Soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (chi tiết)
Soạn bài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trang 41 SGK Ngữ văn 10. Câu 1: Từ những chi tiết trong đoạn trích, anh (chị) hãy tóm tắt lại câu chuyện về Trần Quốc Tuấn (không quá 20 dòng).
Câu 1
Câu 1 (trang 44 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
Anh (chị) rút ra được điều gì qua lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua về kế sách giữ nước?
Lời giải chi tiết:
- Nội dung lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua:
+ Nên tuỳ thời thế mà có sách lược phù hợp, binh pháp cần vận dụng linh hoạt, không có khuôn mẫu nhất định.
+ Điều kiện quan trọng nhất để thắng giặc là toàn dân đoàn kết một lòng
+ Do đó phải giảm thuế khoá, bớt hình phạt, không phiền nhiễu dân, chăm lo cho dân có đời sống sung túc,... đó chính là "thượng sách giữ nước".
- Qua nội dung lời trình bày, người đọc nhận thấy Trần Quốc Tuấn không những là vị tướng tài năng, mưu lược, có lòng trung quân mà còn biết thương dân, trọng dân và biết lo cho dân.
Câu 2
Câu 2 (trang 44 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
Chi tiết Trần Quốc Tuấn đem lời cha dặn ra khỏi ý hai người gia nô cùng hai người con và những phản ứng của ông khi nghe câu trả lời của họ có ý nghĩa như thế nào?
Lời giải chi tiết:
Trần Quốc Tuấn đã có suy nghĩ của riêng mình đối với lời cha dặn: "Để điều đó trong lòng nhưng không cho là phải". Nhưng ông vẫn hỏi ý kiến hai người gia nô và hai người con để thử lòng.
- Trước lời nói của Yết Kiêu và Dã Tượng, ông "cảm phục đến phát khóc, khen ngợi hai người”.
- Trước lời nói của Hưng Vũ Vương, ồng "ngầm cho là phải”.
- Trước lời nói của Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng, ông nổi giận rút gươm định trị tội và thậm chí sau này không muốn Quốc Tảng nhìn mặt ông lần cuối.
=> Qua những biểu hiện trên đây, ta có thể thấy Trần Quốc Tuấn là một người hết lòng trung nghĩa với vua, với nước, không mảy may tự tư tự lợi. Ông cũng là một người có tình cảm chân thành, nồng nhiệt, thẳng thắn, rất nghiêm trong việc giáo dục con cái.
Câu 3
Câu 3 (trang 44 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
Đoạn trích đã làm nổi bật những đặc điểm gì về nhân cách của ai những công lao và đức độ của Trần Quốc Tuấn để gián tiếp giải thích Trần Quốc Tuấn? Chỉ ra sự khéo léo của tác giả trong nghệ thuật khắc hoạ chân dung nhân vật (nhân vật được đặt trong những mối quan hệ và những tình huống như thế nào?)
Lời giải chi tiết:
Để thấy được toàn bộ chân dung Trần Quốc Tuấn, ngoài các chi tiết trên, cần chú ý tới nhiều chi tiết khác như: lời phân tích của ông với nhà vua về cách đánh giặc, cách giữ nước khi ông lâm bệnh; mối hiềm khích giữa cha ông và Trần Thái Tông và lời dặn dò của cha...
- Phẩm chất nổi bật ở Trần Quốc Tuấn được khắc hoạ là trung quân ái quốc. Lòng trung thành với vua của Trần Quốc Tuấn thể hiện ở tinh thần yêu nước sâu sắc và ý thức trách nhiệm công dân đối với nước. Ông hết lòng lo tính kế sách giúp vua giữ nước an dân. Lòng trưng thành của ông được đặt trong hoàn cảnh có thử thách, bản thản ông cũng bị đặt trong mối mâu thuẫn giữa "hiếu" và "trung". Trần Quốc Tuấn đã đặt "trung" lên trên "hiếu", nợ nước trên tình nhà.
- Bên cạnh phẩm chất trung quân ái quốc, Trần Quốc Tuấn còn là một vị tướng anh hùng đầy tài năng, mưu lược đồng thời là con người có đức độ lớn lao.
=> Những phẩm chất trên đây của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được tác giả sử kí khéo léo khắc hoạ trong nhiều mối quan hệ và đặt vào những tình huống có tính chất thử thách. Từ quan hệ với nước (câu nói nổi tiếng "Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng"), với vua đến quan hộ với dân (khi sống nhắc nhở vua "khoan sức dân", khi chết hiển linh phò trợ dân), với tướng sĩ dưới quyền (tận tâm dạy bảo, cử người tài), từ quan hệ đối với con cái (nghiêm khắc giáo dục) đến quan hệ đối với bản thân (khiêm tốn giữ đạo trung nghĩa)... Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ quan hệ nào, Trần Quốc Tuấn vẫn là một mẫu mực của một vị tướng toàn đức, toàn tài. Ông không những được nhân dân ngưỡng mộ mà cả quân giặc cũng phải kính phục.
Câu 4
Câu 4 (trang 44 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
Anh (chị) có nhận xét gì về nghệ thuật kể chuyện trong đoạn trích?
Lời giải chi tiết:
Ghi chép lịch sử là ghi chép theo trình tự thời gian nhưng cần chú ý là trong Đại Việt sử kí toàn thư , cách kể chuyện về các nhân vật lịch sử không đơn điệu theo trình tự thời gian:
- Mở đầu đoạn trích là sự xuất hiện một sự kiện tạo nên một mốc đáng chú ý: "Tháng 6, ngày 24 sao sa". Theo quan niệm của người xưa, sao sa là điềm xấu. Điềm báo này báo hiệu Hưng Đạo Vương ốm nặng và sẽ qua đời.
- Từ sự việc trên, nhà viết sử ngược dòng thời gian kể chuyện về Trần Quốc Tuấn. Tiếp đó, tác giả lại trở về với dòng sự kiện đang xảy ra: "Mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Tràn Quốc Tuấn mất...". Sau thông tin này, tác giả nhắc cho những danh hiệu tôn quý mà Trần Quốc Tuấn được vua phong tặng. Đây không hoàn toàn là việc ôn lại một cách khô khan mà tất cả những công lao, đức độ của người quá cố được thể hiện trong những câu chuyện sinh động.
- Nhà viết sử không chỉ kể chuyện một cách phức hợp, với nhiều chiều thời gian, mà còn khéo léo lồng vào câu chuyện những nhận xét sâu sắc nhằm định hướng cho người đọc có những nhận xét, đánh giá thoả đáng.
- Cách kể chuyện trong đoạn trích vừa mạch lạc, khúc chiết vừa giải quyết được những vấn đề then chốt về nhân vật đồng thời vẫn giữ được mạch truyện tiếp nối logic. Chuyện vì thế trở nên sinh động, hấp dẫn. Nhân vật lịch sử cũng vì thế mà được nổi bật chân dung.
Câu 5
Câu 5 (trang 44 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
Chi tiết về lòng tin của dân chúng vào sự hiển linh của Hưng Đạo Vương, đặc biệt là hình ảnh ”tráp đựng kiếm có tiếng kêu ” có ý nghĩa gì?
Lời giải chi tiết:
- Ý (a): "cho thấy tín ngưỡng và những tập tục thờ cúng của nhân dân ta thời xa" là không đúng.
- Cả hai ý (b), (c): "Cho thấy lòng cảm phục và ngưỡng mộ của nhân dân đối với Hưng Đạo Vương sâu sắc đến mức họ đã thần thánh hoá ông, cho rằng ông đã trở thành thần linh để giúp dân, giúp nước" và "Chỉ là những truyền thuyết để làm nổi bật tấm lòng thương dân, yêu nước và khí phách anh hùng của ông - những nét đẹp đã trở thành bất tử trong lòng người" đều đúng.
=> Vì vậy, cần chọn ý (d): “ý kiến khác" để đưa ra nhận xét tổng hợp và những ý kiến mang tính sáng tạo của bản thân, có thể liên hệ tới việc nhiều nơi hiện nay có đền thờ Hưng Đạo Vương, nhân dân tôn kính gọi Trần Quốc Tuấn là "Đức Thánh Trần".
Luyện tập
Câu 1 (trang 45 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
Từ những chi tiết trong đoạn trích, anh (chị) hãy tóm tắt lại câu chuyện về Trần Quốc Tuấn (không quá 20 dòng).
Trả lời:
Khi Hưng Đạo Vương ốm, vua ngự tới thăm và hỏi về kế sách chống giặc. Đại Vương kể khắp xưa nay rồi nói: muốn thắng trận phải tùy thời mà tạo thế. Điều cốt yếu là có một đội quân một lòng như cha con. Vả lại phải lấy dân làm gốc, đó là thượng sách giữ nước của đấng quân vương. Quốc Tuấn có tư chất từ nhỏ. Lớn lên dung mạo khôi ngô, tuấn tú, tài trí hơn người. Trước khi mất, cha ông dặn phải lấy cho được thiên hạ. Ông ghi nhớ lời cha nhưng không cho là phải. Sau ông đem chuyện ấy kể cho gia nô và hai người con trai nghe để phân định người hiền tài, kẻ bạc nhược nhỏ nhen. Tất thảy đều rõ ràng hết cả. Quốc Tuấn có công lớn, vua ban thưởng, gia phong là Thượng Quốc Công. Vua còn cho phép ông được quyền phong tước cho người khác. Nhưng ông chưa bao giờ phong tước cho ai. Quốc Tuấn từng soạn sách để kêu gọi, khích lệ binh tướng xả thân cứu nước giúp vua. Ông lại khéo tiến cử rất nhiều người hiền tài cho đất nước. Bản thân Đại Vương cũng từng ra quân hàng trăm trận, lập nên công nghiệp hiếm có, tiếng vang còn truyền đến tận mai sau.
Câu 2 (trang 45 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
Sưu tầm những câu chuyên có liên quan đến Trần Quốc Tuấn hoặc những bài thơ viết về ông (từ các tư liệu lịch sử, các tài liệu văn học, các giai thoại trong dân gian).
Trả lời:
- Ba lần đánh tan quân Nguyên - Mông
- Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII (Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm).
Bố cục
Bố cục (3 phần)
- Phần 1 (“Tháng sáu... giữ nước”): Lời khuyên vua Trần về kế sách giữ nước của Trần Quốc Tuấn.
- Phần 2 (“Quốc Tuấn là con... viếng”): Trần Quốc Tuấn với lời trăng trối của cha, trong câu chuyện với gia nô và hai con trai.
- Phần 3 (còn lại): Những công tích lớn, trước tác chính và lời dặn con của Trần Quốc Tuấn.
ND chính
Khắc hoạ hình ảnh Trần Quốc Tuấn, một vị tướng đủ đức, nhân, trí, dũng, được nhân dân phong thánh, thờ phụng ở các đền trong nước. |