Lý thuyết Thứ tự thực hiện các phép tính Toán 6 KNTT với cuộc sống
Lý thuyết Thứ tự thực hiện các phép tính Toán 6 KNTT với cuộc sống ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu
1. Nhắc lại kiến thức cũ
Các số được nối với nhau bởi dấu các phép tính (cộng, trừ, nhân chia, nâng lên lũy thừa) làm thành một biểu thức.
Trong một biểu thức có thể có dấu ngoặc.
2. Quy ước thực hiện các phép tính
a. Đối với biểu thức không có dấu ngoặc.
+ Nếu phép tính chỉ có cộng, trừ hoặc chỉ có nhân, chia, ta thực hiện phép tính theo thứ tự từ trái sang phải.
+ Nếu phép tính có cả cộng , trừ, nhân, chia, nâng lên lũy thừa, ta thực hiện phép nâng lên lũy thừa trước, rồi đến nhân chia, cuối cùng đến cộng trừ.
Lũy thừa \( \to \) nhân và chia \( \to \) cộng và trừ.
b. Đối với biểu thức có dấu ngoặc.
Nếu biểu thức có các dấu ngoặc : ngoặc tròn ( ), ngoặc vuông [ ], ngoặc nhọn { }, ta thực hiện phép tính theo thứ tự : \(\left( {} \right) \to \left[ {} \right] \to \left\{ {} \right\}\)
Ví dụ:
Tính giá trị của các biểu thức sau:
a) \(3 + 2.5\)
Trong biểu thức có phép cộng và phép nhân nên ta thực hiện phép nhân trước, tính 2.5 trước rồi cộng với 3.
Ta có: \(3 + 2.5 = 3 + 10 = 13\)
b) \(5.\left( {{3^2} - 2} \right)\)
Trong biểu thức có dấu ngoặc nên ta thực hiện phép tính trong ngoặc trước rồi nhân với 5 sau:
Trong ngoặc có phép nâng lên lũy thừa nên ta tính \({3^2}\) trước rồi trừ đi 2.
\(\left( {{3^2} - 2} \right) = \left( {9 - 2} \right) = 7\)
\(5.\left( {{3^2} - 2} \right) = 5.\left( {9 - 2} \right) = 5.7 = 35\)