Nghĩ về nhân cách, phẩm giá - Ngữ Văn 12
Nhân cách, phẩm giá là vô cùng quý báu, không có ngọc lụa, vàng bạc nào mua được. Nếu chúng ta tự hủy hoại nhân cách, phẩm giá của mình, đánh mất bản thân mình thì có khác gì coi mình là đồ vật, là thương phẩm mang ra chợ bày bán.
Nhân cách, phẩm giá là vô cùng quý báu, không có ngọc lụa, vàng bạc nào mua được. Nếu chúng ta tự hủy hoại nhân cách, phẩm giá của mình, đánh mất bản thân mình thì có khác gì coi mình là đồ vật, là thương phẩm mang ra chợ bày bán.
Phần đông trong chúng ta, dù vị thế xã hội có khác nhau, nhưng đều có lòng tự trọng, luôn luôn rèn luyện đạo đức, giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình, biết vươn lên trong cuộc sống, ngẩng cao đầu trước đồng loại. “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “mài sắt nên kim”, “Ngọc kia có giũa có mài / Mới thành hữu dụng, kẻo hoài ngọc đi” - là những bài học mà chúng ta đã khắc sâu trong lòng để rèn luyện nhân cách, nâng cao phẩm giá của mình. Càng khôn lớn lên, càng trưởng thành, mỗi người trong chúng ta càng cảm thấy được sống bình đẳng với mọi người bằng lòng tự trọng, bằng nhân cách, phẩm giá trong sạch của mình và coi đó là điều hạnh phúc nhất của đời mình.
“Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” là tâm thế cao đẹp của các bậc sĩ quân tử xưa nay. Tô Hiến Thành đời Lí, không vì ngọc lụa mà thay đổi di chiếu của Tiên đế, một gương sáng để lại cho muôn người và muôn đời mai sau.
Trần Bình Trọng vẫn hiên ngang trước lưỡi gươm và lời đường mật của lũ giặc Mông Nguyên, một lòng một dạ nêu cao lòng trung nghĩa sắt son: “Ta thà làm quỷ nước Nam quyết không thèm làm vương đất Bắc”. Sử sách đã ghi lại và ngợi ca bao tấm gương sáng của các bậc danh sĩ suốt đời giữ trọn phẩm giá, thanh danh của mình.
Mỗi lần nghĩ đến phẩm giá, nhân cách, tôi lại nhớ đến những vần thơ “tự khuyên mình’’ của Bác Hồ trong tập Nhật kí trong tù:
- Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
- Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân,
Vật chất tuy đau khổ
Không nao núng tinh thần,
Qua đó, ta càng thấm thía bài học tự rèn luyện nhân cách, phẩm giá để “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".
Tôi thường tự hỏi: Tại sao người ta không lấy tên những kẻ như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân, Lê Hoan, Phạm Quỳnh,... mà đặt tên trường, tên đường phố? Tại sao Phan Đình Phùng, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... lại được nhân dân ta ngường mộ, ngợi ca?
Lao động cần cù để ấm no. Đem tài trí đua tranh với đời, để phục vụ nhân dân, góp phần làm cho đất nước phồn thịnh, hùng cường. Kinh doanh làm giàu, để phát triển kinh tế, làm thay đổi bộ mặt của quê hương... Đó là những việc làm tốt đẹp, những gương sáng được xã hội tôn vinh.
Trái lại, những kẻ vì tham vọng vật chất mà đánh mất bản tính của mình, mà làm điều phi nghĩa, sa chân vào vòng lao lí, gông cùm. Cái danh lợi đã làm cho không ít người bị choáng, đúng là “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”. Những quan lại tham nhũng, những cán bộ, đảng viên tham ô bị tố cáo, bị tù tội, những kẻ cướp của giết người mà đài, báo từng vạch mặt, chỉ tên... càng cho ta thấy việc giữ gìn nhân cách, phẩm giá là việc quan trọng.
Phải biết tu dưỡng đạo đức, phải biết giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình như bảo vệ con ngươi đôi mắt của mình. Chữ hiếu, chữ trung, chữ cần kiệm, trung thực, lương thiện - là những điều mà mỗi chúng ta nên biết, nên tu dưỡng.
Ông nội tôi trước lúc qua đời chi có một mảnh vườn, một căn nhà cấp bốn để lại, nhưng đã nhắc đi nhắc lại, thiết tha căn dặn cha mẹ tôi, anh chị em tôi là phải biết học lấy điều hay, tốt đẹp của thiên hạ, mà giữ lấy nếp nhà, giữ lấy nhân cách, phẩm giá, để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Cho đến nay, cha mẹ tôi, anh chị em tôi vẫn khắc cốt ghi tâm lời ông tôi dạy bảo. Và tôi càng đinh ninh: Nhân cách, phẩm giá là cao quý, người nào có nhân cách cao thượng, có phẩm giá sáng trong, ắt người đó được đồng loại yêu mến, quý trọng, được xã hội tôn vinh.