Đề thi giữa kì 2 Văn 10 Cánh diều - Đề số 15
Đề thi giữa kì 2 Văn 10 bộ sách Cánh diều đề số 15 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU:
Đọc kĩ văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Đời thừa
Từ ngẩng đầu lên nhìn Hộ ba lần. Ba lần, Từ muốn nói nhưng lại không dám nói. Hắn đang đọc chăm chú quá. Ðôi lông mày rậm của hắn châu đầu lại với nhau và hơi xếch lên một chút. Ðôi mắt sáng quắc có vẻ lồi ra. Cái trán rộng hơi nhăn. Ðôi lưỡng quyền[1] đứng sừng sững trên bờ hai cái hố sâu của má thì bóng nhẫy.
Cả cái mũi cao và thẳng tắp cũng bóng lên như vậy. Cái mặt hốc hác ấy, nghiêng nghiêng bên trên quyển sách, trông khắc khổ đến thành dữ tợn. Từ thấy sợ...
(Lược một đoạn: Từ hồi tưởng lại việc Hộ đã cứu vớt, cưu mang mẹ con Từ khi Từ bị tình phụ, những ngày tháng yêu thương, hạnh phúc,... Còn Hộ nghĩ: "đáng lẽ Hộ phải sung sướng lắm").
Nhưng Hộ chỉ sung sướng được ít lâu thôi. Sau cái hành vi đẹp của hắn, và cái hành vi ấy được trả công bằng một tình yêu rất êm đềm, hắn chỉ còn nghĩ đến gia đình, chỉ cốt làm sao nuôi được gia đình. Hộ vốn nghèo.
Hắn là một nhà văn, trước kia, với cách viết thận trọng của hắn, hắn chỉ kiếm được vừa đủ để một mình hắn sống một cách eo hẹp, có thể nói là cực khổ. Nhưng bấy giờ hắn chỉ có một mình. Ðói rét không có nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Ðầu hắn mang một hoài bão lớn[3]. [...] Thế rồi, khi đã ghép đời Từ vào cuộc đời của hắn, hắn có cả một gia đình phải chăm lo. Hắn hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền; hắn hiểu những nỗi đau khổ của một kẻ đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách. Những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lý, nhưng không thể không nghĩ tới, ngốn một phần lớn thì giờ của hắn. Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn... Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. [...] Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt? Hắn để mặc vợ con khổ sở ư? Hắn bỏ liều, hắn ruồng rẫy chúng, hắn hy sinh như người ta vẫn nói ư? Ðã một vài lần hắn thấy ý nghĩ trên đây thoáng qua đầu. Và hắn nghĩ đến câu nói hùng hồn của một nhà triết học kia: "Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ". Nhưng hắn lại nghĩ thêm rằng: Từ rất đáng yêu, rất đáng thương, hắn có thể hy sinh tình yêu, thứ tình yêu vị kỷ đi; nhưng hắn không thể bỏ lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn vẫn còn được là người: hắn là người chứ không phải là một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái. Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. [...] Hắn tự bảo: "Ta đành phí đi một vài năm để kiếm tiền. Khi Từ đã có một số vốn con để làm ăn! Sự sinh hoạt lúc này chẳng dễ dàng đâu!". Từ khi đứa con này chưa kịp lớn lên, đứa con khác đã vội ra, mà đứa con nào cũng nhiều đẹn, nhiều sài, quấy rức, khóc mếu suốt ngày đêm và quanh năm uống thuốc. Từ săn sóc chúng đã đủ ốm người rồi, chẳng còn có thể làm thêm một việc khác nữa. Hộ điên người lên vì phải xoay tiền. Hắn còn điên lên vì con khóc, nhà không lúc nào được yên tĩnh để cho hắn viết hay đọc sách. Hắn thấy mình khổ quá, bực bội quá.
Hắn trở nên cau có và gắt gỏng. Hắn gắt gỏng với con, với vợ, với bất cứ ai, với chính mình. Và nhiều khi, không còn chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, hắn đang ngồi bỗng đứng phắt lên, mắt chan chứa nước, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn. Hắn tìm một người bạn thân nào để nói chuyện văn chương, ngỏ ý kiến về một vài quyển sách mới ra, một vài tên ký mới trên các báo, phác họa một cái chương trình mà hắn biết ngay khi nói là chẳng bao giờ hắn có thể thực hành, rồi lặng lẽ nghĩ đến cái tác phẩm dự định từ mấy năm nay để mà chán ngán. Hắn thừ mặt ra như một kẻ phải đi đày, một buổi chiều âm thầm kia, ngồi trong một làn khói nặng u buồn mà nhớ quê hương. Hắn cũng nhớ nhung một cái gì rất xa xôi... những mộng đẹp ngày xưa... một con người rất đáng yêu đã chẳng là mình nữa. Hắn lắc đầu tự bảo: "Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi". Và hắn nghĩ đến cái tên hắn đang mờ dần đằng sau những tên khác mới trồi ra, rực rỡ hơn... Rồi hắn ra về, thờ thẫn. Những sự bực tức đã chìm đi. Lòng hắn không còn sôi nổi nữa, nhưng rũ buồn...
*
[...]
Cao hứng Hộ bỗng ngoảnh mặt lên. Hắn vừa gặp được một đoạn hay lắm nên ngừng đọc, ngẫm nghĩ và để cho cái khoái cảm ngân ra trong lòng. Ðôi mắt hắn, tuy mới rời trang sách đã nhìn ngay lại phía Từ. Hắn mỉm cười, Từ cũng mỉm cười. Hắn bảo:
- Này, Từ ạ... Nghĩ cho kỹ, đời tôi không đáng khổ mà hóa khổ, chính tôi làm cái thân tôi khổ, tôi mê văn quá nên mới khổ. Ấy thế, mà tuy khổ thì khổ thật, nhưng thử có người giàu bạc vạn nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi, chưa chắc tôi đã đổi. Tôi cho rằng: những khi được đọc một đoạn văn như đoạn này, mà lại hiểu được tất cả cái hay, thì dẫu ăn một món ăn ngon đến đâu cũng không thích bằng. Sướng lắm! Sao thiên hạ lại có người tài đến thế? Mình tính: người ta tả cái cảnh một người nhớ quê hương chỉ mất có ba câu, đúng ba câu!...
Mình có hiểu không? ... Ba câu giản dị một cách không ngờ mà hay được đến như thế này... Hắn đọc lại đoạn văn. Hắn định nghĩa để Từ nghe. Hắn giảng giải cho Từ. Tuy Từ chẳng hiểu được bao nhiêu, nhưng cũng tin lời hắn lắm. Từ giữ mãi nụ cười hiền dịu trong khi nghe hắn nói. Khi hắn ngừng nói đã được một lúc khá lâu.
Từ mới làm như chợt nhớ ra:
- Có lẽ hôm nay đã là mồng hai, mồng ba tây rồi, mình nhỉ?
- À phải! Hôm nay mồng ba... Giá mình không hỏi tôi thì tôi quên... Tôi phải đi xuống phố.
Từ nhắc khéo:
- Hèn nào mà em thấy người thu tiền nhà sáng nay đã đến...
Hộ sầm mặt lại:
- Tiền nhà... tiền giặt... tiền thuốc... tiền nước mắm... Còn chịu tất! Tháng vừa rồi tiêu tốn quá, mới mồng mười đã hết tiền. May mà còn có đất mua chịu được.
Hắn nghĩ đến món tiền hắn đã tiêu phí mấy hôm đầu tháng. Mỗi lần hắn bực tức hay chán nản, hắn lại đi uống rượu, thành thử hết tiền sớm. Từ không hé môi phàn nàn nửa tiếng, nhưng cả tháng Từ ăn và bắt các con ăn kham khổ, thường thường đói nữa! Quà sáng thì bỏ hẳn, có khi bữa tối cũng chịu nhịn cơm, ăn cháo. Hộ trông thấy thế, thương vợ, thương con. Hắn vừa mặc quần áo, vừa nhắc thầm trong trí:
- Nhất định hôm nay không đi đâu cả... Lấy tiền xong là về ngay...
Nhưng Từ bảo:
- Mình đi phố thì đi ăn nhé. Còn có ít gạo chỉ đủ cho lũ trẻ. Em chả đong thêm nữa, để mai trả tiền rồi lấy thêm luôn một thể... Em không để cơm mình đâu đấy... Nhà chẳng còn gì ăn...
Hộ hơi cau mày. Bởi vì hắn sợ bước vào tiệm ăn lắm. Hắn có thể gặp ở đây một vài người bạn... và khi ấy thì... ôi thôi! Mặc kệ gia đình và những cái gì còn lại!... Hắn sẽ uống rất khỏe, nói toàn những chuyện vá trời lấp biển, rồi đi la cà đến hết đêm mới về. Hắn nghĩ ngợi một chút rồi hắn bảo:
- Ðược! Tôi sẽ mua cái gì về để cả nhà cùng ăn.
- Ðừng phiền nữa! Em cứ cho chúng nó ăn cơm trước rồi đi ngủ.
- Ðừng ăn trước... Ðợi tôi đem thức ăn về, ăn một thể. Tôi về sớm. Cả tháng chúng nó đói khát, khổ sở, hôm nay có tiền cũng nên cho chúng nó một bữa ăn ra hồn.
- Vẽ chuyện!
Hắn mỉm cười, đáp lại. Hắn lại gần Từ, cúi xuống nắm lấy tay đứa bé và gọi nó. Mặt hắn và mặt Từ ghé sát.
Hắn cố ý khẽ chạm môi mình vào má Từ một cái. Từ vờ giũ mấy cái bụi ở tay áo hắn. Vợ chồng nhìn nhau âu yếm. Hắn vuốt má Từ một cái rồi ra đi.
Ở tòa báo ra, Hội đi thẳng tới một hiệu thịt quay. Hắn định mua mấy hào thịt, vài cái bánh tây, gói đem về.
Lòng hắn sáng bừng. Hắn tưởng tượng ra cái cảnh lũ con háu ăn và đói khát, rón thịt bằng tay và ăn những miếng bánh thật to, miệng phụng phịu và môi bóng nhờn những mỡ. Cái cảnh thô tục và cảm động! Hắn sẽ cười thỏa thích. Còn Từ sẽ ngồi bên hắn mà nhìn chúng, đôi mắt sung sướng và thương hại loang loáng ướt...
Ðến trước cửa hiệu thịt quay, Hộ dừng lại. Hắn cẩn thận nhìn trước, nhìn sau, trước khi vào. Một người quen có thể đi qua, và nếu họ bắt gặp hắn đang cố nhét một một gói thịt vào túi áo!... Không! Không có gì đáng ngại, ngoài đường phố... Nhưng trong hiệu, một thiếu nữ đẹp đang mặc cả... Hắn đành đợi vậy. Trong khi đợi, hai tay chắp sau lưng, hắn làm ra vẻ đợi một người bạn vừa vào một nhà nào gần đấy. Bỗng một bàn tay đập vào vai khiến hắn giật mình quay lại.
(Lược một đoạn: Hộ gặp Trung và Mão, biết tin cuốn "Đường về" của một người bạn sắp được dịch sang tiếng Anh, không cưỡng lại được nỗi bức xúc trong lòng, anh lại đi uống rượu).
Hộ đã quên hẳn vợ con. Hắn chỉ còn háo hức muốn biết thêm về việc quyển "Ðường về" của Quyền được dịch ra tiếng Anh. Hắn bám lấy Mão và Trung. Ba người vào một tiệm giải khát ở Bờ Hồ. Và chỉ độ nửa giờ sau, Mão và Trung đã thấy Hộ đỏ tai, giộng một cái vỏ chai bia xuống mặt bàn:
- Cuốn "Ðường về" chỉ có giá trị địa phương thôi, các anh có hiểu không? Người ta dịch nó vì muốn biết phong tục của mọi nơi. Nó chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội. Tôi cho là xoàng lắm! Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái[5] , sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay, các anh có hiểu không? Tôi chưa thất vọng đâu! Rồi các anh xem... Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel[6] và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu!
Trung gật gù cười, vẫn cái cười lặng lẽ của y. Mão thì cười hô hố. Hộ không cười, mặt căng lên vì hứng khởi. Hắn nói say sưa lắm. Và đến lúc đèn phố bật, Trung và Mão muốn về, Hộ bảo luôn:
- Thong thả đã! Ði đâu mà vội? Chúng mình đi uống rượu... Tôi có tiền...
Sáng hôm sau. Hắn thức dậy trên cái giường nhà hắn. Hắn thấy mình mẩy đau như dần, đầu nặng, miệng khô và đắng. Cổ thì ráo và rát cháy. Hắn đưa tay với ấm nước ở trên bàn để uống. Ấm nước đầy và nước hãy còn ấm. Ðó là sự ý tứ của Từ. Hộ hiểu thế, và lòng buồn nao nao.
Bởi hắn lờ mờ nhớ ra rằng: hình như đêm qua hắn say rượu, đi la cà chán rồi về, lại gây sự với Từ; hình như hắn lại đánh cả Từ, đuổi Từ đi, rồi mới đóng cửa lại và đi ngủ... Hắn đột nhiên hoảng sợ, nhổm dậy, mắt nhớn nhác tìm Từ. Nhưng không! Từ vẫn còn nhà... Chắc hẳn trong lúc quá say, hắn gài cửa nhưng chưa gài được, thành thử khi thấy hắn ngủ mệt rồi, Từ lại bế con vào. Bây giờ Từ đang thiếp đi trên võng, đứa con nhỏ nằm bên. Từ vốn dậy sớm quen. Sáng nay, chắc Từ mệt quá, vừa mới lịm đi, nên mới ngủ trưa như thế. Ðầu Từ ngoẹo về một bên. Một tay Từ trật ra ngoài mép võng, sã xuống, cái bàn tay hơi xòe ra lỏng lẻo. Dáng nằm thật là khó nhọc và khổ não. Hắn bùi ngùi. Chao ôi! Trông Từ nằm thật đáng thương! Hèn chi mà Từ khổ cả một đời người! Cái tướng vất vả lộ ra cả đến trong giấc ngủ. Hộ nhớ ra rằng: một đôi lúc, nếu nhìn kỹ thì Từ khó mặt lắm. Ðột nhiên Hộ nảy ra ý muốn lại gần Từ, nhìn kỹ xem mặt Từ lúc bây giờ ra sao? Hắn rón rén, đi chân không lại. Hắn ngồi xổm ngay xuống đất, bên cạnh võng và cố thở cho thật khẽ. Hắn ngắm nghía mặt.
Từ lâu lắm. Da mặt Từ xanh nhợt; môi nhợt nhạt; mi mắt hơi tim tím và chung quanh mắt có quầng, đôi má đã hơi hóp lại khiến mặt hơi có cạnh. Hộ khẽ thở dài và lắc đầu ái ngại. Hắn dịu dàng nắm lấy tay sã xuống của Từ. Cái bàn tay lủng củng rặt những xương! Trên mu bàn tay, những đường gân xanh bóng ra, làn da mỏng và xanh trong, xanh lọc. Cái cổ tay mỏng manh. Tất cả lộ một cái gì mềm yếu, một cái gì ẻo lả, cần được hắn che chở và bênh vực... Một vẻ bạc mệnh, một cái gì đau khổ và chật vật, cần được hắn vỗ về an ủi...
Thế mà hắn đã làm gì để cho đời Từ đỡ khổ hơn? Hắn đã làm gì để cho Từ khỏi khổ? Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh. Và hắn khóc... Ôi chao! Hắn khóc! Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc. Hắn ôm chặt lấy cái bàn tay bé nhỏ của Từ vào ngực mình mà khóc. Từ thức dậy, Từ hiểu ngay, không cần hỏi một câu nào cũng hiểu. Và Từ cảm động. Mắt Từ giàn giụa nước. Từ khẽ rút tay ra, vòng lên cổ chồng, nhẹ nhàng núi hắn vào, để hắn gục đầu lên cạnh ngực Từ. Hắn lại càng khóc to hơn và cố nói qua tiếng khóc:
- Anh... anh... chỉ là... một thằng... khốn nạn!...
- Không!... Anh chỉ là một người khổ sở!... Chính vì em mà anh khổ...
Từ bảo thế. Tay Từ níu mạnh hơn một chút. Ngực Từ thổn thức. Từ chực ngả đầu sát vào vai Hộ. Nhưng đứa con, bị giằng, khóc thét lên. Từ vội buông chồng ra để vỗ con. Tiếng vẫn còn ướt lệ, Từ dỗ nó:
- A! Mợ đây! Mợ đây mà! Ôi chao! Con tôi nó giật mình... Mợ thương...
Hộ đã tránh chỗ để Từ đưa võng... Từ vừa đưa vừa hát:
Ai làm cho gió lên giời,
Cho mưa xuống đất, cho người biệt li;
Ai làm cho Nam, Bắc phân kỳ,
Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân.
Theo Nam Cao
Câu 1. Đề tài của truyện ngắn Đời thừa (Nam Cao) là:
A. Người phụ nữ.
B. Người nông dân
C. Người trí thức
D. Người chiến sĩ
Câu 2. Câu văn: Cái mặt hốc hác ấy, nghiêng nghiêng bên trên quyển sách, trông khắc khổ đến thành dữ tợn đã khắc họa đặc điểm nào của nhân vật Hộ?
A. Nghiêm khắc, khó tính.
B. Say mê văn chương.
C. Lạnh lùng, tàn nhẫn
D. U buồn, cô độc.
Câu 3. Vì sao Hộ lại quyết định cứu vớt Từ?
A. Vì Hộ yêu thương Từ và các con một cách chân thành.
B. Vì Hộ muốn thể hiện bản lĩnh của một kẻ khổng lồ
C. Vì Hộ thương hại một người phụ nữ bất hạnh như Từ
D. Vì Hộ bất đắc dĩ phải chịu trách nhiệm với Từ.
Câu 4. Để cưu mang Từ và các con, Hộ đã phải chấp nhận làm điều gì?
A. Từ bỏ công việc sáng tác để giúp đỡ Từ chăm sóc các con.
B. Viết những những thứ văn vô vị, nhạt nhẽo để kiếm tiền
C. Gắt gỏng với chính mình vì đã không thể chăm lo cho vợ con.
D. Cắt đứt mối quan hệ với những người bạn văn chương của mình.
Câu 5. Câu nói "Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi" thể hiện đặc điểm nào của nhân vật Hộ?
A. Hộ tuyệt vọng tự ý thức được sự tha hóa của tư cách tri thức ở mình
B. Hộ đau đớn trước tình cảnh nghèo khổ, cùng quẫn của gia đình.
C. Hộ ăn năn vì những hành động tàn nhẫn đối với mẹ con Từ.
D. Hộ phẫn nộ khi mẹ con Từ đã khiến cuộc đời hắn trở nên thảm hại.
Câu 6. Thông qua nhân vật Hộ, Nam Cao muốn phản ánh bi kịch nào của người trí thức đương thời?
A. Bi kịch nghèo khổ, thiếu thốn về vật chất.
B. Bi kịch tha hóa về nhân cách.
C. Bi kịch thiếu thốn tình yêu thương.
D. Bi kịch cô đơn, lạc lõng của kẻ thất thế.
Câu 7. Hãy lí giải ý nghĩa của nhan đề Đời thừa.
Câu 8. Vì sao vừa vui sướng khi mường tượng ra Cái cảnh thô tục và cảm động về những đứa con, Hộ đã quên hẳn vợ con để say sưa bàn luận với hai người bạn về cuốn Đường về?
Câu 9. Nêu cảm nhận của em về những giọt nước mắt của Hộ ở phần kết của câu chuyện.
II. VIẾT
Câu 1. Viết bài luận phân tích, đánh giá bi kịch của người trí thức được thể hiện qua truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Đáp án
PHẦN I – TRẮC NGHIỆM (6 điểm)
Câu 1 (0.25đ) |
Câu 2 (0.25đ) |
Câu 3 (0.25đ) |
Câu 4 (0.25đ) |
Câu 5 (0.25đ) |
Câu 6 (0.25đ) |
C |
B |
A |
B |
A |
B |
Câu 1. Đề tài của truyện ngắn Đời thừa (Nam Cao) là: A. Người phụ nữ. B. Người nông dân C. Người trí thức D. Người chiến sĩ |
Phương pháp:
Căn cứ vào Nội dung của văn bản.
Lời giải chi tiết
Đề tài của truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao là người trí thức.
→ Đáp án: C
Câu 2. Câu văn: Cái mặt hốc hác ấy, nghiêng nghiêng bên trên quyển sách, trông khắc khổ đến thành dữ tợn đã khắc họa đặc điểm nào của nhân vật Hộ? A. Nghiêm khắc, khó tính. B. Say mê văn chương. C. Lạnh lùng, tàn nhẫn D. U buồn, cô độc. |
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung văn bản.
Lời giải chi tiết:
Câu văn: Cái mặt hốc hác ấy, nghiêng nghiêng bên trên quyển sách, trông khắc khổ đến thành dữ tợn đã khắc họa đặc điểm say mê văn chương của nhân vật Hộ.
→ Đáp án: B
Câu 3. Vì sao Hộ lại quyết định cứu vớt Từ? A. Vì Hộ yêu thương Từ và các con một cách chân thành. B. Vì Hộ muốn thể hiện bản lĩnh của một kẻ khổng lồ C. Vì Hộ thương hại một người phụ nữ bất hạnh như Từ D. Vì Hộ bất đắc dĩ phải chịu trách nhiệm với Từ. |
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung văn bản.
Lời giải chi tiết:
Hộ quyết định cứu vớt Từ vì: Hộ yêu thương Từ và các con một cách chân thành.
→ Đáp án: A
Câu 4. Để cưu mang Từ và các con, Hộ đã phải chấp nhận làm điều gì? A. Từ bỏ công việc sáng tác để giúp đỡ Từ chăm sóc các con. B. Viết những những thứ văn vô vị, nhạt nhẽo để kiếm tiền C. Gắt gỏng với chính mình vì đã không thể chăm lo cho vợ con. D. Cắt đứt mối quan hệ với những người bạn văn chương của mình. |
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung văn bản.
Lời giải chi tiết:
Để cưu mang Từ và các con, Hộ đã phải chấp nhận: Viết những những thứ văn vô vị, nhạt nhẽo để kiếm tiền.
→ Đáp án: B
Câu 5. Câu nói "Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi" thể hiện đặc điểm nào của nhân vật Hộ? A. Hộ tuyệt vọng tự ý thức được sự tha hóa của tư cách tri thức ở mình B. Hộ đau đớn trước tình cảnh nghèo khổ, cùng quẫn của gia đình. C. Hộ ăn năn vì những hành động tàn nhẫn đối với mẹ con Từ. D. Hộ phẫn nộ khi mẹ con Từ đã khiến cuộc đời hắn trở nên thảm hại. |
Phương pháp:
Căn cứ vào nội dung văn bản.
Lời giải chi tiết:
Câu nói "Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi" thể hiện: Hộ tuyệt vọng tự ý thức được sự tha hóa của tư cách tri thức ở mình.
→ Đáp án: A
Câu 6. Thông qua nhân vật Hộ, Nam Cao muốn phản ánh bi kịch nào của người trí thức đương thời? A. Bi kịch nghèo khổ, thiếu thốn về vật chất. B. Bi kịch tha hóa về nhân cách. C. Bi kịch thiếu thốn tình yêu thương. D. Bi kịch cô đơn, lạc lõng của kẻ thất thế. |
Phương pháp giải
Căn cứ vào nội dung văn bản.
Lời giải chi tiết
Thông qua nhân vật Hộ, Nam Cao đã phản ánh bi kịch của người trí thức đương thời: Bi kịch tha hóa về nhân cách.
→ Đáp án: B
Câu 7. Hãy lí giải ý nghĩa của nhan đề Đời thừa. |
Phương pháp giải
Căn cứ vào nội dung văn bản.
Lời giải chi tiết
Gợi ý:
Ý nghĩa của nhan đề Đời thừa:
- Đời thừa được hiểu là cuộc đời bỏ đi, cuộc đời không có nghĩa lí gì.
+ Hộ vốn là người tử tể, giàu khát vọng yêu thương, giàu nhân cách. Hộ vốn là người cho Từ niềm tin nhưng rồi lại đánh mắng vợ con.
+ Hộ vốn là người tử tế trong văn chương nhưng cuối cùng lại viết ra những thứ văn rẻ tiền.
→ Hộ không có ý nghĩa trong cuộc đời dù bản thân nhân cách rất tử tế.
Câu 8. Vì sao vừa vui sướng khi mường tượng ra Cái cảnh thô tục và cảm động về những đứa con, Hộ đã quên hẳn vợ con để say sưa bàn luận với hai người bạn về cuốn Đường về? |
Phương pháp
Căn cứ vào nội dung văn bản.
Lời giải chi tiết
Vừa vui sướng khi mường tượng ra Cái cảnh thô tục và cảm động về những đứa con, Hộ đã quên hẳn vợ con để say sưa bàn luận với hai người bạn về cuốn Đường về vì:
- Con người đâu phải chỉ sống ở một phương diện. Con người luôn là tổng hòa của những mối bận tâm.
- Hộ ngoài việc là một người đàn ông của gia đình thì cũng là một chàng trai có khát vọng, có hoài bão.
→ Bi kịch của con người khi sống trong tổng hòa của rất nhiều mối quan hệ. Khi những mối quan hệ đó va chạm vào nhau con ngươi trở nên dở dang, bế tắc.
Câu 9. Nêu cảm nhận của em về những giọt nước mắt của Hộ ở phần kết của câu chuyện. |
Phương pháp
Căn cứ vào nội dung văn bản.
Lời giải chi tiết
Gợi ý:
Cảm nhận về giọt nước mắt của nhân vật Hộ: Đây là giọt nước mắt của sự dũng cảm: Anh dũng cảm thừa nhận sự yếu đuối, sự bất lực của mình. Con người có thẻ không hoàn hảo, có thể không lí tưởng nhưng là con người biết nghĩ suy.
PHẦN II – LÀM VĂN ( 4 điểm)
Câu 1. Viết bài luận phân tích, đánh giá bi kịch của người trí thức được thể hiện qua truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao
Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập văn bản.
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
* Đảm bảo kết cấu (mở bài, thân bài, kết bài).
a. Mở bài:
- Nêu vấn đề bàn luận: Phân tích, đánh giá bi kịch của người trí thức được thể hiện qua truyện ngắn Đời thừa
của Nam Cao.
b. Thân bài:
* Giải thích:
Bi kịch: Là sự xung đột sự va đập giữa hiện thực và ước mơ. Cũng có thể hiểu bi kịch là sự va đập của những
giá trị tốt đẹp với nhau (nghề nghiệp và tình thương).
- Bi kịch của Hộ là đại diện cho bi kịch của người trí thức trong xã hội xưa.
* Phân tích:
- Bi kịch văn chương:
+ Lý tưởng ban đầu của Hộ là viết một thứ văn như thế nào? (Chỉ viết một tác phẩm nhưng tác phẩm có thể
đạt giải, tác phẩm ca ngợi tình yêu thương, lòng bác ái).
+ Trong thực tế Hộ chỉ viết một thứ văn khuấy loãng, mình đọc còn thấy xấu hổ.
- Bi kịch con người:
+ Bản thân Hộ là một người giàu lòng yêu thương, Hộ cứu vớt mẹ con Từ. Đây chính là cuốn tiểu thuyết hay
nhất mà Hộ viết. Hộ yêu con, Hộ tưởng tượng đến cảnh đứa con được ăn no và cảm thấy hạnh phúc.
+ Trong thực tế, Hộ lại là một “Chí Phèo trí thức” đánh vợ, mắng con.
→ Bi kịch lớn nhất đó là bi kịch văn chương va đập với bi kịch con người. Nguyên nhân dẫn đến sự va đập
đó chính là việc Hộ cố gắng níu giữ cả hai giá trị. Ngoài ra, nguyên nhân đến từ thực tế khách quan, xã hội đã
đẩy con người đến sự giằng xé giữa lý tưởng, tình thương và sự đói nghèo.
* Nhận xét: Chủ nghĩa nhân đạo mới mẻ: Từ cái nghèo, đói Hộ đã đánh mất chính mình.
c. Kết bài: Đánh giá lại vấn đề.