Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Cánh diều - Đề số 1 — Không quảng cáo

Đề thi văn 6, đề kiểm tra văn 6 cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết Đề thi giữa kì 1 Văn 6 - Cánh diều


Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Cánh diều - Đề số 1

Tải về

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:“Tôi vốn là một tảng đá khổng lồ trên núi cao, trải qua bao năm tháng dài đằng đẵng bị mặt trời nung đốt, người tôi đầy vết nứt

Đề thi

Phần I: ĐỌC - HIỂU (3 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

Tôi vốn là một tảng đá khổng lồ trên núi cao, trải qua bao năm tháng dài đằng đẵng bị mặt trời nung đốt, người tôi đầy vết nứt. Tôi vỡ vụn ra và lăn lóc xuống núi, mưa bão và nước lũ cuốn tôi vào sông suối. Do liên tục bị va đập, lăn lộn, tôi bị thương đầy mình. Nhưng rồi chính những dòng nước lại làm lành những vết thương của tôi. Và tôi trở thành một hòn sỏi láng mịn như bây giờ.

(Theo https://tuoitre.vn/ , ngày 2/7/2004)

Câu 1 (1,5 điểm): Khoanh tròn vào chữ cái đứng đầu đáp án đúng của mỗi câu hỏi sau:

1. Văn bản trên được kể theo ngôi kể nào?

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba

D. Không xác định được ngôi kể

2. Nhân vật “tôi” ban đầu vốn là gì?

A. Hạt cát

B. Hòn sỏi

C. Hòn đất

D. Tảng đá khổng lồ

3. Từ nào sau đây là từ láy?

A. vỡ vụn

B. lăn lóc

C. sông suối

D. lăn lộn

4. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng để xây dựng nhân vật trong văn bản trên?

A. So sánh

B. Ẩn dụ

C. Nhân hóa

D. Hoán dụ

Câu 2 (0,5 điểm): Theo em, mặt trời nung đốt, những va đập, lăn lộn tượng trưng cho điều gì trong cuộc sống con người?

Câu 3 (0,5 điểm): Từ một “tảng đá khổng lồ” ban đầu đến “hòn sỏi láng mịn” phản ánh điều gì?

Câu 4 (1 điểm): Nêu một bài học em rút ra được sau khi đọc văn bản trên.

Phần II: TẠO LẬP VĂN BẢN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Thiên nhiên luôn thay đổi, luân chuyển qua các mùa xuân – hạ – thu – đông. Em hãy viết một đoạn văn về cảm xúc lúc giao mùa. Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất hai cụm từ làm thành phần câu.

Câu 2 (5 điểm): Cảm nghĩ của em về bài thơ “À ơi tay mẹ” (Bình Nguyên, SGK Cánh diều, tập 1, trang 37)

Đáp án

Phần I:

Câu 1 (0,5 điểm):

1. Văn bản trên được kể theo ngôi kể nào?

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba

D. Không xác định được ngôi kể

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn văn, chú ý lời kể, xưng hô của nhân vật

Lời giải chi tiết:

Văn bản trên được kể theo ngôi thứ nhất

=> Đáp án: A

2. Nhân vật “tôi” ban đầu vốn là gì?

A. Hạt cát

B. Hòn sỏi

C. Hòn đất

D. Tảng đá khổng lồ

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn văn, chú ý câu mở đầu

Lời giải chi tiết:

Nhân vật “tôi” ban đầu vốn là tảng đá khổng lồ

=> Đáp án: D

3. Từ nào sau đây là từ láy?

A. vỡ vụn

B. lăn lóc

C. sông suối

D. lăn lộn

Phương pháp giải:

Nhớ lại kiến thức về từ láy

Lời giải chi tiết:

Từ “lăn lóc” là từ láy

=> Đáp án: B

4. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng để xây dựng nhân vật trong văn bản trên?

A. So sánh

B. Ẩn dụ

C. Nhân hóa

D. Hoán dụ

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn văn và xác định biện pháp tu từ

Lời giải chi tiết:

Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ được sử dụng để xây dựng nhân vật trong văn bản trên

=> Đáp án: B

Câu 2 (0,5 điểm):

Theo em, mặt trời nung đốt, những va đập, lăn lộn tượng trưng cho điều gì trong cuộc sống con người?

Phương pháp giải:

Nêu suy nghĩ của em

Lời giải chi tiết:

Mặt trời nung đốt, những va đập, lăn lộn tượng trưng cho những khó khăn, thử thách, trải nghiệm… trong cuộc sống con người

Câu 3 (0,5 điểm):

Từ một “tảng đá khổng lồ” ban đầu đến “hòn sỏi láng mịn” phản ánh điều gì?

Phương pháp giải:

Dựa vào ngữ cảnh và nêu suy nghĩ của em

Lời giải chi tiết:

Từ một “tảng đá khổng lồ” ban đầu đến “hòn sỏi láng mịn” phản ánh quá trình hoàn thiện, trưởng thành của bản thân con người

Câu 4 (1 điểm):

Nêu một bài học em rút ra được sau khi đọc văn bản trên.

Phương pháp giải:

Nêu suy nghĩ của em

Lời giải chi tiết:

- Con người để trưởng thành cần trải qua quá trình tôi luyện lâu dài, qua những khó khăn, thử thách

- Những khó khăn, thử thách chính là quá trình giúp con người hoàn thiện, trưởng thành

- Trong cuộc đời không tránh khỏi những khó khăn, thử thách, cần luôn giữ vững sự tự tin, tinh thần lạc quan

Phần II (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm):

Thiên nhiên luôn thay đổi, luân chuyển qua các mùa xuân – hạ – thu – đông. Em hãy viết một đoạn văn về cảm xúc lúc giao mùa. Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất hai cụm từ làm thành phần câu.

Phương pháp giải:

Xác định nội dung: cảm xúc lúc giao mùa

Nêu suy nghĩ của em

Lời giải chi tiết:

Đoạn tham khảo:

Như một quy luật tuần hoàn của tạo hóa, mùa thu đã lại sang. Lớp sương đầu mùa thu đang chùng chình giăng mắc khắp nơi. Làn gió nhè nhẹ mang theo hơi nước lành lạnh là tín hiệu rõ nhất cho thấy mùa thu đã về. Không tràn trề sức sống như lúc vào xuân, cũng không sôi động, náo nhiệt như những ngày đầu hạ và chẳng lạnh lùng thu mình lại suy tư giống những ngày chớm đông, mùa thu đã sang mang một vẻ đẹp riêng biệt. Trong khoảnh khắc trong đời sống con người cũng có những biến chuyển nhẹ nhàng mà tinh tế. Và ngay cả trong đời sống con người cũng có những chuyển biến tinh vi. Em thích thời khắc giao mùa này bởi nó để lại chúng em niềm háo hức tới trường, được học tập vui chơi, để lại trong mắt em và bạn là niềm vui được gặp lại nhau sau một mùa hè nghỉ ngơi đầy thú vị, để lại trong mắt mỗi chúng ta những xúc cảm diệu kỳ và tinh tế về thiên nhiên.

Cụm từ làm thành phần câu:

- Cụm danh từ làm chủ ngữ: Lớp sương đầu mùa thu

- Cụm động từ làm vị ngữ: đang chùng chình giăng mắc khắp nơi

Câu 2 (5 điểm):

Cảm nghĩ của em về bài thơ “À ơi tay mẹ” (Bình Nguyên, SGK Cánh diều, tập 1, trang 37)

Phương pháp giải:

Nêu cảm nghĩ của em

Lời giải chi tiết:

Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài: Giới thiệu và nêu vấn đề

Tình mẫu tử luôn là tình cảm thiêng liêng nhất, mà từ những ngày ấu thơ, khi chúng ta còn chưa biết đến tình thương là gì, chúng ta đã cảm nhận được tình cảm của mẹ qua những câu hát lời ru. À ơi tay mẹ là bài thơ nhẹ nhàng thể hiện tình mẫu tử đó

2. Thân bài: Cảm nhận về nội dung và nghệ thuật bài thơ

- Mở đầu bài thơ là hình ảnh người mẹ với những phép nhiệm mầu. Tác giả dùng “bàn tay mẹ” để chỉ người mẹ. Người mẹ có thể chắn mưa sa, có thể chặn bão giông để che chở và bảo vệ cho đứa con.

Bàn tay mẹ chắn mưa sa

Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng

- Âm thanh hát ru à ơi của người mẹ:

Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng

À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon

À ơi này cái trăng tròn

À ơi này cái trăng còn nằm nôi

Bàn tay mẹ thức một đời

À ơi này cái mặt trời bé con

Mai sau bể cạn non mòn

À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru

=> Những lời hát ru yêu thương nhẹ nhàng ru cái “vầng trăng” đi vào giấc ngủ và những giấc mơ thần tiên. Người mẹ yêu thương gọi con mình là “vầng trăng” và “mặt trời bé con”. Ta có thể cảm nhận được tình cảm của người mẹ, nâng niu và xem đứa con như vầng trăng tròn trịa, trong sáng, như mặt trời tỏa sáng và ấm áp đến cho cuộc đời mẹ.

- Tình yêu thương của mẹ dành cho con là mãi mãi, cho dù “biển cạn non mòn”, những lời hát ru của mẹ vẫn theo con trên từng bước chân cuộc đời. Những thứ vốn trường tồn cùng với thiên nhiên, nay đã “mềm lòng”, đã “tan chảy” trước lời ru ngọt ngào của tình mẫu tử.

“Ru cho cái khuyết tròn đầy

Cải thương cái nhớ nặng ngày xa nhau”

- Bàn tay mẹ vốn rất bình thường, thậm chí còn nhăn đi theo năm tháng. Nhưng chính bàn tay ấy đã làm nên phép nhiệm màu, không những là ru con vào giấc ngủ yên lành mà còn nâng niu con trên từng bước đường đời. Bàn tay ấy chắt chịu và chịu bao nhiêu dãi dầu sương gió mới có thể tạo ra phép mầu cho cuộc đời của con.

“Bàn tay mang phép nhiệm mầu

Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi”

- Bàn tay ấy “ru cho sóng lặng bãi bồi” cho mưa không còn dột chỗ ngoại ngồi khâu áo, ru cho cuộc đời con không còn những đau đớn, những cực khổ mà người mẹ đã phải chịu. Nhưng “À ơi... Mẹ chẳng một câu ru mình”. Mẹ vất vả cả đời, lo toan cho con, lo toan cho giấc ngủ của gia đình, nhưng có lẽ, chưa một lần mẹ dám ru mình vào giấc ngủ. Trong con người mẹ, lúc nào cũng đầy ắp những suy nghĩ, không phút nào an yên.

- Về nghệ thuật, bài thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật:

+ Điệp ngữ: “bàn tay”, “à ơi này cái”, “ru cho”.

+ Biện pháp nhân hóa.

+ Biện pháp ẩn dụ bàn tay - mẹ.

=> Từ ngữ trong bài thơ nhẹ nhàng, như lời hát ru, từ ngữ giàu tính tượng hình, tượng thanh khiến bài thơ mang âm điệu nhẹ nhàng tựa lời hát ru, giàu hình ảnh, mang tính biểu tượng cao, thể hiện tình cảm chứa chan, thắm thiết mẹ con.

3. Kết bài: Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật.

- Thể thơ lục bát nhẹ nhàng và cách lặp đi lặp lại từ à ơi, bài thơ như âm điệu của một bài hát ru của mẹ ru con vào giấc ngủ an lành.

- Bài thơ còn là tình mẫu tử thiêng liêng của mẹ dành cho “mặt trời bé con”. Giúp chúng ta cũng phần nào hiểu được những nỗi vất vả và khó khăn mẹ đã phải trải qua để cho con một cuộc sống tốt đẹp


Cùng chủ đề:

Đề kiểm tra giữa kì 2 Văn 6 bộ sách cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết
Đề kiểm tra học kì 1 Văn 6 bộ sách cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết
Đề kiểm tra học kì 1 Văn 6 bộ sách cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết
Đề kiểm tra học kì 2 Văn 6 bộ sách cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết
Đề kiểm tra học kì 2 Văn 6 bộ sách cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Cánh diều - Đề số 1
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Cánh diều - Đề số 1
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Cánh diều - Đề số 2
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Cánh diều - Đề số 2
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Cánh diều - Đề số 3
Đề thi giữa kì 1 Văn 6 Cánh diều - Đề số 3