Soạn bài Nói và nghe Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức - chi tiết
Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề
Chuẩn bị nói
Đề tài: Bài học triết lí ở một câu truyện ngụ ngôn tự chọn.
Tìm ý và sắp xếp: Triển khai bài nói thành một số ý cụ thể:
- Truyện ngụ ngôn, thường có tính đả kích và châm biếm sâu sắc một tầng lớp trong xã hội, phê phán những đức tính của con người như keo kiệt, xu nịnh, huyênh hoang, tham lam, dẫn đến những hậu quả xấu.
- Đầu tiên, là bài học triết lí được thể hiện trong “Chân tay tai mắt miệng”. Câu chuyện muốn nói đến bài học về tình đoàn kết, đừng nghe ai xui dại mà làm bậy, thiệt hại đến bản thân.
- Thứ hai, là hình thức thể hiện bài học triết lí nhân sinh trong truyện ngụ ngôn nói chung và “Chân tay tai mắt miệng nói riêng”. Hình thức thể hiện những bài học triết lý chính là cơ sở, đặc điểm cơ bản để nhận diện ngụ ngôn với tục ngữ.
- Câu chuyện này có tầm ảnh hưởng đến đời sống hiện nay: Đem đến một bài học quý báu về cách sống đoàn kết.
Bài nói mẫu
1. Đặt vấn đề
Ngụ ngôn, là một tiểu loại nằm trong loại hình văn học dân gian. Mỗi câu truyện ngụ ngôn được xây dựng, đều chứa đựng những triết lí sống giống như thể loại tục ngữ, nhưng nó lại được thể hiện ở hình thức khác biệt, mang đặc trưng độc đáo riêng mà chỉ ở ngụ ngôn mới có.
2. Giải quyết vấn đề
Ngụ ngôn là loại truyện có ngụ ý đằng sau cốt truyện, được xây dựng nhằm mục đích nên lên bài học triết lí, bài học sống cho các thế hệ. Truyện ngụ ngôn, thường có tính đả kích và châm biếm sâu sắc một tầng lớp trong xã hội, phê phán những đức tính của con người như keo kiệt, xu nịnh, huyênh hoang, tham lam, dẫn đến những hậu quả xấu.
Đầu tiên, là bài học triết lí được thể hiện trong Chân tay tai mắt miệng . Câu chuyện muốn nói đến bài học về tình đoàn kết, đừng nghe ai xui dại mà làm bậy, thiệt hại đến bản thân. Trong một tập thể sống, mỗi thành viên không thể sống tách biệt mà phải nương tựa, gắn bó vào nhau cùng tồn tại, phải biết hợp tác và tôn trọng công sức của nhau. Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai trong câu chuyện, ai cũng cho là mình có nhiều công lao, vất vả. Từ đó, họ xúm lại chê trách lão Miệng chỉ ăn mà không làm. Trước kia, họ vẫn dựa vào nhau mà cùng tồn tại. Nhưng cô Mắt đã khởi xướng một cuộc tẩy chay, kêu gọi cậu Chân, cậu Tay “Nay chúng ta đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được không”. Và, cậu Chân cậu tay cũng nghe theo cô Mắt, kéo theo cả bác Tai đến nhà lão Miệng. Họ hùng hùng hổ hổ, hăm hở đến nói thẳng với Miệng, “Từ nay chúng tôi không làm để nuôi ông nữa. Lâu nay chúng tôi cực khổ, vất vả vì ông nhiều rồi”… “Xưa nay, chúng tôi có biết cái gì ngọt bùi ngon lành mà làm cho cực!”.
Chân, Tay, Tai, Mắt đã xúm lại, cùng nhau chê trách lão Miệng, chỉ ăn mà không làm, để rồi nhận lấy hậu quả thích đáng. “Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày, cả bọn thấy mệt mõi rã rời”. Cậu Chân, cậu Tay thì “không còn muốn cất mình lên chạy nhảy”, cô Mắt “ngày cũng như đêm lúc nào cũng lờ đờ”, bác Tai “ bỗng thấy lúc nào cũng ù ù như xay lúa ở trong”. Tất cả mọi người đều phải chịu sự mệt mỏi. Bác Tai đã nhận ra sai lầm, giải thích với mọi người, cùng nhau đến xin lỗi Miệng. Lão Miệng cũng không khấm khá hơn, “cũng nhợt nhạt cả môi, hai hàm thì khô như rang, không buồn nhếch mép”. Khi cậu Chân và Tay đi tìm thức ăn cho lão, lão dần tỉnh lại, và tất cả cũng đều cảm thấy đỡ mệt nhọc. Từ đó, họ bảo nhau “thân mật sống với nhau, mỗi người một việc, không ai tị ai”. Họ đã nhận ra cái sai lầm của mình, và biết sửa chữa sai lầm kịp lúc.
Cũng giống như các bộ phận được nhân hóa sinh động này, con người chúng ta cũng không thể tách mình sống riêng biệt mà tồn tại được. Mỗi người, như một bộ phận trong một cỗ máy hoàn chỉnh, nên dù thiếu bất cứ bộ phận nào dù là nhỏ nhất, cũng đều có hại. Thay vì ganh tị, chia rẻ mọi người, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ ngay từ bên trong, tập sống có ích, sống vì mọi người, vì tập thể. Và, cũng đừng học theo thói a dua, nghe lời dèm pha từ một phía mà không suy xét, đưa ra hành động đúng đắn, nếu không sẽ nhận được hậu quả thích đáng.
Thứ hai, là hình thức thể hiện bài học triết lí nhân sinh trong truyện ngụ ngôn nói chung và “Chân tay tai mắt miệng nói riêng”. Hình thức thể hiện những bài học triết lý chính là cơ sở, đặc điểm cơ bản để nhận diện ngụ ngôn với tục ngữ. Ngụ ngôn thể hiện bài học triết lí dưới hai hình thức, trực tiếp ở nhan đề, lời thoại nhân vật, hoặc gián tiếp qua hành động nhân vật, cốt truyện, ngôn ngữ và phương pháp nghệ thuật đặc trưng trong truyện để người thưởng thức tự đúc kết. Ở câu chuyện này, hình thức thể hiện bài học triết lý là gián tiếp, người đọc phải tự đúc kết, tự rút ra qua những hình tượng nhân vật, qua cốt truyện,qua ngôn ngữ, qua nghệ thuật thể hiện.
Nhân vật ngụ ngôn, thường là những nhân vật hư cấu tưởng tượng từ đặc tính của loài hay từ tính cách của một hạng người. Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng, được nhân hóa từ những bộ phận trên cơ thể người, nhưng lại có sự liên hệ với đặc điểm, tính cách của một loại người trong xã hội, Đó là loại người hay ganh tị, so bì, hay a dua, hùa theo người khác mà chưa biết đúng sai.
Cốt truyện ngụ ngôn, thường ngắn gọn và rất hàm súc. Xoay quanh những nhân vật hư cấu, xoay quanh hoàn cảnh, tình huống truyện, người ta rút ra được những ý nghĩa. Cốt truyện của thể loại ngụ ngôn thường là cốt truyện ẩn dụ, chứa đựng những bài học sâu sắc. Sự đình công của Chân, Tay, Tai, Mắt, là ẩn dụ cho sự mất đoàn kết trong xã hội và hậu quả mà họ nhận được, tất cả đều bị ảnh hưởng nặng cũng chính là sự ẩn dụ cho tinh thần đoàn kết bị chia rẽ.
Ngôn ngữ trong truyện ngụ ngôn cũng rất hàm súc và ngắn gọn. Với sự kết hợp lối cảm nghĩ ngây thơ hồn nhiên của trẻ em và lối nhìn nhận sâu sắc của người lớn, truyện ngụ ngôn vừa gần gũi, nhưng cũng có gì đó xa lạ khiến người ta phải suy ngẫm. Ẩn dưới lớp vỏ ngôn từ, dưới những hình ảnh sinh động, chính là những bài học, kinh nghiệm sống triết lí mà nhân dân đúc kết qua bao thế hệ.
Và nghệ thuật đặc sắc trong ngụ ngôn, chính là phương pháp tỉ dụ. Tỉ dụ là phương pháp đặc trưng và quan trọng nhất trong sáng tác ngụ ngôn. Thiếu tỉ dụ, câu truyện ngụ ngôn sẽ không hình thành và tồn tại, mà chỉ là những câu chuyện cười vô nghĩa. Tỉ dụ khiến ngụ ngôn trở nên sinh động và sâu sắc hơn. Nhưng tỉ dụ trong ngụ ngôn cũng cần phổ biến, dễ hiểu và thông dụng. Chân, tay, tai, mắt, miệng, là những bộ phận gắn kết trên cơ thể người và không thể tách rời. Người ta chú ý đến mối quan hệ khăng khít này, vì thế mà ngụ ngôn “Chân tay tai mắt miệng”, thường được dùng để nói về bài học đoàn kết trong xã hội.
3. Kết luận
Điều làm nên đặc sắc và riêng biệt của ngụ ngôn, chính là nhờ tính triết lí và biểu hiện của tính triết lí độc đáo, mang màu sắc rất riêng khác với tục ngữ hay truyện cười. Và, mỗi câu truyện ngụ ngôn trong kho tàng văn học, chính là một bài học khác nhau, một triết lí sống khác nhau để chúng ta tìm hiểu và khám phá mỗi ngày.
Chuẩn bị nghe
Một số lưu ý khi nghe người khác nói:
- Trong lúc lắng nghe nên chú ý lắng nghe ghi chép, không nên làm việc riêng.
- Nhận xét về giọng điều, cách thể hiện bài nói của người khác
- Đưa ra câu hỏi, thắc mắc của bản thân về vấn đề.
Thảo luận
Học sinh tự thực hành.