Bài 15. Thực vật cần gì để sống trang 53, 54, 55, 56, 57, 58 SGK Khoa học 4 Kết nối tri thức
Hình 1 mô tả quá trình phát triển lớn lên của cây đậu. Theo em, cây đậu sống và phát triển tốt cần những điều kiện nào?
Mở đầu
Hình 1 mô tả quá trình phát triển lớn lên của cây đậu. Theo em, cây đậu sống và phát triển tốt cần những điều kiện nào?
Phương pháp giải:
Quan sát và mô tả quá trình lớn lên của cây đậu.
Lời giải chi tiết:
Cây đậu sống và phát triển tốt cần: đủ nước, chất khoáng, không khí, ánh sáng và nhiệt độ thích hợp.
Khi thiếu một trong các yếu tố đó, cây đậu sẽ kém phát triển, thậm chí bị chết.
? mục 1 HĐ1
Có năm chậu cây đậu giống nhau về kích thước, phát triển tốt. Cây từ 1 đến 4 trồng trong đất (chứa chất khoáng), cây 5 trồng trong cát sỏi rửa sạch (thiếu chất khoáng). Đặt các chậu cây ở nơi có nhiệt độ khoảng từ 25 °C đến 30 °C với một số điều kiện khác nhau (Hình 2). Hãy quan sát hình 2, đọc thông tin và cho biết:
- Các cây đậu được đặt trong điều kiện như thế nào?
- Dự đoán sự thay đổi của các cây đậu đặt trong các điều kiện đó sau hai tuần. Giải thích dự đoán đó.
Phương pháp giải:
Quan sát hình ảnh và phân biệt điều kiện sống của các cây từ đó đưa ra dự đoán.
Lời giải chi tiết:
- Các cây được đặt trong điều kiện:
+ Cây 1: Trồng trong đất tưới nước thường xuyên, che kín bằng túi giấy đen ngăn cản ánh sáng.
+ Cây 2: Trồng trong đất tưới nước thường xuyên, bôi một lớp keo mỏng, trong suốt lên hai mặt lá nhằm ngăn cản trao đổi không khí với môi trường.
+ Cây 3: Trồng trong đất, không tưới nước.
+ Cây 4: Trồng trong đất tưới nước thường xuyên.
+ Cây 5: Trồng trong cát sỏi, tưới nước thường xuyên
- Học sinh tham khảo dự đoán sau:
+ Cây 1: Cây bị cao vống lên, lá vàng, thân gầy do không có ánh sáng mặt trời.
+ Cây 2: Cây kém phát triển, lá bị héo.
+ Cây 3: Cây bị chết do không được tưới nước.
+ Cây 4: Cây sinh trưởng phát triển tốt.
+ Cây 5: Cây sinh trưởng phát triển kém, còi cọc do trồng trong đá sỏi nên không đủ chất dinh dưỡng.
? mục 1 HĐ2
Hình 3 là kết quả năm cây đậu sau hai tuần duy trì trong các điều kiện khác nhau như hình 2.
Quan sát hình 3 và mô tả sự thay đổi của các cây đó. Theo em, vì sao có sự thay đổi đó?
Phương pháp giải:
Quan sát sức sống, khả năng sinh trưởng của từng cây và đưa ra giải thích cho sự khác biệt đó.
Lời giải chi tiết:
Sự thay đổi của các cây:
- Cây 1: Cây bị vống lên, lá vàng, thân gầy do không có ánh sáng mặt trời.
- Cây 2: Cây kém phát triển, lá bị héo.
- Cây 3: Cây bị chết do không được tưới nước.
- Cây 4: Cây sinh trưởng phát triển tốt.
- Cây 5: Cây sinh trưởng phát triển kém, còi cọc do trồng trong đá sỏi nên không đủ chất dinh dưỡng.
Nhận xét:
-
Thực vật cần đủ nước, chất khoáng, không khí, ánh sáng và nhiệt độ thích hợp để sống và phát triển.
-
Khi thiếu một trong các yếu tố đó, thực vật kém phát triển, thậm chí có thể bị chết.
? mục 1 HĐ3
Thảo luận và trả lời câu hỏi.
Các cây sẽ sống và phát triển như thế nào nếu:
- Đưa các cây thường trồng ở vùng nhiệt độ cao sang trồng ở vùng băng tuyết có nhiệt độ quá thấp.
- Đưa các cây thường trồng ở vùng nhiệt độ thấp sang trồng ở vùng sa mạc nắng nóng có nhiệt độ quá cao.
Phương pháp giải:
Học sinh căn cứ vào đặc điểm thích nghi của các cây nói trên để đưa ra câu trả lời.
Lời giải chi tiết:
Khi đưa các cây thường trồng ở vùng nhiệt độ cao sang trồng ở vùng băng tuyết có nhiệt độ quá thấp hay đưa các cây thường trồng ở vùng nhiệt độ thấp sang trồng ở vùng sa mạc nắng nóng có nhiệt độ quá cao đều sẽ làm cây sinh trưởng và phát triển kém đi, thậm chí là chết.
? mục 1 CH1
Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự sống và phát triển của thực vật như thế nào?
Phương pháp giải:
Nghiên cứu những yếu tố thiết yếu cho sự sinh trưởng và phát triển của cây để trả lời.
Lời giải chi tiết:
-
Nhiệt độ có ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của thực vật.
-
Mỗi loại thực vật có nhu cầu về nhiệt độ thích hợp → Nếu phải sống trong điều kiện nhiệt độ không thích hợp mà cơ thể không tự điều chỉnh được hoặc không có những biện pháp nhân tạo để khắc phục thực vật sẽ kém phát triển, thậm chí có thể chết.
? mục 1 CH2
Thực vật cần yếu tố nào để sống và phát triển?
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức tích lũy để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Thực vật cần đủ nước, chất khoáng, không khí, ánh sáng, nhiệt độ thích hợp, cách chăm sóc phù hợp để sống và phát triển.
? mục 2 HĐ
Quan sát hình 8, đọc thông tin.
- Kể tên một số yếu tố tham gia vào quá trình tự tổng hợp chất dinh dưỡng ở thực vật.
- Chất dinh dưỡng được thực vật tổng hợp thông qua quá trình nào?
- Chia sẻ với bạn về khả năng kì diệu của lá cây tự tổng hợp chất dinh dưỡng cần cho sự sống.
Phương pháp giải:
Quan sát hình ảnh, kết hợp với kiến thức thực tế và trả lời.
Lời giải chi tiết:
- Một số yếu tố tham gia vào quá trình tự tổng hợp chất dinh dưỡng ở thực vật: nước, ánh sáng, khí các-bô-nic.
- Chất dinh dưỡng được thực vật tổng hợp thông qua quá trình quang hợp.
- Sự kì diệu của lá cây: Lá cây có khả năng thu nhận ánh sáng mặt trời, tự tổng hợp nên các chất dinh dưỡng cần cho sự sống từ các chất như khí các – bô – níc, nước nhờ quá trình quang hợp, đồng thời thải ra khí ô – xi.
? mục 3 HĐ1
Quan sát hình 9, 10.
- Hãy mô tả sự trao đổi khí của thực vật với môi trường.
- Sự trao đổi khí với môi trường khi thực vật quang hợp và hô hấp khác nhau như thế nào?
Phương pháp giải:
HS quan sát sơ đồ và mô tả quá trình trao đổi khí như hình.
Lời giải chi tiết:
- Thực vật trao đổi khí với môi trường để thực hiện quá trình quang hợp và hô hấp:
+ Trong quá trình quang hợp, thực vật hấp thụ khí các-bô-níc đồng thời thải ra khí ô-xi.
+ Trong quá hô hấp, thực vật hấp thụ khí ô-xi và thải ra khí các-bô-níc.
- Sự khác nhau giữa quang hợp và hô hấp:
+ Trong quá trình quang hợp, thực vật hấp thụ khí các-bô-níc đồng thời thải ra khí ô-xi. Trong quá hô hấp, thực vật hấp thụ khí ô-xi và thải ra khí các-bô-níc.
+ Quang hợp diễn ra chủ yếu ở lá và cần có ánh sáng. Hô hấp diễn ra suốt ngày đêm và ở tất cả các bộ phận rễ, thân, lá, …
? mục 3 HĐ2
Vẽ sơ đồ mô tả sự trao đổi khí với môi trường khi thực vật tiến hành quang hợp. Vẽ sơ đồ mô tả sự trao đổi khí với môi trường khi thực vật tiến hành hô hấp.
Phương pháp giải:
HS thực hành vẽ sơ đồ quang hợp và hô hấp ở thực vật.
Lời giải chi tiết:
HS tham khảo sơ đồ sau
? mục 3 CH
Vì sao buổi tối chúng ta không nên để cây xanh trong phòng ngủ?
Phương pháp giải:
Dựa vào đặc điểm của cây vào ban đêm ( ban đêm ở thực vật diễn ra quá trình gì?)
Lời giải chi tiết:
-
Vào ban đêm cây xanh ngừng quá trình quang hợp, nhưng vẫn duy trì quá trình hô hấp.
-
Do vậy nên nếu trong phòng ngủ, đóng kín cửa mà để nhiều cây xanh thì rất dễ bị ngạt thở, bởi vì trong quá trình hô hấp cây đã lấy rất nhiều khí ô-xi của không khí trong phòng, đồng thời lại thải ra rất nhiều khí các-bô-níc.
? mục 4 HĐ1
Quan sát hình 11, mô tả sự trao đổi nước, chất khoáng của thực vật với môi trường.
Phương pháp giải:
Học sinh quan sát hình ảnh gợi ý để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Sự trao đổi nước, chất khoáng của thực vật với môi trường gồm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Rễ hút nước và các chất khoáng.
- Giai đoạn 2: Thân vận chuyển nước, chất khoáng lên lá và các bộ phận khác.
- Giai đoạn 3: Lá thoát hơi nước.
? mục 4 HĐ2
Vẽ và chia sẻ với bạn sơ đồ thể hiện sự trao đổi nước và chất khoáng của thực vật với môi trường theo gợi ý sau:
Phương pháp giải:
Học sinh tự vẽ và chia sẻ với bạn.
Lời giải chi tiết:
? mục 4 CH1
Vì sao trong những trưa nắng ngày hè khi đứng dưới bóng cây lại có cảm giác mát mẻ?
Phương pháp giải:
Dựa vào quá trình thoát hơi nước.
Lời giải chi tiết:
Vào những ngày trời nắng, đứng dưới bóng cây to lại thấy mát hơn khi đứng dưới mái che vì tán lá che bớt ánh sáng mặt trời và ở cây có quá trình thoát hơi nước làm hạ nhiệt độ của môi trường.
? mục 4 CH2
Vì sao trong những ngày nắng nóng vào sáng sớm và chiều tối thường phải tưới nhiều nước hơn cho cây trồng?
Phương pháp giải:
Dựa vào quá trình thoát hơi nước để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Vào những ngày nóng của mùa hè cần tưới nước nhiều hơn cho cây trồng là
-
Vì nhiệt độ cao khiến cây phải thoát nước nhiều.
-
Nhờ thoát hơi nước mà cây không bị đốt nóng dưới ánh sáng mặt trời, do đó, vào những ngày nóng của mùa hè cần tưới nước nhiều hơn cho cây trồng.
-
Đặc biệt, mùa hè trời rất nóng, nhất là vào buổi trưa. Lúc này, nếu tưới nước thì đất đang nóng sẽ hạ nhiệt đột ngột, trong khi nhiệt độ không khí bên ngoài tương đối cao. Sự thay đổi này khiến cây non yếu sẽ chịu không nổi và chết do bị sốc nhiệt.
-
Vào lúc râm mát (sáng sớm, chiều muộn) nhiệt độ không khí tương đối thấp, nên sau khi tưới, nhiệt độ giữa đất và không khí chênh lệch ít, không gây nguy hiểm cho cây.
Em có thể 1
Giải thích được cây xanh trao đổi khí với môi trường vào ban ngày và ban đêm không giống nhau.
Phương pháp giải:
Học sinh dựa vào điều kiện cần cho quá trình quang hợp (ban ngày) và hô hấp (ban đêm ) của cây để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Thực vật trao đổi khí với môi trường để thực hiện quá trình quang hợp và hô hấp:
-
Quang hợp diễn ra chủ yếu ở lá và cần ánh sáng.
-
Hô hấp diễn ra suốt ngày đêm và ở tất cả các bộ phận rễ, thân, lá …
Em có thể 2
Thực hiện thí nghiệm tương tự để kiểm chứng ảnh hưởng của các yếu tố như ánh sáng, nước, chất khoáng đến sự sống và phát triển của cây trồng.
Phương pháp giải:
Thực hiện thí nghiệm kiểm chứng.
Lời giải chi tiết:
Học sinh tham khảo thí nghiệm sau:
Có năm chậu cây đậu giống nhau về kích thước, phát triển tốt. Cây từ 1 đến 4 trồng trong đất (chứa chất khoáng), cây 5 trồng trong cát sỏi rửa sạch (thiếu chất khoáng). Đặt các chậu cây ở nơi có nhiệt độ khoảng từ 25 °C đến 30 °C với một số điều kiện khác nhau (Hình 2). Quan sát và rút ra kết luận sau 2 tuần (Hình 3).