Soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ trang 86 SGK Ngữ văn 10 (chi tiết)
1. Tác giả Đặng Trần Côn – hiện không rõ năm sinh, năm mất, chỉ biết sống vào khoảng thế kỉ XVIII. Quê tại làng Nhân Mục thường gọi là làng Mọc, huyện Thanh Trì, nay là quận Thanh Xuân, Hà Nội
Câu 1
C âu 1 (trang 88 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
Hãy chỉ ra các yếu tố ngoại cảnh thể hiện tâm trạng người chinh phụ và ý nghĩa diễn tả nội tâm của các yếu tố đó.
Lời giải chi tiết:
- Hiên vắng (không gian mênh mông, vắng lặng)
- Ngọn đèn: Trong những đêm đơn lẻ, buồn khổ người thiếu phụ chỉ có ngọn đèn vô tri vô giác chia sẻ ưu tư
- Chim thước: không có tin tức của người nơi biên viễn
- Trong rèm, ngoài rèm: không gian cô quạnh dàn trải mênh mông
- Thời gian: trôi người thiếu phụ rơi vào tuyệt vọng và nỗi buồn mênh mang, cô đơn của con người.
- Tiếng gà: là âm thanh xuất hiện trong cái cô tịch của đêm
- Bóng cây hòe: gợi ra cảm giác hoang vắng, cô quạnh, bóng người sầu tê tái vì mong nhớ, khát khao
=> Nỗi cô đơn, buồn tủi chiếm lấy tâm trí người chinh phụ. Cảnh vật xung quanh dường như tô đậm hơn nỗi sầu kim cổ ấy.
Câu 2
Câu 2 (trang 88 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
Theo anh (chị), những dấu hiệu nào cho thấy nỗi cô đơn của người chinh phụ?
Lời giải chi tiết:
- Những dấu hiệu cho thấy nỗi cô đơn của người chinh phụ là những hành động lặp đi lặp lại, ngồi rủ rèm chờ đợi; thức cùng ngọn đèn leo lét trong đêm, hành động gượng gạo, chán chường.
- Trong đoạn trích này, hình ảnh người chinh phụ từng bước thầm lặng ngoài hiên vắng, và đặc biệt là hình ảnh con người ấy một mình ngồi với ngọn đèn trong phòng riêng vắng lặng là những dấu hiệu cực tả nỗi cô đơn trong cảnh lẻ loi của người chinh phụ.
- Từ ngữ trầm buồn: " bi thiết", "buồn rầu nói chẳng nên lời", "đằng đẵng", "mối sầu dằng dặc", "hương gượng đốt", "gương gượng soi", "gượng gảy ngón đàn",… Cùng với câu hỏi tu từ: " đèn biết chăng?"
- Người chinh phụ không còn thiết tha với bản thân, mọi hành động chỉ là “gượng” trong đau khổ, buồn tủi.
Câu 3
Câu 3 (trang 88 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
Hãy cho biết vì sao người chinh phụ đau khổ?
Lời giải chi tiết:
Người chinh phụ đau khổ vì:
- Lo lắng cho sự an nguy của chồng nơi chiến trận
- Tuổi trẻ trôi qua trong hiu quạnh, hạnh phúc, tình yêu đôi lứa cũng mất theo
- Niềm tin vào cuộc sống mỏng manh, mờ nhạt
Câu 4
Câu 4 (trang 88 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
Xác định những câu thơ là lòi nói của người chinh phụ và cho biết giá trị biểu hiện của nó.
Lời giải chi tiết:
- Ngôn ngữ nhân vật, chủ yếu là ngôn ngữ nội tâm, nửa trực tiếp (vừa là nhân vật, vừa của tác giả)
- Nhân vật bộc lộ gián tiếp thông qua cảnh vật, sự bối rối trong hành động thấy nhân vật đang buồn da diết, oán trách, than vãn cho hiện thực phũ phàng.
- Tâm trạng người chinh phụ thấy rõ sự thất vọng, tuyệt vọng
Câu 5
Câu 5 (trang 88 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
Đọc diễn cảm đoạn trích (nếu ngâm được càng tốt). Hãy nhận xét về nhạc điệu của thể thơ song thất lục bát (có so sánh với các thể thơ mà anh (chị) biết) .
Lời giải chi tiết:
Thể thơ song thất lục bát là một thể thơ truyền thống của dân tộc ta. Bản thân cách cấu tạo câu thơ và vần luật của nó cũng đã tạo nên một thứ nhạc điệu lên bổng xuống trầm một cách linh hoạt, có khả năng diễn tả tài tình những cung bậc khác nhau của tâm trạng con người, Phan Huy Thực cũng đã dịch Tì bà hành của Bạch Cư Dị sang thể thơ này. Nguyễn Du dùng thể thơ này để khóc cho “thập loại chúng sinh” trong Vận chiêu hồn ...
Chinh phụ ngâm là khúc ngâm dài (diễn tả mọi cung bậc của nỗi buồn triền miên ở người chinh phụ. Nguyên tác của Đặng Trần Côn được viết bằng chữ Hán, theo thể đoản trường cú (câu ngắn, câu dài xen nhau). Người dịch giả tài hoa Đoàn Thị Điểm - với một nỗi cảm thông kỳ lạ với nỗi lòng người chinh phụ đã dịch tác phẩm của Đặng Trần Côn sang bản chữ Nôm với thể thơ song thất lục bát vô cùng đắc địa. Có thể nói, chính nội dung tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình và sự đồng cảm cao độ của người nghệ sĩ đã bắt gặp thể thơ song thất lục bát như một định mệnh để rồi tất cả tiếng lòng sầu thương ai oán của người chinh phụ đã được tấu lên với giọng cao thấp, bổng trầm mà khó có thể thơ nào có thể diễn tả được như thế.
Nếu khúc ngâm được viết bằng thể thơ khác thì chắc chắn hiệu quả biểu đạt sẽ không bằng thể song thất lục bát. Gần hơn cả với thể thơ này là thể thơ lục bát. Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết bằng thể thơ này vì đó là một tiểu thuyết bằng thơ. Chinh phụ ngâm là một khúc ngâm có tính “độc diễn” tâm trạng. Nếu sử dụng thể thơ lục bát sẽ không tránh khỏi giọng đều đều bằng phẳng. Thể song thất lục bát đã khắc phục được điều đó.
Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ ngoài nhạc điệu vốn có của thể thơ song thất lục bát, giọng sầu thương bi thiết còn được tạo nên bởi cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh có giá trị gợi tả nỗi buồn, tình cảnh lẻ loi; các từ láy cùng với biện pháp điệp từ ngữ, lối đối cũng góp một phần không nhỏ vào việc tạo nên giọng điệu sầu bi ấy.
Luyện tập
Câu hỏi (trang 88 SGK Ngữ văn 10 tập 2)
Hãy vận dụng những biện pháp nghệ thuật tả tâm trạng trong đoan trích để viết một đoạn văn (hoặc thơ) ngắn miêu tả một nỗi nhớ hay niềm vui của bản thân anh (chị)
Lời giải chi tiết:
Đoạn trích Tình cánh lẻ loi của người chinh phụ khắc họa tâm trạng buồn. Bài tập gợi mở cho người viết có thể khắc họa tâm trạng trong đoạn trích. Nghệ thuật tả tâm trạng trong đoạn trích có thể khái quát thành các ý cơ bản sau:
- Tả ngoại cảnh để biểu hiện nội tâm
- Tả nội tâm qua ngoại hình
- Tả nội tâm qua hành động, cử chỉ, điệu bộ
Học sinh cần vận dụng các biện pháp nghệ thuật trên một cách linh hoạt. Nếu là tả tâm trạng vui thì tất cả đều phải ngược lại với tả tâm trạng buồn: ngoại cảnh sẽ tươi sáng, sinh động, tràn ngập màu sắc và ánh sáng, ngoại hình cũng như mọi cử chỉ, hành động phải tràn đầy sức sống, nhanh nhẹn, hoạt bát...
Bố cục
Bố cục: 2 phần
- Phần 1 (16 câu đầu): Nỗi cô đơn của người chinh phụ
- Phần 2 (còn lại): Nỗi thương nhớ chồng nơi xa
ND chính
Những cung bậc và sắc thái khác nhau của nỗi cô đơn, buồn khổ ở người chinh phụ khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. |