con người.

- Đặt nhan đề khác cho văn bản: Bài học từ người thầy/ Bài học về cách đánh giá con người/ Những vệt đen trên tờ giấy trắng

Lưu ý : Học sinh có thể có những cách trả lời khác nhưng nếu đúng ý, phù hợp vẫn cho điểm tối đa.

Câu 4:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Việc chỉ “chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ” thể hiện một cách đánh giá con người chủ quan, phiến diện, thiếu đi sự độ lượng, bao dung cần thiết để nhìn nhận, đánh giá người khác một cách toàn diện.

Lưu ý : Học sinh có thể có những cách diễn đạt khác nhau nhưng nếu đúng ý vẫn cho điểm tối đa.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

* Cách giải

Yêu cầu về hình thức: Viết đúng hình thức của một đoạn văn và đảm bảo dung lượng 15 đến 20 câu, tránh viết quá ngắn hoặc quá dài so với quy định

Yêu cầu về nội dung: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần bày tỏ được những suy nghĩ đúng đắn, tích cực trên cơ sở hiểu đúng thông điệp từ lời khuyên của thầy giáo. Dưới đây là những gợi ý cơ bản:

- Giải thích:

Thông điệp từ lời khuyên của thầy giáo: Khi đánh giá một con người không nên quá chú ý vào những sai lầm, thiếu sót mà cần biết trân trọng những điều tốt đẹp, biết nhìn thấy trong tâm hồn mỗi người đều còn những khoảng trống để từ đó có thể tạo dựng, vun đắp, hoàn thiện nhân cách.

- Bình luận:

Lời khuyên của thầy giáo đưa ra một bài học đúng đắn và giàu tính nhân văn, bởi:

+ Cách đánh giá chỉ “chú trọng vào những vệt đen” mà không biết trân trọng “nhiều mảng sạch” là cách đánh giá quá khắt khe, không toàn diện, thiếu công bằng, không thể có được cái nhìn đầy đủ, đúng đắn về một con người.

+ Con người không ai không có những thiếu sót, sai lầm, bởi vậy biết nhìn ra “tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch” để có thể “viết lên đó những điều có ích cho đời” sẽ tạo cơ hội cho mỗi người sửa chữa sai lầm, có động lực, cơ hội hoàn thiện bản thân đồng thời giúp chúng ta biết sống nhân ái, yêu thương, làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn.

- Liên hệ bản thân:…

Câu 2:

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

* Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

MB:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Dẫn dắt vấn đề

TB:

1. Hình tượng con người và sức mạnh quân đội nhà Trần

a) Hình tượng con người thời Trần

- Hành động: "hoành sóc" – cầm ngang ngọn giáo

=> Tư thế hùng dũng, oai nghiêm, hiên ngang sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

- Không gian kì vĩ: "giang sơn" – non sông

=> Không gian rộng lớn, mênh mông, nó không đơn thuần là sông, là núi mà là giang sơn, đất nước, Tổ quốc

- Thời gian kì vĩ: "kháp kỉ thu" – đã mấy thu

=> Thời gian dài đằng đẵng, không biết đã bao nhiêu mùa thu, bao nhiêu năm đi qua, thể hiện quá trình đấu tranh bền bỉ, lâu dài.

Như vậy:

+ Hình ảnh người tráng sĩ cho thấy một tư thế hiên ngang, mạnh mẽ, hào hùng, sẵn sàng lập nên những chiến công vang dội

+ Hình ảnh, tầm vóc những người tráng sĩ ấy sánh với núi sông, đất nước, với tầm vóc hùng vĩ của vũ trụ.

+ Người tráng sĩ ấy ra đi bảo vệ Tổ quốc ròng rã mấy năm trời mà chưa từng một giây phút nào cảm thấy mệt mỏi mà trái lại vẫn bừng bừng khí thế hiên ngang, bất khuất, hùng dũng

b) Hình tượng quân đội thời Trần

- “Tam quân” (ba quân): tiền quân, trung quân, hậu quân – quân đội của cả đất nước, cả dân tộc cùng nhau đứng lên để chiến đấu.

- Sức mạnh của quân đội nhà Trần:

+ Hình ảnh quân đội nhà Trần được so sánh với “tì hổ” (hổ báo) qua đó thể hiện sức mạnh hùng dũng, dũng mãnh của đội quân.

+ “Khí thôn ngưu”: khí thế hào hùng, mạnh mẽ lấn át cả trời cao, cả không gian vũ trụ bao la, rộng lớn.

=> Với các hình ảnh so sánh, phóng đại độc đáo, sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn, giữa hình ảnh khách quan với cảm nhận chủ quan đã cho thấy sưc mạnh và tầm vóc của quân đội nhà Trần.

=> Như vậy, hai câu thơ đầu đã cho thấy hình ảnh người tráng sĩ hùng dũng, oai phong cùng tầm vóc mạnh mẽ và sức mạnh của quân đội nhà Trần. Nghệ thuật so sánh phóng đại cùng giọng điệu hào hùng mang lại hiệu quả cao.

2. Nỗi lòng muốn bày tỏ của tác giả

- Giọng điệu: trầm lắng, suy tư, qua đó bộc lộ tâm trạng băn khoăn, trăn trở

- Nợ công danh: Theo quan niệm nhà Nho, đây là món nợ lớn mà một trang nam nhi khi sinh ra đã phải mang trong mình. Nó gồm 2 phương diện: Lập công (để lại chiến công, sự nghiệp), lập danh (để lại danh thơm cho hậu thế). Kẻ làm trai phải làm xong hai nhiệm vụ này mới được coi là hoàn trả món nợ.

- Theo quan niệm của Phạm Ngũ Lão, làm trai mà chưa trả được nợ công danh “thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”:

+ "Thẹn": cảm thấy xấu hổ, thua kém với người khác

+ "Chuyện Vũ Hầu": tác giả sử dụng tích về Khổng Minh - tấm gương về tinh thần tận tâm tận lực báo đáp chủ tướng. Hết lòng trả món nợ công danh đến hơi thở cuối cùng, để lại sự nghiệp vẻ vang và tiếng thơm cho hậu thế.

=> Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão hết sức cao cả của một nhân cách lớn. Thể hiện khát khao, hoài bão hướng về phía trước để thực hiện lí tưởng, nó đánh thức ý chí làm trai, chí hướng lập công cho các trang nam tử.

=> Với âm hưởng trầm lắng, suy tư và việc sử dụng điển cố điển tích, hai câu thơ cuối đã thể hiện tâm tư và khát vọng lập công của Phạm Ngũ Lão cùng quan điểm về chí làm trai rất tiến bộ của ông.

KB:

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật.

- Bài học đối với thế hệ thanh niên ngày nay: Sống phải có ước mơ, hoài bão, biết vượt qua khó khăn, thử thách để biến ước mơ thành hiện thực, có ý thức trách nhiệm với cá nhân và cộng đồng.


Cùng chủ đề:

Bài 1: Trong “Phép màu nhiệm của đời” (NXB. Trẻ - 2005) có câu chuyện rằng: “Người hàng xóm của cậu bé 4 tuổi vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần và leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất
Bàn luận về vai trò của sách đối với đời sống nhân loại
Cảm nhận về mùa xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Dân gian ta có câu: Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Câu nói trên có hoàn toàn phù hợp với mọi tình huống không? Viết bài văn ngắn nêu rõ ý kiến của em?
Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường PTDT nội trú tỉnh Trà Vinh
Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Mỹ Thuận
Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ
Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Sóc Sơn
Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Trà Vinh
Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm