Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 13 — Không quảng cáo

Đề thi giữa kì 2 Ngữ Văn 10 - Cánh diều


Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 13

Tải về

Tải về đề thi và đáp án Tải về đề thi Tải về đáp án

Đề thi giữa kì 2 Văn 10 bộ sách Cánh diều đề số 13 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU:

Đọc kĩ văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Trong đề lao, ngày đêm của tử tù đợi phút cuối cùng, đúng như lời thơ xưa, vẫn đằng đẵng như nghìn năm ở ngoài. Viên quản ngục không lấy làm oán thù thái độ khinh bạc của ông Huấn. Y cũng thừa tiểu những người chọc trời quấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng còn chẳng biết có ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiểu lại giữ tù. Quản ngục mong mỏi một ngày gần đây ông Huấn sẽ dịu bớt tính nết, thì y sẽ nhờ ông viết, ông viết cho... cho mấy chữ trên chục vuông lụa trắng đã mua sẵn và can lại kia. Thế là y mãn nguyện. Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời. Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời mất.

Một buổi chiều lạnh, viên quản ngục tái nhợt người đi sau khi tiếp đọc công văn Quan Hình bộ Thượng thư trong kinh bắt giải ông Huấn Cao và các bạn đồng chí ông vào kinh. Pháp trường lập ở trong ấy kia. Ngày mai, tinh mơ, sẽ có người đến giải tù đi.

Viên quản ngục vốn đã tin được thầy thơ lại, cho lính gọi lên, kể rõ tâm sự mình. Thầy thơ lại cảm động nghe xong chuyện, nói: “Dạ bẩm, ngài cứ yên tâm, đã có tôi rồi chạy ngay xuống phía trại giam ông Huấn, đấm cửa buồng giam, hớt hơ hớt hải kể cho tử tù nghe rõ nỗi lòng viên quản ngục, và ngập ngừng báo luôn cho ông Huấn biết việc về kinh chịu án tử hình. Ông Huấn Cao lặng nghĩ một lát rồi mỉm cười: “Về bảo với chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh về trại nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây ta cho chữ. Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm ông biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.

Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vắng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Trong một không khí khói toả như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc toả cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa. Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo:

– Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?... Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ.

Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.

Lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo.

Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau.

Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Trích Chữ người tử tù – Nguyên Tuân

Câu 1. Văn bản được viết theo phương thức biểu đạt nào?

A. Tự sự

B. Biểu cảm

C. Miêu tả

D. Nghị luận

Câu 2. Nhận định nào sau đây nói đúng về người kể chuyện trong văn bản?

A. Người kể chuyện toàn tri, là một nhân vật trong câu chuyện.

B. Người kể chuyện hạn tri, là một nhân vật trong truyện.

C. Người kể chuyện toàn tri, có thể nắm bắt được diễn biến tâm lí các nhân vật.

D. Người kể chuyện hạn tri, có thể đưa cảm xúc của mình vào tác phẩm.

Câu 3. Theo văn bản, sở nguyện của quản ngục là gì?

A. Có thể khiến Huấn Cao cải tà quy chính.

B. Có thể trở thành người tri âm tri kỉ với Huấn Cao.

C. Có được đôi câu đối do Huấn Cao viết để treo trong nhà.

D. Có thể khiến tên cầm đầu phe phản loạn – Huấn Cao phải khuất phục.

Câu 4. Vì sao Huấn Cao không đồng ý cho viên quản ngục chữ?

A. Vì ông đã trở thành tử tù, không muốn quản ngục vì mình mà phải chịu liên lụy.

B. Vì ông biết bản thân sáng sớm hôm sau phải ra pháp trường chịu tội.

C. Vì bản thân ông không còn đủ sức để ngồi cho chữ nữa.

D. Vì ông bình sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình cho chữ.

Câu 5. Điều gì đã khiến Huấn Cao chấp nhận cho chữ viên quản ngục?

A. Nhận ra được lòng biết giá người của quản ngục

B. Muốn để lại một kiệt tác trước khi chết

C. Nhận ra sự đáng sợ của nhà lao.

D. Huấn Cao là một nghệ sĩ chân chính.

Câu 6. Huấn Cao đã cho quản ngục những gì trong đêm hôm trước ngày xử tử?

A. Huấn Cao đã cho quản ngục những nét chữ trong nhất, vuông nhất.

B. Huấn Cao không chỉ cho chữ theo sở nguyện của quản ngục mà còn cho quản ngục lời khuyên hướng thiện.

C. Huấn Cao không chỉ cho quản ngục chữ mà còn cho phép quản ngục được trở thành tri kỉ với mình.

D. Huấn Cao không chỉ cho chữ quản ngục mà còn kể cho quản ngục về hành chình chính nghĩa của bản thân.

Câu 7. Em có nhận xét gì về thiên lương cao đẹp của nhân vật Huấn Cao trong đoạn trích?

Câu 8. Theo em nhân vật quản ngục có xứng đáng trở thành một tri kỉ của nhân vật Huấn Cao hay không?

Câu 9. Qua nhân vật Huấn Cao, em có nhận xét gì về quan niệm của Nguyễn Tuân đối với cái đẹp?

II. VIẾT

Câu 1. Vì sao Nguyễn Tuân lại gọi cảnh cho chữ trong tác phẩm là cảnh “xưa nay chưa từng có”? Phân tích cảnh cho chữ trong đoạn trích trên để trả lời câu hỏi.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

Đáp án

PHẦN I – TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1

(0.25đ)

Câu 2 (0.25đ)

Câu 3

(0.25đ)

Câu 4

(0.25đ)

Câu 5 (0.25đ)

Câu 6 (0.25đ)

A

C

C

D

A

B

Câu 1. Văn bản được viết theo phương thức biểu đạt nào?

A. Tự sự

B. Biểu cảm

C. Miêu tả

D. Nghị luận

Phương pháp:

Căn cứ vào kiến thức đã học về phương thức biểu đạt đã học.

Lời giải chi tiết:

Văn bản trên được viết theo phương thức tự sự.

→ Đáp án: A

Câu 2. Nhận định nào sau đây nói đúng về người kể chuyện trong văn bản?

A. Người kể chuyện toàn tri, là một nhân vật trong câu chuyện.

B. Người kể chuyện hạn tri, là một nhân vật trong truyện.

C. Người kể chuyện toàn tri, có thể nắm bắt được diễn biến tâm lí các nhân vật.

D. Người kể chuyện hạn tri, có thể đưa cảm xúc của mình vào tác phẩm.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết:

Người kể chuyện trong tác phẩm này là người kể chuyện toàn tri. Chính vì thế, người kể chuyện có thể nắm bắt được diễn biến tâm lí của các nhân vật.

→ Đáp án: C

Câu 3. Theo văn bản, sở nguyện của quản ngục là gì?

A. Có thể khiến Huấn Cao cải tà quy chính.

B. Có thể trở thành người tri âm tri kỉ với Huấn Cao.

C. Có được đôi câu đối do Huấn Cao viết để treo trong nhà.

D. Có thể khiến tên cầm đầu phe phản loạn – Huấn Cao phải khuất phục.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết:

Theo văn bản sở nguyện cả đời của quản ngục chính là có được đôi câu đối do chính Huấn Cao viết mà treo trong nhà.

→ Đáp án: C

Câu 4. Vì sao Huấn Cao không đồng ý cho viên quản ngục chữ?

A. Vì ông đã trở thành tử tù, không muốn quản ngục vì mình mà phải chịu liên lụy.

B. Vì ông biết bản thân sáng sớm hôm sau phải ra pháp trường chịu tội.

C. Vì bản thân ông không còn đủ sức để ngồi cho chữ nữa.

D. Vì ông bình sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình cho chữ.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết:

Huấn Cao không đồng ý cho chữ viên quản ngục bởi lẽ bản thân ông trước giờ chưa từng vì vàng ngọc hay quyền thế mà tự ép mình cho chữ. Huấn cao chỉ cho chữ những người mà bản thân ông coi là tri kỉ.

→ Đáp án: D

Câu 5. Điều gì đã khiến Huấn Cao chấp nhận cho chữ viên quản ngục?

A. Nhận ra được lòng biết giá người của quản ngục

B. Muốn để lại một kiệt tác trước khi chết

C. Nhận ra sự đáng sợ của nhà lao.

D. Huấn Cao là một nghệ sĩ chân chính.

Phương pháp:

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết:

Ban đầu, Huấn Cao không đồng ý cho chữ quản ngục là bởi ông nghĩ rằng quản ngục chính là đại diện cho thế lực cầm quyền thối nát. Đến khi thầy thơ lại nói về sở nguyện của quản ngục, Huấn Cao mới hiểu ra bản thân suýt thì phụ một tấm lòng trong thiên hạ. Chính vì lẽ đó, ông đã đồng ý cho chữ quản ngục.

→ Đáp án: A

Câu 6. Huấn Cao đã cho quản ngục những gì trong đêm hôm trước ngày xử tử?

A. Huấn Cao đã cho quản ngục những nét chữ trong nhất, vuông nhất.

B. Huấn Cao không chỉ cho chữ theo sở nguyện của quản ngục mà còn cho quản ngục lời khuyên hướng thiện.

C. Huấn Cao không chỉ cho quản ngục chữ mà còn cho phép quản ngục được trở thành tri kỉ với mình.

D. Huấn Cao không chỉ cho chữ quản ngục mà còn kể cho quản ngục về hành chình chính nghĩa của bản thân.

Phương pháp giải

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết

Trong đêm trước ngày xử tử, Huấn Cao đã cho quản ngục chữ theo đúng sở nguyện của ông. Ngoài ra Huấn Cao còn cho quản ngục những lời khuyên hướng quản ngục quay về với cái đẹp, cái thiện.

→ Đáp án: B

Câu 7. Em có nhận xét gì về thiên lương cao đẹp của nhân vật Huấn Cao trong đoạn trích?

Phương pháp giải

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết

Huấn Cao là một người có thiên lương cao đẹp:

- Ông là người nghệ sĩ chân chính. Không chịu khuất phục trước cường quyền, tiền bạc.

- Ông đứng lên tạo phản để đòi lại sự công bằng cho những kiếp người cùng khổ.

- Khi nhận ra lòng biết giá người của quản ngục, Huấn Cao không chỉ đồng ý cho chữ quản ngục mà còn cho ông những lời khuyên hướng thiện.

Câu 8. Theo em nhân vật quản ngục có xứng đáng trở thành một tri kỉ của nhân vật Huấn Cao hay không?

Phương pháp

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết

Quản ngục xứng đáng trở thành người bạn tri âm tri kỉ của Huấn Cao bởi lẽ:

- Ông là người biết trân trọng và thưởng thức cái đẹp. Nếu như Huấn Cao là người sáng tạo ra cái đẹp thì quản ngục là người biết thưởng thức và trân trọng cái đẹp đó.

- Tuy sống trong cảnh đề lao đầy rẫy những thói xấu nhưng quản ngục vẫn giữ được cho mình thiên lương cao đẹp.

Câu 9. Qua nhân vật Huấn Cao, em có nhận xét gì về quan niệm của Nguyễn Tuân đối với cái đẹp?

Phương pháp

Căn cứ vào nội dung văn bản.

Lời giải chi tiết

Gợi ý:

Quan niệm cái đẹp của Nguyễn Tuân:

- Cái đẹp phải là cái đạt đến độ toàn mĩ.

- Cái đẹp không chỉ có ở những nơi thanh cao. Cái đẹp là cái ngay cả trong những hoàn cảnh tối tăm nhất, xấu xa nhất vẫn ngời sáng cái đẹp.

- Cái đẹp còn có thể cảm hóa cái xấu, cái ác. Cái đẹp có thể hướng cái xấu, cái ác đến cái thiện .

PHẦN II – LÀM VĂN ( 4 điểm)

Câu 1. Vì sao Nguyễn Tuân lại gọi cảnh cho chữ trong tác phẩm là cảnh “xưa nay chưa từng có”? Phân tích cảnh cho chữ trong đoạn trích trên để trả lời câu hỏi.

Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập văn bản.

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

* Đảm bảo kết cấu (mở bài, thân bài, kết bài). Học sinh đưa ra quan điểm của bản thân mình (có lý lẽ

thuyết phục).

a. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm Chữ người tử tù.

- Nêu vấn đề: Cảnh cho chữ - cảnh tượng xưa nay chưa từng có.

b. Thân bài:

* Cảnh cho chữ - cảnh tượng xưa nay chưa từng có: Đây là sự gặp gỡ của hai hành trình: Hành trình đi từ tối tăm đến cái đẹp (Viên quản ngục) và hành trình từ cao ngạo của người nghệ sĩ đến chỗ hiểu ra một tấm lòng trong thiên hạ.

- Sự đảo lộn của không gian, thời gian, con người và trật tự xã hội:

+ Thời gian: Trước ngày ra pháp trường.

+ Không gian cho chữ: Nhà tù nơi đầy rẫy những phân chuột, ẩm ướt, tường bám đầy mạng nhện → Không gian tối tắm >< sáng tạo nghệ thuật

+ Người cho chữ: Tay đang mang gông cùm, là tử tù, mai ra pháp trường với khí chất đường hoàng.

+ Người nhận chữ: Là viên quản ngục – đại diện cho giai cấp thống trị với tư thế khép nép.

→ Cái đẹp làm đảo lộn hết tất cả. Cái đẹp có sức mạnh lan tỏa, làm cho con người thay đổi, làm cho xã hội có thể đi từ cái ác đến cái thiện.

- Huấn Cao đã coi Quản ngục là tri kì → Cái đẹp cần có tri kỉ, cái đẹp kéo mọi người gần nhau hơn.

- Lời di nguyện: Sự lan tỏa, đổ bóng và sức mạnh của cái đẹp. Muốn chơi chữ thì việc đầu tiên là bỏ nơi này.

→ Cái đẹp không xa rời sự sống, cái đẹp luôn gần gũi với cuộc sống nhân sinh, nhân tình.

c. Kết bài: Đánh giá lại vấn đề.


Cùng chủ đề:

Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 8
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 9
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 10
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 11
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 12
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 13
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 14
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 15
Đề thi học kì 1 Ngữ Văn 10 - Cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi học kì 1 Ngữ Văn 10 - Cánh diều có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi học kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 1