Bài 2. Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa - SGK Địa lí 12 Chân trời sáng tạo — Không quảng cáo

Soạn Địa 12, giải bài tập Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo Chương 1. Địa lí tự nhiên - SGK Địa lí 12 Chân trời sán


Bài 2. Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa - SGK Địa lí 12 Chân trời sáng tạo

Dựa vào hình 2 và thông tin trong bài, hãy trình bày các biểu hiện của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta.

? mục I 1

Câu hỏi mục I.1 trang 11 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo

Dựa vào hình 2 và thông tin trong bài, hãy trình bày các biểu hiện của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta.

Phương pháp giải:

Quan sát hình 2 và đọc thông tin trong mục I.1 (Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa)

Lời giải chi tiết:

* Tính chất nhiệt đới

- Việt Nam nằm trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc, có góc nhập xạ lớn và trong năm 2 lần Mặt Trời lên thiên đỉnh. Vì vậy, nước ta có nền nhiệt cao, nhiệt độ trung bình năm trên 20°C (trừ những vùng núi cao), miền Nam thường có nhiệt độ trung bình năm cao hơn miền Bắc.

- Hằng năm, nước ta nhận được lượng bức xạ mặt trời lớn, tổng số giờ nắng dao động tùy nơi, trung bình từ 1400 – 3000 giờ/năm.

* Tính chất ẩm

- Nước ta có độ ẩm không khí cao, thường trên 80%. Lượng mưa trung bình khoảng 1500 – 2000 mm/năm có sự phân hóa; nơi mưa nhiều 3500 – 4000 mm/năm; nơi mưa ít dưới 1000 mm/ năm.

- Nguyên nhân: Do ảnh hưởng của các khối khí du chuyển qua biển kết hợp yếu tố địa hình.

* Tính chất gió mùa

Nước ta nằm trong khu vực hoạt động của Tín phong bán cầu Bắc, chịu ảnh hưởng của các khối khí hoạt động theo mùa, hình thành 2 mùa gió chính là gió mùa đông và gió mùa hạ.

- Gió mùa mùa đông

+ Từ T11 – T4 năm sau, các khối khí lạnh từ áp cao Xi-bia tràn xuống theo hướng đông bắc, đem lại mùa đông lạnh cho miền Bắc: nửa đầu mùa đông lạnh khô, nửa sau mùa đông lạnh ẩm có mưa phùn.

+ Càng di chuyển xuống phía nam càng biến tính, ít lạnh hơn, gần như bị chặn lại ở dãy Bạch Mã. Do đó, ở miền Nam, Tín phong bán cầu Bắc chiếm ưu thế, gây mưa cho Trung Bộ, mùa khô cho Nam Bộ, Tây Nguyên.

- Gió mùa hạ: Từ T5 – T10, có 2 luồng gió tây nam thổi vào nước ta.

+ Nửa đầu mùa hạ khối khí nhiệt đới ẩm Bắc Ấn Độ Dương, đem mưa lớn cho Nam Bộ và Tây Nguyên; khi vượt dãy Trường Sơn và các dãy núi biên giới Việt – Lào, khối khí này tạo hiệu ứng phơn, gây thời tiết khô nóng cho đồng bằng ven biển miền Trung và một phần Tây Bắc.

+ Giữa và cuối mùa hạ: các khối không khí từ áp cao cận chí tuyến bán cầu Nam hoạt động mạnh, khi vượt qua vùng biển xích đạo trở nên nóng ẩm, gây mưa lớn và kéo dài cho Nam Bộ, Tây Nguyên. Thời gian này còn có sự hình thành và hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, gây ra các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, đem lại lượng mưa lớn cho nhiều nơi trên cả nước. Ở đồng bằng sông Hồng, do sự hình thành của áp thấp Bắc Bộ nên gió có hướng đông nam.

=> Khí hậu phân chia theo mùa ở các khu vực khác nhau: miền Bắc có mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều; miền Nam có mùa khô và mùa mưa rõ rệt; Tây Nguyên và đồng bằng ven biển Trung Trung Bộ có sự đối lập về mùa mưa và mùa khô.

? mục I 2

Câu hỏi mục I.2 trang 14 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo

Dựa vào thông tin trong bài, hãy trình bày các biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa thông qua các thành phần tự nhiên:

- Địa hình và đất.

- Sông ngòi và sinh vật.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin mục I.2 (Các thành phần tự nhiên khác)

Lời giải chi tiết:

* Địa hình

- Phong hóa: khu vực đồi núi có quá trình phong hóa diễn ra mạnh mẽ, bề mặt địa hình bị cắt xẻ, nhất là trên các sườn dốc không còn lớp phủ thực vật. Vùng núi đá vôi có dạng địa hình các-xtơ như hang động, thung khô,...; các vùng đá macma, biến chất, quá trình phong hóa diễn ra yếu và chậm hơn.

- Xâm thực và bồi tụ: khu vực đồi núi, quá trình xâm thực diễn ra mạnh, đất bị xói mòn, rửa trôi, nhiều nơi trơ sỏi đá. Một số nơi xảy ra hiện tượng thiên nhiên bất thường như đất trượt, đá lở; khi gặp mưa lớn thường xảy ra lũ bùn, lũ quét. Khu vực đồng bằng, quá trình bồi tụ diễn ra nhanh ở vùng trũng thấp và hạ lưu sông.

* Đất

- Trong môi trường nhiệt ẩm cao, quá trình phong hóa đá mẹ diễn ra mạnh, tốc độ phân giải chất hữu cơ nhanh, tạo nên lớp đất dày. Mưa nhiều tập trung theo mùa làm rửa trôi các chất bazo dễ tan, tích tụ oxit sắt và oxit nhôm làm đất chua, tạo ra màu đỏ vàng đặc trưng của đất.

- Quá trình feralit diễn ra mạnh ở vùng đồi núi thấp trên các loại đá mẹ khác nhau, đất feralit là loại đất chủ yếu ở vùng đồi núi nước ta.

* Sông ngòi

- Mưa lớn kết hợp địa hình bị cắt xẻ nên có mạng lưới sông ngòi dày đặc, có 2360 con sông có chiều dài từ 10 km trở lên. Sông ngòi có lượng nước lớn, tổng lượng nước trên 830 tỉ m 3 /năm; khả năng xâm thực mạnh, mang theo lượng phù sa lớn.

- Chế độ dòng chảy theo 2 mùa rõ rệt: mùa lũ tương ứng với mùa mưa, mùa cạn tương ứng mùa khô. Mùa lũ trung bình từ 4-5 tháng, lượng nước chiếm khoảng 70-80% lượng nước cả năm. Mùa cạn kéo dài hơn, từ 7-8 tháng, chỉ chiếm 20 – 30% lượng nước cả năm.

* Sinh vật

- Tiêu biểu cho vùng nhiệt đới ẩm gió mùa với phần lớn loài động và thực vật tự nhiên có nguồn gốc nhiệt đới. Tính nhiệt đới ẩm gió mùa còn thể hiện ở sự đa dạng loài; khả năng sinh trưởng và năng suất sinh học cao của các quần xã động, thực vật.

- Sự phân hóa theo mùa của khí hậu tạo nên tính chất phân mùa của thảm thực vật, hình thành kiểu rừng tiêu biểu cho thiên nhiên nước ta, là hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm gió mùa.

? mục II

Câu hỏi mục II trang 15 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo

Dựa vào thông tin trong bài, hãy phân tích những thuận lợi và khó khăn của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến sản xuất và đời sống ở nước ta.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin mục II (Ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến sản xuất và đời sống)

Lời giải chi tiết:

* Thuận lợi:

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiều loại đất tốt, nguồn nước dồi dào => phát triển nông nghiệp nhiệt đới với nhiều sản phẩm có giá trị; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ. Sự đa dạng sinh vật giúp đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi.

- Nguồn nhiệt, ẩm dồi dào giúp lớp phủ thực vật sinh trưởng nhanh => đẩy mạnh công tác phục hồi, trồng rừng, tăng độ che phủ rừng.

- Địa hình và sinh vật có tính đa dạng cao giúp phát triển nhiều loại hình du lịch. Các thành phần tự nhiên tạo điều kiện phát triển các hoạt động khai thác, xây dựng, giao thông vận tải,… nhất là vào mùa khô.

* Khó khăn:

- Thường xảy ra nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán,… gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất và đời sống. Các loại dịch bệnh thường xuất hiện, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

- Tính thất thường của khí hậu và thủy văn gây trở ngại cho các ngành sản xuất; sự phân mùa khí hậu tạo nên tính mùa vụ trong các hoạt động kinh tế. Độ ẩm cao gây khó khăn cho việc bảo quản máy móc, thiết bị và nông sản.

Luyện tập 1

Câu hỏi luyện tập 1 trang 15 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo

Dựa vào bảng 2, hãy nhận xét nhiệt độ trung bình năm, biên độ nhiệt trung bình năm và số giờ nắng của ba trạm khí tượng ở nước ta.

Phương pháp giải:

Quan sát số liệu bảng 2 kết hợp với kiến thức đã học trong bài.

Lời giải chi tiết:

- Nhiệt độ trung bình năm và tổng số giờ nắng của các trạm khí tượng có sự tăng dần từ Bắc vào Nam, còn biên độ nhiệt trung bình năm lại có sự giảm dần từ Bắc vào Nam.

- Trạm Hà Đông có nhiệt độ trung bình năm (32.7°C) và tổng số giờ nắng (1478 giờ). thấp nhất

- Trạm Vũng Tàu có nhiệt độ trung bình năm (27.1°C) và tổng số giờ nắng(1478 giờ) cao nhất.

- Hà Đông có biên độ nhiệt trung bình năm cao nhất (12.6°C), thấp nhất là trạm Vũng Tàu (3.5°C)

=> Nguyên nhân:

- Trạm Hà Đông thuộc miền Bắc là nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa Đông Bắc, nằm ở gần chí tuyến, nên lượng nhiệt nhận được ít hơn.

- Trạm Vũng Tàu thuộc miền Nam quanh năm chịu tác động của khối khi nóng, nằm ở vĩ độ thấp hơn gần xích đạo hơn, lượng nhiệt nhận được lớn hơn.

Luyện tập 2

Câu hỏi luyện tập 2 trang 15 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo

Cho ví dụ về tính mùa vụ của các hoạt động kinh tế do ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa.

Phương pháp giải:

Dựa vào các kiến thức đã được học trong bài.

Lời giải chi tiết:

Ví dụ trong hoạt động nông nghiệp: Ở miền Bắc do chịu ảnh hưởng sâu sắc của gió mùa Đông Bắc nên vào mùa đông lạnh có thể trồng các loại cây rau củ ôn đới như: bắp cải, su hào, cà rốt, khoai tây, súp lơ…

Vận dụng

Câu hỏi vận dụng trang 15 15 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo

Ở địa phương em, tính nhiệt đới ẩm gió mùa của thiên nhiên ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người dân?

Phương pháp giải:

Liên hệ với địa phương nơi em sinh sống để hoàn thành bài tập

Lời giải chi tiết:

* Tính nhiệt đới ẩm gió mùa của thiên nhiên ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở Hà Nội

- Vào mùa hè do ảnh hưởng của gió mùa mùa hạ (gió Đông Nam) khí hậu nóng ẩm.

+ Trồng được các cây rau, hoa quả nhiệt đới (rau muống, rau mồng tơi,…; mít, nhãn,…)

+ Nền nhiệt cao cộng với hiệu ứng đô thị khiến cho nhiệt độ trung bình ở Hà Nội dao động từ 30-32°C có thời điểm lên tới 40°C nắng nóng gay gắt việc sử các thiết bị làm mát không khí tăng cao (quạt, điều hòa), các loại đồ uống giải nhiệt mùa hè bán chạy. Nắng nóng cũng gây ảnh hưởng sức khỏe tới người già và trẻ nhỏ.

+ Lượng mưa nhiều trong mùa hè gây ngập úng trong khu vực nội thành làm ách tắc giao thông

- Vào mùa đông tính do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc làm cho khí hậu có nền nhiệt thấp

+ Trồng được các cây rau ôn đới vụ đông (su hào, cà rốt,…)

+ Các loại trang phục, đồ ăn giữ ấm cơ thể bán chạy.


Cùng chủ đề:

Bài 1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ - SGK Địa lí 12 Chân trời sáng tạo
Bài 2. Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa - SGK Địa lí 12 Chân trời sáng tạo
Bài 3. Sự phân hóa đa dạng của thiên nhiên - SGK Địa lí 12 Chân trời sáng tạo
Bài 4. Thực hành: Tìm hiểu về sự phân hóa tự nhiên Việt Nam - SGK Địa lí 12 Chân trời sáng tạo
Bài 5. Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường - SGK Địa lí 12 Chân trời sáng tạo
Bài 6. Thực hành: Sử dụng hợp lí tài nguyên và bảo vệ môi trường địa phương - SGK Địa lí 12 Chân trời sáng tạo
Bài 7. Dân số - SGK Địa lí 12 Chân trời sáng tạo