Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 10 — Không quảng cáo

Đề thi giữa kì 2 Ngữ Văn 10 - Cánh diều


Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 10

Tải về

Tải về đề thi và đáp án Tải về đề thi Tải về đáp án

Đề thi giữa kì 2 Văn 10 bộ sách Cánh diều đề số 10 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề thi

I. Đọc hiểu (6đ)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

QUẢ TRỨNG VÀNG

(Tạ Duy Anh)

“Có những chuyện thường ngày lại y như cổ tích. Một lúc nào đó khi chợt nhớ lại, chính bản thân ta cũng phải ngạc nhiên về sự kỳ diệu của nó..”.

Tú Minh loay hoay ghi lại dòng nhật ký vào cuốn sổ lưu niệm cho riêng bản thân cậu. Cậu đã ở tuổi mười hai, có nghĩa là thời thơ ấu đang vùn vụt lao qua những “ga” cuối cùng. Điều này không phải không có lúc làm cậu day dứt. Nhưng chả thể làm gì được. Cậu chép miệng nuối tiếc và nhắm mắt lại, lẩm bẩm nói với chính mình:

“Thật ra tất cả bắt đầu từ những lời cầu mong tốt đẹp”.

…. Hôm nay Tú Minh từ trường về nhà. Lúc sắp vào cổng, cậu nhìn thấy vật gì trăng trắng trong đám lá tre khô. Cậu lại gần thì nhận ra vật trăng trắng đó là quả trứng gà.

- Ồ, một quả trứng gà. Cậu thầm kêu lên. Tại sao nó bị rơi vãi ở đây nhỉ

Tú Minh lượm quả trứng lên ngắm nghía. Chắc chị mái nâu nào đó trở dạ quá nhanh khi qua đây. “Thật may là mình phát hiện ra, nếu không đêm nay nó sẽ vào bụng một con rắn nào đó cũng nên”.

Minh mân mê quả trứng và cảm thấy cơn đói cứ rõ dần. Món trứng ốp-lết cũng được lắm. Chỉ cần một chút mỡ, một chút muối tiêu. Hoặc đơn giản hơn là thả béng vào nồi nước sôi và chỉ dăm bảy phút sau là có thể ngồi khoanh chân nhấm nháp vị béo ngậy của trứng luộc.

Nhưng Minh chợt nghĩ: “Mình ăn chỉ một miếng là hết, sẽ chẳng còn cơ hội nào cho mình được ngắm quả trứng đẹp đến nhường kia. Chi bằng đem đặt vào chiếc hũ sành để xuống cạnh bếp, biết đâu chả khối điều kỳ lạ xảy ra”

Minh lấy giấy bọc chặt rồi cẩn thận đặt vào chiếc hũ, không quên chèn trấu chung quanh. Cậu bê chiếc hũ đặt cạnh bếp lò, nơi mỗi tối và mỗi sáng cậu đều giúp mẹ nhóm lửa. Quả trứng trở thành người bạn im lặng của Tú Minh. Sáng nào cậu cũng thì thẩm nói một điều ước gì đó. Những điều ước của cậu đều tốt đẹp. Chẳng hạn có sáng cậu ước: “Giá như mày có thể biến thành một quả trứng vàng để tao đem chia cho các bạn nghèo trong lớp”. Điều ước này bám riết theo cậu hơn cả và có lúc nó làm cho cậu chán nản, thất vọng vì biết chắc đó là điều không bao giờ có thật.

Một buổi sáng, giống như mọi hôm. Tú Minh xuống bếp cời lò và ao ước. Chợt cậu nghe thấy tiếng cựa rất nhỏ, rất yếu ớt, như thể tiếng vươn mình của chồi cỏ sau cơn mưa. Thoạt đầu cậu nghĩ đến con chuột gian manh nào đó xơi tái quả trứng, đánh một giấc no nê đang trở mình. Nhưng tiếng cựa chỉ thoảng qua và hoàn toàn khác với tiếng sột soạt của giấy. Cậu hồi hộp mở nắp hũ ra rồi cẩn thận gỡ từng lớp giấy. Quả trứng không hề xây sát trừ một lỗ thủng nhỏ và chính cái lỗ thủng đó khiến tim cậu nhảy lên. Điều kỳ diệu đã xảy ra: quả trứng biến thành chú gà con. Quãng trưa thì chú gà vàng rực đã hiện hình ngay trước mắt cậu, có thể vuốt ve được. Tú Minh cảm động muốn khóc khi chú gà nép mình trong bàn tay che chở của cậu. Ngày ngày cậu kiểm môi về cho gà và chả mấy chốc nó đã có thể lẽo đẽo theo cậu đi bắt châu chấu.

Qua thu sang đông rồi hết xuân sang hè, chú gà nhép đã lớn vổng lên thành nàng mái nâu óng ả. Vòng cườm ở cổ nó mới sáng làm sao. Hằng ngày nó tha thẩn kiếm mồi quanh khu vườn và thỉnh thoảng ngơ ngẩn gióng lên những tiếng gọi rất lạ.

Và điều kỳ diệu nữa đã xảy ra: con gà mái của Tú Minh đẻ quả trứng đầu tiên. Tú Minh hả hệ ngắm nghía và không ngớt nghĩ đến những điều tốt đẹp. Sau khi đẻ nốt quả trứng thứ mười hai, con mái nâu đòi ấp. Tú Minh lót cho nó một chiếc ổ đẹp tuyệt trần, có lưới bảo vệ rất cẩn thận. Từ đây trở đi mọi việc xem ra suôn sẻ hơn. Đến kỳ đến hạn, cả mười hai chú gà con đều sinh nở an toàn. Lần này Tú Minh chỉ có một việc là dựng cho mẹ con mái nâu một nếp nhà xinh xắn và chắc chắn.

Nhiều lúc đứng xem đàn gà chạy nhảy, Tú Minh lại hơi giật mình nhớ đến đoạn cậu nhìn thấy quả trứng lẫn trong đám tre. Chỉ cần cậu thả vào nồi nước, đun lên là mọi phép lạ chấm dứt luôn. Sẽ chẳng bao giờ cậu có cái cảm giác sướng run người khi nhìn thấy lũ gà, hiện thân của những điều ước. Sẽ chẳng có cả cái kết thúc mà dù cậu cam đoan không hề bịa mảy may, lũ bạn cậu vẫn ngơ ngác nhìn nhau: “Chẳng lẽ thằng Minh đã thành nhà văn”. Bởi vì một câu chuyện như thế chỉ có thể được sáng tạo bởi chính cuộc sống.

Nào, để xem mình có bịa tí nào không nhỉ? Bắt đầu từ quả trứng và những điều ước... Rồi sau đó cuộc sống đã kể tiếp câu chuyện bằng sự kỳ diệu do chính nó tạo nên, chẳng ai bịa được hay đến vậy.

Cậu hoàn toàn an tâm với những dòng nhật ký.

(https://bom.so/MFuZwH)

Câu hỏi

Câu 1. Dòng nào KHÔNG nói lên đặc điểm chính của văn bản Quả trứng vàng?

A. Nhân vật ít.

B. Dung lượng ngắn (gần 2 trang).

C. Sự việc diễn ra trong phạm vi không gian hẹp.

D. Sự việc diễn ra qua hồi tưởng.

Câu 2. Dòng nào nói đúng về đề tài của tác phẩm?

A. Làng quê.

B. Tuổi thơ.

C. Tình yêu con vật.

D. Giàu tình thương yêu.

Câu 3. Nhân vật chính của văn bản Quả trứng vàng?

A. Quả trứng

B. Tú Minh.

C. Con gà mái.

D. Chú gà nhép.

Câu 4. Văn bản Quả trứng vàng kể về sự việc gì?

A. Tú Minh nhặt được quả trứng gà và tưởng tượng ra một đàn gà.

B. Tú Minh ước nhặt được quả trứng gà và sẽ phát triển thành một đàn gà.

C. Tú Minh nhặt được quả trứng gà và ấp ủ để nở thành con gà, đàn gà.

D. Tú Minh mơ mình nhặt được quả trứng gà và ấp ủ để nở thành con gà.

Câu 5. Dòng nào sắp xếp các sự việc đúng trình tự kể của tác phẩm?

A. Nhặt trứng - ấp cạnh bếp - gà nở - gà mái nâu và đàn con.

B. Giấc mơ - nhặt trứng - ủ trứng cạnh bếp - gà nở - gà mái nâu và đàn con.

C. Ước mơ về đàn gà - nhặt trứng - ủ cạnh bếp - gà nở - gà mái nâu.

D. Ủ cạnh bếp - gà nở - gà mái nâu và đàn con.

Câu 6. Dòng nào KHÔNG thể hiện sự đấu tranh trong nhân vật Tú Minh

A. Mình ăn chỉ một miếng là hết, sẽ chẳng còn cơ hội nào cho mình được ngắm quả trứng đẹp đến nhường kia.

B. Món trứng ốp-lết, hoặc nhấm nháp vị béo ngậy của trứng luộc.

C. Cậu bê chiếc hũ đặt cạnh bếp, nơi mỗi tối, mỗi sáng cậu giúp mẹ nhóm lùa

D. Chi bằng đem đặt vào chiếc hũ sành để xuống cạnh bếp, biết đâu chả khối điều kỳ lạ xảy ra.

Câu 7. Tú Minh đã đấu tranh với đối thủ nào?

A. Bản năng con người của chính mình.

B. Thói háu đói của mình.

C. Lời dụ dỗ của các bạn trong lớp.

D. Với ước mơ của chính mình.

Câu 8. Cậu đã ở tuổi mười hai, có nghĩa là thời thơ ấu đang vùn vụt lao qua những “ga” cuối cùng được hiểu như thế nào?

A. Tú Minh đang mơ ước quay lại thời thơ ấu.

B. Thời thơ ấu đang trôi qua rất nhanh.

C. Tú Minh đang nuối tiếc tuổi thơ ấu của mình.

D. Cần nâng niu kỉ niệm thời thơ ấu.

Câu 9. Phân tích, đánh giá nghệ thuật kể chuyện (kể việc, cách dùng từ, diễn tả cảm xúc) của tác giả trong đoạn văn bản sau (1đ)

Một buổi sáng, giống như mọi hôm. Tú Minh xuống bếp cời lò và ao nghe thấy tiếng cựa rất nhỏ, rất yếu ớt, như thể tiếng của chồi cỏ sau cơn mưa. Thoạt đầu cậu nghĩ đến con chuột gian manh nào đó xơi tái quả trứng, đánh một giấc no nê đang trở mình. Nhưng tiếng cựa chỉ thoảng qua và hoàn toàn khác với tiếng sột soạt của giấy. Cậu hồi hộp mở nắp hũ ra rồi cẩn thận gỡ từng lớp giấy. Quả trứng không hề xây sát trừ một lỗ thủng nhỏ và chính cái lỗ thủng đó khiến tim cậu nhảy lên. Điều kỳ diệu đã xảy ra: quả trứng biến thành chú gà con.

Câu 10. Nhân vật Tú Minh có đặc điểm nổi bật nào? Cảm nhận của em về nhân vật này (trả lời từ 6-8 dòng) (1đ)

PHẦN II – TẬP LÀM VĂN ( 4 điểm)

Câu 1. Quan sát 6 bức ảnh sau và trả lời câu hỏi a,b (1đ)

a. Gọi tên trò chơi/ việc làm ở từng bức ảnh. Em thích trò chơi/ việc làm nào nhất? Trò chơi/ việc làm nào gợi nhớ kỉ niệm tuổi thơ của em?

b. Tham gia lao động hợp với lứa tuổi, trò chơi ở ngoài trời có tác dụng như thế nào đối với sức khỏe, trí tuệ và tình cảm của con người (trả lời từ 4-6 dòng)

Câu 2. Kể lại một việc làm/ một trò chơi mà em đã tham gia (những năm học tiểu học) khiến em thấy yêu lao động và thiên nhiên hơn (có độ dài từ 1-1,5 trang) (3đ)

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

Đáp án

PHẦN I – TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1

(0.25đ)

Câu 2 (0.25đ)

Câu 3

(0.25đ)

Câu 4

(0.25đ)

Câu 5

(0.25đ)

Câu 6

(0.25đ)

Câu 7

(0.25đ)

Câu 8

(0.25đ)

D

B

B

C

A

C

A

B

Câu 1. Dòng nào KHÔNG nói lên đặc điểm chính của văn bản Quả trứng vàng?

A. Nhân vật ít.

B. Dung lượng ngắn (gần 2 trang).

C. Sự việc diễn ra trong phạm vi không gian hẹp.

D. Sự việc diễn ra qua hồi tưởng.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Nhớ lại kiến thức về đặc điểm của văn bản truyện ngắn

Lời giải chi tiết:

Dòng không nói lên đặc điểm chính của văn bản Quả trứng vàng: Sự việc diễn ra qua hồi tưởng

→ Đáp án: D

Câu 2. Dòng nào nói đúng về đề tài của tác phẩm?

A. Làng quê.

B. Tuổi thơ.

C. Tình yêu con vật.

D. Giàu tình thương yêu.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản và chú ý tiêu đề

Lời giải chi tiết:

Đề tài của tác phẩm: Tuổi thơ

→ Đáp án: B

Câu 3. Nhân vật chính của văn bản Quả trứng vàng?

A. Quả trứng

B. Tú Minh.

C. Con gà mái.

D. Chú gà nhép.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Nhân vật chính của văn bản Quả trứng vàng: Tú Minh

→ Đáp án: B

Câu 4. Văn bản Quả trứng vàng kể về sự việc gì?

A. Tú Minh nhặt được quả trứng gà và tưởng tượng ra một đàn gà.

B. Tú Minh ước nhặt được quả trứng gà và sẽ phát triển thành một đàn gà.

C. Tú Minh nhặt được quả trứng gà và ấp ủ để nở thành con gà, đàn gà.

D. Tú Minh mơ mình nhặt được quả trứng gà và ấp ủ để nở thành con gà.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Văn bản Quả trứng vàng kể về sự việc: Tú Minh nhặt được quả trứng gà và ấp ủ để nở thành con gà, đàn gà

→ Đáp án: C

Câu 5. Dòng nào sắp xếp các sự việc đúng trình tự kể của tác phẩm?

A. Nhặt trứng - ấp cạnh bếp - gà nở - gà mái nâu và đàn con.

B. Giấc mơ - nhặt trứng - ủ trứng cạnh bếp - gà nở - gà mái nâu và đàn con.

C. Ước mơ về đàn gà - nhặt trứng - ủ cạnh bếp - gà nở - gà mái nâu.

D. Ủ cạnh bếp - gà nở - gà mái nâu và đàn con.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Ghi chép lại các sự việc theo trình tự kể của tác phẩm

Lời giải chi tiết:

Dòng sắp xếp các sự việc đúng trình tự kể của tác phẩm: Nhặt trứng - ấp cạnh bếp - gà nở - gà mái nâu và đàn con

→ Đáp án: A

Câu 6. Dòng nào KHÔNG thể hiện sự đấu tranh trong nhân vật Tú Minh

A. Mình ăn chỉ một miếng là hết, sẽ chẳng còn cơ hội nào cho mình được ngắm quả trứng đẹp đến nhường kia.

B. Món trứng ốp-lết, hoặc nhấm nháp vị béo ngậy của trứng luộc.

C. Cậu bê chiếc hũ đặt cạnh bếp, nơi mỗi tối, mỗi sáng cậu giúp mẹ nhóm lùa

D. Chi bằng đem đặt vào chiếc hũ sành để xuống cạnh bếp, biết đâu chả khối điều kỳ lạ xảy ra.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Dòng KHÔNG thể hiện sự đấu tranh trong nhân vật Tú Minh: Cậu bê chiếc hũ đặt cạnh bếp, nơi mỗi tối, mỗi sáng cậu giúp mẹ nhóm lùa

→ Đáp án: C

Câu 7. Tú Minh đã đấu tranh với đối thủ nào?

A. Bản năng con người của chính mình.

B. Thói háu đói của mình.

C. Lời dụ dỗ của các bạn trong lớp.

D. Với ước mơ của chính mình.

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Tú Minh đã đấu tranh với bản năng con người của chính mình

→ Đáp án: A

Câu 8. Cậu đã ở tuổi mười hai, có nghĩa là thời thơ ấu đang vùn vụt lao qua những “ga” cuối cùng được hiểu như thế nào?

A. Tú Minh đang mơ ước quay lại thời thơ ấu.

B. Thời thơ ấu đang trôi qua rất nhanh.

C. Tú Minh đang nuối tiếc tuổi thơ ấu của mình.

D. Cần nâng niu kỉ niệm thời thơ ấu.

Phương pháp:

Đọc kĩ câu văn

Liên kết với chỉnh thể toàn văn bản

Lời giải chi tiết:

Cậu đã ở tuổi mười hai, có nghĩa là thời thơ ấu đang vùn vụt lao qua những “ga” cuối cùng được hiểu: Thời thơ ấu đang trôi qua rất nhanh

→ Đáp án: B

Câu 9. Phân tích, đánh giá nghệ thuật kể chuyện (kể việc, cách dùng từ, diễn tả cảm xúc) của tác giả trong đoạn văn bản sau (1đ)

Phương pháp

Đọc kĩ văn bản

Chú ý cách dùng từ, từ đó suy ra cảm xúc được diễn tả

Lời giải chi tiết

- Sự việc kể theo trình tự thời gian, đặc biệt chú ý hành động, cảm xúc của nhân vật

- Sự việc thực xen với ý nghĩ của nhân vật chính

- Dùng từ: từ ngữ giàu hình ảnh, âm thanh, cảm xúc (tiếng cựa rất nhỏ, rất yếu ớt, như thể tiếng vươn mình của chồi cỏ sau cơn mưa… tiếng cựa chỉ thoáng qua và hoàn toàn khác với tiếng sột soạt của giấy…); nghệ thuật so sánh

- Mục đích: diễn tả phút giây diệu kì – cảm xúc hồi hộp, những cử chỉ nhẹ nhàng, nâng niu của Tú Minh khi phát hiện quả trứng nở và chú gà con ra đời

Câu 10. Nhân vật Tú Minh có đặc điểm nổi bật nào? Cảm nhận của em về nhân vật này (trả lời từ 6-8 dòng) (1đ)

Phương pháp

Đọc kĩ văn bản

Học sinh nêu cảm nhận cá nhân về nhân vật

Lời giải chi tiết

- Tham khảo gợi ý sau:

+ Tú Minh: giàu cảm xúc, giàu trí tưởng tượng; giàu tình thương yêu (mong ước của Tú Minh: giá quả trứng bằng vàng để giúp các bạn); luôn chú ý lắng nghe quan sát để cảm nhận vẻ đẹp, sự chuyển động của cuộc sống; nâng niu, quý trọng sự sống; yêu lao động…; viết nhật kí rất hay

+ Cảm nhận về nhân vật: HS tự cảm nhận (chú ý bám sát đặc điểm của nhân vật, chú ý liên kết, logic của đoạn văn)

PHẦN II – TẬP LÀM VĂN ( 6 điểm)

Câu 1.

a. Gọi tên trò chơi/ việc làm ở từng bức ảnh. Em thích trò chơi/ việc làm nào nhất? Trò chơi/ việc làm nào gợi nhớ kỉ niệm tuổi thơ của em?

b. Tham gia lao động hợp với lứa tuổi, trò chơi ở ngoài trời có tác dụng như thế nào đối với sức khỏe, trí tuệ và tình cảm của con người (trả lời từ 4-6 dòng)

Phương pháp giải

a. Quan sát kĩ 6 bức ảnh

b. Dựa vào hiểu biết và kiến thức của bản thân

Lời giải chi tiết

a. HS tự làm (bằng việc huy động vốn sống, trải nghiệm của bản thân )

b. Gợi ý: -Giải tỏa căng thẳng sau giờ học

- Rèn luyện sức khỏe (thể lực) qua vận động; rèn luyện tư duy (trí tuệ) qua các quy tắc, luật lệ của từng trò chơi; yêu lao động (qua việc làm)

- Nuôi dưỡng tình cảm: gắn kết với bạn bè; quan sát, lắng nghe cuộc sống, thiên nhiên để giao hòa, yêu thiên nhiên thêm yêu sự sống

Câu 2. Kể lại một việc làm/ một trò chơi mà em đã tham gia (những năm học tiểu học) khiến em thấy yêu lao động và thiên nhiên hơn (có độ dài từ 1-1,5 trang) (3đ)

Phương pháp:

Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã được học

Lời giải chi tiết:

Kể lại một việc làm/ một trò chơi mà em đã tham gia (những năm học tiểu học) khiến em thấy yêu lao động và thiên nhiên hơn

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

Học sinh tự làm, thể hiện rõ màu sắc riêng (nêu rõ tên trò chơi/ hoạt động, địa điểm, thời gian tham gia)

Thân bài

1,5

- Kể đúng câu chuyện theo ngôi kể thứ nhất (việc mình đã làm/ trò chơi mình đã tham gia).

- Bối cảnh không gian, thời gian (số lượng người tham gia, không khí nơi diễn ra trò chơi/hoạt động).

- Sắp xếp các sự việc chính theo đúng trình tự hợp lí có mở đầu, có diễn biến và kết thúc.

- Biết dẫn dắt, chuyển ý chuyển đoạn tạo sự liên kết giữa các sự việc, đảm bảo mạch chính cho bài văn.

- Chú ý diễn tả suy nghĩ, cảm xúc của bản thân khi hoạt động, tham gia trò chơi...)

- Kể rõ: thời điểm bản thân cảm thấy yêu lao động và thiên nhiên hơn.

Kết bài

0,5

Học sinh tự làm (chú ý sáng tạo riêng, tránh khuôn mẫu)

Yêu cầu khác

0,5

- Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (tự sự)

- Dùng ngôi kể thứ nhất phải nhất quán, hợp lí


Cùng chủ đề:

Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 5
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 6
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 7
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 8
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 9
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 10
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 11
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 12
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 13
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 14
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 15