Đề thi học kì 2 Văn 6 Chân trời sáng tạo - Đề số 2
Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:
Đề thi
Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:
“ Ngọt ngào và nỗi đau luôn song hành cùng nhau trên bước đường đời của con. Hạnh phúc của con có thể đến từ những điều ngọt ngào, cũng có thể đến từ những nỗi đau con gánh chịu. Điều quan trọng là con phải biết nhận ra hạnh phúc đang ở ngay trong cuộc sống của mình, đừng chỉ đi tìm một hạnh phúc ngọt ngào xa xôi mà con hay mường tượng ”.
(Phạm Thị Ngọc Diễm, Phải chăng chỉ có ngọt ngào mới làm nên hạnh phúc ? , SGK Ngữ văn 6 – Chân trời sáng tạo)
Câu 1. Đoạn trích trên viết theo phương thức biểu đạt nào?
A. Tự sự
B. Biểu cảm
C. Miêu tả
D. Nghị luận
Câu 2. Từ nào sau đây là từ Hán Việt?
A. Nỗi đau
B. Song hành
C. Đường đời
D. Ngọt ngào
Câu 3. Theo tác giả, “hạnh phúc của con” có thể đến từ đâu?
A. Những điều ngọt ngào
B. Từ những nỗi đau
C. A và B đúng
D. A và B sai
Câu 4. Nghĩa của từ “song hành” là gì?
A. Đi cùng nhau, cùng sóng đôi, song song với nhau
B. Đi một mình đơn độc, không có ai bầu bạn
C. Đi bộ, đi bằng đường bộ
D. Đi xa
Câu 5. Đoạn văn trên là lời của ai nói với ai?
A. Cha mẹ nói với con
B. Con nói với cha mẹ
C. Học sinh nói với thầy cô
D. Học sinh nói với bạn
Câu 6. Cụm từ “điều quan trọng” được đặt ở đầu câu văn (câu thứ 3) nhằm mục đích gì?
A. Để tạo sự liên kết với câu văn trước đó
B. Nhấn mạnh ý nghĩa của lời khuyên được đưa ra trong câu văn
C. Để tạo ra sự nhịp nhàng trong cách diễn đạt
D. Là cách viết ngẫu nhiên, không nhằm mục đích gì
Câu 7. Em hãy rút ra cho mình một bài học sau khi đọc văn bản trên.
Câu 8. Viết một đoạn văn (khoảng 10 dòng) miêu tả cánh đồng lúa quê hương. Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất 2 trạng ngữ.
Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Trong các từ sau, đâu là từ mượn tiếng Hán, đâu là từ mượn các ngôn ngữ khác? thế giới, a-xit, ghi đông, cộng đồng, ti vi, đơn độc, gian nan, video, sính lễ, độc giả, in-tơ-nét, sứ giả
Câu 2. Viết bài văn (khoảng 400 chữ) thuyết minh thuật lại một sự kiện (lễ hội) mà em từng tham dự chứng kiến.
Đáp án
Phần I:
Câu 1 (0.25 điểm):
Đoạn trích trên viết theo phương thức biểu đạt nào? A. Tự sự B. Biểu cảm C. Miêu tả D. Nghị luận |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Đoạn trích trên viết theo phương thức biểu đạt nghị luận
=> Đáp án: D
Câu 2 (0.25 điểm):
Từ nào sau đây là từ Hán Việt? A. Nỗi đau B. Song hành C. Đường đời D. Ngọt ngào |
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức để nhận biết từ Hán Việt
Lời giải chi tiết:
Từ “song hành” là từ Hán Việt
=> Đáp án: B
Câu 3 (0.25 điểm):
Theo tác giả, “hạnh phúc của con” có thể đến từ đâu? A. Những điều ngọt ngào B. Từ những nỗi đau C. A và B đúng D. A và B sai |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Theo tác giả, “hạnh phúc của con” có thể đến từ những điều ngọt ngào và từ những nỗi đau
=> Đáp án: C
Câu 4 (0.25 điểm):
Nghĩa của từ “song hành” là gì? A. Đi cùng nhau, cùng sóng đôi, song song với nhau B. Đi một mình đơn độc, không có ai bầu bạn C. Đi bộ, đi bằng đường bộ D. Đi xa |
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức về từ mượn và dựa vào ngữ cảnh để xác định nghĩa của từ
Lời giải chi tiết:
Nghĩa của từ “song hành” là đi cùng nhau, cùng sóng đôi, song song với nhau
=> Đáp án: A
Câu 5 (0.25 điểm):
Đoạn văn trên là lời của ai nói với ai? A. Cha mẹ nói với con B. Con nói với cha mẹ C. Học sinh nói với thầy cô D. Học sinh nói với bạn |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn văn, chú ý ngôn ngữ, xưng hô của người kể
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn trên là lời của cha mẹ nói với con cái
=> Đáp án: A
Câu 6 (0.25 điểm):
Cụm từ “điều quan trọng” được đặt ở đầu câu văn (câu thứ 3) nhằm mục đích gì? A. Để tạo sự liên kết với câu văn trước đó B. Nhấn mạnh ý nghĩa của lời khuyên được đưa ra trong câu văn C. Để tạo ra sự nhịp nhàng trong cách diễn đạt D. Là cách viết ngẫu nhiên, không nhằm mục đích gì |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Cụm từ “điều quan trọng” được đặt ở đầu câu văn (câu thứ 3) nhằm mục đích nhấn mạnh ý nghĩa của lời khuyên được đưa ra trong câu văn
=> Đáp án: B
Câu 7 (0.5 điểm):
Em hãy rút ra cho mình một bài học sau khi đọc văn bản trên. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích trên và rút ra một bài học mà em cho là bổ ích
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
- Trên đường đời mỗi con người, luôn tồn tại những điều ngọt ngào và cả những nỗi đau
- Hạnh phúc trong cuộc sống có thể đến từ những điều ngọt ngào hoặc đến từ những nỗi đau trong cuộc sống mỗi người
- Cần biết trân trọng hạnh phúc trong cuộc sống từ những điều gần gũi, thiết thực
- Không nên mơ tưởng, kiếm tìm hạnh phúc từ những điều xa xôi, phù phiếm
Câu 8 (1.0 điểm):
Viết một đoạn văn (khoảng 10 dòng) miêu tả cánh đồng lúa quê hương. Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất 2 trạng ngữ. |
Phương pháp giải:
Suy nghĩ, hình dung và viết đoạn văn miêu tả cánh đồng. Chú ý hình thức đoạn văn khoảng 10 dòng và có sử dụng 2 trạng ngữ
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
Cánh đồng lúa quê em đẹp đến mức bất cứ ai cũng yêu mến khi ngắm nhìn nó. Những tia nắng và làn gió đầu tiên trong ngày phớt nhẹ đây đó trên các thửa ruộng bạc làm cả biển lúa xao động tạo thành những làn sóng nhẹ xô đuổi nhau chạy mãi ra xa. Lúc làn gió nhẹ thoảng qua , cả cánh đồng xào xạc một âm thanh dịu nhẹ. Hương lúa thoang thoảng lan theo trong gió. Khi nắng đã lên cao , cánh đồng lúa như ánh lên màu xanh pha vàng tươi sáng. Xa xa , đàn cò trắng bay rập rờn càng làm tăng thêm vẻ đẹp của đồng quê. Ngắm nhìn đồng lúa quê mình hứa hẹn một vụ mùa bội thu, lòng em lâng lâng một niềm vui khó tả.
Các trạng ngữ: phần in đậm
Phần II (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm):
Trong các từ sau, đâu là từ mượn tiếng Hán, đâu là từ mượn các ngôn ngữ khác? thế giới, a-xit, ghi đông, cộng đồng, ti vi, đơn độc, gian nan, video, sính lễ, độc giả, in-tơ-nét, sứ giả |
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức về từ mượn
Lời giải chi tiết:
- Từ mượn tiếng Hán là: thế giới, cộng đồng, đơn độc, gian nan, sính lễ, độc giả, sứ giả
- Từ mượn các ngôn ngữ khác: a-xit, ghi đông, ti vi, video, in-tơ-nét
Câu 2 (5 điểm):
Viết bài văn (khoảng 400 chữ) thuyết minh thuật lại một sự kiện (lễ hội) mà em từng tham dự chứng kiến. |
Phương pháp giải:
Liên hệ thực tế, liên hệ trải nghiệm của bản thân
Lời giải chi tiết:
Bài tham khảo:
Lễ hội là một trong những nét văn hóa của dân tộc ta, nó không chỉ là nơi để vui chơi giải trí mà nó còn là để cho nhân dân ta thể hiện mong ước hay nhớ ơn tổ tiên ông bà ta. Mỗi một quê hương có những lễ hội riêng, tiêu biểu có thể kể đến lễ hội cầu ngư – lễ hội cá ông.
Có thể nói nhắc đến cái tên lễ hội ấy thì chúng ta hẳn cũng biết là lễ hội của những ai. Nói đến cá thì chỉ có thể nói đến nhân dân vùng ven biển sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Chính đặc trưng ngành nghề ấy đã quyết định đến tín ngưỡng của họ. Những người sống ven biển miền Trung thường có tục thờ Ngư ông. Chính vì thế cho nên hàng năm họ thường tổ chức vào các năm giống như những hội ở miền Bắc. Họ quan niệm rằng cá voi là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên.
Ở mỗi địa phương thì thời gian diễn ra lễ hội truyền thống lại diễn ra khác nhau. Ở Vũng Tàu thì được tổ chức vào 16, 17, 18 tháng 8 âm lịch hàng năm. Ở thành phố Hồ Chí Minh thì lại được tổ chức vào 14 – 17/18 âm lịch hàng năm. Nói chung dù diễn vào thời gian nào thì tất cả những lễ hội ấy đều nói lên được nét đặc trưng văn hóa của nhân dân ven biển. Đồng thời nó thể hiện khát vọng bình yên, cầu mong cuộc sống ấm no hạnh phúc thịnh vượng của họ. Lễ hội Ngư Ông còn là nơi cho mọi người tưởng nhớ đến việc báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn.
Tiếp đến chúng ta đi vào phân tích phần lễ hội Ngư ông. Trước hết là phần lễ thì bao gồm có hai phần.
Thứ nhất là lễ rước kiệu, lễ rước đó là của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Khi ấy những ngư dân sống trên biển và bà con sẽ bày lễ vật ra nghênh đón với những khói nhang nghi ngút. Cùng với thuyền rồng rước thủy tướng, có hàng trăm ghe lớn nhỏ, trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng ra biển nghênh ông. Không khí đầy những mùi hương của hương án và bày trước mắt mọi người là những loại lễ. Trên các ghe lớn nhỏ này có chở hàng ngàn khách và bà con tham dự đoàn rước. Đoàn rước quay về bến nơi xuất phát, rước ông về lăng ông Thủy tướng. Tại bến một đoàn múa lân, sư tử, rồng đã đợi sẵn để đón ông về lăng. Có thể thấy lễ rước ông không những có sự trang nghiêm của khói hương nghi ngút mà còn có sự đầy đủ của lễ vật và âm nhạc rộn rã của múa lân.
Thứ hai là phần lễ tế. Nó diễn ra sau nghi thức cúng tế cổ truyền. Đó là các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng ông Thủy tướng.
Tiếp đến là phần hội thì trước thời điểm lễ hội, hàng trăm những chiếc thuyền của ngư dân được trang trí cờ hoa đẹp mắt neo đậu ở bến. Phần hội gồm các nghi thức rước Ông ra biển với hàng trăm ghe tàu lớn nhỏ cùng các lễ cúng trang trọng. Đó là không khí chung cho tất cả mọi nhà trên thành phố đó thế nhưng niềm vui ấy không chỉ có ở thành phố mà nó còn được thể hiện ở mọi nhà. Ở tại nhà suốt ngày lễ hội, các ngư dân mời nhau ăn uống, kể cả khách từ nơi xa đến cũng cùng nhau ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình.
Như vậy qua đây ta thấy hiểu thêm về những lễ hội của đất nước, ngoài những lễ hội nổi tiếng ở miền Bắc thì giờ đây ta cũng bắt gặp một lễ hội cũng vui và ý nghĩa không kém là Ngư ông. Có thể nói qua lễ hội ta thêm hiểu hơn những mong muốn tốt lành của những người ngư dân nơi vùng biển đầy sóng gió. Đặc biệt nó cũng trở thành một lễ hội truyền thống của những người dân nơi biển xa.