Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm — Không quảng cáo

Soạn văn 10 tất cả các bài, Ngữ văn 10 , tổng hợp văn mẫu hay nhất


Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm

Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

NGUYỄN BỈNH KHIÊM

ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề thi có 01 trang)

ĐỀ KIẾM TRA HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2019 – 2020

-----------------------------

Môn: NGỮ VĂN (CB+NC)

Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)

I. PHẦN ĐỌC – HIỂU: (3,0 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời những câu hỏi bên dưới:

Y êu đi

Yêu đi nhé, nếu không sẽ là muộn

Thời gian trôi chẳng đợi một ai đâu

Như mây bay, gió thoảng, nước qua cầu

Ngày sẽ hết khi mặt trời giã biệt

Hãy yêu mình và yêu đời tha thiết

Yêu cỏ cây, hoa lá, chim muông

Yêu con sâu, cánh bướm, chuồn chuồn

Yêu giọt nắng ban mai, yêu cơn mưa chiều cuối phố

Yêu tiếng khóc, yêu nỗi buồn nhăn nhó

Yêu nụ cười, hạnh phúc đến đam mê

Yêu phồn hoa phố thị, miền quê

Yêu trẻ nhỏ, yêu cụ già tóc bạc

Yêu giọng nói, yêu lời ca tiếng hát

Yêu câu thơ, trang sách tuổi học đường

Yêu tóc dài, tóc ngắn cũng yêu luôn

Yêu chiếc nón ngày hè, yêu chiếc khăn mùa lạnh

Yêu kẻ giàu sang, yêu những mảnh đời bất hạnh

Yêu bậc tri thức, yêu người ít học dại khờ

Yêu sum vầy, yêu chia cách bơ vơ

Yêu tất cả vì kiếp người ngắn lắm!

Đừng gieo rắc chi thêm hận thù rối rắm

Hãy bao dung yêu hết thảy muôn loài

Yêu hôm nay và yêu cả ngày mai

Yêu, yêu nữa, đến ngàn sau, yêu mãi!

Hàn Long Ẩn

Câu 1 (0.25 đ): Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên.

Câu 2 (0.75 đ): Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của điệp từ được sử dụng trong bài thơ trên.

Câu 3 (0.5 đ): Theo tác giả, vì sao chúng ta cần phải “yêu” một cách chân thành như thế?

Câu 4 (1.5 đ): Viết đoạn văn ngắn (5-7 câu), nêu cảm nhận của bản thân về khổ thơ cuối cùng.

II. PHẦN LÀM VĂN: (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm):

Viết một đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) bàn về “hương vị của tình yêu cuộc sống” trong đời mỗi con người.

Câu 2 (5.0 điểm):

Từ những hiểu biết của bản thân về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy , anh/chị cảm nhận như thế nào về việc Mị Châu bị thần Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch?

- Thí sinh không được sử dụng tài liệu

- Giám thị không giải thích gì thêm

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ

* Cách giải:

Phương thức biểu đạt: biểu cảm

Câu 2:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

- Điệp từ “yêu”

Tác dụng:

+ Tạo giọng điệu nhịp nhàng, tha thiết cho bài thơ

+ Khẳng định tình yêu chính là lẽ sống của cuộc đời

Câu 3:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Chúng ta cần phải “yêu” một cách chân thành như thế vì:

+ Thời gian chẳng chờ đợi ai, nó qua nhanh

+ Tình yêu có thể giúp xóa đi hận thù, mở rộng tấm lòng bao dung

Câu 4:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Gợi ý:

- Đoạn thơ cuối là đoạn thơ kết tinh tư tưởng của toàn bài thơ

- Bằng việc sự dụng điệp từ “yêu” tác giả muốn nhấn mạnh vai trò của tình yêu trong cuộc sống…

- Thời gian là vô tận nhưng đời người hữu hạn, hãy cho đi tình yêu thương chứ không phải là sự hận thù

- Cho đi có nghĩa là còn mãi mãi và cũng chỉ có tình yêu mới có thể gắn kết con người

- Tình yêu sẽ luôn tồn tại vĩnh hằng, bất biến

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

* Cách giải:

* Giới thiệu vấn đề

* Giải thích vấn đề

- Tình yêu là một loạt các cảm xúc, trạng thái tâm lý, và thái độ khác nhau dao động từ tình cảm cá nhân đến niềm vui sướng. Tình yêu thương là một cảm xúc thu hút mạnh mẽ và nhu cầu muốn được ràng buộc gắn bó. Nó cũng có thể là một đức tính đại diện cho lòng tốt của con người, sự nhân từ, và sự thông cảm - "mối quan tâm trung thành và vị tha hướng tới người khác". Nó cũng có thể mô tả các hành động nhân văn và thông cảm đối với người khác, chính bản thân mình hoặc các con vật.

- Tình yêu trong cuộc sống mang nhiều hương vị khác nhau.

* Phân tích, bàn luận vấn đề

- Vai trò của tình yêu:

+ Làm cho con người trở nên gần gũi nhau hơn, biết cảm thông và chia sẻ nhiều hơn

+ Khi mối quan hệ giữa mọi người trở nên tốt đẹp sẽ xây dựng một xã hội tốt đẹp

- Hương vị của tình yêu trong cuộc sống:

+ Khi ta còn bé, gắn bó với gia đình, hương vị tình yêu lúc đó có lẽ là mùi cơm nóng thơm nức, là sự ngọt ngào của chiếc bánh chia đôi với anh chị em…

+ Khi lớn lên, bước ra ngoài xã hội, hương vị của tình yêu đa dạng hơn nhiều. Đó có thể là nỗi nhớ nhà da diết, là hạnh phúc khi được người bạn tặng một que kem, là sự giúp đỡ của một người không quen nào đó khi vô tình bị hỏng xe trên đường…

+ Riêng với tình yêu đối lứa, hương vị đó có thể là sự pha trộn của nhiều cung bậc cảm xúc. Là sự ngọt ngào, hạnh phúc khi yêu và được yêu, là chút giận hờn, ghen tuông,… và cũng có thể là việc buồn rầu khi bị cự tuyệt hay tổn thương…

+ Cho dù là hương vị nào cũng cho ta những trải nghiệm đắt giá để từ đó ta tìm ra được điều gì là quan trọng nhất với mình và cách để cho đi hay nhận về yêu thương đúng nghĩa. Tình yêu cũng là một hành trình thức tỉnh…

- Phê phán những người không biết yêu thương, vô cảm…

* Liên hệ bản thân

* Tổng kết

Câu 2:

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

* Cách giải:

Giới thiệu tác phẩm

- Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một trong những truyền thuyết tiêu biểu trong chuỗi truyền thuyết về Âu Lạc và An Dương Vương của kho tàng văn học dân gian phong phú của dân tộc ta.

- Đây là câu chuyện dân gian có nhiều yếu tố tưởng tượng, hoang đường, kì ảo tái hiện một giai đoạn đầy biến động của nhà nước Âu Lạc buổi sơ khai, thuật lại khá trọn vẹn cuộc đời An Dương Vương từ khi lên ngôi cho đến lúc để mất nước.

* Cảm nhận về việc Mị Châu bị thần Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch

* Giới thiệu nhân vật Mị Châu : Mị Châu là con gái An Dương Vương, sau này lấy Trọng Thủy – con trai Triệu Đà.

* Nguyên nhân dẫn đến việc Mị Châu bị kết tội :

- Triệu Đà, vua phương Bắc có âm mưu đánh chiếm Âu Lạc nên sau nhiều phen thua dưới nỏ thần của An Dương Vương, hắn đã cho con trai Triệu Đà sang cầu thân. Đây chẳng qua là kế hoãn binh nhằm thực hiện tiếp âm mưu tái chiếm.

- An Dương Vương lại cho Trọng Thủy ở rể. Đó là sự mất cảnh giác trầm trọng hơn, tạo cơ hội thuận lợi cho gián điệp đội lốt chú rể xâm nhập sâu hơn để khám phá bí mật quốc gia, bí mật bố phòng quân sự và bí mật về vũ khí Âu Lạc.

- Mị Châu nhẹ dạ, cả tin, nể tình vợ chồng, cho Trọng Thủy xem nỏ thần, vô tình tiếp tay cho âm mưu của cha con Triệu Đà có điều kiện thực hiện sớm.

- Triệu Đà chiếm được nỏ thần, chuyện gì đến đã đến.

=> Sự chủ quan, mất cảnh giác và ỷ lại vào vũ khí, coi thường giặc của An Dương Vương đã trực tiếp làm tiêu vong sự nghiệp của mình và đưa Âu Lạc đến diệt vong => nước mất nhà tan.

* Phân tích lời kết tội của Rùa Vàng, vua cha chém đầu nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch?

- Lời kết tội của Rùa Vàng chính là lời kết tội của công lý, của nhân dân trước hành động vô tình phản quốc của Mị Châu. Đó là bài học xương máu về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, mối quan hệ giữa gia đình và Tổ quốc.

- Thanh gươm đáng ra phải dùng để chém kẻ thù thì nay An Dương Vương phải dùng để chém chính khúc ruột của mình.

- Hành động “tuốt kiếm chém Mị Châu” là hành động quyết liệt và dứt khoát của An Dương Vương đứng về phía công lý và quyền lợi của dân tộc để trừng trị kẻ đắc tội với non sông, dù sự đắc tội đó là vô tình hay hữu ý.

=> Sự thức tỉnh muộn màng của nhà vua cũng chính là bài học cho muôn đời.

- Tuy nhiên, Mị Châu cũng chỉ là nạn nhân của bi kịch tình yêu:

+ Mị Châu là nàng công chúa ngây thơ, trong trắng sống trong sự thương yêu, cưng chiều của đức vua giữa không khí hào hùng và thanh bình của đất nước.

+ Nàng là người vợ thực sự yêu thương chồng nhưng không hề biết âm mưu của Trọng Thủy

+ Những ngày sống bên Mị Châu, Trọng Thủy vừa muốn đạt được âm mưu của mình và vừa muốn có được tình yêu của Mị Châu nhưng tận cùng của con đường rắc trắng lông ngỗng là cái chết của tình yêu

-> Tác giả dân gian muốn phê phán chiến tranh phi nghĩa

- Tác giả dân gian xây dựng chi tiết Mị Châu nhảy xuống biển thành ngọc minh châu trong lòng trai sò, lấy nước giếng nơi Trọng Thủy tự tử mà rửa ngọc càng sáng thêm là sự minh chứng cho lòng dạ Mị Châu trong trắng, vô tình mắc tội => thái độ cảm thông, thương xót của nhân dân với nàng.

- Hình ảnh ngọc trai – giếng nước mang ý nghĩa biểu tượng:

+ Mối tình mang đầy bi kịch

+ Sự nhẹ dạ, cả tin, sự thờ ơ với vận mệnh quốc gia dân tộc phải trả bằng sinh mạng

+ Phải lấy cái chết của kẻ thù mới rửa nổi “nhục thù”

=>Bài học đắt giá cho thế hệ sau

Tổng kết


Cùng chủ đề:

Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường PTDT nội trú tỉnh Trà Vinh
Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Mỹ Thuận
Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ
Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Sóc Sơn
Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Trà Vinh
Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm
Giải đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT số 1 MK
Giải đề thi kì 1 Ngữ văn lớp 12 năm 2019 - 2020 trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội
Giải đề thi kì 2 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 Sở GD và ĐT Nam Định
Giải đề thi kì 2 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Ba Hòn
Giải đề thi kì 2 Ngữ văn lớp 10 năm 2019 - 2020 trường THPT Lômônôxôp