Soạn bài Kể chuyện tưởng tượng - Ngắn gọn nhất
Soạn Văn lớp 6 ngắn nhất tập 1 bài Kể chuyện tưởng tượng. Câu 1. Kể tóm tắt truyện ngụ ngôn “Chân, Tay, Tai, Miệng” và cho biết trong truyện đã tưởng tượng ra những gì?
Phần 1
TÌM HIỂU CHUNG VỀ KỂ CHUYỆN TƯỞNG TƯỢNG
Câu 1
Trả lời câu 1 (trang 130 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
* Tóm tắt truyện:
Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng sống thân thiết từ lâu bỗng một hôm xảy ra bất hòa. Chuyện bắt đầu từ chỗ mọi người đều thấy không công bằng khi họ phải làm quần quật cả ngày còn lão Miệng chỉ ngồi ăn mà không làm gì cả. Tất cả quyết định đình công và không làm gì cho lão Miệng nữa. Sau trận đình công đó, tất cả đều lừ đừ, mệt mỏi. Bác Tai đã chỉ ra sai lầm của mọi người, mọi người biết và ai nấy lại làm việc, sống vui vẻ như xưa.
* Trong truyện đã tưởng tượng ra: từ những bộ phận chân, tay, mắt, miệng đã biến thành những con người biết đi lại, biết nấu nướng và biết ganh tị, cãi nhau.
* Trong truyện, chi tiết có thật: các bộ phận chân, tay, tai, mắt, miệng là có thật, chúng là một thể thống nhất không thể tách rời. Chi tiết tưởng tượng ra đó là chuyện bọn chúng tị nạnh nhau.
Câu 2
Trả lời câu 2 (trang 130 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Các điều cần biết khi kể một câu chuyện tưởng tượng:
- Trước hết, xác định rõ chủ đề, mục đích của truyện là gì rồi sau đó mới sáng tạo nhân vật, cốt truyện, tình tiết…
- Khi kể chuyện tưởng tượng phải do mình tự nghĩ ra không có ở trong sách vở.
- Truyện tưởng tượng chủ yếu sử dụng yếu tố tưởng tượng nhưng không phải là tưởng tượng lung tung mà phải dựa vào những điều có thật, có ý nghĩa.
Phần II
LUYỆN TẬP
Câu 1
Trả lời câu 1 (trang 134 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Hãy tưởng tượng cuộc đọ sức giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh trong điều kiện ngày nay với máy xúc, máy ủi, xi-măng cốt thép, máy bay trực thăng, điện thoại di động, xe lội nước…
a. Mở bài:
- Trận lũ lụt vào tháng 10 vừa qua ở Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị.
- Thủy Tinh – Sơn Tinh lại đạ chiến với nhau trên chiến trường mới này.
b. Thân bài:
- Thủy Tinh khiêu chiến, tấn công với những đợt hô mưa, gọi gió lớn mạnh.
- Sơn Tinh chống lũ: huy động mọi sức mạnh: đất, đá, bao tải cát, máy xúc, máy ủi, xi măng cốt thép…
- Các phương tiện thông tin hiện đại: vô tuyến, điện thoại di động để có thể thông báo kịp thời cho bà con.
- Cảnh các chiến sĩ bộ đội, công an cùng với Sơn Tinh và người dân chống lũ lụt.
- Cảnh cả nước nhường cơm sẻ áo trong những ngày bão lũ và quyên góp lá lành đùm lá rách của mọi người sau khi Sơn Tinh diệt trừ, ngăn chặn được bão lũ.
- Cảnh những chiến sĩ và người dân hi sinh trong khi chống chọi với bão lũ.
c. Kết bài: Cuối cùng, Thủy Tinh lại một lần nữa chịu thua Sơn Tinh.
Câu 2
Trả lời câu 2 (trang 134 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Trẻ em vẫn mơ ước vươn vai một cái là trở thành tráng sĩ như Thánh Gióng. Em hãy tưởng tượng mình mơ thấy Thánh Gióng và hỏi ngài bí quyết, xem ngài khuyên em như thế nào.
a. Mở bài:
Giới thiệu chung:
- Buổi sáng, trong giờ Ngữ văn, em được học truyền thuyết Thánh Gióng và câu chuyện thần kì đã cuốn hút em.
- Đến đêm, em mơ mình được gặp Thánh Gióng.
b. Thân bài:
Kể lại giấc mơ gặp Thánh Gióng:
- Em mơ thấy một tráng sĩ tư thế oai phong lẫm liệt, đầu đội mũ sắt, cưỡi trên lưng con ngựa sắt, tự xưng là Thánh Gióng.
- Em bày tỏ ước muốn của mình và hỏi Thánh Gióng bí quyết làm thế nào để vươn vai một cái là trở thành tráng sĩ có sức mạnh phi thường.
- Thánh Gióng khuyên em nên chăm chỉ học hành, thường xuyên rèn luyện sức khoẻ để trở thành người có trí tuệ sáng suốt trong một thân thể khỏe mạnh. Như vậy thì mới có ích cho gia đình và xã hội.
c. Kết bài:
Cảm nghĩ của em:
- Giấc mơ gặp Thánh Gióng thật đẹp và nhiều ý nghĩa.
- Em thấm thía lời khuyên thiết thực của Thánh Gióng, cố gắng phấn đấu thành con người toàn diện.
Câu 3
Trả lời câu 3 (trang 134 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Do một lỗi lầm nào đó mà em bị phạt buộc phải biến thành một con vật (con vật cụ thể do học sinh chọn) trong thời hạn ba ngày. Trong ba ngày đó, em đã gặp những điều thú vị gì và rắc rối gì? Vì sao em mong chóng hết hạn để trở lại làm người?
a. Mở bài
- Nguyên nhân mắc lỗi bị biến thành con vật nào? (con chuột)
b. Thân bài:
- Lúc bị biến, cảm giác của em.
- Nêu những điều thú vị và rắc rối.
+ Thú vị
• Gặp cộng đồng loài chuột
• Tha hồ phá phách, gặm nhắm.
• Được đi du ngoạn khắp nơi.
+ Gặp những rắc rối nào?
• Mèo vồ, vướng vào bẫy chuột, cảm giác khi đó.(sợ hãi, tìm đường thoát thân)
• Nguyên nhân làm cho em muốn trở lại thành một con người bình thường.
c. Kết bài
- Khi tỉnh dậy vẫn là một con người.
- Cảm nghĩ của mình khi bị biến thành chuột.
- Lời hứa.
Câu 4
Trả lời câu 4 (trang 134 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Trong nhà em có ba phương tiện giao thông: xe đạp, xe máy và ô tô. Chúng cãi nhau, so bì hơn thua kịch liệt. Hãy tưởng tượng em nghe thấy cuộc cãi nhau đó và sẽ dàn xếp như thế nào.
a. Mở bài:
- Một buổi tối xe đạp, xe máy, ô tô gặp nhau trong nhà xe.
- Chúng lên tiếng cãi nhau, so bì hơn thua.
b. Thân bài
- Xe ô tô chê xe máy chậm chạp, không che mưa, che nắng được cho con người.
- Xe máy chê ô tô to xác, chiếm nhiều chỗ, chay hao xăng, tốn tiền, không vào được nơi ngõ hẻm.
- Xe máy khoe mình nhỏ hơn, nhanh nhẹn, không như xe đạp chậm chạp kia.
- Xe đạp bảo rằng tuy mình chậm chạp nhưng không tốn xặng, không gây ô nhiễm môi trường, lại có thể giúp con người rèn luyện sức khỏe.
c. Kết bài:
Con người lên tiếng khuyên ngăn rằng: cả ba phương tiện đều có ích, không nên so bì.
Câu 5
Trả lời câu 5 (trang 134 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Kể chuyện mười năm sau em về thăm lại mái trường mà hiện nay em đang học. Hãy tưởng tượng những đổi thay có thể xảy ra.
a. Mở bài:
Tưởng tượng khái quát về hình ảnh trường học cũ của em sau mười năm nữa (chẳng hạn qua một bức tranh em vẽ dự thi “cuộc sống trong tương lai”, hoặc “trường học thân thiện”).
b. Thân bài:
Kể những đổi thay cụ thể của trường sau 10 năm. Em có thể hình dung theo hai cách:
- Hình ảnh về một ngôi trường hoàn toàn thay đổi có bề ngoài hiện đại, tráng lệ (chẳng hạn, cảnh tuợng ngôi trường hoàn toàn thay đổi với nhà to cao bóng bẩy hơn; sân trường như quảng trường, có ô tô khách đến thăm, cổng trường tự động khép mở, cô hiệu trưởng trong bộ đồ công sở đón khách,...).
- Hình ảnh về một ngôi trường thay đổi nhưng vẫn giữ được nét đẹp vốn có của một trường phổ thông (chẳng hạn: vẫn có nhiều cây xanh và hoa, lối đi trồng cỏ; có sân thể thao; các lớp học được lắp nhiều máy vi tính nôi mạng in-tơ-nét và trưng bày đồ dùng học tập do học sinh làm; có phòng truyền thông; cô hiệu trưởng trong bộ áo dài tươi cười trên lễ đài đọc diễn văn khai giảng năm học mới,...).
c. Kết bài:
Tình cảm và suy nghĩ của em về sự đổi thạy của trường sau mười năm.