Lý thuyết Thu thập và phân loại dữ liệu SGK Toán 8 - Chân trời sáng tạo
Có những phương pháp thu thập dữ liệu nào?
1. Những phương pháp thu thập dữ liệu
Có nhiều cách để thu thập dữ liệu như: thu thập từ các nguồn có sẵn, phỏng vấn, lập phiếu câu hỏi, quan sát, làm thí nghiệm,…. Chúng ta cần tìm phương pháp phù hợp với lĩnh vực, mục đích cần thu thập.
2. Phân loại dữ liệu
Dữ liệu định tích được chia thành các loại:
- Dữ liệu định danh là dữ liệu thể hiện cách gọi tên. Ví dụ: giới tính, màu sắc, nơi ở,…
- Dữ liệu biểu thị thứ bậc là dữ liệu thể hiện sự hơn kém. Ví dụ: mức độ hài lòng, khối, lớp,…
- Dữ liệu định lượng nhận giá trị thực và được chia thành hai loại:
+ Loại rời rạc là dữ liệu chỉ nhận hữu hạn giá trị hoặc biểu thị số đếm. Ví dụ: số học sinh, cỡ giày,…
+ Loại liên tục là dữ liệu có thể nhận mọi giá trị trong một khoảng nào đó. Ví dụ: chiều dài, khối lượng,…
3. Kiểm tra tính hợp lí của dữ liệu
Có thể kiểm tra định dạng của dữ liệu hoặc mối liên hệ toán học đơn giản giữa các số liệu thống kê để nhận biết tính hợp lí của dữ liệu và các kết luận dựa trên các dữ liệu thống kê đó.
Ví dụ:
Cho hai dãy dữ liệu như sau:
(1) Số học sinh các lớp 6 trong trường:
35 42 87 38 40 41 38.
(2) Tên món ăn yêu thích của các thành viên trong gia đình:
Bánh chưng, pizza, canh cua, gà rán, rau muống luộc, cá kho, rượu vang.
Trong các dãy dữ liệu trên, dãy (1) là dãy số liệu rời rạc. Giá trị 87 không hợp lý vì theo quy định, mỗi lớp ở bậc THCS thường có không quá 45 học sinh. Thực tế, do điều kiện khó khăn một số lớp có số học sinh nhiều hơn 45 nhưng không lớp nào có 87 học sinh. Do đó 87 là số liệu không hợp lí.
Dãy (2) là dãy dữ liệu không là số, không thể sắp xếp thứ tự. “Rượu vang” là dữ liệu không hợp lí vì đây không phải là tên món ăn mà là tên một loại đồ uống.