Soạn bài Hồi trống cổ thành (chi tiết) — Không quảng cáo

SGK Văn 10 sách cũ chi tiết, Ngữ văn 10, tổng hợp văn mẫu hay nhất Tuần 26 SGK Ngữ văn 10


Soạn bài Hồi trống cổ thành (chi tiết)

Soạn bài: Hồi trống Cổ Thành trang 74 SGK Ngữ văn 10. Câu 3: Tính cách của Trương Phi và Quan Công khác nhau như thế nào?

Câu 1

Câu 1 (trang 79 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Tại sao Trương Phi nổi giận định đâm chết Quan Công?

Lời giải chi tiết:

Trương Phi nổi giận định đâm chết Quan Công vì:

- Trương Phi là người cương trực, tính tình nóng nảy (dân gian có câu: Nóng như Trương Phi). Đang lúc giận, câu nói của Quan Vũ: “Hiền đệ cớ sao như thế, há quên nghĩa vườn đào ư” khiến Trương Phi bừng bừng nổi giận. Quan Vũ muốn nhắc lại việc kết nghĩa vườn đào để Trương Phi bớt giận, không ngờ điều đó như đổ thêm dầu vào lửa, càng làm Trương Phi phẫn nộ bởi vì trong suy nghĩ của Trương Phi, Quan Vũ theo Tào phản bội anh em, đã phản bội còn rêu rao “nghĩa vườn đào” là hoàn toàn không xứng, là phỉ nhổ, đáng giết.

- Trương Phi, với tính cách một võ tướng dũng mãnh, một đấng trượng phu, luôn là người cương trực, không chấp nhận sự quanh co, lắt léo, đen trắng rõ ràng. Nhưng quan trọng hơn cả, Trương Phi là người trọng nghĩa khí, quý tình anh em. Cho nên, hành động tấn công người anh em kết nghĩa vườn đào chẳng phải chỉ do hiểu nhầm đơn thuần, cũng không chỉ biểu hiện cá tính nóng nảy, mà còn bộc lộ một phẩm chất rất đáng quý của Trương Phi: đó là phẩm chất của đấng trượng phu, quân tử, hào hiệp, coi tình nghĩa là trên hết, căm ghét tận xương tuỷ thứ hạng người bất nghĩa, bất trung...

Câu 2

Câu 2 (trang 79 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

V ì sao có thể đặt nhan đ cho đoạn trích là Hồi trống Cổ Thành ?

Lời giải chi tiết:

- Trong nguyên tác, hồi 28 có tiêu đề:

“Chém Sái Dương, anh em hòa giải

Hồi Cổ Thành, tôi chúa đoàn viên”

Chữ “hồi” trong nhan đề đoạn trích (do người biên soạn đặt) có nghĩa là hồi trống (danh từ). Đây là hồi trống do Trương Phi gióng lên như một chi tiết có ý nghĩa nghệ thuật độc đáo.

+ Đây trước hết cũng là hồi trống trận như tất cả những hồi trống trận thông thường khác, nhưng có điều là người đánh trống không phải thuộc quân bên này hay quân bên kia, và hơn nữa, mục đích của hổi trống cũng không phải chỉ thúc giục kẻ giao chiến. Có thể thấy, hồi trống như trút hết tất cả tâm trạng đang đầy mâu thuẫn, sự xúc động, căng thẳng đến tột cùng của Trương võ tướng, từ sau ngày anh em thất trận, bặt vô âm tín, cho đến nỗi oán hận vì nghe tin thất thiệt về Quan Công, những hi vọng được gặp lại nhau, và những thất vọng vì hiểu nhầm về nhau... tất cả những tâm trạng ấy như đã được dồn nén để bây giờ vang lên, bùng nổ ra trong hồi trống cổ thành. Cho nên, ta như nghe thấy trong hồi trống ấy có cả tiếng khóc, tiếng cười, tiếng gầm thét vì giận dữ của Trương Phi.

+ Nó như một khúc ca, ca ngợi tấm lòng trượng nghĩa, tình huynh đệ bất diệt giữa những người anh em kết nghĩa vườn đào.

Câu 3

Câu 3 (trang 79 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Có ý kiến cho rằng “nóng như Trương Phi còn là nóng lòng muốn biết sự thực, nóng lòng xác định phải trái, đúng sai, chứ không phải chỉ là nóng nẩy do cá tính gàn dở. Anh (chị) có đồng ý không? Vì sao?

Lời giải chi tiết:

Đồng ý với ý kiến, vì:

- Nóng nảy, thiếu bình tĩnh: nghe nói Quan Công hàng Tào, Trương Phi tin ngay mà không cần xác minh, dù Quan Công hay hai chị dâu, Tôn Càn giải thích đều không được. Trương Phi chỉ tin vào những gì thấy trước mắt (rõ ràng Quan Công đã ở doanh trại Tào).

- Nóng lòng muốn biết sự thực, nóng lòng muốn xác định phải trái đúng sai: đưa ra điều kiện ngặt nghèo buộc Quan Công phải chứng tỏ ngay, hành động đánh trống của Trương Phi cũng dứt khoát, gấp rút “thẳng cánh đánh trống”.

Câu 4

Câu 4 (trang 79 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Tại sao nói: Nếu không có chi tiết Trương Phỉ thẳng tay giục trống thì đoạn văn sẽ tẻ nhạt, mất hết ý vị Tam quốc ?

Lời giải chi tiết:

- Tam quốc diễn nghĩa mang âm hưởng hùng tráng của sử thi anh hùng, với những con người, sự việc to lớn, siêu phàm

- Trương phi thẳng tay giục trống là cao trào truyện, nó kết hợp khiến cuộc hội ngộ, giải oan mang màu sắc của bản hùng ca

- Hồi trống thước đo tài năng, sự quyết đoán của Quan Công, thể hiện tính bộc trực của Trương Phi, tạo không khí anh hùng thời Tam quốc phân tranh

- Đoạn văn đậm không khí chiến trận, khí phách anh hùng, đậm “ý vị Tam quốc”

Luyện tập

C â u 1 (trang 79 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Kể lại câu chuyện bằng một đoạn văn khoảng 30 dòng.

Trả lời:

- Cần tóm lược vài chi tiết trước đoạn trích:

Sau thất thủ Từ Châu, anh em kết nghĩa vườn đào Lưu - Quan - Trương phiêu dạt mỗi người một nơi. Quan Vũ túng thế, buộc phải ở với Tào Tháo. Khi nghe tin Lưu Bị đang ở với Viên Thiệu, Quan Vũ liền bỏ Tào, vượt qua năm cửa ải, chém sáu tướng Tào cản đường, đưa Cam và Mi phu nhân về với Lưu Bị. Trên đường đi, Quan Vũ gặp Trương Phi ở cổ thành.

- Nội dung đoạn trích khi kể cần đảm bảo:

+ Quan Vũ đi qua cổ thành, nghe tin Trương Phi ở đấy, rất mừng rỡ.

+ Trương Phi nghe tin thất thiệt, ngỡ Quan Vũ hàng Tào, cả giận đem nghìn quân ra cửa Bắc “hỏi tội” Vân Trường.

+ Cam phu nhân và Mi phu nhân can ngăn, nhưng Trương vẫn không tin

+ Trương Phi quát mắng, kể tội Vân Trường.

+ Vân Trường đối chất với Trương Phi.

+ Sái Dương đuổi theo Vân Trường để trả thù. Vân Trường chém đầu Sái Dương.

+ Vân Trường bắt một tên lính cầm cờ hiệu hỏi, biết rõ đầu đuôi. Qua việc tra hỏi tên lính này, mối nghi ngờ của Trương Phi mới được giải toả.

+ Trương Phi khóc, lạy Vân Trường. Anh em đoàn viên.

Câu 2 (trang 79 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Tính cách của nhân vật Trương Phi được biểu hiện qua những chi tiết nào?

Trả lời:

- Tính cách của Trương Phi nóng nảy, cương trực, nhưng ngay thẳng, đường hoàng, trung thực, đó là tính cách của một võ tướng và một đấng trượng phu được cụ thể hoá trong một cá tính hồn nhiên, bộc trực. Tính cách đó còn thể hiện phẩm chất của Trương Phi là một người trọng nghĩa khí, giàu tình cảm...

Khi nghe tin Tôn Càn nói Vân Trường đưa hai chị đến, “Trương Phi không nói không rằng, lập tức mặc áo giáp, vác mâu, lên ngựa... mắt trợn tròn xoe râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm...” Trương Phi xưng hô “mày - tao” và đòi tử chiến, rồi ra điều kiện và dang tay giục trống... Trong đoạn trích này, sự hung hăng, nóng nảy của Trương Phi dễ được cảm thông vì nó “hồn nhiên”, xuất phát từ sự chân tình và lòng trung thực. Cho nên, khi Quan Vũ chứng minh lòng trung thực của mình, chém đầu Sái Dương rơi xuống đất, nhất là khi nghe tên lính Tào và hai phu nhân kể lại Trương Phi đã khóc lạy Vân Trường, rất cảm động.

- Nghệ thuật miêu tả Trương Phi:

+ Tạo hai cách miêu tả ngược nhau: một Trương Phi nóng nảy, cương trực, đàng hoàng,... luôn đòi chém đầu Vân Trường để trả thù kẻ phản bội, ngược với Trương Phi hồn hậu, giàu tình cảm khi nhận ra sự thật, nước mắt chảy ròng và quỳ lạy nghĩa huynh. Hai mặt mâu thuẫn ấy của tính cách làm cho câu chuyện có kịch tính nhưng rất hợp lý và sinh động.

+ Phương pháp miêu tả thái cực: các nét tính cách đều được đẩy đến mức tuyệt đối, cực đoan - Trương Phi nóng nảy hết mức, nhưng cũng rất giàu tình cảm.

+ Miêu tả gián tiếp qua hồi trống: Hồi trống cổ thành trở nên xúc động lòng người vì nó dồn hết tình cảm, tâm trạng của Trương Phi với biết bao hờn giận vì hiểu lầm, sự xót xa vì thất tán, cùng tình nghĩa thuỷ chung thắm thiết của ba anh em kết nghĩa vườn đào...

Câu 3 (trang 79 SGK Ngữ văn 10 tập 2)

Tính cách của Trương Phi và Quan Công khác nhau như thế nào?

Trả lời:

- Trương Phi: nóng nảy, cương trực, đơn giản, ngay thẳng

- Quan Công: là người trung nghĩa, khiêm nhường. Trước thái độ của Trương Phi, Quan Vũ vẫn nhũn nhặn, xưng hô “anh em”, “huỵnh đệ”, cố gắng giải thích. Khi không thể giải thích, Quan Vũ chấp nhận thử thách và đã chứng minh bằng tài trí và sự dũng mãnh. Việc lấy đầu Sái Dương khi chưa dứt một hồi trống cho thấy cái tài của viên đại tướng đứng đầu "Ngũ hổ tướng quân” đất Thục, đồng thời cởi bỏ mọi nghi ngờ của Trương Phi, khẳng định lòng trung nghĩa của Quan Vũ.

Bố cục

Bố cục: 2 phần

- Phần 1: “từ đầu…phải đem quan mà theo chứ”: Quan Công gặp Trương Phi, nghi ngờ anh đã phản bội lời thề kết nghĩa.

- Phần 2 : còn lại: Quan Công chém Soái Dương, anh em giải hiềm nghi và đoàn tụ.

ND chính

Đoạn trích Hồi trống cổ thành kể lại sự kiện anh em Quan Công, Trương Phi hội ngộ. La Quán Trung thể hiện nổi bật tích cách bộc trực, ngay thẳng của Trương Phi, đồng thời ngợi ca tình nghĩa “vườn đào” cao đẹp của anh em Lưu Bị, Vân Trường, Trương Phi.

Cùng chủ đề:

Soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (chi tiết)
Soạn bài Hiền tài là nguyên khí quốc gia (chi tiết)
Soạn bài Hiền tài là nguyên khí quốc gia (chi tiết)
Soạn bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ (Chi tiết)
Soạn bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ (tiếp theo) (Chi tiết)
Soạn bài Hồi trống cổ thành (chi tiết)
Soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (chi tiết)
Soạn bài Hứng trở về (Chi tiết)
Soạn bài Khái quát lịch sử Tiếng Việt (chi tiết)
Soạn bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX
Soạn bài Khái quát văn học dân gian Việt Nam (Chi tiết)